Ngày xuân nghĩ về chính sách đối với chữ viết dân tộc thiểu số sau 30 năm thực hiện Quyết định 53/CP
02:37 11/03/2013 Lượt xem: 449 In bài viết
Xuất phát từ kết quả của cuộc điều tra khảo sát về
chữ viết của các dân tộc thiểu số tiến hành vào cuối năm 1977, Quyết định số
53/CP ra đời ngày 22/2/1980 là văn bản thể hiện một cách rõ ràng và tập trung
nhất chính sách ngôn ngữ của Đảng và Nhà nước ta đối với ngôn ngữ và chữ viết
các dân tộc thiểu số trên lãnh thồ Việt Nam, nhằm mục đích tạo điều kiện thuận
lợi cho các dân tộc thiểu số ở nước ta phát triển nhanh về kinh tế và văn hoá,
thực hiện ngày càng đầy đủ quyền bình đẳng giữa các dân tộc đáp ứng yêu cầu
chính đáng của đồng bào các dân tộc thiểu số và tăng cường sự thống nhất của Tổ
quốc.
Chính sách ngôn ngữ dân tộc ở nước ta được thể hiện ở 4 điểm sau : Thừa nhận về
mặt pháp lý quyền có ngôn ngữ (tiếng nói và chữ viết) riêng; Thừa nhận về mặt
pháp lý quyền bình đẳng ngôn ngữ giữa các dân tộc; Tạo mọi điều kiện để các dân
tộc có thể sử dụng ngôn ngữ của mình; Trên cơ sở đó, khuyến khích đồng bào các
dân tộc thiểu số học tiếng Việt và đưa tiếng Việt thành ngôn ngữ chung của quốc
gia, củng cố khối đoàn kết các dân tộc anh em trong cả nước.
Những thành tựu trong việc thực hiện Quyết định 53/CP là to lớn và không thể phủ
nhận. Quyết định này đã tạo ra một bước chuyển trong tình hình cụ thể, và phát
huy hiệu lực từ hơn ba chục năm nay; đó là cơ sở pháp lý để chỉ đạo, triển khai
việc thực hiện chính sách ngôn ngữ và đã mang lại nhiều thành tựu to lớn.
Tuy nhiên, sau hơn ba mươi năm thực hiện, những nhược điểm và khuyết điểm ngày
càng bộc lộ rõ và đã đến lúc Quyết định 53/CP cần được chỉnh sửa hoặc tốt hơn
hết là cần một văn bản mới - có tính pháp lý cao hơn - để khắc phục những điều
còn bất cập, nhất là trong hoàn cảnh mới của đất nước. Ở bài này, chúng tôi dừng
ở phạm vi chữ viết dân tộc, là một vấn đề đang có những xu hướng giải quyết khác
nhau và được giới nghiên cứu chú ý.
Với quan điểm cho rằng “Tiếng nói và chữ viết của mỗi dân tộc thiểu số ở Việt
Nam vừa là vốn quý của các dân tộc đó, vừa là tài sản văn hoá chung của cả nước.
Ở các vùng dân tộc thiểu số, tiếng và chữ dân tộc được dùng đồng thời với tiếng
và chữ phổ thông”, Điểm 2 trong Quyết định 53/CP chỉ đạo như sau: “Các dân tộc
thiểu số chưa có chữ viết đều được giúp đỡ xây dựng chữ viết theo hệ chữ la tinh.
Các dân tộc thiểu số đã có chữ viết kiểu cổ, nếu có yêu cầu, thì được giúp đỡ
xây dựng chữ viết mới theo hệ chữ la tinh.
Để việc dạy và học chữ dân tộc và chữ phổ thông được dễ dàng, nhanh chóng, thuận
tiện cho cả đồng bào các dân tộc cần xây dựng mới hoặc cải tiến chữ viết dân tộc
theo bộ vần, gần gũi với bộ vần chữ phổ thông. Các chữ dân tộc kiểu cổ và kho
tàng sách của các dân tộc vẫn được giữ gìn và khai thác”.
