Văn hóa đọc góp phần phát triển du lịch cộng đồng vùng đồng bà dân tộc thiểu số
09:04 11/04/2013 Lượt xem: 541 In bài viếtĐề cập đến nội hàm du lịch là nói tới nhu cầu tự nhiên của con người muốn khám phá vùng đất mới với những mới mẻ, hấp dẫn, kỳ thú mà nơi mình ở, mình sinh sống, làm việc không có. Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển đi lên, phương tiện giao thông thuận tiện, điều kiện tài chính dồi dào thì nhu cầu du lịch càng trở nên cần thiết đối với mỗi cá nhân, gia đình, tập thể. Những chuyến du lịch thưởng ngoạn phong cảnh đó đây, tham quan di tích lịch sử, di tích văn hoá-cách mạng, hay đơn thuần chỉ là du lịch nghỉ dưỡng… cũng đã đem lại cho con người những hiểu biết có giá trị không chỉ về tư tưởng, văn hoá, tinh thần mà còn cả về tình cảm, thẩm mỹ với mảnh đất nơi mình đặt chân tới. Để rồi chính những thu nhận trực quan ấy góp phần nuôi dưỡng, bồi bổ tâm hồn, củng cố nhận thức và tri thức cho con người về các giá trị chân-thiện-mỹ trong dòng chảy của cuộc sống đương đại hôm nay.
Dưới góc nhìn biện chứng, có thể khẳng định rằng:
Đối với nhiều người biết chữ, văn hoá đọc từ lâu đã trở nên thân thuộc, một nhu
cầu cần thiết như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Văn hoá đọc là một phạm trù văn
hoá tinh thần nhằm thoả mãn nhu cầu hiểu biết tri thức, nắm bắt quy luật sống,
quy luật vận động của tự nhiên, con người và xã hội. Và hiển nhiên khi đi du
lịch đó đây, con người ta sẽ tìm hiểu, cảm thụ cảnh đẹp, những điều thú vị của
vùng đất đó bằng cách mắt thấy, tai nghe, tay sờ… Song nếu được hiểu biết tường
tận hơn sự vật, hiện tượng nào đó mà bản thân trải nghiệm trong quá trình du
lịch bằng việc được đọc-hiểu, nghe giới thiệu đầy đủ, nhất là thông qua sách báo,
văn hoá đọc thì sẽ thú vị hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, trong thực tế lại tồn tại một thực trạng là ở nhiều khu du lịch, khu
di tích thiếu vắng những sách báo có liên quan đến địa điểm mà khách đang thưởng
ngoạn. Điều này có thể lý giải ở các khía cạnh sau:
Một là, lâu nay, một số chính quyền địa phương nơi có khu du lịch, di tích…
thường chỉ chú trọng đến việc quảng bá, kinh doanh ẩm thực, trang phục, tranh
ảnh, quà lưu niệm…. Lợi ích văn hoá, nhất là cung cấp đầy đủ hiểu biết cho du
khách về khu du lịch thông qua văn hoá đọc còn hạn chế, bởi một điều đơn giản và
dễ hiểu: Văn hoá đọc có thể mang lại hiểu biết và tri thức cho du khách, song
lại ít mang lại lợi nhuận cho địa phương sở tại.
Hai là, hầu hết quanh địa bàn khu du lịch, khu di tích hoặc danh lam thắng cảnh
của các địa phương đều có thư viện phục vụ văn hoá đọc cho nhân dân trên địa bàn.
Tuy nhiên, sự gắn kết, phối hợp hoạt động thư viện, phục vụ văn hoá đọc cho
người dân và du khách tham quan còn chưa được quan tâm, chú ý. Vậy nên, tồn tại
một nghịch lý là sách (nhất là sách báo có giá trị về địa phương, hoặc có liên
quan đến di tích, thắng cảnh, khu du lịch tại địa phương) có trong thư viện
nhưng chưa được phục vụ rộng rãi cho du khách. Ở nhiều khu du lịch, kể cả nổi
tiếng vẫn thiếu sách báo, ấn phẩm, thông tin để phục vụ cho du khách tìm hiểu
hay đơn thuần để thư giãn, giải trí… Tình trạng trên diễn ra khá phổ biến, từ
nhiều năm nay trên phạm vi cả nước, trong đó có vùng đồng bào dân tộc thiểu số,
vùng sâu, vùng xa.
