" Người thân " của dân bản

02:56 13/06/2014 Lượt xem: 54766 In bài viết

Lò Văn Thoa xuất thân trong một gia đình nghèo. Năm 1985, vợ chồng anh ra ở riêng. Mọi chi phí cho cuộc sống, sinh hoạt, học hành của cả gia đình trông chờ vào hoa lợi từ mấy trăm m2 đất được bố mẹ chia cho. Biết vậy nên vợ chồng anh chị bảo nhau chăm chỉ cấy trồng. Đất không phụ công người, 4 năm sau, từ tiền tiết kiệm, anh đã mua được mảnh đất 24 m2 mặt đường Quốc lộ 6 vừa để ở, vừa bán hàng tạp hóa, đồng thời thuê đất trồng 1 ha ngô, cấy gần 1 ha lúa nước. Nguồn lợi thu được từ sản xuất, kinh doanh đã giúp anh vào năm 1994 có điều kiện mua một chiếc xe tải vận chuyển nông sản phục vụ bà con trong vùng.

 

Khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nên từ lâu, đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La đã quen canh tác ngô. Quê anh Thoa là một trong những vùng trọng điểm trồng ngô của tỉnh. Ước nguyện của anh Thoa là trở thành nhà cung cấp giống, vật tư nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm ngô cho bà con trong vùng. Tuy nhiên, do mạng lưới giao thông chưa được đầu tư hoàn chỉnh nên chiếc xe tải của anh mới chỉ đến được vùng gần; còn nơi vùng sâu, vùng xa, bà con vẫn phải vận chuyển nông sản, hàng hóa bằng ngựa.

Xác định con đường là động lực giúp bản thân hiện thực hoá mơ ước đồng thời giúp bà con các dân tộc nơi đây phát triển kinh tế; suy đi tính lại, năm 2000, anh bán chiếc xe tải, từ bỏ vốn làm 18 km đường vào các bản vùng sâu, vùng xa trong xã để vận chuyển nông sản và phục vụ đi lại của bà con. Cảm thông với điều kiện, hoàn cảnh của đồng bào các dân tộc trong xã còn nghèo, kinh tế khó khăn, khả năng đầu tư cho sản xuất hạn chế, anh Thoa đã tiên phong thực hiện phương thức ứng giống, phân bón và thu mua toàn bộ nông sản cho các hộ gia đình; sau khi thu hoạch, bán sản phẩm, bà con hoàn trả lại vốn và lãi cho anh. Những năm đầu, không phải ai cũng hiểu và ủng hộ cách làm của anh. Người thân trong gia đình âu lo về khả năng thu hồi vốn bởi sản xuất nông nghiệp thường may rủi do phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Bà con trong bản e ngại hiệu quả của mối quan hệ hợp tác và thiếu tin tưởng vào cam kết "đôi bên cùng có lợi" của anh.

Kiên trì vận động, thuyết phục đồng bào từ chỗ chỉ có vài ba hộ mạnh dạn tham gia, giờ đây, anh Thoa đã xây dựng được mạng lưới vệ tinh 160 hộ hợp tác làm ăn. Mỗi năm, anh phải ứng trước tới 6 tấn ngô giống và 300 tấn phân bón cho bà con. Vùng đất khó khăn ngày nào, nay sôi động trong nhịp sống, nhịp sản xuất cùng cây ngô. Không còn đất rỗi, ngô phủ kín đồi, nương, ven sông, suối, vừa cung cấp hạt làm thức ăn cho gia súc, vừa làm thức ăn ủ chua cho bò. Chiềng Hắc tự hào trở thành vựa ngô, lúa của huyện. Trong thành quả đó của địa phương, hẳn có sự đóng góp của những người nông dân "thức thời" như anh Thoa đã chung tay cùng Nhà nước làm "bà đỡ" sản xuất cho đồng bào.

Trong số những hộ dân ở bản Piềng Lán, xã Chiềng Hắc nhiều năm nay duy trì mối quan hệ làm ăn với anh Thoa có những trường hợp thực sự khó khăn. Gia đình ông Lường Văn Xương do làm ăn thua lỗ, mắc nợ 80 triệu đồng, không có khả năng trả. Liên tục trong 5 năm từ 2006-2010, anh Thoa hỗ trợ gia đình ông Xương mỗi năm 40 kg giống ngô, 13 tạ phân bón trả chậm. Nay, ông Xương không chỉ trả hết nợ mà đã có số dư. Ngoài ra, còn có 20 hộ nghèo trong xã đã được anh Thoa hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ để đầu tư sản xuất.