Việc triển khai tổ chức thực hiện Quyết định 53/CP những năm qua cho thấy, trong
một số trường hợp, thái độ ứng xử đối với các bộ chữ viết dân tộc đã có và đang
xây dựng còn chưa rõ ràng, lúng túng, và đúng hơn là còn thiếu một thái độ đúng
mức, sao cho không trái với đường lối chung và chữ viết làm cho ngôn ngữ và dân
tộc hội nhập cùng phát triển. Khảo sát thực trạng chữ viết dân tộc trong đời
sống ngôn ngữ những năm qua, ta thấy nổi lên mấy trường hợp đáng phải suy ngẫm:
Đó là trong khi một số ngôn ngữ cho đến nay vẫn chưa có chữ viết, thì một
vài ngôn ngữ lại có nhiều, thậm chí quá nhiều bộ chữ viết. Đáng chú ý là các bộ
chữ cho cùng một dân tộc/ngôn ngữ này không chỉ hình thành trong các thời kỳ
trước đây mà cả mới đây hoặc hiện đang chờ được công nhận. Tiêu biểu là trường
hợp các bộ chữ Thái, Chăm, Mnông, mà thực trạng có thể tóm tắt như dưới đây:
Với tiếng Thái và chữ Thái:
Do tiếng Thái bao gồm nhiều thổ ngữ/phương ngữ, nên theo dòng lịch sử, dân tộc
Thái có nhiều loại chữ viết:
- Các bộ chữ cổ truyền đều dùng tự dạng chữ Phạn (Sanscrit ở Ấn Độ), nhưng giữa
các vùng có sự khác biệt về một số kí tự. Theo các nhà Thái học Việt Nam thì có
tới 8 bộ kí tự : 2 bộ của ngành Thái Đen (1 bộ được dùng phổ biến nhất ở các
tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, 1 bộ dùng ở miền Tây Thanh Hoá); 4 bộ thuộc
ngành Thái Trắng, tại các địa phương: Phong Thổ, Mường Tè (Lai Châu); Mường Lay
(Điện Biên); Phù Yên (Sơn La) và 1 bộ tại các địa phương. Mộc Châu (Sơn La), Mai
Châu, Đà Bắc (Hoà Bình) ; 1 bộ chữ Thái Quỳ Châu (Nghệ An) và 1 bộ mang tên Lai
Pao ở Tương Dương (Nghệ An). Trước Cách mạng tháng Tám, tiếng Thái và chữ Thái
được sử dụng trong nhiều lĩnh vực sinh hoạt xã hội : trong lĩnh vực hành chính ở
cấp khu vực, châu mường, trong văn hóa và giáo dục. Người ta dạy cho nhau trong
gia đình, tại làng bản. Người Thái đã dùng chữ cổ truyền để ghi chép lại nền văn
hóa của mình, đặc biệt là văn học dân gian, luật tục. Trong kháng chiến chống
Pháp, đã có những bài thơ vận động cách mạng được viết bằng chữ Thái cổ truyền.
- Chữ truyền thống thống nhất (giữa các vùng) đặt ra vào cuối 1954.
- Chữ truyền thống cải tiến (theo hướng đơn giản hoá chữ truyền thống thống nhất)
đưa vào giáo dục tiểu học, xoá mù chữ và bổ túc văn hoá.
- Chữ Thái La tinh hóa có thời được đưa vào sử dụng trong lĩnh vực văn hoá giáo
dục. Ít lâu sau, lại có nhiều ý kiến không đồng tình với phương án chữ này.
Từ khảo cứu thực địa vào cuối 1995 đầu 1996, nhóm tác giả Vũ Bá Hùng, Phạm Văn
Hảo, Hà Quang Năng nhận thấy “vấn đề chữ Thái hiện nay… là một bài toán không
đơn giản, các lời giải đều có vấn đề. Nhiều câu hỏi được đặt ra: Dạy chữ Thái
nào” một khi chữ Thái La tinh chưa được đồng bào đồng tình và ủng hộ, trong khi
“Việc tồn tại nhiều chữ Thái khác nhau gây không ít khó khăn cho một giải pháp
thống nhất trên tầm vĩ mô, và cả trong thực tế sử dụng”.
Những người ủng hộ chữ cổ cho rằng biết chữ cổ có thể đọc chữ mới nhưng biết chữ
mới thì không đọc được chữ cổ. Như thế, xu hướng đã rõ là đồng bào Thái muốn tìm
về với hệ chữ viết cổ truyền, có thể cải tiến, để tiếp nối và kế thừa di sản
văn hoá nghệ thuật truyền thống khá phong phú của dân tộc với hơn 3000 thư tịch
cổ còn được lưu giữ, gồm thơ ca, tục ngữ, truyện, phong tục tập quán, kinh
nghiêm sản xuất, đấu tranh với thiên nhiên và giặc ngoại xâm…Đồng thời đó cũng
là điều kiện thuận lợi trong sự giao lưu với cộng đồng Thái sống ở nước ngoài -
cũng sử dụng chữ cổ.