Vấn đề đặt ra là phải làm gì để văn hoá đọc góp phần phát triển du lịch cộng
đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số nước ta? Trả lời thoả đáng câu hỏi này chính
là nêu ra những giải pháp quan trọng và khả thi nhằm tăng cường, nâng cao văn
hoá đọc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng ở
nước ta.
Thiết nghĩ, việc đầu tiên là phải đổi mới tư duy, cách tiếp cận vấn đề: Từ lâu,
chúng ta đã xác định giữa du lịch với bảo tàng, giữa danh lam thắng cảnh với di
tích luôn có mối quan hệ hữu cơ, bổ sung và liên quan đến nhau. Ngày nay, mối
quan hệ ấy cần, thậm chí bắt buộc phải bổ sung thêm thiết chế thư viện và hoạt
động thư viện ở các khu du lịch, khu di tích. Việt Nam, có rất nhiều khu du lịch,
khu di tích lịch sử-văn hoá-cách mạng nổi tiếng như: Điện Biên Phủ (Điện Biên),
Pắc Bó (Cao Bằng), Nhà tù Sơn La (Sơn La), Hồ Ba Bể (Bắc Kạn), An toàn khu (Tuyên
Quang, Thái Nguyên), Buôn Đôn-Hồ Lắc (Đắk Lắk), Đà Lạt (Lâm Đồng), Chùa Dơi (Sóc
Trăng), Thánh địa Cao Đài (Tây Ninh)… nhưng đều ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng
bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nơi ấy, điều kiện sống, điều kiện kinh tế của
đồng bào còn nhiều khó khăn; văn hoá đọc lại càng khó khăn hơn. Đồng bào ít tiền,
ít chữ, ít cả thời gian, vì thế phát triển thư viện và văn hoá đọc ở những khu
du lịch, khu di tích này là rất quan trọng không chỉ với du khách mà còn với cả
đồng bào dân tộc thiểu số. Lãnh đạo chính quyền địa phương có khu du lịch, khu
di tích cần quan tâm, đầu tư xây dựng và phát triển mạng lưới thư viện, tủ sách
cơ sở đến các điểm tham quan, du lịch (đặc biệt quan tâm việc luân chuyển sách
báo, bố trí người phục vụ ở các khu du lịch ấy). Cần gắn công tác quảng bá các
thương hiệu du lịch, sản phẩm du lịch với tuyên truyền văn hoá đọc và thư viện ở
những khu du lịch, di tích, danh lam thắng cảnh, nhất là vùng đồng bào dân tộc
thiếu số. Đây cũng là cách để đưa văn hoá đọc đến với vùng đồng bào dân tộc
thiểu số, miền núi, góp phần nâng cao dân trí, xoá đói giảm nghèo, bài trừ các
hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan.
Việc đầu tư, xây dựng các điểm đọc, thư viện ở các khu du lịch vùng đồng bào dân
tộc cần căn cứ vào điều kiện, đặc thù từng vùng, miền; điều kiện kinh tế, văn
hoá, cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người của mỗi địa phương. Quan trọng
là việc duy trì các hoạt động văn hoá đọc phục vụ du lịch cộng đồng phải mang
tính lâu dài, thiết thực, tránh hình thức, đại khái. Việc đầu tư cán bộ thư viện,
tăng cường sách báo mới cho thư viện, tuyên truyền cho du khách đọc, sách báo…
phải được thường xuyên chú ý.
Ở tầm vĩ mô, Vụ Thư viện cần tham mưu cho Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quan
tâm, duy trì, phát triển hệ thống, mạng lưới thư viện, tủ sách đặc thù này; để
làm sao gắn bó mật thiết giữa hoạt động văn hoá, du lịch, di sản, thư viện nói
chung, hoạt động du lịch, bảo tàng, thư viện nói riêng với phát triển du lịch
cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta không chỉ là mô hình kết
hợp về mặt lý thuyết mà thực sự đi vào thực tiễn đời sống văn hoá của cộng đồng
54 dân tộc anh em trong công cuộc đổi mới đất nước ngày hôm nay.
ThS. Nguyễn Hữu Giới