Bảo tồn và phát huy điệu hát dân ca của dân tộc Sán Dìu
02:25 11/03/2013 Lượt xem: 450 In bài viếtBắc Giang là tỉnh có nhiều dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc Sán Dìu là khoảng 24.000 người, sinh sống chủ yếu ở các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Lạng Giang, Yên Thế. Riêng huyện Lục Ngạn có khoảng 20.000 người, tập trung chủ yếu ở các xã Quý Sơn (4.845 người), Giáp Sơn (3.104 người), Hồng Giang (1.570 người), Nghĩa Hồ (1.506 người) và Tân Mộc (1.062 người).
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Dân tộc, ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch các cấp và của cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng bào dân tộc Sán Dìu ở huyện Lục Ngạn đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc mình như các phong tục, tập quán, ca hát dân gian, tiếng nói, chữ viết và đặc biệt là việc sưu tầm, giữ gìn, phục hồi và xây dựng các câu lạc bộ hát dân ca. Trong số 14 câu lạc bộ hát dân ca đang hoạt động của các dân tộc thiểu số ở Lục Ngạn thì có tới 8 câu lạc bộ của người Sán Dìu thuộc các xã Quý Sơn, Giáp Sơn, Nghĩa Hồ, Nam Dương, Hồng Giang, Kiên Thành, Phượng Sơn. Các câu lạc bộ được thành lập đều có quyết định của chính quyền, có Ban chủ nhiệm, danh sách hội viên và quy chế hoạt động.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình, đồng bào dân tộc Sán Dìu ở Lục Ngạn đã tham gia rất tích cực các câu lạc bộ hát dân ca, số lượng hội viên của các câu lạc bộ luôn phát triển và có nhiều hoạt động sôi nổi với nhiều giọng hát tiêu biểu như: Từ Văn Mạnh, Diệp Văn Mạnh, Diệp Thị Hương, Diệp Thị Hòn, Trương Thị Vân, Trương Thị Mai…
Câu lạc bộ hát dân ca của đồng bào dân tộc Sán Dìu được thành lập đầu tiên ở xã Giáp Sơn. Việc ra đời và hoạt động có hiệu quả của câu lạc bộ này đã tác động tích cực đến việc thành lập các câu lạc bộ hát dân ca ở các xã khác trong huyện. Xã Giáp Sơn có 5 thôn đều có các Tổ hát dân ca Sán Dìu với 64 hội viên. Nhiều hội viên rất say mê, tâm huyết với các làn điệu dân ca như: Nguyễn Văn An, Trần Đức Thắng, Vũ Thị Man, Nguyễn Thị Sen, Tảy Thị Kem, Đỗ Thị Thanh, Nguyễn Thị Kỳ… Các hội viên câu lạc bộ sinh hoạt thường kỳ thành nền nếp, đã sưu tầm được hàng ngàn bài hát dân ca Sán Dìu và thường xuyên tham gia giao lưu với các câu lạc bộ ở các xã khác trong huyện. Vì vậy ngày càng thu hút được đông đảo người dân trong xã tham gia, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.
Trại Bèo là thôn tiêu biểu của xã Giáp Sơn, nhiều năm liền đạt danh hiệu “làng văn hóa cấp tỉnh”. Các phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển rất mạnh mẽ, đặc biệt là việc tổ chức, duy trì hát dân ca. Tổ hát dân ca Sán Dìu của thôn Trại Bèo được thành lập năm 2008, gồm 14 hội viên ở nhiều lứa tuổi khác nhau, là Tổ duy nhất có thành viên gồm cả 3 thế hệ: ông bà, cha mẹ và các cháu cùng tham gia. Già làng Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Lục Ngạn, hiện là Trưởng ban liên lạc các Câu lạc bộ hát dân ca của huyện, là người tâm huyết với việc giữ gìn, bảo tồn dân ca dân tộc Sán Dìu. Mỗi khi đi dự các đám cưới trong vùng thấy một số nghệ nhân hát các làn điệu dân ca Sán Dìu càng thôi thúc Già phải vận động, tổ chức khôi phục, sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị cổ truyền của dân ca Sán Dìu. Rồi Già tập hợp những người biết hát dân ca và tổ chức hát dân ca truyền thống. Lúc nông nhàn, già trẻ, gái trai ở thôn qua mỗi nhà rủ nhau đi hát, vì vậy số người hát và nghe hát nhập vào đoàn hát ngày càng đông và phong trào hát dân ca ngày càng sôi nổi. Già An đã động viên mọi người cùng nhau góp sức, góp tiền theo phương châm “xã hội hóa để bảo tồn dân ca của dân tộc mình, mất dân ca là mất bản sắc dân tộc”, đồng thời cùng các hội viên trong Tổ quan tâm bồi dưỡng và truyền dạy cho các thế hệ trẻ trong thôn, với những giọng ca nhỏ nhiều triển vọng như các em: Diệp Thị Hương, Diệp Thị Trang, Chu Thị Huyền, Trương Văn Hiếu, Vi Văn Tùng, Chu Văn Đoàn…
Già An tâm sự: Cái khó là những người còn nhớ và biết hát dân ca Sán Dìu ở địa phương không nhiều, lại đã cao tuổi. Lúc đầu, có người đi hát về còn bị người khác nói mỉa là già rồi còn hát với hò. Nhưng bằng uy tín, sự tận tâm của mình, Già đã giải toả dần mọi vướng mắc, băn khoăn và đưa phong trào ngày càng đi lên. Vào mỗi dịp lễ tết hay khi trong thôn có đám cưới, Già luôn chủ động liên hệ tổ chức các buổi giao lưu hát dân ca Sán Dìu giữa các câu lạc bộ trong và ngoài xã, ngoài ra còn đi giao lưu ở các tỉnh Tuyên Quang, Vĩnh Phúc... Vì vậy, già An rất mong muốn Câu lạc bộ hát dân ca dân tộc Sán Dìu ở Giáp Sơn được địa phương cùng các cấp, các ngành hỗ trợ kinh phí cho việc sưu tầm, lựa chọn, biên soạn thành sách các bài hát dân ca Sán Dìu để việc bảo tồn, truyền giữ được tốt hơn.
