Cần khôi phục và bảo tồn cây đàn Chapi của người Raglai

08:29 05/04/2013 Lượt xem: 55244 In bài viết

Tại buổi hội thảo “Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số, tiếng nói từ cộng đồng” do Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSee) tổ chức tại Hà Nội chị Cao Thị Tuyết Nhung dân tộc Raglai ở bản Cà Hon xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh tỉnh Khánh Hòa đã trình bày hiện trạng cây đàn Chapi của người Raglai đang bị mai một trầm trọng và tha thiết mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc bảo tồn và khôi phục nhạc cụ độc đáo này. Không kìm được cảm xúc, chị đã cất lời hát bài “Giấc mơ Chapi”, giọng hát ấy thật âm vang nhưng cũng đầy tiếc nuối, khắc khoải, nó thôi thúc chúng ta phải đi tìm về giấc mơ chapi của một thời qúa khứ. Trong mỗi gia đình người Raglai xưa cũng có một cây đàn, có thể nói như lời bài hát Giấc mơ Chapi của nhạc sĩ Trần Tiến: “Ai nghèo cũng có cây đàn Chapi”.

Trong mỗi dịp dân làng ngồi quây quần bên bếp lửa hồng, những người già lại kể về thời vàng son của cây đàn chapi. Nếu Mã La của người Raglai là nhạc cụ của những người giàu, thì “ai nghèo cũng có cây đàn chapi”. Trong những đêm mưa đầu mùa, họ lại khảy đàn Chapi với bài “con ếch” nghe man mác buồn. Hay những lần đi nương, đi rẫy quên đồ, tiếng đàn chapi lại rộn rã bài “quên đồ” để thông báo cho mọi và ai biết thì đem trả lại. Rồi khi đôi lứa yêu nhau, trong giờ chia tay quyến luyến, chàng trai lại ôm đàn khảy lên điệu “em ở lại anh về”. Có thể nói “giấc mơ Chapi” là giấc mơ của những người nghèo, có những niềm mơ ước đơn sơ ai cũng được nghe tiếng đàn. Mang âm hưởng của núi rừng.

Đàn chapi được làm từ một mắt tre có chiều dài chừng hơn 30 cm và đường kính dưới 10 cm. Người ta tách vỏ ống tre để làm dây, sau đó vót thật nhẵn miếng tre nhét vào giữa hai sợi dây song song để làm ngựa cho dây đàn, cứ thế sẽ tạo ra từ 5 đến 8 dây là xong phần chế tác. Khi chơi đàn, nghệ nhân áp một đầu ống tre vào bụng, hai tay nâng đàn và dùng ngón tay để bật những sợi dây tạo ra những âm sắc thật độc đáo.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hải Liên, người Raglai nói đàn chapi (đàn koq t’lơr) là bộ mã-la (chiêng đồng, nhạc cụ chính của người Raglai) do một người đánh. Câu nói này có hai ý, một là, đàn chapi không có bài riêng mà chỉ nhại lại bài bản của mã-la, nên rất gần với mã-la. Hai là, người Raglai rất nghiện nhạc mã-la, nhưng một người thì không thể tấu cả bộ mã-la nên phải tạo ra cây đàn chapi để vừa dễ mang theo, vừa có thể thay thế cho mã-la, “mình đánh, mình nghe”.

Tiếng đàn chapi là biểu tượng về đời sống tinh thần của người Raglai dù vui, buồn, giàu nghèo cũng luôn có mặt hiện hữu trong cuộc sống thường ngày. Nếu khoảng 30 năm về trước cây đàn luôn tồn tại trong mỗi gia đình và vào những dịp dân làng quây quần bên nhau, thì tuyệt nhiên trong vòng gần 20 năm trở lại đây không ai còn nghe tiếng đàn chapi nữa. Phải chăng nó đã đi vào dĩ vãng.

Hiện nay những người tâm huyết với nhạc cụ dân tộc này còn rất ít, chỉ có Ông Chama léc Tiến dân tộc Raglai ở thôn Liên Hòa xã Thành Bình, huyện Khánh Sơn tỉnh Khánh Hòa-là người còn có tâm huyết bảo tồn văn hóa dân tộc. Ông tâm sự: “Giờ đây, rất ít người biết chơi đàn chapi, người biết làm đàn thì lại càng hiếm, cả huyện Khánh Sơn chỉ còn duy nhất ông Chama Léc Điệp biết làm đàn nữa thôi”.

Nhận định về vấn đề này, ông Lê Văn Hoa – Chánh văn phòng Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Khánh Hòa, cho biết: “Cây đàn chapi của người Raglai ở Khánh Hòa đang bị mai một trầm trọng, ở huyện Khánh Vĩnh gần như không còn cây đàn nào, huyện Khánh Sơn cũng chỉ còn giữ được vài ba cây đàn, người chơi được đàn lại càng ít và đều ở độ tuổi “gần đất xa trời”.

Việc bảo tồn cây đàn chapi ở Ninh Thuận thì có vẻ khả quan hơn nhưng cũng không tránh được sự mai một. Trưởng phòng Văn hóa và Nếp sống gia đình – Đinh Xuân Lợi (Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Ninh Thuận) cho biết: “Người Raglai ở Ninh Thuận vẫn chơi đàn chapi nhất là trong những dịp hội hè, chủ yếu là người già, nhưng người biết làm đàn chapi thì còn rất ít”.

Trước nguy cơ tiếng đàn chapi bị mai một, người Raglai đang rất mong chờ các cơ quan chức năng vào cuộc để bảo tồn. Trước khi ra Hà Nội dự hội thảo, chị Nhung cùng dân làng đã họp bàn và ủy thác để chị ra hội thảo bày tỏ mong muốn của họ là được khôi phục lại cây đàn chapi, nghệ nhân Kator Thị Cà Răng ở Khánh Sơn, hầu như ngày nào cũng gọi điện nhắc chị ra Hà Nội nhớ bày tỏ nguyện vọng này của người Raglai.

Hiện chính quyền tỉnh Khánh Hòa và một số người dân Raglai đang nỗ lực bảo tồn cây đàn chapi. Ông Chama léc Tiến cho biết: “Hiện, tôi đã tìm kiếm và sưu tầm được 3 chiếc đàn chapi, nhưng 2 cái gần như đã không sử dụng được, bản thân tôi cũng rất thích nghe đàn chapi nhưng tiếc là không biết sử dụng”.

Theo thông tin từ Sở văn hóa Thể thao và Du lịch Khánh Hòa cho biết: hiện nay UBND tỉnh đã ban hành văn bản về kế hoạch thực hiện bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Đề án đang được triển khai ở giai đoạn 1 (2012-2015) thống kê các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số, trong đó có cây đàn chapi của người Raglai. Trong giai đoạn 2 (2016-2020) sẽ đẩy mạnh việc khai thác, phát huy tác dụng các di sản trong xây dựng và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số.

Để đề án đi vào hiện thực và có kết quả cao quả là một bước đi không hề dễ. Hy vọng rằng, trong thời gian tới có nhiều hơn nữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm tới đàn chapi, để chapi không còn là một giấc mơ nữa, nó sẽ hiện hữu và phổ biến trong đời thực của cộng đồng người Raglai. Cần phục hồi và lưu truyền tiếng đàn chapi cho đời sau, đưa chapi vào giảng dạy trong các trường học và tiếng đàn chapi xuất hiện nhiều hơn trong các hội thi, biểu diễn nghệ thuật, triển lãm, giao lưu văn hóa các dân tộc. Đây là điều mà bà con ở Raglai mong muốn.

 

Đinh Nhung