Hà Giang đẩy mạnh bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam

10:35 25/03/2013 Lượt xem: 696 In bài viết

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương khoá VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Kết luận Hội nghị Trung ương 10 (Khoá IX) về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc” và Chỉ thị số 27- CT/TW (ngày 12/1/1998)” của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII) về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, thời gian qua, tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các ngành chức năng chủ động phối hợp với các cục, vụ, viện của các bộ, ngành ở Trung ương tổ chức nhiều đợt kiểm kê, nghiên cứu, tìm hiểu và phục hồi các nghi lễ, lễ hội truyền thống độc đáo của các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn. Trên cơ sở khai thác giá trị nhân văn, ý nghĩa lịch sử, đến nay, một số lễ hội đã được tổ chức nền nếp như: Lễ hội dân gian, Lễ hội lịch sử cách mạng, Lễ hội văn hoá du lịch... góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân và đẩy lùi các hiện tượng mê tín dị đoan, từng bước nâng cao mức hưởng thụ văn hoá, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

Về công tác bảo tồn, phát huy lễ hội dân gian, bên cạnh việc kiểm kê, nghiên cứu, tìm hiểu các nghi lễ, lễ hội, tỉnh đã tiến hành khôi phục một số lễ hội, nghi lễ truyền thống có giá trị, được đông đảo đồng bào các dân tộc đồng tình hưởng ứng, tiêu biểu như: Tổ chức Lễ hội Gầu tào của người Mông tại các xã của huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Xín Mần, Vị Xuyên; Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn ở các xã Tân Trịnh, Tân Bắc (huyện Quang Bình); Lễ hội Lồng tồng, Lẩu Then của dân tộc Tày ở huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Quản Bạ, Quang Bình; Lễ Cấp sắc của người Dao ở Vị Xuyên, Quản Bạ, Bắc Mê; Lễ hội Khu Cù tê của dân tộc La Chí; Lễ hội Hoàng vần thùng (cúng Thần Rừng) của dân tộc Nùng huyện Hoàng Su Phì; Lễ hội Cúng thần rừng của dân tộc Pu Péo ở huyện Yên Minh, Đồng Văn; Lễ hội Mừng cơm mới của dân tộc Giáy ở Mèo Vạc; Lễ hội Cầu trăng của dân tộc Ngạn ở Bắc Quang, Quang Bình.

Hàng năm, đã duy trì việc tổ chức Lễ hội “Chợ tình Khau Vai” tại xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc vào dịp 27/3 âm lịch, thu hút hàng chục ngàn lượt người đến dự giao lưu văn hoá, văn nghệ và tham quan, du lịch. Lễ hội “Chợ tình Khau Vai” đã được phát triển thành Lễ hội văn hoá du lịch cấp tỉnh.

Nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, định kỳ 2 năm một lần, tỉnh chỉ đạo tổ chức “Ngày hội văn hóa thể thao và du lịch các dân tộc” ở các huyện, thị và 5 năm một lần tổ chức “Ngày hội Văn hóa thể thao và du lịch các dân tộc” cấp tỉnh. Tham gia ngày hội, đại diện các dân tộc trình diễn các tiết mục văn hoá văn nghệ dân gian, làm sống dậy và giúp người xem hiểu biết về các lễ hội truyền thống của dân tộc mình. Tuy chỉ diễn ra trong phạm vi nhỏ và mang tính chất biểu diễn, song đây cũng là một trong những biện pháp tích cực góp phần bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số; đồng thời thúc đẩy giao lưu kinh tế - văn hóa giữa các vùng miền trong tỉnh, giới thiệu được những nét văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc. Một số huyện biên giới còn vận dụng sáng tạo việc tổ chức “Ngày hội văn hóa thể thao và du lịch các dân tộc” gắn với tổ chức Lễ hội văn hóa-du lịch kết hợp với các hoạt động dịch vụ-thương mại đã thu hút đông đảo du khách trong cả nước đến giao lưu, nghiên cứu, tìm hiểu, góp phần quảng bá mảnh đất, con người và bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số sở tại, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn; đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân, xây dựng đời sống văn hoá, góp phần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”.

Những việc làm thiết thực trên không chỉ góp phần gìn giữ, bảo tồn mà còn giúp đồng bào các dân tộc thiểu số ở Hà Giang hiểu rõ giá trị, trân trọng và tự hào bản sắc văn hóa độc đáo, phong phú của dân tộc mình, từ đó ra sức bảo vệ, phát huy trong đời sống cộng đồng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc như các Nghị quyết của Đảng đã chỉ ra.

Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy lễ hội ở vùng dân thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang vẫn tồn tại một số hạn chế như: việc kiểm kê, khôi phục, tổ chức lễ hội ở nhiều nơi còn mang tính hình thức; công tác quán triệt, phổ biến tuyên truyền Quy chế Lễ hội và tổ chức triển khai thực hiện còn thiếu đồng bộ, chưa thường xuyên, tổ chức lễ hội không kiểm tra, đánh giá rút kinh nghiệm kịp thời; việc bổ sung các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội tuy đã được các địa phương đưa vào quy ước xây dựng làng văn hóa nhưng còn chung chung, chế tài chưa rõ ràng; mục tiêu bảo tồn có chọn lọc, cải tiến để nâng cao giá trị các lễ hội chưa được chú trọng, nhất là các lễ hội mang màu sắc tôn giáo tín ngưỡng; hiện tượng mê tín dị đoan chưa được khắc phục triệt để, công tác tổ chức, quản lý lễ hội ở cơ sở còn nhiều bất cập…

Khắc phục những hạn chế này là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống, góp phần thực hiện mục tiêu “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội” được hiện thực hóa tại mảnh đất vùng cao, biên giới cực Bắc có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Hà Giang.

Hùng Thị Hà