Xuân về trên bản Mông

02:58 11/03/2013 Lượt xem: 461 In bài viết

Những thiếu nữ Mông mặc váy, áo mới màu sắc sặc sỡ đổ về chợ phiên Pà Cò. Chợ bày bán đủ thứ, nhưng nhiều nhất vẫn là những sạp hàng thổ cẩm. Như nhiều phụ nữ Mông khác, chị Mùa Thị Mỵ xuống chợ cùng chồng trên chiếc xe máy còn rất mới, chị bảo: “Năm nay, được mùa ngô, mua được xe máy nó chở xuống chợ mua sắm đồ cho ngày Tết”. Chồng chị anh Sùng A Pẻn hớn hở: “Mình xuống chợ gặp nhiều bạn vui lắm. Tết năm nay, dân bản vui vì được mùa ngô nên mua sắm nhiều thứ”.

Len lỏi giữa dòng người đông nghịt, chúng tôi ngắm nhìn các mặt hàng rực rỡ màu sắc, phong phú về chủng loại từ quần áo, khăn mũ đến thực phẩm, đồ gia dụng... Ngồi bán những mặt hàng thổ cẩm, chị Mùa Thị Tứ khoe: “Vừa mới mở hàng mà mình đã bán gần hết. Những chiếc túi, khăn, áo, váy thổ cẩm của gia đình dệt đấy. Bán hết số hàng này, mình sẽ mua một số thực phẩm cho Tết”.

Nhộn nhịp một góc chợ là gian hàng bán đồ điện tử. Xung quanh là những đồng bào Mông Pà Cò đang ngắm những chiếc ti vi, điện thoại di động. Ngồi bán hàng điện tử, ông Mùa A Lử tươi cười bảo: “Bây giờ người Mông đã biết cách làm kinh tế để giàu lên và họ đã sắm được xe máy, điện thoại di động. Các chàng trai Pà Cò giờ không còn phải dắt ngựa như ngày xưa mà họ đi xe máy chỉ vài chục phút là xuống chợ rồi”.

Chợ tan. Chúng tôi vượt đèo, dốc quanh co vào xã Pà Cò. Trong cái lạnh se sắt của mùa đông, không khí thật ấm cúng khi chúng tôi được lãnh đạo xã Pà Cò đón tiếp thân mật qua những cái bắt tay và những lời thăm hỏi chân tình. Bí thư Đảng ủy xã Sùng A Màng nắm chặt tay tôi miệng tươi cười: “Em mới lên à. Chúc năm mới mạnh khỏe!”. Rồi anh pha ấm chè Shan tuyết mời chúng tôi và phấn khởi chia sẻ về cuộc sống mới và không khí đón Tết cổ truyền của người Mông từ ngày 1/12 âm lịch.

Xã Pà Cò có 482 hộ với 2.522 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông, được chia thành 8 bản là Pà Háng Lớn, Pà Háng Con, Pà Cò Lớn, Pà Cò Con, Trà Đáy, Xà Lĩnh 1, Xà Lĩnh 2 và bản Cang. Trước đây Pà Cò là điểm nóng về tệ nạn nghiện hút và buôn bán ma túy. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng các cấp, các ngành của tỉnh Hòa Bình và huyện Mai Châu thông qua Dự án giảm nghèo, Chương trình 135, 134 và Nghị quyết số 37-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010”, đến nay đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 24%. Đường xá, trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang, công trình cấp nước sạch, hệ thống đường điện đến các bản. Bà con đã phá bỏ cây thuốc phiện để trồng cây lúa lai, ngô lai, mận tam hoa, dong riềng, su su và chè Shan tuyết. Từ năm 2007, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phương Huyền ở thành phố Hòa Bình đã lên thu mua búp chè tươi và mở xưởng chế biến chè tại xã. Hiện hơn 50% số hộ trong xã trồng chè với khoảng 36ha chè cùng với 1.000 cây chè cổ thụ ở núi Pà Háng nên kinh tế của bà con dần ổn định. Nhiều hộ gia đình làm kinh tế giỏi có thu nhập từ 70-80 triệu đồng/năm.

Năm 2010, Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel đã xây tặng trạm tiếp sóng truyền hình cho xã Pà Cò, vì vậy người dân đã bắt được tín hiệu của các chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Hòa Bình và Đài Truyền thanh huyện Mai Châu qua ăngten thay vì phải đầu tư các chảo truyền hình vệ tinh như trước đây.