Do thật sự có nguyện vọng học và sử dụng chữ Thái cổ, nên những năm gần đây,
việc day chữ Thái cổ được tổ chức ở nhiều nơi. Quay về chữ Thái cổ, nhưng nếu
tùy từng địa phương, cứ giảng dạy nhằm bảo tồn 8 bộ chữ cổ khác nhau như trên,
thì công việc in ấn sẽ rất tốn kém, không chỉ lãng phí mà còn vượt khỏi mọi khả
năng tài chính cho phép. Thêm nữa, chúng hoàn toàn giống nhau về nguyên tắc là
phụ âm, nguyên âm để ghép vần ghi được âm tiết Thái. “Nghiên cứu và hoàn thiện
bộ chữ viết của dân tộc Thái ở Việt Nam” đã được thực hiện với tư cách là một đề
tài nghiên cứu cơ bản (2001-2002) của Đại học Quốc gia Hà Nội, với sự phối hợp
của Viện Ngôn ngữ học và một số tổ chức khác, với hy vọng rằng: “Có thể coi bộ
chữ Thống nhất như một công cụ tốt để ghi chép các tiếng địa phương. … Mọi người
có thể dùng thứ chữ đó để ghi chép những điều cần thiết cho tiếng địa phương của
mình”. Chương trình thái học Việt Nam đã tiến hành biên soạn sách dạy/học tiếng
Thái và tiến hành đào tạo thí điểm ở một số nơi như Mai Châu (Hòa Bình), Nghĩa
Lộ (Yên Bái),…GS Phan Huy Lê (2002) đánh giá rằng “Bộ chữ Thái thống nhất này sẽ
là phương tiện để đưa các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc
sống, nâng cao dân trí, bảo tồn và phát huy ngôn ngữ, văn hóa dân tộc Thái, một
bộ phận tạo thành văn hóa của dân tộc Việt Nam”. Nhưng thực tế đã không như mong
muốn…
Rồi sau gần nửa thế kỷ suy ngẫm, bàn bạc, hội nghị được tổ chức tháng 11/2007
lại tạm thời đưa ra quyết định: giữ các bộ chữ Thái cổ đã từng được sử dụng tại
các địa phương khác nhau, đồng thời xây dựng một bộ chữ Thái dùng chung cho toàn
dân tộc Thái mang tên "chữ Thái Việt Nam", lấy bộ chữ Thái Tây Bắc làm cơ sở. Và
gần đây Mạng lưới bảo tồn trí thức bản địa dân tộc Thái Việt Nam do Trung tâm vì
sự phát triển bền vững miền núi (CSDM) tập hợp đại biểu các nhóm Thái, đã nhất
trí chon chữ Thái cổ Sơn La làm cách viết chung, đề xuất phổ biến chữ Thái Việt
Nam lấy nguyên chữ Thái đen cổ rồi bổ sung hoàn thiện, đồng thời bảo tồn tất cả
các bộ chữ cổ ở địa phương. Ngày 14/4/2011, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh
Sơn La đã tổ chức Hội thảo khoa học “Dạy và học tiếng, chữ dân tộc Thái, Mông”
tại Sơn La. Các đại biểu tham dự - gồm nhiều tri thức dân tộc ở Sơn La, Điện
Biên, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình - đã thống nhất một số vấn đề, trong
đó có việc đề nghị sử dụng bộ chữ Thái Việt Nam trong công tác giảng dạy tiếng
và chữ Thái trong nhà trường và cộng đồng.
Để đáp ứng nhu cầu học tập, giảng dạy chữ Thái cho học sinh người dân tộc cũng
như việc nghiên cứu của các nhà chuyên môn Thái học, ngoài việc tạo font chữ và
bộ gõ cho chữ Thái còn có một trang điện tử, bước đầu giới thiệu về chữ Thái,
đưa lên các văn bản cổ tinh hoa văn hóa Thái, cho tải về các phần mềm và font
chữ Thái… phục vụ nhu cầu tìm hiểu, tra cứu, về chữ Thái và tiến tới lập diễn
đàn để tập hợp các nhà nghiên cứu về chữ Thái.
