Nỗi nhớ Sóc Bom bo

02:46 11/03/2013 Lượt xem: 442 In bài viết

Quen mà lạ

Đến trung tâm xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng, chúng tôi không khó khăn để hỏi thăm đường về sóc Bom Bo vì địa danh này quá quen thuộc với người dân khu vực. Trên con đường dẫn vào sóc Bom Bo, thật khó hình dung được nơi đây trước kia lại là vùng đất đầy bom đạt, bởi dọc theo con đường trải nhựa uốn lượn như dải lụa mềm giờ đây nhà cửa khá đông đúc.

Trên mảnh đất trù phú này, trải dài theo tầm mắt chúng tôi là những vườn điều, vườn cao su bạt ngàn. Nếu đứng từ trên cao nhìn xuống, phong cảnh đồi nương nối tiếp chạy dài bất tận, xen lẫn những hồ nước trong xanh, hẳn sẽ khiến nhiều lữ khách lưu luyến không muốn rời chân.

Vào mùa này những vườn điều bạt ngàn trên đồi nương đã bắt đầu đơm hoa, kết trái. Đây cũng là lúc đồng bào dân tộc bận rộn với công việc để chuẩn bị cho vụ mùa thu hoạch mới, nên những căn nhà của đồng bào tại đây thường đóng cửa im ỉm. Thỉnh thoảng mới gặp một vài người phụ nữ dân tộc Stiêng trong trang phục truyền thống, lưng deo gùi, đi bộ trên những con đường mòn. Khi thấy sự xuất hiện của chúng tôi, họ ngước nhìn với ánh mắt tò mò xen lẫn chút thích thú khi có khách phương xa tới thăm.

Rồi chúng tôi cũng đến được với sóc Bom Bo, nhưng điều khiến tôi bất ngờ là địa danh sóc Bom Bo – nơi đồng bào dân tộc giã gạo nuôi quân ngày nào - hiện nay lại nằm trên địa bàn thôn 1, xã Bình Minh (huyện Bù Đăng) chứ không phải nằm trên địa bàn xã Bom Bo (vào sâu bên trong khoảng 10km nữa-PV). Trái với những gì tôi đã hình dung về sóc Bom Bo với hình ảnh đồng bào dân tộc trong trang phục truyền thống, với những căn nhà dài (nhà truyền thống của đồng bào Stiêng), những lễ hội, sinh hoạt văn hoá độc đáo… Bom Bo ngày nay hầu như rất khó tìm được những nét sinh hoạt văn hoá của đồng bào Stiêng bởi tại đây, từ những căn nhà kiên cố, khang trang, cách ăn mặc, sinh hoạt của đồng bào hầu như đều giống người Kinh. Nếu những ai đã từng một lần hình dung về cuộc sống tại sóc Bom Bo anh hùng xưa, thì khi đối diện thực tế hôm nay hẳn sẽ cảm thấy vùng đất này rất xã lạ. Trong sâu thẳm tâm hồn người lữ khách phương xa, một cảm giác vừa bỡ ngỡ vừa hụt hẫng, tiếc nuối điều gì đó bỗng chốc ùa đến khiến cho chúng tôi không khỏi xao xuyến, bâng khuâng khi nhớ về địa danh sóc Bom Bo hào hùng năm nào.

Giữ lại trên sóc Bom Bo

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước kia, khi chưa chia cắt địa giới hành chính, người ta vẫn gọi khu vực thôn 1, xã Bình Minh hiện này là sóc Bom Bo, thuộc xã Bom Bo. Nhưng vào năm 2008, trong quá trình chia tách, lập xã mới thì sóc Bom Bo được chuyển khỏi xã Bom Bo và nhập vào xã Bình Minh. Điều này đã khiến nhiều người không biết sóc Bom Bo thật nằm ở đâu.

