Lễ cúng Yang Pa của người Chơ ro

10:51 25/03/2013 Lượt xem: 1101 In bài viết

Tín ngưỡng nguyên thủy của dân tộc Chơ-ro là thờ đa thần và quan niệm mọi vật đều có linh hồn và một trong các thần được đồng bào coi trọng nhất là thần lúa (Yang pa) hay hồn lúa.

Đây là lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm của người Chơ ro. Người Chơ ro sống bằng nghề nông truyền thống, cây lúa rẫy là lương thực chính của họ. Mục đích của lễ hội này là cảm ơn thần lúa và cầu mong thần lúa phù trợ cho mùa tới được thuận lợi.

Lễ hội truyền thống này được tổ chức lần lượt theo từng gia đình trong dòng họ, thông thường lễ hội này chỉ diễn ra từ 15 đến 30 tháng 3 âm lịch. Trước kia, người Chơ ro ở nhà dài, các tiểu gia đình trong ngôi nhà tổ chức lễ cúng thần lúa vào từng thời gian khác nhau, tránh trùng lặp, để mọi người trong dòng họ, xóm giềng đều đến chung vui với gia đình.

Lễ vật cúng yang pa gồm: thịt gà luộc, thịt heo, rượu cần, những bông lúa, hoa quả và bánh. Rượu cần được làm trước đó nhiều ngày, điều quan trọng là gạo dùng làm rượu phải lấy từ rẫy của gia chủ, không được vay mượn hoặc mua. Ngoài lễ vật cúng, người Chơ-ro còn làm một cây nhang bằng tre dài trên 1m. Phía ngọn phình ra hình cái rọ tượng trưng cho bông lúa lớn. Đầu cây có bốn tia ra được uốn rất đẹp, hai tia tượng trưng cho chim chèo bẻo (biểu tượng cho sự mạnh mẽ, khôn ngoan), hai tia tượng trưng cho lồng gà (hình ảnh thể hiện cúng yang hàng năm của gia đình). Bàn thờ cúng có ba tầng được làm bằng cây rừng và tre, gắn vào vách trên phần nhà sàn chính. Trước bàn thờ đặt ché rượu cần. Người gọi yang thường là người lớn, có uy tín trong nhà.

Vào ngày hội, phụ nữ phải lo việc xay lúa, giã gạo, làm gà vịt, làm bánh cúng... Một số loại bánh phổ biến trong lễ hội cúng thần lúa như: bánh giày mè đen (piêng pup), bánh tét (piêng chum), bánh ít, bánh ú... ở lễ hội này, người Chơ ro cũng nấu cơm nếp nướng trong ống tre (piêng đinh)... Nhiệm vụ của nam giới là sửa sang lại kho lúa, làm cây nêu, đi lấy nước, mổ heo, chuẩn bị bàn thờ, sân lễ...

Trước ngày làm lễ, chủ nhà mang rượu, một con gà còn sống, hoặc một quả trứng, một đĩa xôi (tuỳ theo điều kiện gia đình và mối quan hệ) đến nhà bà con, họ hàng, láng giềng biếu và mời đến dự lễ với gia đình. Nếu chủ nhà không đi được hết tất cả các gia đình thì nhờ con trai đi hộ. Khi đến mỗi nhà, người này mở rượu, rót ra ly mời gia chủ và thưa chuyện. Thông thường họ hàng, chòm xóm đến dự đều mang rượu và các hiện vật để tặng cho gia đình lấy may mắn.

Chủ nhà lấy những cây tre non, được chẻ làm 4 nhánh tượng trưng cho bông lúa mẩy, đặt ở bàn thờ (gô yang), đặt trên bồ lúa (voh piêng) và đặt trong chòi lúa (nhi va). Chuẩn bị đến giờ làm lễ, đồ cúng được bày lên bàn thờ (văh) gồm: rượu, đầu heo, gà luộc, các loại bánh đã chuẩn bị. Đầu heo chưa luộc được đặt ở giữa mâm cúng, xung quanh là trầu cau, gà luộc và các loại bánh trái đặt lên đầu những cây tre non. Riêng mâm cúng “Hứa trả lễ vụ tới” thì họ chuẩn bị 15 cọng tre đã chuốt sạch sẽ, mỗi cọng xâu 7 miếng tim, gan, lòng đặt quanh cái đầu heo sống, hoặc miếng thịt heo sống.

