Về giá trị văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên
02:57 11/03/2013 Lượt xem: 1079 In bài viếtNói đến tính đa dạng văn hóa ở Việt Nam, không thể không nói đến văn hóa Tây Nguyên với hàm nghĩa như là một vùng văn hóa có bản sắc riêng hội tụ nhiều sắc thái trên cơ sở cộng cư của nhiều tộc người, đặc biệt là những tộc người bản địa như Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Xê Đăng, M’nông, Brâu… Tính đa dạng của văn hóa Tây Nguyên không chỉ có ý nghĩa sống còn trong mối quan hệ với quốc gia, dân tộc mà còn là đặc trưng cơ bản trong nền tảng tinh thần xã hội của vùng văn hóa Tây Nguyên.
Có thể nói rằng Tây Nguyên là vùng văn hóa dân gian
phong phú và độc đáo nhất nước ta. Bởi nơi đây có sự giao lưu, gặp gỡ của nhiều
luồng dân cư, nhiều tộc người trong lịch sử cũng như trọng hiện tại. Thời kỳ
tiền sử là sự gặp gỡ của hai nhóm tộc người nói ngôn ngữ Môn-Khmer với các tộc
người nói ngôn ngữ Nam Đảo đã hình thành nên một lớp dân cư bản địa với khoảng
20 tộc người. Đến nay, Tây Nguyên đã có trên 44 tộc người đang cộng cư đan xen
trong các buôn làng, xã, huyện tạo nên bức tranh văn hóa Tây Nguyên đặc sắc, hấp
dẫn.
Văn hóa Tây Nguyên còn độc đáo bởi nơi đây là vùng văn hóa cổ, đạt trình độ cao,
tương đương về trình độ và niên đại với văn hóa Đông Sơn ở Bắc bộ, Sa Huỳnh ở
Trung bộ và Đồng Nai ở Nam bộ. Độc đáo hơn, Tây Nguyên là vùng văn hóa gần như
duy nhất ở Đông Nam Á không chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ.
Vùng văn hóa Tây Nguyên sở hữu một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đa dạng,
phong phú về thể loại, trữ lượng tác phẩm đặc sắc về tư tưởng và nghệ thuật, đã
làm nên bản sắc văn hóa Tây Nguyên trong quá khứ và hiện tại. Các dân tộc thiểu
số Tây Nguyên có vốn văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú kết tinh cao trình độ
những giá trị làm nên sắc thái của từng tộc người. Điều dễ nhận biết nhất của di
sản văn hóa phi vật thể là nó không tồn tại ở dạng vật chất, vật thể cụ thể (mặc
dù trên thực tế nó nương tựa, “nhờ cậy” những hình hài vật chất để tồn tại và
sinh sôi) mà nó lưu giữ một cách tiềm ẩn trong trí nhớ và tâm thức của con người
và nó chỉ bộc lộ qua hành vi và hoạt động trong những thời điểm cụ thể, đặc biệt
là “thời điểm mạnh” của lễ hội, tức là trong môi trường diễn xướng mang đầy ý
nghĩa cộng đồng.
