Tục lệ cưới xin của dân tộc Thái

09:36 11/04/2013 Lượt xem: 10715 In bài viết

Cưới xin là sự kiện quan trọng của người Thái, là ngày hạnh phúc của đôi trẻ, niềm vui của gia đình, dòng họ và còn là dịp sinh hoạt văn hoá mang tính cộng đồng làng bản. Trai gái người dân tộc Thái lớn lên được tự do yêu đương, tìm hiểu người bạn đời của mình, cha mẹ không sắp đặt. Khi đã yêu nhau, người con trai thường trao kỷ vật như vòng tay, giỏ đeo... cho cô gái để làm tin và còn có ý nghĩa khẳng định tình yêu chung thuỷ của chàng trai. Vào dịp thuận lợi, chàng trai đặt vấn đề với cô gái để gia đình sắm lễ vật đến ăn hỏi. Cô gái cũng báo với cha mẹ mình để chuẩn bị đón tiếp nhà trai. Sau khi hai bên gia đình đã nhất trí về hôn sự, các bước chuẩn bị đám cưới sẽ được tiến hành. Trước tiên nhà trai chọn người làm mối, đó phải là nam giới, có uy tín và gia đình tương đối khá giả. Gia đình chàng trai mang một số lễ vật như rượu, trầu cau đến nhà ông mối để đặt vấn đề. Sau khi nhà trai tìm được ông mối thì lễ ăn hỏi được tiến hành. Thông thường người Thái có ba lần ăn hỏi. Lần ăn hỏi thứ nhất là thưa chuyện. Thành phần đi có ông mối, chú rể và một đại diện của nhà trai. Lễ vật mang theo gồm hai chai rượu, bánh sừng bò, bánh kẹo, trầu cau. Nhà gái mời ông cậu đến để cùng bàn bạc với nhà trai về hôn nhân. Lần ăn hỏi thứ hai để xin ý kiến nhà gái về cá hua - đó là tiền mặt hoặc số nén bạc trắng mà nhà trai phải mang đến nhà gái, thường thì từ 3-5 nén bạc (1 nén bạc trắng thường có trọng lượng từ 270g đến 310g) và các lễ vật. Thành phần đi có ông mối, chú rể, 2 người già, 1 nam, 1 nữ. Lễ vật gồm 20 bánh chưng, 10 bánh sừng bò, 2-4 chai rượu, 2 gói trầu cau, 2 con gà, 1 bó chè xanh. Nhà gái mời anh em họ hàng và ông cậu đến dự. Hai bên bàn bạc về tiền thách cưới, các đồ lễ. Lần ăn hỏi thứ ba, thống nhất về các loại và số lượng lễ vật, cá hua và ngày tháng tổ chức lễ cưới. Số lượng người đi thường từ 6 đến 8 người, trong đó có nam, nữ, già trẻ. Lễ vật gồm 30-40 bánh chưng, 20 bánh sừng bò, 3 gói trầu, 3 gói cau, 4 chai rượu, 2 con gà, 3 kg thịt lợn, 5-10 gắp cá nường. Nhà gái nêu các loại, số lượng lễ vật, cá hua, ông mối có thể xin giảm bớt và lễ cưới nhanh hay chậm tuỳ thuộc vào khả năng chuẩn bị của nhà trai và nhà gái.

Sau đó lễ cưới lần một được tiến hành, thành phần nhà trai khoảng 12-14 người, có già trẻ, nam nữ, phù dâu, phù rể. Lễ vật có bánh chưng, bánh sừng bò, gà, lợn, rượu, gạo... Đến nhà gái, lễ vật được bày ra, chú rể bỏ chiếc áo lên bàn thờ nhà gái. Gà, lợn được mổ thịt, dọn thành các mâm, ông mối cúng báo cáo với tổ tiên nhà gái. Cúng xong, chú rể lạy năm lần, sau đó lạy bố mẹ vợ bốn lần. Hai bên thông gia cùng ăn cơm và hát đến khuya mới thôi.