Với tiếng Chăm và chữ Chăm:
Về cơ bản, giới nghiên cứu chấp nhận phân chia tiếng Chăm thành 3 vùng phương
ngữ lớn: Chăm Bắc (còn gọi là Chăm Bình – Phú, Chăm Hroi, Hrui Chăm),phân bố ở
dải đất từ Bình Định đến Phú Yên; Chăm Ninh – Bình Thuận (còn gọi là Chăm Bahnar,
Săp Chăm Phan Rang), chủ yếu ở Ninh Thuận và Bình Thuận, theo tôn giáo chính là
Bàlamôn (Brahamanism), số ít theo đạo Hồi (Islam) nhánh Bàni nên gọi là Chăm
Bàni; Chăm Nam Bộ (còn gọi là Chăm Châu Đốc), theo đạo Hồi nên gọi là Chăm
Islam, sống ở đồng bằng sông Cửu Long: Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, An Giang,
Thành phố Hồ Chí Minh.
Về mặt văn tự, tuy số lượng ít hơn người Thái, song người Chăm, tùy theo
vùng, cũng sử dụng những bộ chữ khác nhau. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Khang
trong khi cộng đồng Chăm Ninh Thuận (và cả Bình Thuận) chấp nhận sử dụng loại
chữ viết Chăm dùng để in sách giáo khoa cho học sinh học thì cộng đồng Chăm An
Giang nói riêng, Nam Bộ nói chung lại chấp nhận một loại chữ viết khác là chữ
Chăm Ả rập gắn với đạo Islam, còn người Chăm Hroi ở Phú Yên lại đang cố gắng tạo
ra một loại chữ Chăm Latinh mà không sử dụng chữ Chăm Latinh của Bình Định.
Người Chăm ở An Giang duy trì sử dụng chữ Chăm cổ vốn có gốc từ chữ A rập hiện
vẫn dùng trong Kinh Cô ran. Họ không sử dụng chữ Chăm mới xây dựng theo mẫu tự
Latinh ở Ninh Thuận, Bình Thuận là người Chăm thuộc hệ phái Bà la môn nên chữ
Chăm ở đó dựa theo hệ Sanscrit. Do đặc điểm nổi trội về tôn giáo, tiếng nói chữ
viết Chăm Nam Bộ có những nét đặc thù như: bảo lưu được nhiều nét nguyên ngữ
trong phát âm, từ vựng, tương tác với tiếng Melayu và dứt khoát chọn “chữ Chăm
Kinh thánh’’.
Trong tâm thức của người dân, việc hiểu biết, giữ gìn và lưu truyền chữ dân tộc
là nhu cầu có thực. Inrasara, nhà thơ, nhà phê bình người Chăm đã trả lời
phỏng vấn báo chí “Nghiên cứu ngôn ngữ là để đọc văn bản cổ Chăm, bên cạnh để
sáng tạo cái mới… Nghiên cứu ngôn ngữ là để ứng dụng vào thực tiễn, để cứu ngôn
ngữ sống của người Chăm đang bị lai tạp và chết mòn”.
Ngày nay, các loại chữ Chăm được dạy ở bậc giáo dục phổ thông, nên vấn đề không
chỉ thuần về ngôn ngữ mà còn liên quan đến thái độ ngôn ngữ, ý thức dân tộc...
và sâu xa hơn, liên quan đến vấn đề đoàn kết trong nội bộ dân tộc, trong khi: Sự
mâu thuẫn giữa tiếng Chăm thông dụng trong đời sống (chịu ảnh hưởng của tiếng
Việt) với việc lựa chọn tiếng Chăm để phát sóng trên các phương tiện thông tin
đại chúng (tiếng Chăm truyền thống). Chấp nhận một tiếng Chăm có nhiều loại chữ
viết thì lựa chọn chữ nào trong giáo dục là thoả đáng? Giải quyết mâu thuẫn
trong việc sử dụng chữ Chăm truyền thống trong giáo dục (tuy khó nhớ nhưng bảo
tồn được văn hoá - ngôn ngữ dân tộc) với chữ Chăm cải tiến và chữ viết Latinh (tuy
dễ nhớ nhưng lại không bảo tồn được văn hoá - ngôn ngữ dân tộc).