Nói văn hóa phi vật thể cũng có nghĩa là nói mặt phi vật thể của văn hóa nhưng
không hàm nghĩa sự trừu tượng chung chung mà được xác định bằng những hiện tượng,
ứng xử cụ thể trong một môi trường và thời điểm cụ thể tương thích với trình độ
phát triển của các tộc người. Chính trình độ phát triển này đã chi phối rõ nét
tính chất phi vật thể trong văn hóa các tộc người bản địa ở Tây Nguyên. Có một
điều rất đáng quan tâm là liệu có bản sắc dân tộc không khi chính những thành
viên của cộng đồng, dân tộc đó không lưu giữ được lịch sử, không có kí ức văn
hóa. Các tộc người bản địa Tây Nguyên tuy không có nhiều di sản văn hóa vật thể
đồ sộ nhưng họ có thể tự hào về vốn di sản văn hóa phi vật thể như là một báu
vật được kết tinh trong lịch sử tộc người. Vốn di sản đó hiện hữu và sinh sôi
trong những đêm khan (h’amon, h’ri…) đầy chất huyền ảo, trong các lễ cúng bến
nước, cầu mùa, sinh con, ma chay, cưới xin… mang đậm dấu ấn cộng đồng, trong
tiếng chiêng ngân xa giao cảm và cộng mệnh với thần linh…
Di sản văn hóa phi vật thể có cái đa biến, “vô hình” của nó nhưng lại là sợi dây
gắn kết cộng đồng bền chặt và nó chỉ là nó trong những thời điểm cụ thể. Đối với
các tộc người Ê Đê, Gia Rai hay Ba Na, Xê Đăng.. đó là môi trường diễn xướng đầy
tính nguyên hợp. Đó cũng là nơi xuất hiện trí nhớ tập thể mà mỗi thành viên khi
tham gia đều là người sáng tạo và hưởng thụ. Nghĩa là văn hóa phi vật thể không
tồn tại ngoài con người như văn hóa vật thể đã được khách thể hóa mà gắn với
từng con người cụ thể.
Thứ hai, tính cộng đồng cao là một trong những đặc điểm quan trọng của văn hóa
phi vật thể các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Tinh thần cộng đồng chi phối hầu
như toàn bộ đời sống kinh tế, xã hội và sinh hoạt văn hóa. Chính đặc điểm này đã
phản ánh rõ nét hình thái kinh tế - xã hội mà ở đó phương thức sản xuất nông
nghiệp nương rẫy giữ vai trò chủ đạo.
Tính cộng đồng cao trong văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên
thể hiện ở những quan niệm về hình thức cư trú, tổ chức gia đình, dòng họ, buôn
làng. Có thể nói, tinh thần cộng đồng trong từng buôn làng ở Tây Nguyên đã trở
thành nếp sống chi phối hành vi ứng xử của mọi người. Đó chính là những chuẩn
mực và giá trị về đạo lí, nhân cách được định hình như một nguyên tắc lớn nhất
của quan hệ cộng đồng. Đặc biệt trong sinh hoạt tín ngưỡng – văn hóa, tính cộng
đồng bộc lộ một cách đầy đủ và thăng hoa như trong các lễ hội, sử thi; chặt chẽ
và rõ ràng tình lí như trong luật tục.
Thứ ba là văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số Tây Nguyên bộc lộ cá tính
sáng tạo rất linh hoạt của các nghệ nhân. Về thực chất mọi sáng tạo thuộc về cá
nhân nhưng để cho nó trở thành văn hóa, thành giá trị phải được lưu giữ và được
cộng đồng chấp nhận. Đối với văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên thì cái cá
nhân đó có vẻ lu mờ bởi trình độ phát triển của nền văn hóa nhưng không hề triệt
tiêu tinh thần sáng tạo và linh hoạt của các nghệ nhân. Không phải ngẫu nhiên mà
nhiều nhà nghiên cứu gọi các nghệ nhân là các bảo tàng sống bởi nó vừa bền chắc
(tiềm ẩn trong tâm thức dân tộc) vừa mong manh (phụ thuộc vào cuộc sống của từng
cá nhân). Vì vậy mà mất một nghệ nhân là mất đi một bảo tàng sống.
Thực tế cho thấy hầu như trong lĩnh vực nào của văn hóa phi vật thể cũng đều có
các nghệ nhân như là những nhân chứng có giá trị nhất, thuyết phục nhất bộc lộ
sắc thái văn hóa của từng tộc người. Sẽ không có cơ hội để hiểu sử thi nếu như
không có các nghệ nhân trao truyền những kinh nghiệm cho con cháu; những lễ hội
sẽ mất đi sự sinh đọng, thăng hoa và sự linh thiêng… nếu như không còn những
nghệ nhân tạc tượng, trang trí nhà mồ, tượng mồ; và cộng đồng buôn làng có còn
bình yên khi không còn những người xử kiện hiểu biết luật tục để phân xử và điều
chỉnh hành vi cho mỗi thành viên trong cộng đồng.
