Lễ hội Katê của người Chăm

09:27 15/01/2013 Lượt xem: 1730 In bài viết

Lễ hội Katê năm nay được tổ chức từ 14/10 đến 17/10 tại thôn Hữu Đức xã Phước Hữu huyện Ninh Phước - Ninh Thuận. Đây là lễ hội đặc sắc trong hàng chục lễ hội hàng năm của đồng bào Chăm. Là nơi hội tụ những tinh hoa văn hoá, sinh hoạt, tập tục, tín ngưỡng, kỹ thuật, mỹ thuật, tập quán thông qua các đồ cúng tế, y phục, nhạc cụ, những bản thánh ca, ca ngợi các vị vua hiền có công với dân với nước, ca ngợi công việc đồng áng, mùa màng, những vần thơ ca ngợi sự hưng thịnh, sản vật trăm hoa, trăm quả, trăm nghề,…Lễ hội Katê là dịp để các chàng trai tài, gái sắc, phô diễn trước công chúng những điệu nhảy, bài ca, điệu kèn mang một phong cách độc đáo, riêng có của dân tộc Chăm, làm lay động lòng người. Trong âm thanh dìu dặt của kèn Samanai, trong nhịp giật thôi thúc của trống Ginăng đưa những người dự lễ lên đỉnh cao của sự thăng hoa, hoà vào điệu múa của các thiếu nữ Chăm bay khắp cõi trời mơ. Lễ hội Katê chính là giây phút thiêng liêng của người trần thế đánh thức các tháp Chăm cổ kính yên ngủ dưới lớp bụi thời gian bừng dậy, sáng loà, toả ra trăm sắc, ngàn hương, góp phần làm phong phú cho vườn hoa văn hoá đa sắc, đa màu của các dân tộc Việt Nam.

Lễ hội Katê diễn ra theo tình tự các bước đã có truyền thống từ xa xưa, bao gồm lễ rước y trang, lễ mở cửa tháp, lễ tắm tượng thần, lễ mặc y phục cho tượng thần và sau cùng là đại lễ. Lễ hội tại đền tháp do Ban tế lễ là các chức sắc đạo Bàlamôn gồm: Thầy cả sư (Pô Dhia) làm chủ lễ, thầy kéo đàn Kanhi - hay còn gọi là thầy cò ke (Ôn Kadhar), bà bóng (Muk Payâu) dâng lễ và ông từ (Camưnay). Lễ vật dâng cúng gồm: 1 con dê, 3 con gà làm lễ tẩy uế đất tháp, 5 mâm cơm cúng có thịt dê, 1 mâm cơn với muối vừng, 3 ổ bánh gạo và hoa quả.

Lễ rước y trang của nữ thần Pô Nâgar (thần Mẹ xứ sở) diễn ra một ngày trước ngày hội chính. Y phục của Nữ thần Pô Nâgar do người Raglai (một bộ tộc miền thượng) cất giữ. Lý do vì sao mà y trang của Nữ thần Mẹ xứ sở của người Chăm lại do người Raglai giữ hộ thì hiện còn nằm trong các màn sương dày của các truyền thuyết! Đến ngày hội lễ Katê thì người Chăm làm lễ đón y trang do người Raglai chuyển lại và để y trang của Nữ thần Mẹ xứ sở vào một ngôi đền gần tháp. Trước khi rước y trang lên tháp, đoàn người Raglai tập trung đông đủ, ông từ giữ đền dâng cúng lễ vật, gồm: Trứng, rượu, trầu cau và xin phép thần được rước y trang về tháp để làm lễ.
Tiếp theo là lễ mở cửa tháp do một vị cả sư và ông từ trong coi tháp điều hành. Lễ vật gồm có rượu, trứng, trầu cau, nước tắm thần có pha trầm hương,.... Trong không khí trang nghiêm, vị cả sư đọc mấy câu thơ (trong kinh hành lễ): “Chúng con lấy nước từ sông lớn/ Chúng con đội về tháp tắm thần/ Thần là thần của trời đất/ Chúng con lấy những tấm khăn đẹp nhất/ Lau mồ hôi trên mình, tay chân của thần,...”.