Sở dĩ có tình trạng trên là do người ta đã “tranh thủ” thực hiện Quyết định
53/CP giao việc cho cấp tỉnh: Căn cứ vào tình hình thực tế của tỉnh, yêu cầu và
nguyện vọng của đồng bảo các dân tộc thiểu số trong tỉnh, đề ra chủ trương cụ
thể của tỉnh và xây dựng kế hoạch chỉ đào các ngành, các cấp trong tỉnh thực
hiện tốt quyết định này; Quyết định các phương án cải tiến hoặc xây dựng mới các
chữ dân tộc thiểu số trong tỉnh”.
Theo đó, mỗi tỉnh có quyền chọn chữ viết cho địa phương mình, không bắt buộc
phải có sự bàn bạc để thống nhất với tỉnh bạn, dù cho - như ta đã biết - địa
bàn cư trú của một dân tộc từ lâu không phải chỉ giới hạn trong một tỉnh, nhất
là trong quá khứ, đã có nhiều lần tách/nhập tỉnh. Có thể nêu một trường hợp khác
cũng điển hình là khi tách địa giới thành 2 tỉnh, người ta đã chọn phương ngữ
khác làm chữ viết mới.
Thế là sau khi có Quyết định 53/CP, người ta đã xây dựng 2 bộ chữ cho tiếng
Mnông, dựa vào 2 phương ngữ khác nhau của ngôn ngữ này. Cụ thể như: Từ năm 1984,
tỉnh Đắc Lắc đã nghiên cứu xây dựng chữ Mnông, biên soạn từ điển đối chiếu Việt
- Mnông, Mnông-Việt. Với tư vấn của chuyên gia ngôn ngữ thuộc Đại học Quốc gia
Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh này chọn tiếng Mnông Rơ Lâm làm chữ viết. Thế rồi
sau khi tách lập tỉnh Đắk Nông (vào năm 2004), với tư vấn của chuyên gia ngôn
ngữ Viện Khoa học Xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Viện PTBV vùng Nam Bộ),
tỉnh mới này lại chon tiếng Mnông Preh, mà theo giới chuyên môn thì đây chỉ là 2
trong số các phương ngữ của ngôn ngữ này. Nếu cứ thế, một tỉnh khác có nhóm
Mnông khác cư trú tập trung cũng có thể xây dựng cho mình một bộ chữ khác.
Một trường hợp đáng suy nghĩ nữa là với quan niệm mỗi nhóm dân tộc có thể sử
dụng một ngôn ngữ - theo quan điểm không đồng nhất dân tộc với ngôn ngữ, giới
chuyên môn cho rằng Việt Nam có 54 dân tộc nhưng có đến gần một trăm ngôn ngữ.
Vậy liệu có nên xây dựng cho mỗi ngôn ngữ một bộ chữ viết riêng, nghĩa là một
cộng đồng dân tộc có thể xây dựng nhiều bộ chữ viết khác nhau cho từng nhóm, như
trường hợp dân tộc Giẻ-Triêng. Được biết tộc danh này vốn là tên ghép từ
tên hai trong các nhóm tộc người được gộp lại để chỉ một dân tộc.
Không có chữ viết cổ nhưng do dân tộc Giẻ - Triêng được các nhà nghiên cứu cho
là có 4 ngôn ngữ khác nhau: Giẻ, Triêng, Ve, Bhnoong, cùng thuộc Tiểu nhóm Ba na
Bắc, trong ngữ hệ Nam Á, nên trong thực tế, người ta đã tiến hành xây dựng
cho mỗi nhóm một bộ chữ riêng. Vậy chính quyền cấp tỉnh có nên ra quyết định
công nhận cả 4 bộ chữ này?
Mở rộng ra các trường hợp tương tự sẽ là: Đối với ngôn ngữ vốn không có chữ viết
truyền thống, có nên sáng tác chữ viết cho các ngôn ngữ của cùng một dân tộc,
một khi chính quyền ở mỗi tỉnh, căn cứ vào quy đinh trong Quyết định 53/CP thì
có thể lựa chọn chữ viết này mà không lựa chọn chữ viết nọ, thậm chí có thể tạo
ra các loại chữ viết mới.
Không phải mới gần đây mà khoảng mười năm về trước, giới nghiên cứu đã lên
tiếng, như lúc sinh thời, Hoàng Văn Hành đã chỉ ra rằng “Bên cạnh những thành
tựu to lớn… cũng cần thấy những nhược điểm và khuyết điểm trong bản thân chính
sách ngôn ngữ của Đảng và Nhà nước ta và trong sự tổ chức thực hiện chính sách
ấy”. Đặc biệt là tính pháp lí còn thấp, cho nên không được coi trọng đúng mức.
