Vai trò của dòng họ người Mông trong bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở Hà Giang
10:41 15/06/2015 Lượt xem: 56317 In bài viếtHà Giang là tỉnh có số lượng người Mông lớn nhất cả nước và dân tộc Mông cũng là tộc người có số dân đông nhất tỉnh, chiếm 31% (244.277 người) tổng số dân, với các nhóm gồm: Mông Trắng, Mông Hoa, Mông Xanh. Với số dân chiếm 1/3 dân số toàn tỉnh, 1/4 tổng số người Mông của cả nước, người Mông ở Hà Giang là một trong những chủ nhân văn hóa của vùng đất cao nguyên đá Đồng Văn, đồng thời văn hóa tộc người Mông góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa của các dân tộc.
Dòng họ là thiết chế căn bản của xã hội người Mông trong truyền thống cũng như hiện nay và luật tục tộc họ là công cụ quan trọng nhất để dòng họ người Mông quản lý, điều hành các mối quan hệ trong đời sống cũng như trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tộc người. Người Mông có nhiều nghi lễ dòng họ, trong đó tiêu biểu nhất là lễ cúng Thần lửa và lễ hội Gầu Tào:
Lễ cúng Thần lửa (Thi su) là lễ cúng chung của dòng họ, khoảng 30 đến 40 năm cả họ sẽ cúng một lần hoặc 4 đời cúng 3 lần. Dòng họ làm lễ cúng Thi su khi trong họ xảy ra hỏa hoạn cháy nhà hoặc có người chết do bị tai nạn (bên ngoài nhà). Đồng bào cho rằng, do trong dòng họ có người thất lễ, phạm vào thần lửa, bị thần phạt, nên phải làm lễ cúng để tẩy rửa mọi sú uế, đen đủi cho cả họ, đồng thời dùng phép bắt, nhốt thần lửa để thần không về làm hại người trong dòng họ.
Thường lễ cúng Thi su diễn ra ở nhà của người có vai vế cao nhất trong họ (thuộc cành trên). Đồ lễ gồm: một sàng ngô hạt, đặt quả trứng gà ở giữa, dưới sàng ngô đặt bạc lẻ, 2 bát mèn mén, 2 bát nước và 3 chén rượu, tất cả đồ lễ được đặt trên một cái bàn, kê dưới bàn thờ (xử ca). Bên cạnh bàn cúng có thêm một con gà trống được úp nhốt trong quẩy tấu và một con dê đực to. Thầy cúng đầu buộc vải đỏ, tay phải cầm thanh gỗ tượng trưng cho lưỡi kiếm, tay trái cầm vòng sắt ngồi trên đàn 3 tầng (ngụ ý ngồi cao, màu đỏ, tay cầm vũ khí mới thách đấu được thần lửa). Khi tiến hành lễ cúng tất cả đàn ông, con trai, trẻ con trong dòng họ phải về dự, mỗi người tay cầm một thanh gỗ tượng trưng cho quân cầm kiếm, khi thầy cúng đọc đến tên thần lửa, giơ kiếm chém thì mọi người phải chém theo. Lễ cúng này được diễn ra từ tối hôm trước. Sáng hôm sau, thầy cúng chính tay phải cầm gà trống, tay trái cầm hai thanh gỗ, thầy cúng phụ cầm một bình nước, cùng đi ra sau nhà, bắc thang trèo lên nóc, đi từ phải sang trái thách đấu với thần lửa, thầy cúng chính cho cổ gà gác lên hai thanh kiếm (thần lửa thấy mầu đỏ của mào gà, lông gà và mảnh vải đỏ trên đầu thầy cúng sẽ xuất hiện), thầy cúng sẽ chiến đấu với thần lửa. Mỗi lần thầy cúng chính hô chém thần lửa thì thầy cúng phụ phun nước để dập lửa. Trong lúc, các thầy cúng chiến đấu với thần lửa thì ở trong nhà, cử 4 người, một người dắt dê (lưng dê có yên được tết bằng cỏ ranh, đựng tất cả số thanh gỗ tượng trưng cho kiếm mà đàn ông trong họ cầm khi cúng), một người cầm bó đuốc tẩm dầu, một người cầm túi bột hạt kê, người còn lại cầm bình nước làm thủ tục quét nhà (ngụ ý quét hết cái đen đủi). Con dê được dắt đi từ cửa chính, sang bếp lò, qua xử ca, đến bếp nấu, đi đến đâu ném bột kê, thổi đuốc cháy và phun nước vào đó. Đồng thời họ đưa bó đuốc thật sát đuôi dê, rồi ném bột kê vào để đuốc cháy bùng lên, dê thấy nóng sẽ chạy nhanh hơn. Thủ tục này được làm lần lượt từ hộ chủ trì lễ cúng đến tất cả các hộ trong dòng họ (khi đó các hộ không được đốt lửa). Sau khi làm xong thủ tục quét nhà thì dắt dê ra ngã ba, lấy cỏ ranh tết thành dây, từng người nam trong dòng họ chui đầu qua và làm dấu bằng cách buộc một nút tượng trưng cho sự ngăn cách giữa thần lửa và người, để thần không hại người được nữa. Sau thủ tục này thì dắt dê đi về hướng mặt trời lặn, lên một đỉnh núi cao, mổ dê làm thịt, đàn ông mới được ăn, thừa cũng không mang về. Thầy cúng chuẩn bị sẵn một cái bình bằng đất nung, hướng miệng bình về phía mặt trời lặn, gọi tên thần lửa, niệm thần chú nhốt thần lửa vào trong bình, đem bình đi trôn ở một khe đá, sau đó lấy nước dập tắt hết lửa, mọi người ra về.
