Đón xuân trong những ngôi nhà mới
03:01 11/03/2013 Lượt xem: 288 In bài viếtMùa xuân này, gia đình chị Quàng Thị Lẻ ở bản Na Phát C, xã Na Son, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên đón Tết trong niềm vui hân hoan. Tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà gỗ 3 gian rộng rãi, thoáng mát còn thơm mùi véc ni, chị Lẻ xúc động nói: “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nay mình đã làm được nhà, không lo dột nát, giá rét nữa rồi. Mừng lắm!”
Niềm hân hoan của chị Lẻ là tâm sự chung của hàng chục nghìn hộ nghèo tại 62 huyện nghèo trong cả nước khi được thụ hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở theo Chương trình 167 và Nghị quyết 30a của Chính phủ.
Đồng chí Lò Văn Khộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Na Son-xã vùng cao đặc biệt khó khăn huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên phấn khởi cho biết: Thực hiện chủ trương xóa nhà tạm cho hộ nghèo, xã đã được Ngân sách Trung ương và Ngân hàng Đầu tư-Phát triển Việt Nam (đơn vị nhận giúp đỡ huyện nghèo theo phân công của Chính phủ) hỗ trợ 3 tỷ đồng. Bằng số kinh phí này, cộng với sự giúp đỡ công sức của anh em họ hàng, 180 hộ nghèo trong xã (100%) đã làm được nhà mới kiên cố, có tuổi thọ ít nhất trên 20 năm. Hai mô hình nhà được bà con các dân tộc Thái, Mông nơi đây lựa chọn là nhà sàn bằng gỗ hoặc nhà tốc-xi mái cứng, nền cứng. Chủ tịch xã Lò Văn Khộ chia sẻ: Với thành tích đó, xã được tỉnh Điện Biên thưởng 5 triệu đồng nhưng mừng hơn là cấp ủy, chính quyền xã đã năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành sử dụng hợp lý nguồn vốn hỗ trợ nhằm hiện thực hóa ước mơ lớn nhất của đồng bào nghèo có một mái nhà “an cư để lạc nghiệp” từ Chương trình 167 và Nghị quyết 30a của Chính phủ.
Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong 3 năm 2009-2011, kế hoạch đặt ra đối với các huyện nghèo là xoá 85.134 nhà tạm. Số nhà sau khi điều chỉnh, bổ sung theo Quyết định 67/2010/QĐ-TTg là 99.969 căn. Đến nay, số nhà đã hoàn thành là 82.814 căn, bằng 97,27% so với số được phê duyệt ban đầu; bằng 82,84% so với số điều chỉnh, bổ sung. Số còn lại 4.210 nhà đang được hoàn thiện. Như vậy, công tác xoá nhà tạm tại 62 huyện nghèo đã cơ bản hoàn thành.
Có được kết quả này là do có sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội đã chỉ đạo vận động ủng hộ quỹ “Vì người nghèo” để huy động thêm nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ nhà cho hộ nghèo; sự giúp đỡ, ủng hộ của làng xóm, anh em trong dòng tộc với các hộ nghèo; đặc biệt là sự ủng hộ của các doanh nghiệp lớn. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp đã nhận ủng hộ, giúp đỡ lâu dài 62 huyện nghèo thông qua các hoạt động như: hỗ trợ xoá nhà tạm, xây trường học, nhà lưu trú cho giáo viên và học sinh, trang bị thiết bị y tế cho các trạm y tế, trung tâm y tế huyện, cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, phương tiện sản xuất… Tổng nguồn lực các doanh nghiệp cam kết hỗ trợ cho huyện nghèo là trên 2.024 tỷ đồng cho giai đoạn 2009-2020. Đến nay, các doanh nghiệp đã giải ngân số tiền ủng hộ là 1.620 tỷ đồng. Trong đó số tiền hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở là 133 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, các huyện nghèo đã xoá 58.935 nhà tạm, chiếm tỷ lệ 70%.
Tổng kết của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy nhiều doanh nghiệp đã tham gia tích cực vào công tác xoá nhà tạm, ví dụ như Tập đoàn Dầu khí hỗ trợ tới 15.843 nhà cho hộ nghèo các huyện Sơn Hà, Minh Long, Tây Trà, Ba Tơ, Trà Bồng, Sơn Tây của tỉnh Quảng Ngãi; Tổng Công ty Thép hỗ trợ xoá 800 nhà tạm tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, 957 nhà tại huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định; Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam hỗ trợ xoá 957 nhà tạm tại huyện Yên Minh, 578 nhà tại huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang; Tổng Công ty Sông Đà hỗ trợ 2.557 nhà tại các huyện Phù Yên, Mường La tỉnh Sơn La, Nam Trà My (Quảng Nam), Bá Thước (Thanh Hoá)…
Nhìn chung, mức hỗ trợ xoá nhà tạm của các doanh nghiệp ngang bằng với mức hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ, vào khoảng 8 triệu đồng/nhà. Tuy nhiên cũng có một số doanh nghiệp hỗ trợ mức cao hơn, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và cũng để tạo cơ hội cho hộ nghèo làm được căn nhà mái bằng kiên cố theo phương châm “cứng nền, cứng mái, cứng tường”. Ví dụ như Tổng Công ty Thép hỗ trợ bình quân 36 triệu đồng/nhà; Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương hỗ trợ mức 23 triệu đồng/nhà; Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam hỗ trợ mức 40 triệu đồng/nhà, Tổng Công ty Sông Đà hỗ trợ 44 triệu đồng/nhà...
Cả nước hiện có 59 tỉnh, thành phố có đối tượng hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hầu hết các địa phương đã và đang triển khai tốt việc xây dựng nhà ở cho hộ nghèo. 20 tỉnh đã hoàn thành xoá xong nhà tạm trên địa bàn so với đề án được duyệt ban đầu như: Quảng Nam (1345 nhà), Quảng Ngãi ( 10.880 nhà), Bình Định (1.989 nhà), Ninh Thuận (923 nhà), Lâm Đồng (738 nhà), Lào Cai (1.654 nhà), Yên Bái (796 nhà), Phú Thọ (3.306 nhà), Sơn La (9.088 nhà), Cao Bằng (3.654 nhà)…. Thấp nhất là tỉnh Quảng Trị đã xoá được 1.144/1.362 nhà, đạt tỷ lệ 63,88%; các địa phương khác đều hoàn thành từ 89% kế hoạch trở lên.
Cơ bản hoàn thành xoá nhà tạm cho hộ nghèo trên cả nước là thành công lớn trong thực hiện chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên theo đánh giá của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện đang nảy sinh vướng mắc là một số đối tượng đã được hỗ trợ làm nhà ở theo Quyết định 134/2004/QĐ-TTg, chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công, gia đình chính sách được triển khai trước đây có mức hỗ trợ thấp nên nhà ở vẫn còn tạm bợ, đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg lại không thuộc đối tượng được hỗ trợ tiếp. Điều này gây khó khăn cho các địa phương trong việc giải thích chính sách với đồng bào dân tộc thiểu số.
Phương Liên