Về với Nặm Chà

02:57 11/03/2013 Lượt xem: 261 In bài viết

Đường lên Bản Xa

Sáng cuối năm, khi thành phố Lạng Sơn còn chìm trong sương, chúng tôi lên xe, ngược Quốc lộ 4A, rong ruổi lên vùng cao biên giới huyện Tràng Định. Trời mùa đông lạnh tái tê. Sương giăng kín mặt sông Kỳ Cùng, nhẹ nhẹ theo gió bay la đà lên các vòm cây, ngọn cỏ, từ từ nhẹ lướt trên mặt đường. Chiếc xe nhà binh của chúng tôi như đang trôi vào giữa biển sương bồng bềnh. Không biết có phải bởi “trời phú” cho khí hậu vùng biên mát mẻ và tinh khiết nên nơi đây cây trái 4 mùa xanh tốt, con người có nước da trắng nõn như lõi cây chuối rừng! Tôi mang “phát hiện” ấy chia sẻ với các anh trong đoàn công tác, mọi người cười rổn rảng tán thưởng, mỗi người một câu khôi hài góp vui khiến cho chặng đường xa như ngắn lại. Chiếc xe bỗng nhiên trở nên chật chội vì chủ đề “muôn thủa” của cánh “mày râu” được phát huy.

Khá lâu rồi, tôi mới có dịp đi trên Quốc lộ số 4, con đường gắn liền với lịch sử dân tộc trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Dẫu biết rằng, thời gian cùng với mưa gió đã làm cho con đường xuống cấp trầm trọng, nhưng tôi không tránh khỏi tiếng thở dài băn khoăn, bởi xe trọng tải lớn, xe côngtenơ đi lại nườm nượp, cày nát mặt đường thành những hố sâu lồi lõm, những ổ trâu, ổ gà thật đáng sợ. Và tôi không biết đến bao giờ thì con đường của một thời “máu lửa” mới được nâng cấp và sửa chữa?

Đến thị trấn Na Sầm (Văn Lãng), tới Thất khê, xe rẽ phải theo tỉnh lộ 3B, qua địa phận xã Quốc Khánh, lúc này, lái xe được dịp “trổ tài” vì con đường tuần tra biên giới đang trong giai đoạn thi công, liên tục khúc cua gấp tay áo và ngầu đất bụi đỏ. Trôi qua cửa xe là những ngôi nhà xây cao tầng, nhà lợp Prôxi măng lọt thỏm giữa vườn cây trái tốt tươi và bạt ngàn nương ngô xanh mướt. Dường như đây là “vương quốc” của ngô. Ngô leo từ mặt đường lên đến lưng chừng núi, tốt bời bời, cây nào cây ấy đeo bắp to như cổ chân. Điều đó nói lên, cuộc sống của người dân vùng biên viễn xa xôi ngày càng no ấm và khởi sắc.

Đổi mới và những trăn trở

Qua chân điểm cao huyền thoại 820, đến đập Kỳ Nà, nhà cửa dân cư thưa thớt, ngước mắt nhìn ba bề, bốn bên là những dãy núi dắt díu nhau chạy dài tít tắp. Khi chúng tôi như trôi giữa ngút ngát màu xanh điệp trùng của rừng thông, thì bất ngờ, bản Nặm Chà hiện ra với vẻ đẹp hoang sơ, thanh bình như trong truyện cổ tích. Ngay trên con dốc đầu bản là ngôi nhà sàn vững chãi của gia đình ông Trịnh Văn Hải, 52 tuổi, Trưởng bản. Ông Hải vừa đi đâu đó về bằng chiếc xe máy Suzuki. Thấy có người lạ, dựng vội xe sát cầu thang, ông vồn vã: “Khách xa à, ở đâu đến chơi bản thế? Lên nhà mình uống nước!”. Tôi còn đang chần chừ thì ông đã giục: “Đã đến bản là người nhà mà, tự nhiên đi”. Sự ngại ngần bỗng tan biến đi, tôi nhẹ bước vào nhà ông trong cảm giác thật gần gũi và ấm áp.

Trong nhà ông có nhiều đồ dùng như: Vô tuyến, dàn Karaoke, đài… ông Hải không dấu nổi niềm vui, nói với tôi rằng, bản Nặm Chà của ông có 9 hộ và 30 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Nùng. Mấy năm gần đây, được sự quan tâm, giúp đỡ của Hội Nông dân và cán bộ khuyến nông trong xã, trên huyện, gia đình ông cùng dân bản mạnh dạn áp dụng kỹ thuật, đầu tư vào chăn nuôi và trồng các giống lúa, ngô lai… Đặc biệt, người bản còn trồng thông theo dự án 661 được trên 70ha (7triệu đồng/1ha), riêng gia đình ông trồng được 10ha, vì thế không những cái đói, nghèo bị đẩy lùi, mà nhiều gia đình đã có của để dành, mua sắm được vật dụng đắt tiền. 100% số hộ trong bản có xe máy, nhiều nhà có đến 2 xe máy.