Tồn tại trong trí nhớ linh hoạt của các nghệ nhân nhưng nó sẽ không sinh sôi,
thậm chí mất hẳn nếu như không có môi trường cộng đồng nuôi dưỡng. Đó chính là
đặc điểm quan trọng nhất của văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số ở Tây
Nguyên và điều này đã đặt ra nhiều vấn đề quan trọng trong việc phát huy vai trò
của các nghệ nhân cũng như xây dựng môi trường văn hóa truyền thống, bảo tồn các
buôn làng truyền thống như hiện nay.
Thứ tư là văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số Tây Nguyên chỉ bộc lộ rõ nhất
và độc đáo nhất trong môi trường diễn xướng. Đây cũng là đặc điểm chung của văn
hóa phi vật thể nhưng ở các dân tộc thiểu số Tây Nguyên tính chất này đậm đặc và
ngưng kết hơn. Là dạng thức vốn tiềm ẩn trong trí nhớ, “ngủ quên” trong những
ngày lao động vất vả cho nên chỉ khi có môi trường diễn xướng (nghĩa là có lễ
hội) thì văn hóa phi vật thể mới bộc lộ, thể hiện ra như một hiện tượng văn hóa.
Chính vì vậy mà các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên có một hệ thống các lễ hội vô
cùng phong phú gắn với các chu kỳ về đời người và trồng trọt... Chỉ có trong môi
trường diễn xướng có tính chất “thời điểm mạnh” đó mới không có sự tách rời,
biệt lập giữa cá nhân và cộng đồng, không có sự chia cắt tinh thần trong môi
trường cộng sinh, cộng cảm và cộng mệnh. Điều đó càng cho thấy rằng sự suy giảm
văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số hiện nay có hàm nghĩa sâu xa về sự biến
mất của các lễ hội và ngược lại.
Môi trường diễn xướng là nền tảng thể hiện khá rõ nét tính cộng đồng nhưng cũng
là động lực cho mỗi nghệ nhân, mỗi thành viên bộc lộ cá tính sáng tạo đầy ngẫu
hứng của mình. Chính vì vậy, nó nảy sinh tính dị bản như một đặc thù của văn hóa
dân gian. Sinh động, phong phú nhưng không có nghĩa là không phức tạp trong khi
tìm kiếm giá trị đích thực của văn hóa phi vật thể. Đó cũng là trường hợp chúng
ta đang sưu tầm một số lượng lớn sử thi khổng lồ ở Tây Nguyên nhưng không tránh
khỏi sự trùng lặp.
Trên thực tế, văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên là văn hóa dân gian nên
giá trị to lớn của nó biểu hiện chủ yếu trong văn hóa phi vật thể. Ở đây chỉ nêu
một số dạng thức chủ yếu của văn hóa phi vật thể để bảo tồn và phát huy giá trị
của nó trong thời điểm cấp bách hiện nay.
Tiếng nói và chữ viết là một bộ phận trọng yếu của bản sắc văn hóa, là một trong
những yếu tố đầu tiên để phân biệt tộc người này với tộc người khác. Có thể
khẳng định rằng đánh mất tiếng nói và chữ viết là con đường đầu tiên dẫn đến sự
đồng hóa và ngược lại muốn bảo vệ bản sắc văn hóa cũng không thể không bảo tồn
và phát triển tiếng nói và chữ viết.
Với khoảng 20 tộc người bản địa ở Tây Nguyên đều có tiếng nói và chữ viết riêng
đã tạo nên bức tranh ngôn ngữ vô cùng đa dạng và độc đáo. Tuy nhiên, do trình độ
phát triển không đồng đều mà có tộc người còn bảo tồn và phát triển được tiếng
nói và chữ viết như Ê Đê, Ba Na, Gia Rai… nhưng cũng có nhiều ngôn ngữ đã và
đang biến mất.