Già làng Điểu Lên, Chủ tịch Hội đồng già làng xã Bình Minh- một người con sinh ra và lớn lên tại sóc Bom Bo- cho biết địa bàn thôn 1, xã Bình Minh chính là nơi xuất phát của phong trào giã gạo nuôi quân thời chống Mỹ. Ngày ấy, bộ đội và đồng bào dân tộc một lòng chiến đấu, bám từng tấc đất tấc rừng, nhưng vào những năm 60, địch bắn phá nhiều nên dân làng phải dời vào sâu trong rừng (giáp ranh khu vực xã Đắk Nhau); sau chiến tranh, dân dời về lại chỗ cũ. Cuộc sống của đồng bào dần được đổi thay để giờ đây, đồng bào Stiêng tại sóc Bom Bo đã khác, bà con không còn lo cái ăn, cái mặc. Nhà cửa cũng đã được cất khang trang, đủ tiện nghi hơn, điện lưới về tận nhà nên không còn phải sống trong cảnh đốt đuốc, đốt đèn dầu. Tại đây có 80% con em của đồng bào Stiêng được học hành đầy đủ và tiếp xúc với cuộc sống hiện đại. Trao đổi với chúng tôi, già làng Điểu Lên cho biết cuộc sống đã đổi thay nhưng bà con tại đây vẫn luôn trăn trở về tên gọi sóc Bom Bo.

Ông Nguyễn Quang Toản, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch tỉnh Bình Phước, cho biết việc lấy lại tên sóc Bom Bo thuộc chính quyền địa phương. Người dân sóc Bom Bo đã có văn bản gửi lên tỉnh “xin” lại tên sóc Bom Bo, tỉnh cũng đã có văn bản gửi trung ương và hiện đang chờ hướng dẫn giải quyết từ bên trên.

Bảo tồn văn hóa dân tộc

Nhằm tái tạo những sinh hoạt văn hoá độc đáo của đồng bào Stiêng, tỉnh Bình Phước đang thực hiện dự án Khu bảo tồn văn hoá dân tộc Stiêng tại sóc Bom Bo với diện tích 130 ha, kinh phí xây dựng khoảng 400 tỷ đồng. Dự án được thực hiện từ năm 2011-2014 gồm các hạng mục chính: Xây dựng 2 nhà dài; xây dựng các khu lưu niệm, trưng bày các sản phẩm do đồng bào sản xuất; xây dựng, tái tạo các làng nghề của đồng bào dân tộc như nghề thổ cẩm, nghề rèn; xây dựng các hồ sinh thái… Khi đưa vào hoạt động, dự án sẽ góp phần bảo tồn, giới thiệu các luật tục, đời sống của người dân bản địa tại sóc Bom Bo, đồng thời để khách tham quan du lịch.

Dân tộc Stiêng tại sóc Bom Bo, Bình Phước vốn là dân tộc bản địa, hiện tại đây còn gần 100 hộ đồng bào Stiêng sinh sống tập trung. Đồng bào Stiêng có những sinh hoạt văn hoá độc đáo với các lễ hội truyền thống như lễ đâm trâu, lễ hội cúng lúa mới, các lễ hội múa biểu diễn cồng chiêng,… Tuy nhiên, hiện nay các lễ hội của đồng bào dân tộc Stiêng còn rất ít. Trước sự phát triển về kinh tế, văn hoá, xã hội cùng với cuộc sống hoà hợp với các dân tộc khác tại địa phương, người Stiêng hiện nay chỉ còn lưu giữ một số sinh hoạt văn hoá tiêu biểu, các lễ hội, sinh hoạt văn hoá không còn được tổ chức thường xuyên. Một số ngành nghề truyền thống của dân tộc cũng bị mai một dần.

May mắn cho chúng tôi trong chuyến hành trình này là được xem già làng Điểu Lên cho thưởng thức một số điệu múa chiêng, thổi kèn bầu và một số làn điệu dân ca của đồng bào Stiêng. Tại nhà ông, chúng tôi còn được tận mắt chứng kiến hàng trăm ché rượu cỡ lớn mà ông lưu giữ hàng chục năm qua. Có thể nói gia đình ông là một trong những nhà hiếm hoi còn giữ lại được các hiện vật của dân tộc Stiêng. Và với tài nghệ của ông, thừa khả năng truyền dạy lại cho con cháu để giữ lại bản sắc Stiêng. “Tại Bom Bo, người Stiêng đã sống như người Kinh mất rồi, một số lễ hội, tập quán đang dần bị con cháu bỏ quên, tôi chỉ sợ con cháu mình sau này không còn giữ được những truyền thống của dân tộc mình” già làng Điểu Lên nói.