Việc thực hiện hay không tuỳ thuộc vào nhận thức và cảm hứng của cán bộ lãnh đạo
ở từng nơi, từng lúc; thậm chí cá biệt có cấp bộ Đảng và chính quyền địa phương
không biết đến, hay không còn nhớ Quyết định 53/CP là gì nữa. Việc tổ chức thực
hiện chính sách ngôn ngữ, đặc biệt là Quyết định 53/CP, còn phân tán, không đồng
bộ, thiếu sự phối hợp giữa các ngành khoa học, giáo dục và văn hoá - thông tin.
Tình trạng chung kéo dài là việc ai nấy làm, làm được đến đâu thì làm, mà không
thì cũng chẳng sao, chẳng có ai kiểm tra, đôn đốc..., do thiếu hẳn một sự chỉ
đạo thống nhất, tập trung từ Trung ương đối với các ngành và các địa phương
trong công cuộc này.
Chúng tôi tán thành ý kiến của nhóm tác giả Vũ Bá Hùng, Phạm Văn Hảo, Hà Quang
Năng cho rằng: “Trong quá trình thực hiện Quyết định 53/CP… thực tế đã chỉ ra
rằng, xét về mặt chỉ đạo, không thể giao vấn đề này cho các tỉnh tự quyết định
và giải quyết, bởi lẽ các địa phương không đủ khả năng đảm nhiệm, mặt khác không
đảm bảo được tính thống nhất về chủ trương và biện pháp thực hiện, giữa các vùng
dân tộc”. Và cũng thống nhất với nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Khang rằng việc chế
tác, cải tiến, lựa chọn chữ viết đối với ngôn ngữ dân tộc thiểu số cần phải cân
nhắc kĩ trước khi quyết định. Cần tránh để tình trạng một dân tộc có thể sử dụng
các chữ viết khác nhau do thuộc các địa phận hành chính khác nhau. Nếu như vậy,
về lâu dài sẽ có nguy cơ chia tách dân tộc.
Trước thực trạng “trăm hoa đua nở” do thiếu “Tổng chỉ huy” như trên, giải
pháp cần thiết lúc này là phải nhìn thẳng vào sự thật để thấy rõ cần có văn bản
cấp Nhà nước, giao việc cho một đầu mối, nhằm khắc phục ngay những điều còn
bất cập đã lộ rõ khi triển khai thực hiện Quyết định 53/CP, được ban hành cách
đây đã hơn ba chục năm, nghĩa là khi đất nước còn chưa bước vào “đổi mới”.
Tiếng nói, chữ viết của mỗi dân tộc là một trong những tiêu chí quan trọng bậc
nhất, nổi trội, dễ nhận ra nhất trong việc xác định thành phần dân tộc, khẳng
định sự tồn tại của một dân tộc. Chính sách ngôn ngữ phải lưu ý đến nhu cầu của
người dân.
Với ngôn ngữ hiện có nhiều dạng chữ viết, Nhà nước cần tổ chức cho người dân
lựa chọn một trong những bộ chữ đó, có thể bổ sung thành hệ thống (như trường
hợp tiếng Thái). Với ngôn ngữ chưa có chữ viết thì tuyệt đối không nên để tình
trạng “trăm hoa đua nở”, tỉnh bạn có thì tỉnh ta cũng phải có…cho “xứng tầm”.
Để khắc phục tính cục bộ, các địa phương cần tập hợp trí thức và người dân để
tranh thủ ý kiến, cùng lựa chọn một hình thức văn tự đáp ứng ứng nguyện vọng của
dân tộc mình.
Việc phổ biến hệ thống chữ viết dân tộc được chọn cần có thời gian và tốn công
sức nhưng đây là việc cần phải làm. Xin lưu ý rằng, cần thống nhất về chữ viết,
nhưng tôn trọng cách phát âm địa phương. Về điều này, hãy vận dụng kinh nghiệm
người Việt sử dụng chữ quốc ngữ: chính tả thống nhất, nhưng phát âm tùy theo
phương ngữ. Xây dựng một bộ chữ đã khó thì việc làm cho bộ chữ đó thực sự phát
huy được hiệu quả tối đa của nó trong đời sống văn hoá và tinh thần của mỗi
người dân lại còn khó hơn. Nếu không, dù có bỏ ra nhiều công sức khó có thể coi
là vô ích thì cũng phải nói rằng hiệu quả thu được chẳng đáng là bao.