Già An cho biết thêm: Thôn Trại Bèo có 99 hộ với trên 400 nhân khẩu thuộc 3 dân tộc: Kinh, Nùng, Sán Dìu, trong đó dân tộc Sán Dìu chiếm 96%. Trước đây, đời sống nhân dân thôn Trại Bèo gặp nhiều khó khăn, các hủ tục lạc hậu trong cưới xin, ma chay vẫn còn tồn tại. Già đã gương mẫu, thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tìm tòi học hỏi trên sách, báo, thấy những việc làm hay, có ích thì phổ biến cho bà con cùng làm. Từng có thời kỳ làm cán bộ khuyến nông huyện, Già có nhiều kinh nghiệm, kiến thức trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, vì vậy Già thường xuyên phổ biến cho bà con cần phải chăm sóc, bón phân, chọn giống tốt, cung cấp đủ nước tưới cho cây trồng, phòng trừ sâu bệnh thì mới cho năng suất cao. Dần dần Già tạo được niềm tin đối với dân, tình đoàn kết trong thôn được gắn kết, đời sống kinh tế dần được cải thiện, bà con cũng chú trọng hơn đến việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Dân ca Sán Dìu thường được hát trong các dịp tết đến xuân về, trong đám cưới, mừng nhà mới, chúc thọ người cao tuổi hay tổng kết công tác của thôn, bản với nhiều loại hình dân ca phong phú, trong đó đặc biệt phải kể đến hát Soọng cô. Đây là một thể loại dân ca trữ tình với lời hát đối đáp nam nữ gần giống với điệu hát Then, hát Lượn của dân tộc Tày, hát Sli của dân tộc Nùng, được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt và được lưu truyền từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác chủ yếu bằng miệng hoặc được ghi chép lại bằng chữ Hán cổ. Soọng Cô bao gồm các hình thức hát ru, hát đối đáp, hát trao duyên, hát chào hỏi, hát mời khách, hát tiễn khách... Mỗi đêm hát đều có các bước: Chập tối hát giọng, mời ngồi xuống chiếu, mời nước mời trầu; Nửa đêm là hát hỏi (Hỏi về quê quán, gia sự, hát thăm dò tìm hiểu nghề nghiệp, ý nguyện của nhau); canh ba chủ nhà mời ăn xôi hoặc chè, cháo lót dạ, sau đó là hát chào, hát xin về, hát níu giữ nhau; Sáng ra thì vừa tiễn nhau ra cổng, vừa hát hẹn hò cuộc hát tới.
Hát Soọng cô trong đám cưới thường là hát ru do các cặp nam giới đối đáp nhau, nhà trai cử hai người, nhà gái cử hai người. Hát giọng ru thì song ca, hát cộc thì đơn ca. Mở đầu cuộc hát cưới là cặp hát nhà trai, hát chào ông bà chủ, chào cô, dì, chú, bác, chào bà con anh em. Khi nhà trai hát, nhà gái cũng hát đáp lại từng câu, từng bài. Hát suốt ngày suốt đêm cho đến khi tan cưới.
Ông Ngô Đình Hồng, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Giáp Sơn khẳng định: Việc thành lập và hoạt động của các Tổ hát dân ca Sán Dìu đã góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc, làm phong phú thêm đời sống văn hoá, tinh thần của người dân, đồng thời cũng góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hoá mới, bảo đảm an ninh trật tự của địa phương. Trong 10 năm qua, các thôn của xã có đồng bào dân tộc Sán Dìu không có tệ nạn xã hội, đời sống mọi mặt của đồng bào ngày càng cải thiện.
Hát dân ca là một hình thức sinh hoạt văn hóa có tính cộng đồng. Khi hát, đồng bào sử dụng ngôn ngữ dân tộc và trang phục truyền thống, không chỉ tạo được nét văn hóa đặc trưng, mà còn góp phần truyền bá ngôn ngữ, khuyến khích mọi người tìm hiểu cái hay, cái đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc mình.
Bằng những việc làm phù hợp, việc bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Sán Dìu mà huyện Lục Ngạn đã và đang làm góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp để truyền lại cho các thế hệ sau và góp phần quan trọng xây dựng thành công huyện điểm văn hóa Lục Ngạn.
Nguyễn Quang Hải