Sau đó ông từ cầm lọ nước tắm thần tạt lên tượng phù điêu thần Siva trên vòm cửa chính cuả tháp. Tiếp đó, thầy kéo đàn Kanhi (tương tự đàn nhị của người Việt) và bà bóng tiến đến trước cửa tháp chính, ngồi bên tượng bò thần Nađin để hát lễ xin mở cửa tháp: “Hãy xông hương trầm bằng lửa thiêng/ Hương trầm của người trần dâng lễ/ Hương trầm bay toả ngát không gian/ Chúng con xin mở cửa tháp cúng thần”.

Bà bóng và ông từ bắt đầu mở cửa tháp trong khói hương trầm nghi ngút và sự chăm chú của mọi người.

Tiếp theo là lễ tắm tượng thần, lễ này được diễn ra bên trong tháp. Lễ tắm tượng thần là một thủ tục linh thiêng, do ông cả sư, thầy cò ke, bà bóng, ông từ và một số tín đồ nhiệt thành thực hiện. Sau khi đọc các đoạn trong kinh hành lễ, ông từ cầm lọ nước tắm vẫy lên pho tượng đá, mọi người có mặt cùng tắm cho thần. Trong khi tắm, những tín đồ nhiệt thành lấy nước trên thân tượng thần bôi lên đầu, lên thân thể mình để cầu tài lộc, sức khoẻ, may mắn,...

Sau khi tắm cho tượng thần xong là bắt đầu lễ mặc y phục. Thầy cò ke hát một bài thánh ca, hát đến đâu thì ông từ, bà bóng mặc y phục đến đó. Đầu tiên là mặc váy, rồi đến áo cho tượng thần.

Đại lễ được tiếp theo khi tượng thần đã mặc trên mình bộ xiêm bào lộng lẫy, các lẽ vật dâng cúng được bày ra trước bệ thờ. Chủ trì buổi lễ là vị cả sư, bà bóng bày lễ vật, thầy kéo đàn Kanhi mời các vị thần cùng về dự lễ. Lần lượt thầy cò ke hát mời 30 vị thần, mỗi vị thần thầy hát một bài thánh ca để mời. Thầy cả sư làm phép đọc kinh cầu nguyện xin thần về hưởng lễ và phù hộ độ trì cho muôn dân. Kết thúc đại lễ là màn vũ điệu múa thiêng của bà bóng.

Trong lúc bà bóng đang xuất thần điệu múa thiêng bên trong tháp để kết thúc đại lễ thì bên ngoài bắt đầu mở hội. Những điệu trống Ginăng, kèn Saranai cùng loạt vang lên, cầm nhịp cho các cô gái Chăm trong vũ điệu cuồng nhiệt, say sưa, hấp dẫn, thôi thúc mọi người. Không khí vui nhộn liên tục cho đến khi mặt trời khuất sau các dãy núi,...

Các lễ hội Katê ở các làng Chăm diễn ra một hoặc có khi là vài ngày sau khi kết thúc lễ hội ở các tháp. Ở đây, mấy hôm trước ngày hành lễ Katê làng, dân làng đã quét dọn đền miếu (mỗi làng Chăm thường thờ riêng một vị thần), chuẩn bị sân khấu, bãi chơi để thi dệt thổ cẩm Chăm, thi đội nước, kéo co,…Những năm gần đây còn tổ chức cho thanh niên chơi bóng đá, bóng chuyền, mọi nhà đều sắp xếp, trang hoàng nhà cửa, mua sắm đồ ăn, thức uống...Nếu như lễ hội Katê ở tháp nặng về phần lễ thì Katê làng lại nghiêng về phần hội.