Lễ hội Gầu tào (tsang taox = cầu tự): theo phong tục truyền thống của đồng bào Mông, khi những gia đình, dòng họ không có con cái để nối dõi tông đường hoặc những gia đình gặp nhiều điều sui sẻo trong cuộc sống thì vào dịp đầu năm mới họ làm lễ cầu khấn và yểm vào núi, đồi hay các tảng đá lớn mong được phù hộ cho con cái, tài lộc… Qua các năm sau đó, nếu điều ước trở thành hiện thực thì gia đình, dòng họ phải đi mời thầy cúng về tổ chức lễ hội Gầu tào để tạ ơn trời đất, thần linh thổ địa đã đáp ứng lời thỉnh cầu, ước nguyện ban cho con trai nối dõi tông đường chăm sóc tổ tiên. Tục lệ quy định nếu gia chủ, dòng họ, thôn bản nào đứng ra tổ chức lễ hội Gầu tào thì phải tổ chức lễ tạ ơn trong 3 năm liên tục, sau đó mới đến lượt người khác.
Lễ hội được tổ chức vào dịp Tết nguyên đán, từ mồng 3 đến 14/1 âm lịch. Thành phần chính tham gia lễ gồm: chủ gia đình và dòng họ chủ trì lễ hội (một đôi vợ chồng đại diện chủ nhà và trưởng dòng họ); thầy cúng (gồm một thầy cúng chính và hai thầy cúng phụ), cùng toàn bộ nam, nữ, người già, trẻ con trong thôn bản, kể cả vùng lân cận cùng tham gia để cầu cho mình một năm mới may mắn, làm ăn thuận lợi và thi đấu các trò chơi dân gian, văn nghệ, thể thao.
Địa điểm tổ chức lễ hội được lựa chọn ở một bãi đất bằng trong thôn, dựng một cây nêu bằng tre để nguyên cánh, vút ngọn cao khoảng 13m đến 15m (tượng trưng cho cầu nối giữa trời và đất), cắm 9 cây trúc cao 2m xung quanh cây nêu và buộc chỉ đỏ hoặc dây lanh quanh 9 cấy trúc (thể hiện chủ quyền bao quanh khu vực diễn ra lễ hội). Trong truyền thống cây nêu chỉ trang trí một số hình nhân, hình các loại quả được cắt bằng giấy màu, hiện nay đồng bào trang trí thêm các nông sản địa phương như ngô bắp, quả đậu, hạt tam giác mạch buộc thành cụm (lễ hội có thêm ý nghĩa cầu mùa) và các dải vải lộc hội có đủ bốn màu xanh, đỏ, tím, vàng. Bên cạnh cây nêu là bàn làm lễ của thầy cúng, đồ lễ cúng gồm: một thủ lợn luộc chín, rượu, một túm ngô bắp còn nguyên vỏ, một bát mèn mén, 4 bát con và tiền (90.000 đồng, trước đây là bạc trắng) để làm lý lối. Cạnh bàn lễ cúng người ta dựng 2 cây gỗ to, thẳng, cao khoảng 12m, bên trên buộc cây sà ngang 1,2m và treo một bình rượu lộc là đích tại điểm buộc sợi dây leo buông xuống, dựng thêm một cây gỗ tươi thẳng đứng cao khoảng 18 – 20m để các chàng trai thi trổ tài leo cột uống rượu lộc.
Lễ hội thường diễn ra từ 3 đến 5 ngày, phần lễ thường diễn ra trong buổi sáng của ngày thứ nhất. Trước tiên vợ chồng gia chủ làm thủ tục lý lối và thỉnh cầu thầy cúng, tiếp theo thầy cúng làm thủ tục xin phép thổ công dựng cây nêu mở hội. Khi dựng xong cây nêu, thầy cúng sẽ công bố khai hội và những quy định cấm kỵ để mọi người tham dự tuân thủ, sau đó thầy cúng treo cung tên lên cây nêu (tượng trưng cho luật lệ của lễ hội) là kết thúc phần lễ. Để mở màn cho phần hội, trưởng lễ sẽ hát bài Lễ dựng hội, sau bài hát này sẽ diễn ra các cuộc thi tài năng văn nghệ, thể thao, vui chơi, ca hát... Thành phần tham gia chủ yếu là thanh niên, nam nữ, người tham gia phải thật sự tài năng. Lôi cuốn nhất là phần thi hát đối đáp, hát ống, họ hát đến khi một người chịu thua mới thôi, nên cuộc thi hát có khi kéo dài từ ngày này sang ngày khác.