Tết đến xuân về, mọi người, mọi nhà ai cũng thấy vui mừng và phấn khởi, bởi một năm qua bà con đã thu được rất nhiều thành quả trong lao động sản xuất, ngô lúa đầy bồ, chăn nuôi thuận lợi, làm cho cái Tết đủ đầy hơn. Đến thăm nhà già làng Sổng A Cha, chúng tôi cảm nhận được sự thân mật, gần gũi của gia chủ. Căn nhà gỗ rộn ràng tiếng trò chuyện. Vợ già khoe với chúng tôi, năm nay gia đình đã có hai con lợn nặng 60kg, 10 con gà và bà chỉ cho chúng tôi xem những chiếc bánh dày, thịt lợn đã được hong trên gác bếp. Bà bảo: “Tết của người Mông không thể thiếu bánh dày và thịt lợn. Mỗi gia đình tùy theo từng dòng họ mà để ba, năm hoặc bảy chiếc bánh dày lên bàn thờ cúng tổ tiên. Bánh dày cũng như bánh chưng dưới xuôi, là món ăn cổ truyền từ lâu đời và là nét đặc trưng của cái Tết người Mông mình”. Vừa làm, vừa trò chuyện, chỉ một loáng sau, mâm cỗ đã được dọn ra, gồm bánh dày rán, thịt lợn hong khói rang lá mắc mật, thịt lợn nướng và bình rượu ngô. Chén rượu cay cay, miếng rau cải ngòn ngọt, miếng thịt lợn thơm lừng cứ đọng mãi nơi cuống họng. Già xin phép mọi người được uống rượu theo phong tục quay vòng tròn, người này rót cho người kế tiếp, uống hết ba vòng mới thôi. Già kể lại cho chúng tôi về cuộc sống du canh du cư của đồng bào Mông trước kia. Đốt nương, làm rẫy, đi hết khu đồi này đến khu đồi khác, chùn chân, mỏi gối mà người Mông vẫn không đủ ăn. Cuộc sống đã thực sự đổi thay, Tết được sung túc từ khi Đảng, Nhà nước có chính sách định canh, định cư và hướng dẫn đồng bào cách trồng trọt, chăn nuôi, ổn định cuộc sống ở vùng thung lũng này. Người Mông ơn Đảng nhiều lắm.

Những năm gần đây, đồng bào Mông đã nhận được nhiều sự quan tâm của chính quyền các cấp và các tổ chức xã hội trong việc tổ chức vui xuân, đón Tết cổ truyền cho bà con. Năm 2010, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã hỗ trợ kinh phí cho xã Pà Cò tổ chức Lễ hội xuân với nhiều hoạt động như: Thi trang phục dân tộc Mông, múa khèn, đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co, ném pao, giã bánh dày... Các chàng trai, cô gái xúng xính trong những bộ trang phục rực rỡ tham gia hội ném còn, bày tỏ tình cảm qua tiếng khèn, tiếng sáo. Thường thì các cô gái ném còn với nhau, các chàng trai đứng xem, khi thấy cô nào vừa con mắt thì nhảy vào bắt còn. Nếu cô gái ưng bụng thì không xin lại còn, nếu không ưng bụng thì sẽ đến xin lại. “Trước đây, con gái Mông ném còn chọn chồng, giờ chỉ chọn người thương thôi vì còn đang phải học mà”. Cô bé Sùng Thị Hoa, 16 tuổi, đang học cấp ba ở Trường Dân Tộc nội trú mạnh dạn bày tỏ. Còn Mùa A Sáng kể: Năm nay diện bộ quần áo mới do chị gái dệt trong vòng 5 tháng để đi chơi Tết. Tết chỉ có đi chơi thôi, đi bắt pao của bạn gái, may mắn thì nên vợ nên chồng”. Cuộc chơi kéo dài đến khi sương giăng mờ khắp lối đi trong bản.

Tạm biệt Pà Cò khi Tết vẫn còn đang rộn ràng, chia tay bản làng người Mông mến khách, chúng tôi không khỏi lưu luyến, bịn rịn khi trở về với những công việc bận rộn cuối năm. Kỷ niệm về Pà Cò với cái Tết đặc sắc văn hóa Mông in đậm trong chúng tôi.

Nguyễn Kim Nhung