Xuân Nhâm thìn nhớ lời Bác dạy

02:58 11/03/2013 Lượt xem: 325 In bài viết

Trong những năm tháng hoạt động ở nước ngoài, ngoài việc thành lập và tham gia hoạt động trong các tổ chức cách mạng, Hồ Chí Minh với bút danh Nguyễn Ái Quốc đã viết sách báo, tập trung lên án chủ nghĩa thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam, trực tiếp chọn và huấn luyện nhiều cán bộ người dân tộc thiểu số trong các lớp học được mở tại Quảng Tây, Quảng Đông-Trung Quốc. Ngay sau khi về nước, Hồ Chí Minh đã tiến hành các hoạt động vận động quần chúng. Người trực tiếp biên soạn tài liệu huấn luyện cán bộ, trong đó Người yêu cầu cán bộ phải: “Tìm hiểu phong tục, tập quán, học tiếng địa phương…”. Người giao cho một số cán bộ người dân tộc mở lớp huấn luyện quân sự và tổ chức nhiều hội nghị để củng cố sự đoàn kết giữa các dân tộc…

Với chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội; miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh vì mục tiêu dân tộc, dân chủ và hòa bình. Trong thời kỳ mới, vấn đề dân tộc thiểu số ở nước ta đã được Hồ Chí Minh đặt ra và giải quyết trên mọi bình diện mới, có nội dung mới phản ánh những nhu cầu cơ bản của dân tộc thiểu số từ chính trị đến kinh tế, từ văn hóa đến xã hội… Trong đó đoàn kết vì sự phát triển của các dân tộc thiểu số là nhiệm vụ trung tâm. Trong các dịp đi thăm đồng bào dân tộc ở Việt Bắc, Tây Bắc, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… Người nhấn mạnh: “ Ngày nay, chế độ ta là chế độ dân chủ, tất cả nhân dân các dân tộc đều có quyền làm chủ nước nhà” và kêu gọi: “Trước hết, tất cả các dân tộc, bất kỳ to hay nhỏ, đều phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ nhau như anh em một nhà”. Nói về nhiệm vụ trong thời kỳ mới, Người chỉ rõ: “Chủ nghĩa xã hội là mọi người dân được áo ấm, cơm no, nhà ở tử tế, được học hành. Muốn vậy thì mọi người phải thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, phải phát triển kinh tế và xã hội”.

Trong bài phát biểu tại cuộc mít tinh ngày 7/5/1959 ở huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, Bác nói: “Tôi mong rằng đồng bào đã từng cùng bộ đội ta đánh thắng trận Điện Biên Phủ, đuổi hết giặc Tây, giải phóng đất nước, ngày nay đồng bào, bộ đội và cán bộ lại càng phải cùng nhau đoàn kết, phấn đấu để giành lấy một thắng lợi to hơn nữa là tiêu diệt cho hết giặc đói, giặc dốt, làm cho mọi người đều được no ấm, đều biết chữ, làm cho mọi người đều được hưởng hạnh phúc yên vui”.

Và sau này, trong quá trình lãnh đạo đất nước, Bác nhiều lần nhấn mạnh: “Đồng bào dân tộc thiểu số cần có chữ viết của mình; cần đẩy mạnh xóa nạn mù chữ, học tập văn hóa, giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc…”. Người đã chỉ thị cho các cơ quan hữu quan thành lập nhiều trường dành riêng cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Người căn dặn việc trồng cây; giữ gìn vệ sinh làng bản, nhà ở, bảo vệ môi trường, giữ gìn trật tự an ninh… Do đồng bào các dân tộc thiểu số sống phần lớn ở các tỉnh biên giới, Người nhắc nhở phải đoàn kết, giữ gìn tình hữu nghị với nhân dân các nước có chung biên giới, Người yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền: “Phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân… Áp dụng chủ trương, chính sách phải sát với tình hình mỗi nơi”.

Trong những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Người đã chỉ thị cho các cơ quan tiếp tục lựa chọn và đưa nhiều con em đồng bào các dân tộc thiểu số sang các nước xã hội chủ nghĩa học tập, đào tạo và nhiều người trong số đó trở thành cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; nhiều nhà khoa học, nhà văn hóa có tên tuổi… Dù hoàn cảnh đất nước bị chia cắt song Người luôn luôn quan tâm đến đời sống các dân tộc thiểu số ở miền Nam.

Bác của chúng ta là thế, vĩ đại vô cùng mà cùng giản dị vô cùng. Dù trong cương vị của Chủ tịch nước nhưng từ chỗ ở cho đến các trang bị nơi làm việc của Bác đều hết sức giản dị. Một căn nhà gác đơn sơ bằng gỗ mộc mạc, cái giường mây, chiếu cói, trên đấy là một bộ chăn gối đơn, cạnh đấy là cái tủ nhỏ và kích thước cũng chỉ đủ treo mấy cái áo. Ta có cảm tưởng như đó là sự giản dị tột cùng, đến mức không thể giản dị hơn được nữa.

Trong cuộc đời hiến dâng cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân, Bác chỉ cho đi mà không hề nhận riêng về mình thứ gì. Thậm chí trước lúc vĩnh viễn đi vào cõi bất tử, trong bản di chúc thiêng liêng, Bác vẫn không quên dặn lại: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Lời căn dặn giản dị, chân thành nhưng hàm chứa một nhân sinh quan cách mạng của một tâm hồn vĩ đại, một nhân cách vĩ đại-nhân cách Hồ Chí Minh. Chúng ta nguyện mãi mãi học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người.

Thu Loan