Trong ngày hội Katê làng, sau khi chuẩn bị xong lễ vật, buổi sáng, mọi người làm lễ cúng Katê ở Nhà Làng để cầu mong thần phù hộ cho dân làng bình an, khoẻ mạnh và làm ăn phát đạt. Chủ lễ không phải là chức sắc tôn giáo mà chủ làng (Pô Paley) hoặc già làng có uy tín và tinh thông phong tục tập quán. Khi kết thúc buổi lễ là lúc bắt đầu các trò chơi. Tại làng Mỹ Nghiệp, nơi tập trung hơn 500 thợ dệt thổ cẩm Chăm lành nghề (thị trấn Phước Dân huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) trong lễ hội Katê hàng năm, ngoài các trò chơi như, múa quạt, kéo co,...đã diễn ra hội thi dệt thổ cẩm rất sôi nổi.

Khi lễ Katê làng kết thúc thì lễ Katê gia đình mới được bắt đầu. Mỗi gia đình, tuỳ theo điều kiện của mình mà mua sắm các thứ cho ăn mặc như Tết nguyên đán của người Kinh vậy. Khi cúng lễ ở mỗi nhà, mọi người trong gia đình phải có mặt đầy đủ để cầu mong tổ tiên thần linh phù hộ cho con cháu làm ăn phát đạt, tránh được rủi ro, gặp nhiều may mắn,... Đây cũng là dịp ông bà, cha mẹ giáo dục con cháu nhớ ơn công lao sinh thành, giáo dưỡng của ông bà, tổ tiên,... Mọi người sau khi cúng lễ xong thì hưởng lễ hay đi thăm viếng người thân, bạn bè, chúc tụng nhau. Trong lúc đến viếng thăm nhau, ngoài những lời chúc tụng về sức khoẻ, hạnh phúc và công việc, người Chăm hay mời nhau uống rượu, ăn các loại bánh, trái cây,...

Lễ hội Katê là hình thức sinh hoạt lễ hội đặc sắc nhất của đồng bào Chăm, cuốn hút tất cả mọi thành viên trong thôn làng ở tất cả mọi cấp độ, mọi lứa tuổi, không một người nào bị lãng quên, mọi người tham gia với khả năng của mình vào các hoạt động của cộng đồng. Các thiếu nữ Chăm thuộc làu từng động tác, từng phách, từng nhịp, cách trở, gập quạt, cách uốn, nhún, lượn, xoay, đảo,... từ các nghệ nhân, những người cao tuổi trong làng để tạo nên sự uyển chuyển, duyên dáng, nhuần nhuyễn, nhịp nhàng đến khó tin qua các màn múa quạt tập thể làm say lòng người. Khâm phục hơn nữa khi biết họ là những thiếu nữ Chăm bình thường, trước ngày hội Katê chỉ tập họp ôn luyện cùng nhau vài buổi để ra trình diễn! Nếu không phải là cái truyền thống, cái máu thịt, không thể có được sự nhịp nhàng, chính xác đến vậy.

Mặc dầu cộng đồng người Chăm chịu nhiều ảnh hưởng nền văn hoá Ấn Độ song lễ hội Katê lại biểu hiện một lối đi riêng, một thái độ tiếp thu văn hoá gắn với truyền thống văn hóa bản địa. Những người chủ của lễ hội này, của nền văn hoá Chăm, mặc dù trong tâm thức, người ta vẫn thờ cúng thần Siva nhưng cộng đồng người Chăm trên lãnh thổ Việt Nam còn coi trọng, tôn thờ những vị anh hùng dân tộc, kết hợp hài hoà giữa cái xưa và cái nay, cái quá khứ và cái hiện tại. Vì vậy mà các tháp Chăm, nơi hành lễ Katê đều gắn liền tên của một ông vua có nhiều công với thần dân, được mọi người phong thành Thần và tên tháp thờ mang tên ông, như tháp Pô Klong Garai, Pô Rômê, Pô Nưgar,... Đấy chính là một điểm mấu chốt để nền văn hóa Chăm mãi mãi vững bền trước các biến cố lịch sử, biểu hiện sức sống mãnh liệt của văn minh cội nguồn hội nhập với văn hoá Đông Nam Á, làm cho diện mạo của lễ hội Katê thêm phong phú, đa dạng, hợp lòng người, mãi mãi trường tồn.

Lê Thuận Đăng