Lễ cúng bến nước của dân tộc Êđê
02:34 11/03/2013 Lượt xem: 359 In bài viếtDân tộc Êđê có khoảng 330.348 người, là cư dân đã có mặt lâu đời ở miền Trung Tây nguyên. Đối với đồng bào Êđê, nguồn nước ăn luôn là yếu tố quan trọng nhất của cuộc sống. Mỗi khi muốn di chuyển làng về một nơi ở mới, đồng bào phái người đi tìm đất; ngoài yếu tố đất đai màu mỡ để có thể sản xuất thì điều kiện tiên quyết là phải có nguồn nước mạch dồi dào quanh năm có thể xây dựng bến nước cho buôn làng. Cúng bến nước được tổ chức sau vụ mùa. Tại nhà chủ buôn diễn ra cuộc họp với sự tham dự của các già làng có uy tín để bàn việc cúng bến nước.
Theo phong tục, vật cúng là một con lợn bao gồm cả
đầu, mình, đuôi và nội tạng được nấu chín. Lễ cúng có 3 phần: Phần thứ nhất,
thanh niên trai tráng trong làng đi sửa đường vào bến nước. Sau đó, các thầy
cúng được mời về để tổ chức lễ cúng. Đi đầu tiên là thầy cúng mặc áo truyền
thống của đồng bào, chít khăn đỏ. Thầy cúng đi trước cầm một tô rượu có pha
huyết heo. Già làng đi sau nắm khiên đao, tất cả dân trong làng đi theo sau già
làng ra bến nước.
Sang phần thứ hai, tất cả các nhà trong buôn đều cúng. Thầy cúng sẽ đến cúng
từng nhà. Hôm đó, đường vào buôn có cây chắn ngang đường; buộc dây treo các loại
như: sợi chỉ, lông gà… để báo cho người lạ biết hôm nay trong buôn làng có việc
không ai được vào. Lễ vật của mỗi gia đình là một ché rượu và một con gà hoặc
heo. Sau khi cúng cho các gia đình xong, thầy cúng đi tới bến nước và chọn một
chỗ gần bến, đoạn phía trên bờ sông đào một hố nhỏ để đổ rượu và huyết heo vào.
Một nam thanh niên khỏe mạnh được thầy cúng cử ra múa khiên đuổi thần xấu đi.
Phần cuối cùng của việc làm lễ là cả buôn cúng. Lễ vật cũng chỉ là một ché rượu
và một con gà hoặc con lợn. Cúng xong mọi người mở rào, phá bỏ các chỗ chắn
đường. Trong suốt thời gian thầy cúng làm lễ, tất cả chiêng trống được tấu lên
liên hồi để gọi thần linh trở về, cả buôn đều thành tâm vào việc cúng, không ai
đi rẫy, không bắt cá, không đuổi chim, đuổi nai...
Lễ cúng bến nước diễn ra trong không khí linh thiêng, trang trọng. Già làng hoặc
thầy cúng sẽ là người chủ trì lễ cúng với mâm đồ cúng là thịt lợn, gà và quan
trọng nhất là một chậu tiết loãng. Bến nước hôm đó được trang hoàng với cổng
chào bằng lá cây, cỏ lá dài, có treo đồ vật trang trí, có dựng cả trụ trang trí
dạng như cây nêu. Sau khi làm thủ tục cúng xong ở bến nước, các chàng trai, cô
gái đựng nước bằng các quả bầu khô, bỏ vào gùi và cõng về nhà lấy khước. Trong
khi đó một đoàn người sẽ theo người chủ lễ đi đến cầu thang từng nhà, hát cầu
cúng và rưới tiết vào chân cầu thang để cầu may cho nhà chủ... Sau đó cả buôn
làng lại quây quần bên nhau để ăn tiệc, uống rượu cần và nhảy múa trong không
khí của lễ hội với âm vang rộn ràng của cồng chiêng Tây Nguyên, một di sản văn
hóa phi vật thể của nhân loại.
Hiện nay, người Êđê đã dần hòa nhập với cuộc sống văn minh, các buôn làng đều có
hệ thống nước sạch hoặc giếng nước, nhưng tục cúng bến nước của đồng bào Êđê vẫn
được lưu giữ, họ vẫn đi lấy nước, tắm giặt, sinh hoạt nơi bến nước.
Để lưu giữ nét văn hoá truyền thống tốt đẹp, đi sâu vào tiềm thức của đồng bào
dân tộc Êđê, hằng năm Lễ cúng bến nước vẫn được duy trì đều đặn, đúng nghi thức
và rất trang trọng, mang nhiều ý nghĩa tích cực trong đời sống tâm linh của đồng
bào dân tộc Êđê.
Việt Dũng