Trong khi mọi người chuẩn bị lễ vật cúng thì bà chủ nhà (mây va) mang gùi, vác chà gạc, dao côi ra rẫy. Trên đường đi, bà chặt một ngọn mía, một thân cây chuối non, lấy hai trái bầu khô đã để dành trước cho vào gùi. Đến chỗ lúa để dành cúng thần. Bà vái các thần linh trước rồi cắt bụi lúa cho vào gùi và đi thẳng về chòi lúa, bà đặt lúa, ngọn mía, hai trái bầu, thân chuối vào kho lúa và khấn.

Giờ hành lễ thường diễn ra trong khoảng thời gian từ 19 giờ cho đến nửa đêm. Đối với những gia đình mùa màng không thuận lợi, họ cũng làm lễ, nhưng không cúng trả lễ bằng lời hứa với các thần vào mùa trước.

Thầy Chang bắt đầu làm lễ ba lần theo tuần tự: Ban đầu thầy Chang khấn lạy thần lúa, thần rừng, thần rẫy, ông bà tổ tiên, chúng con dâng lễ cúng các thần và ông bà tổ tiên, mong các thần và ông bà tổ tiên cho chúng con làm ăn được mùa... Sau đó thầy Chang Khấn trả lễ và tiếp chuyện với thần lúa. Cuối cùng thầy Chang cùng chủ nhà khấn “hứa trả lễ vụ sau” cầu cho mùa sau được thuận lợi đồng thời chủ nhà hứa sẽ trả lễ với thần, nếu mùa màng bội thu thì trả lễ to.

Thời gian mỗi giai đoạn làm lễ trong khoảng 60 phút. Suốt quá trình làm lễ có sự kết hợp của dàn cồng chiêng 6 chiếc, khi tiếp chuyện với thần và khi khấn vái đều có nhạc đệm của tiếng cồng, tiếng chiêng kèm theo. Sau lời khấn vái ở các giai đoạn kết thúc, thầy Chang vảy ít gạo lên bàn thờ, chủ nhà làm tiệc đãi khách. Người phụ nữ lớn tuổi nhất trong gia đình chịu trách nhiệm cai quản chòi lúa, gọi là mẹ lúa uống ly rượu đầu tiên, vì theo quan niệm của người Chơ ro, vẫn còn bảo lưu chế độ mẫu hệ, người phụ nữ lớn tuổi nhất trong gia đình là người tiêu biểu cho sự cai quản, chăm sóc nhà dài, nương rẫy và chịu đựng nhiều trách nhiệm với cộng đồng.

Sau khi lễ xong, mọi người có mặt trong buổi lễ đó cùng nhau nhẩy múa, ca hát, mọi người mời nhau ăn bánh, uống rượu, khi uống dàn nhạc vẫn thay nhau chơi trong không khí vui vẻ, hoà đồng. Người lớn thì ngồi quây quần, tâm sự ôn lại chuyện xưa, mách cho nhau những vùng rừng mới cần khai thác vào mùa tới. Cuộc chơi này có khi kéo dài hai ba ngày đêm, cho đến khi không còn rượu nữa mới thôi. Tuỳ theo kinh tế từng gia đình mà cuộc vui này kéo dài hay kết thúc sớm. Thường thì khoảng từ 3 ngày đến 7 ngày, vui chơi cho đến khi hết rượu mới thôi.

Ngày nay, do cơ cấu sản xuất thay đổi, Người Chơ ro không còn lối canh tác du canh du cư nữa, họ cũng không còn ở nhà dài cộng đồng. Các gia đình ra ở riêng và hoà vào trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, họ hoà nhập vào tập quán sinh hoạt chung của người Việt, bắt đầu làm quen với tết Nguyên Đán. Lễ cúng thần lúa của họ thường được tổ chức vào dịp Tết Nguyên Đán của người Việt.

Huệ Hương