Tuy thế, ông Hải cũng trăn trở tâm sự, là bản “135” nằm trong xã biên giới vùng sâu, vùng xa của huyện, nhưng số hộ dân ít nên phải sinh hoạt ghép với bản Nậm Khoang (xã Đội Cấn) cách 10 km, vì thế, các chương trình: đường, điện lưới, trường, trạm, nước sạch… chưa đến với bà con dân tộc nơi đây. Điện thắp sáng trong bản nhờ vào 5 máy phát điện 0,5KW đặt dưới suối Khuổi Nọi. Nước sinh hoạt cũng rất khó khăn, phải dòng dây, bắt máng trên đầu nguồn cách bản vài cây số… nói đến đây, ông Hải bỗng thở dài, gương mặt đượm buồn.

Rời gia đình ông Hải, tôi đi vào trong bản lúc cái nắng mùa đông trải vàng nhàn nhạt khắp các mái nhà. Tuy đường nội bản chưa được bê tông hóa, nhưng sạch sẽ và thoáng đãng. Có điều rất lạ, các cánh cửa mở toang nhưng nhà không có ai. Trong ngôi nhà lợp prôximăng ở giữa bản, thật may, tôi gặp bà Hoàng Thị Lèn, 61 tuổi đang lúi húi bên bếp lửa. Thấy tôi hỏi sao người bản đi đâu vắng vẻ thế? Bà ngước đôi mắt già nua nheo nheo ánh nhìn thân thiện, thủng thẳng bảo: “Ây da! người lớn đi làm nương, vào rừng, trẻ con bản không có nhà”. Rồi bà chép miệng: “Quanh năm thế đấy, ngày thường ở đây vắng tiếng trẻ nhỏ, chúng nó đi ở trọ để lấy cái chữ vào đầu, còn non tháng nữa đến giáp cái tết chúng nó mới về”.

Tôi ngạc nhiên: “Thế ở đây không có lớp học ạ?”, bà lắc đầu, thở dài. Thấy bà im lặng, ông Đàm Văn Khích, 67 tuổi, cựu chiến binh thời chống Mỹ, nhìn tôi bảo: “Bản ít trẻ con, không có trường học, xuống xã Đội Cấn để học chữ đi tắt đường rừng cũng trên chục cây số, đi đến xã Quốc Khánh cũng chục cây, nhưng đường xá thuận tiện hơn, tụi trẻ ở đây thường gửi trọ dưới xã bạn đấy”.

Được biết, cả bản hiện nay có 6 cháu đang độ tuổi đi học tiểu học, phải ở trọ vì không thể đi chặng đường xa khi tuổi còn nhỏ. Phải chăng vì thế mà cả bản chỉ có 1 người tốt nghiệp Trung học cơ sở (lớp 9), còn lại đều học dở dang. Đây là một thiệt thòi rất lớn của trẻ nhỏ vùng biên giới.

Thay lời kết

Khi nắng vàng nhè nhẹ theo mặt trời rút lên đỉnh núi phía tây, sương chiều trong thung lũng từ từ dâng lên, tôi chia tay dân bản trong tiếng chim rừng gọi nhau ngân dài vách núi, người bản từ trên ruộng thấp, nương cao cũng đang tất tả trở về nhà. Đó đây, khói lam chiều quấn quít bay trên những mái bếp. Tôi mang theo những ánh mắt ưu tư cùng niềm ao ước của người già trong bản: “Mong lắm, cái ngày có điện quốc gia thắp sáng, có lớp dạy chữ để tụi trẻ không phải xa bố mẹ khi tuổi còn nhỏ…”. Không biết đến bao giờ mong ước nhỏ nhoi ấy của người dân nơi đây trở thành hiện thực?

Khi bài báo này lên khuôn thì mùa xuân mới sắp về, tụi trẻ trong bản nhỏ vùng biên ải xa xôi ấy chuẩn bị gói ghém “hành trang” từ nơi trọ học về nhà. Bao trăn trở, nhọc nhằn trên con đường tìm cái chữ của các em cùng những nhu cầu thiết yếu của người dân nơi đây cần lắm sự quan tâm của các cấp, các ngành, để đồng bào yên tâm phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, góp phần xây dựng vùng biên giới ngày càng vững mạnh, xứng đáng là phên dậu nơi địa đầu Tổ quốc.

Bùi Thị Như Lan