Nồng ấm ngày cuối năm
02:46 11/03/2013 Lượt xem: 257 In bài viếtTrong cái rét ngọt ngào của vùng cao quê tôi, khi tầng tầng, lớp lớp thửa ruộng bậc thang được phủ màu xanh non nõn nà của những đon mạ mới cấy, từ triền núi cao đến thung sâu bạt ngàn nụ đào cựa mình, tách vỏ, thắp lửa hồng trên cây cành khẳng khiu… thời khắc ấy, cho dù đất trời muốn chu trình thời gian chầm chậm trôi thì ngày cuối năm vẫn đến với người vùng cao quê tôi.
Ngày cuối năm giống bao ngày đã qua, đồng hồ thong thả đếm đủ thời khắc hai mươi tư giờ không có lẻ. Những dãy núi đá thâm u, cô tịch từ ngàn đời vẫn khoác tấm khăn voan mây trắng nõn nà, nhè nhẹ, bồng bềnh, huyền ảo. Rừng đại ngàn luôn ngân vang khúc hát du dương ngàn đời của gió. Ngọn thác Pụ Thàn vẫn cao hứng dội nước ầm ầm xuống chân núi, làm nên đầu nguồn dòng Nặm Khuổi ngày đêm thì thầm, rủ rỉ lời tâm sự… Thế nhưng, đối với người rẻo cao ở núi rừng Việt Bắc quê tôi thì ngày cuối năm là ngày trọng đại lắm.
Nhớ sao những ngày cuối năm ấy, từ sáng sớm lúc bầy gà rừng, gà nhà chưa cất tiếng gọi sáng, mế tôi đã dậy, lấy đôi chiếc thau đồng vàng óng ra kỳ cọ cho sáng bóng lên. Mế bảo, đôi thau đồng này là vật báu linh thiêng được lưu giữ từ thời ông bà tiên tổ xa xưa. Thau đồng chuyên để ngâm gạo nếp, đỗ xanh gói bánh chưng ngày tết.
Mế nhẹ nhàng cầm một chiếc thau đồng, pha nước âm ấm, ngâm gạo nếp nương to tròn, nhinh nhính. Gạo nếp, hạt thì trắng muốt màu lõi cây bột báng, hạt thì trắng đục giống bắp nếp. Những hạt gạo nếp thơm thảo thấm đẫm mồ hôi, công sức của người bản, trong đó có mế. Đây là đặc sản tinh túy của quê tôi, mà người dưới xuôi vẫn gọi bằng cái tên dân dã “nếp trợn miền ngược”.
Còn chiếc thau đồng thứ hai, mế ngâm những hạt đỗ xanh đã được sát bong đôi, lộ ra lòng vàng ruộm. Đây là đỗ được trồng trên nương thấp, nương cao, sau khi hút tinh túy của đất trời đủ tháng, đủ ngày, cho những quả tròn căng. Đến mùa thu hái, mế tôi cùng người bản kĩu kịt gánh những chiếc thạ đầy quả đỗ về nhà, tãi ra sàn phơi. Khi quả ngậm đủ nắng, tự tách vỏ, lộ ra những hạt tròn tròn, be bé, hạt nào, hạt ấy đều tăm tắp, giống nhau đến lạ kỳ.
Khi bầy gà thi nhau cất cao dàn đồng ca gọi mặt trời, đấy là lúc bản tôi vang lên tiếng lợn kêu dội vào vách đá. Lúc này, các nhà náo nức cùng nhau thịt lợn để đón năm mới. Mế gọi chị gái và tôi, bảo chị ra suối rửa lá dong, còn tôi ra sàn nước vo gạo, đãi đỗ. Nhắc việc chị em tôi xong, mế tong tả sang nhà ông chú lấy thịt lợn. Như là thành lệ, năm nào nhà tôi cũng “đụng” chung thịt lợn với ông chú. Con lợn được chia đều thành bốn phần, nhà tôi lấy một phần, còn thì nhà ông chú, bà cô...
