Tín ngưỡng nông nghiệp của người Nùng ở Thái Nguyên

10:45 15/06/2015 Lượt xem: 55572 In bài viết

Hôm cấy thửa ruộng đầu tiên mở đầu vụ cấy, đồng bào làm xôi đỏ, đen, thịt gà (hoặc thịt vịt) đặt lên bàn thờ trình báo, cầu mong tổ tiên và các thần phù hộ mùa màng bội thu.

Đối với loại cây khó trồng như hành, tỏi và một số loại rau, đồng bào đều có những kiêng kị. Họ cho rằng cái chết của bất kỳ ai đều có ảnh hưởng đến sự sống, sinh trưởng của cây trồng (hành, tỏi…), nên những ai vừa đi đám ma phải kiêng ít nhất ba ngày không vào vườn đang trồng các thứ rau nói trên. Trước đây, khi trồng lúa, ngô trên nương, đồng bào cũng làm mâm xôi, thịt, rượu thắp hương cúng thần tại nương rẫy, cầu thần phù hộ cho hạt lúa, ngô nảy mầm đều, tránh chim phá hoại. Hạt giống gieo không hết, không được rang, làm bỏng… vì sợ hạt giống vừa gieo trên nương bị chết.

Đồng bào quan niệm lúa, ngô đều có linh hồn, thường tiếp nhận thái độ của con người. Người đối xử tốt với lúa, ngô thì lúa, ngô sẽ tốt tươi; ngược lại ngô, lúa sẽ đau khổ, cằn cỗi, khô héo khi con người có thái độ, hành động tàn nhẫn.

Đồng bào Nùng quan tâm đến hiện tượng mưa và cả tục mừng tiếng sấm đầu mùa là tiếng gọi hồn lúa, mẹ lúa, mẹ đất thức dậy sau thời gian tạm ngủ trong mùa đông hanh khô, giá rét. Giờ sấm dậy là giờ linh thiêng, con người cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt với những nghi thức khác nhau. Giờ sấm dậy còn là giờ các hạt giống trở mình, bừng thức. Vào giờ đó, tại các gia đình, người già đun nước pha trà, rót nước, thắp hương mời tổ tiên.

Đối với người Nùng ở Thái Nguyên, hoạt động tín ngưỡng liên quan đến sản xuất được tiến hành thường xuyên trong năm, điển hình là các lễ hội: Lồng tồng “ocpo”, lễ cơm mới, ngày diệt sâu bọ… Đầu xuân, đồng bào tiến hành lễ hội lồng tồng ở trung tâm văn hóa xóm. Hội lồng tồng được tổ chức đầy đủ nhất ở xóm Ba Đình (Đồng Hỷ) vào ngày mùng 6 tháng Giêng. Lễ vật tế tự gồm: xôi, gà luộc cùng các cây hao làm bằng tre, gỗ nhuộm màu sặc sỡ, được cắm hoặc treo lên những cành găng có gai. Lễ hội được phát sinh từ ý niệm là dịp để rước thần nông, thức tỉnh hồn lúa, hoa màu thức dậy và hồn đất trở lại cuộc sống bình thường thông qua nghi lễ ma thuật, cầu khẩn của Tào, Mo, Then. Trước đây, khi phần “lễ” kết thúc, đến phần hội với những trò chơi lý thú: Ném còn, múa sư tử, hát Sli, lượn… Ngày nay, những trò chơi trên được thay thế bằng các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, góp phần thắt chặt mối quan hệ cộng đồng, làng bản.

Dịp mùng 5 tháng 5 hàng năm, đồng bào Nùng tổ chức nghi lễ diệt sâu bọ cho đồng ruộng. Lễ vật gồm: Bánh kẹo, rượu, hoa quả… Nghi lễ được tiến hành trong phạm vi từng gia đình với mong muốn mùa màng tươi tốt, không bị sâu bọ, côn trùng phá hoại. So với các hoạt động tín ngưỡng khác, nghi lễ diệt sâu bọ được tiến hành đơn giản nhưng không thể thiếu của đồng bào địa phương.

Một nghi lễ quan trọng liên quan đến nông nghiệp là lễ ăn cơm mới. Phong tục này tồn tại phổ biến trong các gia đình người Nùng ở Thái Nguyên. Thời gian cúng cơm có sự khác nhau, phụ thuộc vào tình hình thực tế của mỗi gia đình sau vụ mùa. Thông thường, người Nùng tổ chức ăn cơm mới vào thời điểm bắt đầu thu hoạch vụ mùa. Trước hết, người ta gặt một ít thóc đầu mùa mang về phơi khô, xay giã thành gạo trắng, rồi nấu cơm vừa dẻo vừa thơm ngon. Nếu lúa chưa kịp chín tới, họ ngắt vài bông bỏ vào nồi cơm gạo cũ để có hương vị lúa mới, coi đó là cơm gạo mới. Sau đó, mang cơm mới cùng mâm thức ăn gồm: thịt, cá, rượu và một bát canh hỗn hợp mướp, khoai sọ, bầu, bí, rau … bày lên bàn thờ gia tiên. Chủ gia đình khấn lạy trước bàn thờ, kể về công lao của tổ tiên và các gia thần đã phù hộ, công thành đã tới, mong các linh thần tiếp tục theo dõi, phù giúp cho công việc của gia đình. Kết thúc lễ cúng, người ta mang những bông lúa đã hấp trong nồi cơm cắm vào các bát hương hay cài trên vách bàn thờ. Sau đó, dọn cơm ăn để mọi người cùng hưởng lộc. Mâm cơm này không để khách lạ ăn cùng.

Đồng bào còn có nghi lễ cúng thần Rừng (tạ ơn thần Rừng). Xuất phát từ điều kiện canh tác ruộng nương trước kia của đồng bào chủ yếu ở ven đồi, bìa rừng, hổ, gấu, hươu, nai… thường đến tàn phá. Người Nùng đã đem lễ đến bìa rừng, ven đồi để cúng; sau khi cúng xong, thú dữ và chim chóc không phá hoại mùa màng nữa. Do đó, đồng bào quyết định lập đền thờ thần Rừng. Hiện nay, ở xóm Khai Thông, thị trấn Trại Cau vẫn còn ngôi đền thờ “La Thiên”.

Người Nùng ở Thái Nguyên hiện vẫn duy trì và thực hành nhiều nghi lễ tín ngưỡng liên quan đến nông nghiệp. Đồng bào coi hạt thóc, cây lúa cùng các loại cây trồng, vật nuôi đều có linh hồn - yếu tố quyết định sự phát triển của cây trồng và năng suất thu hoạch. Họ cho rằng các yếu tố khác tác động đến sản xuất nông nghiệp như đất đai, sông nước, sấm, kể cả nghề nông… cũng có thần linh điều khiển, do đó, cần làm lễ để cầu mong sự phù hộ từ các vị thần này.

Các nghi lễ nông nghiệp nêu trên đã và đang tồn tại không chỉ đa dạng về hình thức mà còn phong phú về nội dung, thể hiện bản sắc văn hóa tộc người, góp phần củng cố khối đoàn kết bản làng và lưu giữ các đặc điểm văn hóa Nùng.

Nguyễn Thị Lan Hương - Ngô thị Hương
Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên
(Tạp chí Dân tộc số 169, tháng 01/2015)
[NNL: DH]