Quyết định 1270/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa dân
tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” cho thấy Nhà nước ta “Coi trọng và tổ chức
thực hiện các chương trình về bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống tốt
đẹp và xây dựng, phát triển những giá trị mới về văn hóa, văn học, nghệ thuật,
đặc biệt là hỗ trợ sự phát triển ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc thiểu số”.
Trong số các giải pháp thực hiện, có việc tăng cường công tác tuyên truyền tạo
sự hiểu biết của xã hội về bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số; phối
hợp giữa Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các Đài Phát thanh
và Truyền hình tại các địa phương xây dựng các chuyên mục tuyên truyền về bảo
tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số, ưu tiên sử dụng ngôn ngữ, chữ viết của
dân tộc”.
Vấn đề sử dụng tiếng dân tộc trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng
cần những yêu cầu riêng rất tinh tế. Do tiếng nói luôn tồn tại ở các dạng
phương ngữ khác nhau nên cần có các phát thanh viên sử dụng tốt phương ngữ để
người dân ở địa phương nào cũng nhận thấy có tiếng nói của mình. Đồng thời cần
tránh vay mượn tiếng Việt khi không cần thiết, gây khó chịu cho người nghe.
Thay cho kết luận:
Hội thảo Chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về ngôn ngữ trong thời kì công
nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế đề nghị Nhà nước cần có chính sách
ngôn ngữ cụ thể cho từng vùng lãnh thổ địa lí phụ thuộc vào cảnh huống ngôn ngữ
của vùng này. Nhà nước cần có chính sách tích cực để tiếp tục phổ biến rộng rãi
tiếng Việt cùng với chữ quốc ngữ trong các dân tộc thiểu số. Song song với sự
phổ biến và phát triển tiếng Việt, cũng cần tạo điều kiện cho các ngôn ngữ vùng
phát triển để hỗ trợ cho tiếng Việt phục vụ hoạt động giao tiếp giữa các dân
tộc cùng chung sống trên một vùng lãnh thổ.
Giới nghiên cứu đã đề xuất với Nhà nước cần sớm có bộ luật về ngôn ngữ,
trong đó quy định rõ vị thế của mỗi ngôn ngữ trong hệ thống giao tiếp của cộng
đồng người Việt Nam theo chức năng xã hội của từng ngôn ngữ; quy định việc sử
dụng ngôn ngữ (bao gồm tiếng Việt và các tiếng nước ngoài) trong các phạm vi
giao tiếp có tổ chức, việc giáo dục ngôn ngữ dân tộc thiểu số trong nhà trường
các cấp…
Để chỉ đạo thống nhất, Nhà nước cần giao trách nhiêm cho một tổ chức có
quyền lực thực sự, chuyên chăm lo về những vấn đề chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam
nói chung, trong đó có vấn đề về tiếng nói và chữ viết các dân tộc thiểu số nói
riêng, dưới hình thức Hội đồng hoặc Uỷ ban Trung ương…
Đại gia đình các dân tộc Việt Nam như “Một vườn hoa nhiều hương sắc”. Tuy nhiên,
trong lĩnh vực chữ viết thì để thuận tiện cho giao tiếp chung cũng như để tăng
cường sự gắn kết của một cộng đồng, mỗi dân tộc, mỗi ngôn ngữ chỉ nên dùng một
loại chữ viết - dù hiện đang sinh sống ở các địa phương khác nhau. Đó có thể là
một dạng chữ viết truyền thống nào đó được chọn được bổ sung hay chỉnh sửa,
hoặc xây dựng mới. Trước mắt, hẳn có khó khăn do người ta thường không muốn bỏ
những gì được xem là độc đáo đã có, nhưng đừng nên xem đó là sự mất mát, mà hãy
xem đó là sự hợp lực để có một phương tiên liên hệ chung giữa một cộng đồng nhỏ
với cả cộng đồng lớn mà ta tồn tại trong đó. Cơ quan làm công tác dân tộc cần có
tiếng nói của mình bởi lẽ Quyết định 53/CP giao cho “Uỷ ban Dân tộc của Chính
phủ giúp Hội đồng Chính phủ để theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quyết định này,
đề xuất với Chính phủ, các Bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh những vấn đề cần xem
xét và giải quyết”.
PGS.TS Vương Toàn