Khi mặt trời thả những tia nắng ban mai vàng óng như tơ xuống núi rừng là lúc dưới chân thác Pụ Thàn đông như trẩy hội. Những cô gái bản tôi, da trắng màu phấn hoa, thắt đáy lưng ong, vừa mải miết rửa lá dong, vừa chuyện trò rôm rả. Những chiếc lá dong xanh ngăn ngắt, vừa to, vừa dài, dưới đôi bàn tay thon thả, thoăn thoắt, khéo léo của gái bản lúc lật lên, lúc úp xuống uyển chuyển như đang múa.
Vui nhất, háo hức nhất là lúc ba mế con tôi quây quần gói bánh. Chị gái tôi được mế dậy từ cách xếp lá, đổ gạo, cho đỗ, đặt nhân thịt trong bánh sao cho gọn để dễ gói. Mế bảo với chị, em tôi, là con gái, sau này còn đi làm dâu, nếu không biết gói bánh là gái đoảng, gái hư rồi. Bao giờ nhà tôi cũng gói hai loại bánh là bánh vuông và bánh dài. Bánh vuông để dâng lên ông bà tổ tiên trên ban thờ, còn bánh dài là phong tục của người Tày, nếu không gói bánh dài là người quên gốc rễ, cội nguồn.
Bánh gói xong xếp đầy chiếc nồi to, cũng vừa lúc bếp vuông trên sàn nhà, lửa đỏ ôm chân kiềng bập bùng, nhảy nhót. Tôi tranh phần trông nồi bánh chưng để được thỏa thuê ngắm nhìn ngọn lửa bập bùng, reo vui tí tách. Thường vào chiều cuối năm, mế làm mâm cơm mời tổ tiên, ông bà về vui xuân, khi những nén hương trầm thơm ngát lan tỏa, vấn vít là lúc chị em tôi sà vào lòng mế, mỗi đứa một bên, nghe mế kể chuyện cổ tích và chuyện về cha tôi. Lúc ấy, bao giờ mế cũng chép miệng nói: “Không biết cái tết này, cha các con có về không?”. Tôi nghe thấy tiếng thở dài rất nhẹ như tiếng gió thoảng của mế.
Cha tôi là bộ đội, quanh năm suốt tháng đi biền biệt, thi thoảng mới về nhà một vài ngày. Hiếm hoi lắm cũng có ngày cuối năm, khi trên bếp nồi bánh chưng đang sôi réo, đằm đượm, dưới nắng chiều nghiêng rừng, cha tôi trong bộ quân phục bạc màu, lưng đeo ba lô, bước chân nặng trĩu cầu thang, khuôn mặt rám nắng, nở nụ cười giòn như đá chạy từ trên núi xuống thung, ôm chầm lấy hai chị em tôi và nói: “Cha về vui tết với nhà mình đây!”. Dường như năm ấy, những cây đào trên triền núi, dưới thung thi nhau khoe sắc hồng rực rỡ hơn; cây mơ, cây mận trong vườn nhà khoác tấm áo trắng nõn nà, thanh tao rủ bầy chim rừng cất tiếng hót ríu rít mừng vui.
Bao năm qua, những ngày cuối năm thuở thiếu thời ấy đã trở thành kỷ niệm ngọt ngào của tôi giữa vòng xoáy lập nghiệp nơi phố thị với vô vàn lo toan thường nhật của một gia đình công chức. Vậy nên, năm nào cũng vậy, khi nơi nơi rộn ràng chuẩn bị sắm tết, cuốn lịch nhỏ nhắn trên tường sắp trôi về ngày cuối năm, tôi hồ hởi cùng gia đình tất bật sửa soạn ngược núi, về quê. Tôi muốn gia đình quây quần, đằm mình trong hương vị nồng ấm ngày cuối năm nơi rẻo cao.
Tản văn của Thùy Linh