Cây Sui Mường Cọi

02:25 11/03/2013 Lượt xem: 710 In bài viết

Tại khoảng đất rộng, bằng phẳng đầu xóm, với chiều cao trên ba mươi mét, tán lá xum xue tỏa rộng cả trăm mét vuông, bao đời nay cây Sui sừng sững đứng đó như biểu tượng sức sống cả mường này. Tôi đã hỏi một cụ già trên 80 tuổi, cụ cho biết khi cụ sinh ra đã thấy cây Sui to cao như thế rồi! Có thể nhiều người không biết dáng vóc, giá trị loài cây này nhưng tôi tin là ai cũng biết một câu trong bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu: Thương nhau chia củ sắn lùi/ Bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng. Mặc dù có đường kính thân khá lớn, nhưng gỗ sui lại xốp nhẹ, giá trị sử dụng ở cây sui còn ở vỏ, do có nhiều chất xơ nên người dân ở vùng miền sống trong những năm đói rét triền miên đã chế tác vỏ cây sui làm chăn, bện thừng bện chão để chằng, để buộc. Chung cảnh ngộ với các dân tộc anh em, người mường Cọi cũng đã trải qua những năm tháng đói rét, cực khổ. Sự cực khổ dưới thời Thực dân, Phong kiến thì tôi không thể biết được nhưng tôi đã tận mắt chứng kiến những năm cuối thập kỉ 70, đầu thập kỉ 80 thế kỉ trước một mường Cọi nghèo xác nghèo xơ, đói quay đói quắt. Có năm giáp hạt người dân phải lên rừng đào củ nâu, củ vớn về giã tơi, lọc bỏ nước chát rồi trộn với nắm gạo, nắm ngô ăn cho qua ngày, đoạn tháng. Hậu quả đau lòng của những năm tháng ấy là một lứa con em mù chữ. Các cháu năm nay xấp xỉ 30 tuổi, đều đã làm chồng, làm vợ, sinh con, phóng xe máy vun vút, điện thoại di động í ới sớm tối đấy mà có biết đọc biết viết đâu.

Căn cứ vào số lượng dụng cụ thời đại Đồ đá nhặt được và những cổ vật đào được tại địa bàn có thể nhận định rằng: mường Cọi với địa thế ven sông, chân núi xa xưa là một điểm quần cư của người Việt cổ, đã có thời gian dài là một mường trù phú. Đất có tuần, người có vận và ngay cả cây Sui trăm tuổi trong những năm phong trào hợp tác hóa nông nghiệp bừng bừng khí thế, người ta đã định hạ xuống xẻ ra làm ván sàn, ván ghép nhà trẻ, trại chăn nuôi… Mặc dù có nghị quyết, có giao nhiệm vụ hẳn hoi nhưng không có người dân nào trong xóm dám động vào cây thiêng. Cho nên cây Sui mường Cọi vẫn còn đó làm nhân chứng biến đổi, sự vươn lên thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây. Một mường Cọi nghèo nhất, kém nhất xã gần 10 năm nay đã trở thành xóm giàu nhất dẫn đầu xã về mọi phong trào. Một “ốc đảo” bình yên không có trộm cắp, không có người nghiện, 20 năm không có người sinh con thứ ba… trong khi mấy xóm kề bên đang phải đối diện với sự thiếu đói và nhiều tệ nạn ngày một gia tăng. Nhìn từ xa, mường Cọi thắm tươi màu ngói đỏ thấp thoáng giữa những hàng cau, khóm tre xanh ngát. Phía sau là dải rừng trồng cây keo đang độ tuổi trưởng thành bao quanh hồ bốn mùa ăm ắp nước, chiều chiều, từng đàn cò trắng bay về nơi trú ngụ. Một khung cảnh thanh bình đang hiển hiện trước mắt.

Cơ duyên đã đưa tôi về mường Cọi từ hơn 30 năm trước và mường Cọi với tôi giờ đây vô cùng gần gũi. Đây là địa chỉ mỗi khi “mỗi khi lòng xác xơ, tôi vội vã trở về”. Lần trở về nào tôi cũng ra thăm cây Sui như thăm một vị lão làng với tất cả sự thành kính, biết ơn. Tôi đã có một lần may mắn… Chuyện thế này: Vào một buổi trưa hè năm 2009, tôi đang ngồi uống nước, nói chuyện vui với chú em kết nghĩa cùng mấy anh em, bà con hàng xóm, cháu S ở đâu về đến và nói nhỏ với tôi vẻ bí mật: Cậu đi với cháu ra cây Sui xem cái này. Tôi vội vàng đứng lên đi theo. Hai cậu cháu chậm rãi bước lên một trong số 7,8 cái rễ nổi (bạnh vè) của cây Sui, cao rộng như bức tường hoa bao quanh sân nhà. Đến gần sát gốc, trong khi tôi đang ngửa cổ nhìn lên tán lá, cháu S nói: Cậu nhìn đi! Tôi cúi xuống, ngay dưới chân tôi một cây nấm màu nâu già, có chóp to như cái lồng bàn, thân lớn bằng cái phích nước Rạng Đông! Trong đời tôi chưa bao giờ nhìn thấy cây nấm “khổng lồ” như thế! Cháu S bảo tôi: Cậu để tay lên đi nhưng không được chạm vào, nó tan ra đấy! Tôi làm theo và cảm nhận rõ rệt hơi mát và hương thơm ngai ngái thấm nhẹ vào hai lòng bàn tay mình. Trên đường về, cháu S nói: cháu nghe người già bảo chẳng biết bao nhiêu năm cây Sui mới ra nấm một lần. Ai nhìn thấy sẽ có nhiều điều may mắn đấy cậu ạ. Quả nhiên cuối năm đó cháu S được điện lực đền bù do đường dây 500KW đi qua đất ở nên có tiền làm nhà mới to đẹp, rồi con gái lớn thi đỗ cao đẳng… còn tôi đã đạt giải Ba trong cuộc thi viết kí do Đài Tiếng nói Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức, được về thủ đô nhận giải, gặp bạn viết trong nam, ngoài bắc, được ăn được nói được gói mang về, sau đó tôi có thêm một số việc vui mừng nữa trong công việc, trong đời sống tinh thần.

Nguyễn Mộng Nhưng