Vấn đề bảo tồn trang phục các dân tộc thiểu số ở Việt Nam

09:06 11/04/2013 Lượt xem: 2332 In bài viết

Trang phục ra đời trước hết là vì con người, đáp ứng nhu cầu của con người trong đời sống. Bộ trang phục càng ngày càng được sáng tạo và phát triển đẹp hơn, tinh tế hơn. Trải qua hàng nghìn năm phát triển, trang phục của 54 dân tộc Việt Nam đã mang đậm những đường nét, màu sắc và thiết kế đặc trưng như hiện nay. Do quá trình hội nhập, toàn cầu hóa nhanh chóng, sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ cùng với sự tác động của kinh tế thị trường, bộ trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số đang dần bị mai một. Dẫn đến tình trạng trên có thể kể đến những nguyên nhân sau:

Tính tiện dụng của trang phục dân tộc và thị hiếu của thế hệ trẻ: Trang phục truyền thống chứa đựng tinh thần của mỗi dân tộc nhưng phải đảm bảo tính tiện ích và phù hợp trong sử dụng. Sự cầu kì, rườm rà trong trang phục gây khó khăn, vướng víu trong công việc, trong sinh hoạt hàng ngày. Theo đó là những chi phí tốn kém để làm ra những bộ trang phục truyền thống. Hiện nay trên thị trường có nhiều trang phục dân tộc bán sẵn. Tuy không phải trang phục gốc nhưng lại được chính người dân tộc thiểu số lựa chọn bởi chất liệu nhẹ, tiện dụng, dễ giặt và phơi khô, giá thành rẻ (chỉ khoảng 30 ngàn đồng/bộ váy Mông may sẵn). Được biết, đầu tư cho một bộ trang phục La Hủ khoảng 5 triệu đồng, vải phải tự dệt rồi nhuộm chàm, hoa văn được thêu tay rồi may lại, thời gian thực hiện hơn 3 tháng. Trang phục của người Mnông dành cho nam giới được đan bằng tay với nhiều hoa văn tinh tế, kinh phí khoảng 500-700 ngàn đồng, trang phục nữ còn cầu kì và tốn kém hơn. Chiếc váy Mông hoa cũng được tạo ra qua rất nhiều công đoạn cầu kì: cây lanh sau 3 tháng cho thu hoạch, rồi phơi khô, tước sợi, nối sợi và quay thành cuộn. Để sợi chuyển thành màu trắng, phải cho vào chảo nước tro ủ 3 ngày rồi mang ra giũ, vài lần như vậy mới trắng hẳn. Sau đó kéo sợi rồi dệt, quá trình đưa sợi vào lỗ sàng mất 1 ngày, thêm 10 ngày nữa mới dệt xong một tấm vải. Giặt và phơi vải vài lần rồi mới dùng sáp ong vẽ hoa văn, công đoạn này mất hơn 1 tuần liên tục. Sau đó nhuộm chàm và đưa ra nắng phơi khô, sáp ong sẽ bong ra để lại những hoa văn tinh xảo, người ta khéo léo xếp hàng trăm nếp li để tạo nên một chiếc váy. Như vậy, chỉ tính thời gian để làm ra một chiếc váy đã mất gần 2 tháng, chưa kể thời gian thêu thùa các họa tiết trên cổ áo, thân áo, thắt lưng… Tuy nhiên, trong các lễ hội hiện nay ít gặp những chiếc váy truyền thống như vậy. Đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, nhiều nơi đồng bào còn phải lo cái ăn từng bữa, trong khi để làm ra một bộ trang phục truyền thống phải dành nhiều thời gian và tiền bạc để hoàn thành. Bỏ một số tiền không nhỏ, dành nhiều thời gian cho vấn đề trang phục khi điều kiện sống còn eo hẹp là điều khó thực hiện.

