Người giữ "hồn" dân tộc

02:50 11/04/2013 Lượt xem: 540 In bài viết

Khi đến nhà ông, tôi đang mải mê nhìn ngắm ngôi nhà sàn cổ kính, uy nghiêm và tuyệt đẹp thì ông cũng vừa đi đâu đó về đến nơi. Ông hồ hởi bảo: “Ây da! khách xa à, ở đâu đến thế? lên nhà chơi uống nước lá mát đi”. Lời hỏi thăm chân tình, ấm áp của ông làm tôi thật sự quên đi cảm giác ngại ngần.

Trước sự cởi mở của ông, tôi mạnh dạn hỏi: “Ông ơi, cháu nghe các cụ trong xã nói, ông không những biết hát nhiều làn điệu đân tộc Tày, mà còn tập hợp các cụ cao niên, đam mê, tâm huyết sinh hoạt trong “Đội văn nghệ các cụ cao tuổi” của xã phải không ạ?”. Ông nheo nheo đôi mắt ấm áp nhìn tôi, rồi nhẩn nha nói: “Là một người từ thủa nhỏ đã được “đằm mình” trong những lời ru, hát lượn, hát then…mang đậm nét đặc sắc văn hóa vùng cao của dân tộc mình, tôi thật sự đau lòng khi thấy bây giờ, trong đời sống của cộng đồng dân tộc thiếu vắng những lời ca, điệu múa rất đỗi dân dã mà quen thuộc”.

Sau một phút ngưng lời, ông đưa đôi mắt nhìn lên trên núi, thở dài bảo: “Đấy, cháu cứ đi vào một số bản quanh Bắc Sơn mà xem, nhiều gia đình sống trong những ngôi nhà sàn của tổ tiên để lại, nhưng ngày cũng như đêm, các bà mẹ ru con bằng lời hát “mượn” của người kinh, nam nữ thanh niên thì nghe nhạc rook, nhảy hiphôp, ngay cả nói chuyện với nhau cũng không muốn nói tiếng mẹ đẻ… vì thế nền văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc ngày càng bị mai một đi làm những người già như ông thấy đau trong bụng nhiều đấy!”.

Cũng từ những trăn trở suy nghĩ, cùng với niềm đam mê, tâm huyết, mà nhiều năm nay ông đã sưu tầm, lưu giữ những lời hát, câu hò, điệu ví… của dân tộc, rồi trân trọng, gìn giữ như báu vật. Ông tâm sự với tôi rằng, hát ví, then, lượn, quan làng… là những lời hát dân gian bắt nguồn từ cuộc sống lao động sản xuất, từ phong tục tập quán phong phú của người dân vùng cao, có từ xa xưa rồi, được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa phong phú, không thể thiếu trong những ngày vui đám cưới, ngày xuân, xuống chợ…. hát giao duyên, và những lời hát then mang đậm tâm linh của các dòng họ.

Trải qua biết bao thăng trầm, biến cố của lịch sử dân tộc, ngày nay những lời hát dân gian dân tộc Tày ở Bắc Sơn đã bị mai một đi, gần như sắp trở thành xa lạ đối với lớp người trẻ tuổi. Một số người may mắn có vốn quí nghệ thuật dân gian thì đã ở tuổi xưa nay hiếm. Bây giờ muốn tìm tòi, sưu tầm để lưu giữ lại những làn điệu gặp nhiều khó khăn bởi các cụ người còn, người mất, người mai danh, ẩn tích vì tuổi cao, sức yếu không đủ sức để hát lại những làn điệu một thời trẻ xa xưa đam mê nữa.
Tuy nhiên, là một người đam mê, tâm huyết với nền nghệ thuật vốn cổ của dân tộc Tày ở Bắc Sơn, mặc dù tuổi cao, sức yếu, nhưng ông đã dày công, đam mê, tâm huyết sưu tầm các làn điệu. Và chính ông, trên cương vị một người đảng viên, Chủ tịch Hội người cao tuổi của xã Quỳnh Sơn, ông đã tham mưu với Đảng ủy, Uỷ ban nhân dân xã cùng với các nghệ nhân như ông Dương Công Giáo, bà Dương Thị Vuông thành lập “Đội văn nghệ các cụ cao tuổi”. Hàng tháng, vào một ngày nhất định, các cụ tập trung ôn luyện, hát cho nhau nghe những làn điệu dân ca hát ví, lượn, then, phong slư…Đặc biệt, trong Hội diễn liên hoan tiếng hát dân ca huyện Bắc Sơn năm 2010, Đội văn nghệ các cụ cao tuổi của xã đã đạt giải Nhất và được đi tỉnh biểu diễn.

Và, như là để minh chứng cho sự làm việc âm thầm, ông mang quyển sách đóng bìa màu hồng ra, trong đó có 132 bài hát ví, then, lượn, quan làng… của đồng bào dân tộc Tày Bắc Sơn do ông sưu tầm, biên tập và có cả tác phẩm ông sáng tác theo lời then mới. Trong Quyển sách của ông, có nhiều bài hát song ngữ Tày - Việt, có cả những bài thuần tiếng Tày hay tiếng Việt quí hiếm như: Bắc Sơn quê noọng (then); cùng căn pây hội (then); hất kin đáy giàu mì (lượn); pây hội lồng tồng (ví nam nữ đối đáp)…

Khi tôi có ao ước được nghe ông hát một bài, ông mỉm cười nói: “Cháu đừng có cười ta đấy, hát chay không có tính tẩu thì cũng không hay đâu, ta sẽ hát tặng cháu một đoạn bài “Bắc Sơn quê noọng”. Nói xong, ông cất tiếng hát trầm ấm mà mênh mang: “…Thín tày loồng tin kéo Tam Canh, là mà thâng Bắc Sơn quê noọng, ăn gằm đây mì tiếng đã hâng, vằn khuẩy nghĩa mọi cần nhằng chư….” (Lên đường xuống chân đèo Tam Canh, là về đến Bắc Sơn quê em, nơi đây lời hay có tiếng từ xưa, ngày khởi nghĩa mọi người còn nhớ….)

Ông mê mải hát từ bài này, sang bài khác, cho đến khi sương chiều từ từ dâng lên bao phủ khắp bản gần, núi xa, những cơn gió mang theo cái lạnh tràn vào ngôi nhà sàn cổ kính, tôi mới tạm chia tay ông, trong lòng tràn ngập niềm cảm phục về một người đam mê, tâm huyết bỏng cháy những làn điệu “mang hồn dân tộc”.

Thùy Linh