Ngữ văn truyền miệng gồm thần thoại, tục nữ, ngạn ngữ, thành ngữ, câu đố, ngụ
ngôn, ca dao, truyện thơ dân gian, sử thi, văn tế, lời khấn… Bố phận này chiếm
vị trí khá lớn trong văn hóa phi vật thể và tồn tại lâu bền trong dân gian thông
qua hình thức truyền miệng.
So với nhiều vùng văn hóa khác nhau ở Việt Nam cũng như trên thế giới, vùng văn
hóa Tây Nguyên có bản sắc riêng là nhờ bộ phận này, đặc biệt là sử thi Tây
Nguyên. Chúng ta đã từng nghe và biết khá rõ các sử thi Đam San, Đam Di, Xinh
Nhã… gần đây, dau hơn 5 năm điền dã, sưu tầm, ghi chép từ hơn 388 nghệ nhân, Tây
Nguyên đã có hưn 801 đơn vị sử thi. Số lượng sử thi này đã làm cho nhiều nhà
nghiên cứu Việt Nam và trên thế giới ngạc nhiên không chỉ về trữ lượng của nó mà
còn ở sự đa dạng và độc đáo.
Lối sống, nếp sống là bộ phận quan trọng của văn hóa truyền thống Tây Nguyên.
Cốt lõi của lối sống, nếp sống chính là những hành vi, ứng xử của con người
trong mối quan hệ với cộng đồng và với tự nhiên.
Ở Tây Nguyên, lối sống, nếp sống của các tộc người bản địa được ngưng kết nhiều
nhất trong luật tục. Giống như hương ước của người Kinh, luật tục Tây Nguyên là
công cụ cực kì quan trọng trong quản lí và phát triển cộng đồng buôn làng. Mỗi
tộc người Tây Nguyên đều có luật tục riêng chính vì vậy mà tinh thần tự quản của
họ trước đây rất cao. Đây là một trong những đặc trưng quan trọng làm nên bản
sắc văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
Diễn xướng dân gian là một trong những mảng chủ đạo của văn hóa dân gian bao gồm
các hình thức ca múa, âm nhạc, sân khấu, các hoạt động trò diễn, nghi lễ, phong
tục… Các hình thức sinh hoạt này được GS.TSKH Tô Ngọc Thanh gọi với cái tên
chung là trình diễn dân gian, được giới nghiên cứu xem như là đặc trưng cơ bản
của văn hóa dân gian, thậm chí có người còn đồng nhất với văn hóa dân gian.
Trước đây, ở Tây Nguyên có gần 100 lễ hội của 20 dân tộc bản địa nhưng ngày nay
đã thiếu vắng đi rất nhiều do có sự thay đổi cơ cấu cây trồng. Không còn trồng
lúa thì làm sao cúng lúa để đánh chiêng, nhảy múa gọi hồn lúa về; không còn cây
to, bến nước thì làm sao cộng cảm được…
Tri thức văn hóa dân gian là toàn bộ những hiểu biết, kinh nghiệm của cộng đồng,
tộc người tự nhiên, xã hội cũng như sự tri nghiệm bản thân trong quá trình phát
triển tộc người. Những tri thức này được chia sẻ, trao truyền qua các thế hệ
thông qua trí nhớ, truyền miệng và thực hành xã hội. Chính vì tri thức văn hóa
dân gian của mỗi cộng đồng tương thích với môi trường tự nhiên, hoàn cảnh xã hội
và trình độ phát triển nhất định nên lĩnh vực này còn được gọi là tri thức địa
phương, tri thức bản địa.
Trong các thành tố về tri thức dân gian thì tri thức về quản lí xã hội được phản
anh trong luật tục có ý nghĩa quan trọng trong phát triển nông thôn hiện nay.
Ngoài ra còn phải kể đến tri thức về dưỡng sinh, y học dân gian… tiềm ẩn trong
từng cộng đồng, buôn làng ở Tây Nguyên. Đây là lĩnh vực văn hóa phi vật thể chưa
có sự quan tâm đầy đủ và đúng mức bởi những tác động mạnh mẽ trong bối cảnh hiện
nay.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Hòa