Bên cạnh đó, thị hiếu của giới trẻ các dân tộc thiểu số cũng có nhiều thay đổi. Quá trình toàn cầu hóa, thông tin bùng nổ, sự giao thoa của các nền văn hóa khác nhau là xu thế chung của thời đại, thanh niên dân tộc thiểu số đã có quan điểm sống cởi mở và hướng ngoại hơn. Cuộc sống hiện đại nhường chỗ cho những bộ trang phục phương Tây tiện dụng, nhiều bạn gái trẻ không còn quan tâm tới thêu thùa váy áo truyền thống. Các bộ trang phục gốc còn lại hầu hết là do các thế hệ đi trước để lại. Sự thay đổi tâm lí cộng đồng cũng thể hiện rõ, trước đây người ta đánh giá một cô gái thông qua trang phục họ tự thêu, số chăn đệm họ tự dệt để mang về nhà chồng nhưng nay ít ai còn quan tâm đến điều đó. Nhiều thanh niên dân tộc thiểu số còn ngại ngần khi mặc trang phục của mình trước đám đông. Chàng trai đến từ đại ngàn Tây Nguyên, Y Soa Sruk từng chia sẻ trong đêm Trình diễn trang phục dân tộc: Thanh niên Tây Nguyên ngày nay ngại mặc trang phục dân tộc vì nhiều khi không phù hợp với cuộc sống hiện đại. Qua đó thấy rõ sự đổi thay về thị hiếu của một bộ phận giới trẻ các dân tộc thiểu số trong thời kì hội nhập. Thị hiếu chính là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới sự mai một của trang phục dân tộc. Cần hiểu rằng, sự thay đổi ấy là điều tất yếu, con người chọn lọc, tiếp thu các thành tố văn hóa phù hợp và hấp dẫn với mình. Bên cạnh đó, cũng có sự giao thoa, học hỏi từ trang phục của dân tộc này với trang phục của dân tộc khác, dẫn tới sự thay đổi trong chất liệu, kiểu dáng, hoa văn trên trang phục truyền thống.

Cơ hội để trưng diện bộ trang phục truyền thống cũng là vấn đề cần được quan tâm. Trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số đã khó khăn trong việc hoàn thành, sử dụng, nay càng khó khăn hơn khi cơ hội xuất hiện ngày một thu hẹp. Nói rằng để làm ra bộ trang phục truyền thống tốn kém tiền bạc và mất thời gian nhưng trước đây, khi điều kiện kinh tế còn thấp, đồng bào vẫn thiết tha với quần áo dân tộc. Bởi họ có cả một môi trường lớn để trưng diện những bộ váy áo truyền thống, trong cả sinh hoạt và lễ hội. Tuy nhiên hiện nay hầu hết trang phục của các dân tộc thiểu số chỉ được mặc vào các dịp trọng đại như ngày tết, lễ hội hoặc các ngày kỉ niệm lớn của đất nước. Đây là cơ hội để những bộ trang phục xuất hiện trang trọng trong niềm tự hào, hân hoan của người mặc và những người chiêm ngưỡng xung quanh. Tiếc rằng những cơ hội ấy còn quá ít. Vừa qua, chúng ta đã tổ chức chương trình Trình diễn trang phục dân tộc lần thứ I nhưng một ngày hội tụ trang phục của 54 dân tộc anh em như vậy cũng rất hiếm hoi. Bên cạnh đó, các lễ hội chỉ tạo điều kiện trưng diện trang phục chứ chưa mang lại hiệu quả kinh tế cho người tham gia.

Ở Hà Nội hiện nay, có nhiều hội sinh viên các dân tộc thiểu số như: Thái, Hội sinh viên Mông Hà Nội,… Vài năm trở lại đây, Hội sinh viên Mông Hà Nội thường tổ chức ăn tết. Các em gặp nhau, cùng tổ chức các hoạt động văn hóa đặc trưng của người Mông như: khèn Mông, hát dân ca Mông, múa sinh tiền, ném pao,… đây là những hoạt động duy trì văn hóa truyền thống rất đáng quý, đáng trân trọng góp phần duy trì và phát triển văn hóa dân tộc trong giới trẻ người dân tộc thiểu số. Các em đến đây mang theo những nét đặc sắc của người Mông trên các vùng miền của tổ quốc với những trang phục truyền thống của Mông hoa, Mông trắng, Mông đen…, cùng nói và hát tiếng Mông và tham gia các hoạt động văn hóa của dân tộc mình. Đây chính là một trong những cơ hội để văn hóa tộc người được hiện diện, lưu giữ và phát triển rõ nhất.

