Giúp đồng bào phát triển kinh tế - xã hội - Bảo vệ vững chắc chủ quyền Biên giới quốc gia

02:29 11/03/2013 Lượt xem: 294 In bài viết

Quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và địa phương về xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội củng cố quốc phòng-an ninh ở biên giới, vùng sâu, vùng xa, Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo các đồn biên phòng trên tuyến biên giới bám sát địa bàn, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, coi đồng bào dân tộc là anh em ruột thịt, nhờ vậy đã góp phần cùng các ngành, các cấp từng bước nâng cao đời sống, tạo lòng tin vững chắc cho bà con vào sự lãnh đạo của Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng bộ đội biên phòng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc...

Bộ đội Biên phòng tỉnh tích cực tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương. Từ năm 2009 đến nay, tham gia dạy học cho bà con dân bản và các cháu học sinh, mở 10 lớp/250 học sinh tiểu học; chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào dân tộc, khám chữa bệnh cho 3.769 lượt người, cứu cháu Hồ Dưỡng thoát khỏi tử thần bởi phong tục mẹ chết chôn con theo (tại Bản Cà Ai, xã Dân Hoá, địa bàn Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Cha Lo quản lý). Tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, củng cố các tổ chức đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng, đến nay đã bố trí 3 cán bộ bộ đội biên phòng về giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ xã, 6 cán bộ tăng cường tham mưu cho các xã biên giới, 26 đảng viên bộ đội biên phòng về sinh hoạt tại 19 bản còn ít đảng viên, năng lực lãnh đạo yếu.

Bộ đội Biên phòng mạnh dạn nghiên cứu các mô hình sản xuất để giúp đồng bào sản xuất tại chỗ, tự túc được một phần lương thực. Năm 2008 đã giúp đồng bào Vân kiều tại bản Tân Ly, xã Lâm Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ (địa bàn Đồn Biên phòng Làng Ho quản lý) khôi phục hệ thống kênh mương nội đồng đưa hơn 2 ha ruộng lúa vào sản xuất, từ đó đến nay mỗi năm, bà con sản xuất được 2 vụ lúa đạt năng suất hơn 4 tấn/ha/vụ, góp phần ổn định lương thực cho dân bản Tân Ly. Phát huy kết quả đó, năm 2010, sau khi trồng thử nghiệm 2 sào lúa nước tại Thung lũng núi đá vôi, khu vực người Rục sinh sống (xã Thượng Hoá, huyện Minh Hoá thuộc địa bàn Đồn Biên phòng Cà Xèng quản lý), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh mạnh dạn lập dự án thi công công trình “Ruộng lúa nước Rục Làn”. Cuối năm 2010, công trình hoàn thành với diện tích gần 10 ha, có hệ thống kênh mương bê tông, đường nội vùng, hàng chục thửa ruộng được khai hoang từ các đồi lúp xúp sim mua, nay trở thành cánh đồng trải dài, kết quả vụ lúa Đông Xuân và vụ Hè Thu năm 2011 đạt năng suất gần 4 tấn/ha/vụ. Qua sản xuất 2 vụ lúa đã khẳng định trên địa bàn biên giới dù khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, địa hình khó khăn... nhưng nếu nghiên cứu kỹ và có sự đầu tư vẫn mở rộng được diện tích đất sản xuất nông nghiệp cho đồng bào dân tộc. Điều này có ý nghĩa rất lớn giúp đồng bào các dân tộc thiểu số chuyển đổi cách thức sản xuất từ làm nương rẫy, sắt bắt, hái lượm trong rừng sang biết cày bừa, gieo cấy, chăm sóc lúa nước. Mặt khác, đồng bào dân tộc lao động rất tích cực, tự giác, tiếp thu nhanh khoa học kỹ thuật đã góp phần hạn chế và chấm dứt nạn chặt phá rừng làm nương rẫy; phấn khởi nhất là bà con đã tự túc được một phần lương thực tại chỗ, dù mới chỉ qua một vài mùa vụ đầu tiên làm lúa nước. Sau 52 năm tộc người Rục được bộ đội biên phòng tìm thấy trong rừng, đưa về bản cư trú, có nhà đã thu gần 1,5 tấn thóc, nhiều nhà có 5-7 tạ thóc 2 vụ (chia theo công lao động).

Bên cạnh đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xây dựng 4 tuyến đường giao thông, 3 công trình cấp nước, 2 trạm quân dân y, 2 nhà văn hoá phục vụ đồng bào dân tộc. Hiện nay, đang xây dựng lại Bản Làng Ho xã Kim Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ (địa bàn Đồn Biên phòng Làng Ho quản lý), nơi đây trong kháng chiến chống Mỹ là điểm đầu ác liệt chi viện cho chiến trường Trị Thiên Huế, Liên khu 5, Đường 9 Nam Lào với nguồn kinh phí hơn 3 tỷ đồng do Tổng Công ty Bia rượu Sài Gòn và Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, Báo Sài Gòn Giải phóng tài trợ.

Từ năm 2009 đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh kêu gọi các nhà tài trợ được gần 7 tỷ đồng, làm được 221 nhà Đại đoàn kết, 8 nhà tình nghĩa, 7 nhà Đồng đội và 1 số công trình dân sinh cho đồng bào dân tộc và những hộ gia đình khó khăn không có khả năng làm nhà ở.

Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình vừa tập trung hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ biên giới, vừa bố trí lực lượng giúp các địa phương, giúp dân phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố thế trận biên phòng toàn dân bảo vệ biên giới. Đã huy động hàng ngàn ngày công bộ đội và ủng hộ kinh phí làm nhà, các công trình dân sinh, các mô hình sản xuất giúp dân. Với đặc tính đồng bào dân tộc, Bộ đội Biên phòng phải cầm tay, chỉ việc, hướng dẫn bà con từ cái chữ, đến sử dụng viên thuốc, kỹ thuật cày bừa, sản xuất lúa nước, chăn nuôi, trồng trọt... thành tích tuy chưa nhiều song đã góp phần cùng địa phương từng bước ổn định cuộc sống cho đồng bào dân tộc, xây dựng lòng tin, vận động đồng bào tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.

Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm đầu tư đối với đồng bào dân tộc, song do sinh sống ở địa bàn khó khăn, hạ tầng cơ sở còn thiếu, điều kiện tiếp xúc xã hội nâng cao dân trí còn hạn chế nên đời sống của đồng bào vẫn còn nhiều thiếu khó. Song, đồng bào các dân tộc thiểu số lại là những người ở địa bàn biên giới, nơi cửa ngõ tiền tiêu của Tổ quốc, vì vậy, rất mong Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cao đời sống mọi mặt cho bà con, góp phần tạo nên thế trận vững chắc trên tuyến biên giới.

Đại tá: Nguyễn Văn Phúc

Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Biên phòng Quảng Bình