Tiếp đó là lễ cưới chính thức, từ khi cưới lần một cho đến lễ cưới chính thức kéo dài lâu nhất trong vòng một năm. Trước ngày cưới chính thức khoảng một tuần, nhà trai cử người đem lễ vật sang nhà gái để thông báo ngày giờ. Đoàn nhà trai gồm 10 đến 14 người. Lễ vật gồm 1 con lợn khoảng 30 kg trở lên, 20 kg gạo, 10 chai rượu, 4 hoặc 6 con gà, cá khô, trầu cau... Trước khi đến nhà gái, nhà trai cử một người đem mâm trầu cau đến trước để thông báo. Khi đoàn nhà trai đến cổng, nhà gái cử một vài người ra đóng cổng và choàng lên đó một tấm chăn hay tấm vải đỏ để thử tài đối đáp của ông mối. Đại diện nhà gái hát để hỏi ông mối một vài câu hỏi. Nếu ông mối trả lời được thì nhà gái mở cổng, nếu không nhà trai phải bỏ một ít tiền chuộc lỗi. Đến đầu cầu thang, nhà gái chuẩn bị sẵn các thau nước và khi đoàn nhà trai lên cầu thang, họ hắt nước làm cho đoàn nhà trai ướt quần áo trước khi vào nhà. Nhà gái làm cỗ 6 mâm cỗ: 1 mâm cúng ma nhà gái, 1 mâm làm vía bố mẹ cô dâu, 1 mâm cúng bên ngoại nhà gái, 1 mâm cúng ông mối, 1 mâm cúng biếu bên nhà trai và 1 mâm cúng hồn của những người chết không có con thờ tự. Ông mối cúng dâng lễ vật cho ma nhà của nhà gái, một thầy cúng khác cúng mâm làm vía cho bố mẹ cô dâu. Cúng xong, chú rể lạy ma nhà vợ năm lạy. Hai họ ăn cơm, uống rượu, hát chúc tụng mừng cho gia chủ và đôi vợ chồng trẻ. Khoảng canh một, nhà gái đem của hồi môn của cô dâu ra để nhà trai nhận, đồng thời giao cô dâu cho nhà trai. Chú rể rót rượu mời mọi người nhà gái theo thứ bậc và họ bỏ vào đĩa một ít tiền có ý nghĩa là tiền mừng rể. Ngoài ra, bố mẹ vợ còn biếu chú rể một khoản tiền gọi là tiền gối rể. Chú rể lạy họ hàng và bố mẹ vợ bốn lạy. Ông mối thay mặt nhà trai cảm ơn họ hàng nhà gái rồi xin phép đưa dâu. Thanh niên khiêng của hồi môn như chăn, đệm... đi trước, vợ ông mối cầm tay cô dâu, khi bước ra khỏi cửa, bà cô của cô dâu lấy chiếc nón đội lên đầu cô dâu và kéo tay cô dâu vào nhà, còn bà mối thì kéo cô dâu ra ngoài, như thế vài ba lần thì thôi. Khi chưa ra khỏi làng, trên đường đi, thỉnh thoảng người ta đánh 3 tiếng chiêng báo hiệu lễ đưa dâu. Nhà gái cử một đoàn tiễn cô dâu sang nhà trai và phải là số chẵn, bố mẹ của cô dâu không được đi.

Đến nhà trai, bố mẹ và họ hàng nhà trai ra cổng để đón cô dâu và đoàn nhà gái. Ở chân cầu thang có một chiếc thau đựng nước và một chiếc gáo để cô dâu và chú rể làm lễ rửa chân rồi nhập gia. Chú rể đặt chân phải lên bục, cô dâu đặt chân trái, sau đó ông mối đọc bài cúng nhập gia. Cúng xong, ông mối cầm gáo múc nước trong thau dội 2 gáo lên chân của đôi vợ chồng. Sau khi lên nhà, cô dâu, chú rể và phù dâu, phù rể ngồi trong buồng. Trong đó có 1 vò rượu cần, 2 chiếc cần, trên đỉnh cần có buộc một sợi gai tượng trưng cho hạnh phúc trăm năm của đôi vợ chồng. Một mâm cơm gồm có: 2 miếng mía bổ đôi, 2 chén rượu, 2 đùi gà, 1 quả trứng bổ đôi. Ông mối diễn xướng phần nghi lễ tơ hồng, xe tơ, kết tóc trăm năm cho vợ chồng và vợ chồng phải ăn hết các thức ăn trong mâm. Khi ăn, vợ chồng gắp chéo tay cho nhau để khẳng định hạnh phúc bền lâu, sướng khổ có nhau.

Nhà trai làm 4 mâm cỗ để cúng: 1 mâm cúng ma nhà, 1 mâm cúng bên ngoại, 1 mâm cúng tạ ơn ông mối và 1 mâm cúng tạ ơn nhà vợ. Cúng xong, cô dâu ra quỳ trước bàn thờ để lạy ma nhà chồng, sau đó đó hai họ ăn cơm. Ông mối giới thiệu cô dâu với họ hàng và giới thiệu đến người nào, người đó đón lấy một chén rượu từ tay cô dâu uống rồi bỏ vào khay tiền mừng. Khi họ hàng nhà gái ra về, nhà trai biếu bố mẹ cô dâu một mâm cơm.

Sáng sớm hôm sau, đôi vợ chồng và bố mẹ chú rể mang một số lễ vật như: Thịt lợn, 1 con gà, 3 chai rượu, 2 chiếc gối, 2 chiếc đệm vải đến tạ ơn ông bà mối đã giúp cho 2 con nên vợ, nên chồng. Sau đám cưới 3 ngày, vợ chồng cùng bố mẹ mang lễ vật sang nhà bố mẹ cô dâu để tạ ơn.

Hoàng Đức