Để trang phục truyền thống được bảo tồn, gìn giữ và ngày càng phát triển, cần có những giải pháp tối ưu để vừa bảo vệ được nét văn hóa độc đáo của các tộc người, vừa phát triển kinh tế cho người dân. Chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:

Trước hết, cần tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân tộc thiểu số hiểu về tầm quan trọng của việc bảo tồn trang phục truyền thống của chính dân tộc mình. Nâng cao niềm tự hào của người dân về văn hóa của dân tộc nói chung và trang phục truyền thống nói riêng. Từ đó có ý thức tự bảo vệ, phát triển bộ trang phục truyền thống của các tộc người. Công tác bảo tồn trang phục truyền thống sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu được chính người dân tộc thiểu số - chủ thể văn hóa có ý thức tự giác bảo tồn.

Đa số đồng bào đều tự hào và có mong muốn gìn giữ bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Bởi vậy, nếu kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng cao thì khó khăn cơ bản trong việc bảo tồn trang phục dân tộc sẽ được tháo gỡ. Vậy làm thế nào để bộ trang phục truyền thống vừa được bảo tồn, lại vừa mang lại nguồn thu cho đồng bào? Để giải quyết vấn đề này cần đầu tư mở rộng, phát triển các làng nghề thủ công truyền thống, thu hút đồng bào tham gia thêu thùa trang phục dân tộc. Có kế hoạch tổ chức quảng bá thu hút khách tham quan, bán hàng ngay tại làng nghề, tạo thu nhập cho đồng bào. Hiện nay, bộ trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số chủ yếu chỉ được sử dụng trong các lễ hội truyền thống. Vì vậy, việc phục dựng các lễ hội truyền thống để người dân có cơ hội mặc trang phục là hết sức cần thiết. Phải có các chính sách hỗ trợ người dân có thêm thu nhập từ chính hoạt động văn hóa mà họ là chủ thể chính.

Cần có các chuyên gia là người dân tộc thiểu số, hiểu sâu sắc trang phục dân tộc, nhất là những trang phục gốc để phục chế và phổ biến. Với các dân tộc không còn giữ được trang phục truyền thống, cần tìm hiểu kĩ nguồn gốc, đi đến tận các nơi dân tộc đó sinh sống, khảo sát lại xem trang phục gốc của tộc người đó như thế nào, chụp ảnh lại, sau đó có kinh phí khôi phục lại. Hoặc ra nước ngoài nơi có dân tộc đó sinh sống để nghiên cứu và tìm trang phục, sau đó khôi phục lại, coi đó là bộ trang phục gốc của đồng bào.

Các cấp lãnh đạo cần quan tâm nhiều hơn nữa đến các hoạt động văn hóa của các dân tộc. Khuyến khích, tìm hiểu và có kế hoạch tài trợ hoặc kêu gọi tài trợ cho các hoạt động không chỉ về tiền bạc mà cả địa điểm tổ chức, quảng bá, liên lạc,…

Mới đây, Chính phủ đã ra Quyết định Phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”, chia thành hai giai đoạn hành động nhằm khôi phục, bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số. Nói về ý nghĩa của chương trình Trình diễn trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam năm 2011, đồng chí Hoàng Xuân Lương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã cho biết: “Qua chương trình trình diễn lần này, chúng tôi sẽ có những đánh giá, xem trang phục dân tộc nào cần khôi phục, trang phục nào đang mai một và làm thế nào để người dân tộc tự hào khi mặc trang phục của mình… Sau đó, sẽ trình lên Chính phủ, đề nghị hướng bảo tồn và phát huy.”. Thiết nghĩ, đây chính là những tín hiệu đáng mừng về vấn đề bảo tồn trang phục các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Hy vọng rằng, trong tương lai không xa, trang phục truyền thống của các dân tộc trên đất nước Việt Nam sẽ được khôi phục và bảo tồn toàn diện.

Giàng Thị Sao