Cưới xin: các nghi lễ, thủ tục trong cưới xin của người Mông đều có sự tham gia của dòng họ, nổi bật là vai trò của ông cậu. Sự thành công của cuộc hôn nhân (cưới cháu gái) do ông cậu quyết định. Nguyên tắc ngoại hôn dòng họ được tuân thủ nghiêm ngặt. Đồng bào quan niệm, kết hôn với họ khác sẽ làm ăn phát đạt, con cái khỏe mạnh, thông minh. Bên cạnh mặt tích cực trên, ngoại hôn dòng họ cũng có những “hạn chế” nhất định, sự ưa chuông quan hệ hôn nhân con cô – con cậu, con dì – con già dẫn đến tục lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Trong đám cưới của người Mông, bên cạnh những nét đẹp phong tục văn hóa truyền thống vẫn tồn tại một số vấn đề đặt ra. Việc duy trì, bảo tồn phong tục tập quán là cần thiết, song để đảm bảo xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh cũng cần xem xét để từng bước khắc phục những “hủ tục” không còn phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay.
Tang ma: Khi gia đình, dòng họ có người chết, cả họ giúp đỡ làm ma, thực hiện các phong tục liên quan. Trưởng họ có trách nhiệm phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, còn người “cầm quyền ma, quyền khách” - cho đaz khuô sẽ chủ trì phong tục. Các bước làm ma phải theo đúng phong tục của dòng họ, khi cho đaz khuô và những người giúp việc thực hành phong tục tất cả anh em họ hàng giám sát, theo dõi, xem có làm đúng hay không.
Nếu gia đình người chết quá khó khăn, tất cả anh em trong dòng họ sẽ giúp đỡ để làm ma được đàng hoàng. Lễ phúng viếng của mỗi hộ gia đình được quy định đặt trong mối quan hệ dòng họ, nếu là anh em ruột, bà cô, ông cậu, thông gia, con rể thì lễ phúng viếng phải có con vật 4 chân. Những người cùng vai vế thì lễ phúng viếng bao giờ cũng phải tương đương nhau.
Nhạc cụ quan trọng nhất trong đám ma người Mông là cây khèn. Đồng bào Mông kiêng thổi khèn trong nhà lúc bình thường, mà chỉ thổi khèn trong nhà khi có người chết. Do vậy, mọi người phải tranh thủ học thổi khèn vào lúc này.
Trong đám ma người Mông, quan hệ dòng họ nổi bật là vai trò của bà cô. Bà là khách mời, vì vậy khi gia đình có người mất, phải cử người đi mời bà cô về chịu tang. Do đó, vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa trong tang ma người Mông nhìn từ góc độ quan hệ dòng họ nổi lên vai trò quan trọng của bà cô trong việc thay đổi các phong tục không còn phù hợp.
Làm nhà mới: Để làm được ngôi nhà truyền thống ở vùng cao núi đá hết sức khó khăn, từ việc san ủi mặt bằng, đến nguyên vật liệu, ngoài gỗ làm cột, sà phải cắt nhiều cỏ ranh hoặc nếu có điều kiện thì nung ngói âm dương lợp và quan trọng nhất là tìm được đủ đất để làm tường trình (phải là đất thịt, có độ kết dính cao). Vì thế khi làm nhà phải huy động nhân lực cả dòng họ, ngoài giúp công sức, thành viên dòng họ còn có quà mừng gia chủ. Các thủ tục tín ngưỡng liên quan đến ngôi nhà cũng do người trong dòng họ thực hiện. Người làm thầy cúng của dòng họ sẽ giúp gia chủ các thủ tục cúng bái, từ chọn đất làm nhà, chọn ngày đẹp khởi công. Trưởng họ là người đặt sà nóc và cột chính. Khác với các tộc người thường làm lễ ăn mừng nhà mới khi đã hoàn tất và dọn về ở, người Mông tổ chức lễ ăn mừng nhà mới khi dựng xong khung nhà, đặt sà nóc và làm được cửa chính.
Nghi lễ của dòng họ và những sinh hoạt chung của gia đình người Mông là tập hợp các nguyên tắc ứng xử mang tính tộc họ. Việc thực hành các nghi lễ dòng họ và những sinh hoạt chung của gia đình không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh, giải tỏa vấn đề tâm lý, niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo, thực hiện tập quán tộc người mà còn là dịp để người già trao truyền cho con cháu (con trai) học phong tục và nhắc cho các thành viên nhớ rõ anh em trong họ tộc. Như vậy, thông qua việc thực hành các nghi lễ dòng họ và những sinh hoạt chung của gia đình, người Mông sẽ bảo lưu, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa tộc người mình.
ThS. Sầm Thị Dương
Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang
(Tạp chí Dân tộc số 169, tháng 01/2015)
[NNL: DH]