Điều anh Thoa mừng nhất là đến nay, hơn 2/3 số hộ trong xã Chiềng Hắc nhờ có mối quan hệ hợp tác với anh nên đã thoát nghèo, gần 100 hộ giàu lên từ trồng ngô. Tiền làm nhà, mua xe, sắm tài sản của các hộ đều nhờ ngô mà có. Càng mừng hơn khi điều kiện kinh tế đã khá giả nhưng bà con vẫn duy trì hợp tác làm ăn với anh. Tri ân những con người đã gắn bó bền bỉ và cho mình sự phát đạt, tết Âm lịch hàng năm anh Thoa đều trích lợi nhuận tặng quà cho 160 hộ trong xã. Bởi thế, nếu như trước đây, đồng bào đến với anh do điều kiện kinh tế khó khăn cần có người làm chỗ dựa thì bây giờ, bà con duy trì mối quan hệ bền chặt với anh vì cảm mến tình nghĩa của một con người biết sống vì quê hương, vì đồng bào các dân tộc...

Tích lũy được lượng vốn từ kinh doanh ngô, năm 2011, anh quyết định thành lập doanh nghiệp tư nhân Thoa Phức, với ngành nghề mở rộng sang các lĩnh vực: Bán buôn nông, lâm sản nguyên liệu và động vật sống; xây dựng công trình đường sắt và đường bộ; phá dỡ, chuẩn bị mặt bằng; cung ứng vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng; bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy nông nghiệp; vận tải hàng hóa bằng đường bộ.

Từ khi thành lập, quy mô, tính chuyên nghiệp cũng như uy tín của doanh nghiệp đối với khách hàng ngày càng tăng. Anh tiếp tục thực hiện phương thức hợp tác trả chậm ngô, phân bón trên cơ sở mở rộng địa bàn kinh doanh ra các xã khác mang lại doanh thu hàng tỷ đồng/năm. Riêng năm 2013, anh Thoa thu mua gần 2.000 tấn ngô của bà con và xuất sản phẩm về các tỉnh, thành phố miền xuôi: Hòa Bình, Hà Tây, Hà Nội…

Dù mới mở rộng lĩnh vực hoạt động, nhưng anh Thoa đã có quan điểm đúng đắn xác định chất lượng là một trong những chiến lược sản xuất kinh doanh quan trọng nhất của doanh nghiệp. Anh chủ trương xây dựng các công trình chất lượng cao, giá thành hợp lý, đúng tiến độ trên cơ sở luôn cải tiến, đổi mới trang thiết bị công nghệ; mục đích là nhằm đảm bảo tuổi thọ của công trình, sử dụng nguồn lực đầu tư của Nhà nước hợp lý nhất để quê hương và cộng đồng dân cư có những công trình tốt nhất.

Là người con của dân tộc Thái, anh Thoa yêu sâu sắc bản sắc văn hoá dân tộc. Có điều kiện kinh tế càng thôi thúc anh phải làm những việc có ích góp phần gìn giữ, phát triển bản sắc văn hoá dân tộc. Doanh nghiệp của anh thường xuyên nhận xây dựng các công trình dân sinh gắn với cuộc sống, sản xuất, sinh hoạt của đồng bào các dân tộc: Nhà văn hóa bản Pơ Lang, bản Suối Sáy, xã Tân Hợp, huyện Mộc Châu; đường bê tông dài 9,3 km của bản Hin Phá, xã Chiềng Hắc... Anh cũng đã tặng 3 bộ cồng chiêng cho 3 bản trong xã góp phần duy trì, phát triển văn hóa dân tộc....

Từ hai bàn tay trắng, bằng ý chí, nghị lực và sự nhạy bén, năng động, sáng tạo, anh Thoa cùng gia đình đã tạo dựng được cơ ngơi: nhà xây cao tầng, 5.000 m2 xưởng sơ chế ngô, kho; 4 xe tải, 1 máy xúc. Dù quy mô kinh doanh, doanh thu, lợi nhuận chưa lớn nhưng với một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản như doanh nghiệp Thoa Phức thì đó là mô hình tốt trong liên kết, hỗ trợ phát triển sản xuất giữa doanh nghiệp với nhân dân địa phương, góp phần tăng hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập, từng bước nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc.

Lý Mười

Tạp chí Dân tộc số 161, tháng 5/2014

[TT: PLN]