Phong tục của người Mảng
02:57 11/04/2013 Lượt xem: 468 In bài viếtNgười Mảng duy nhất chỉ có ở tỉnh Lai Châu, với hơn 3.000 người, cư trú trên địa bàn 20 bản thuộc 8 xã. Người Mảng hiện là tộc người ít ỏi về số lượng nhân khẩu, điều kiện kinh tế, xã hội… còn lạc hậu và yếu kém. Nhà ở (nhỏa) là một nét văn hoá riêng của người Mảng, cũng là thứ thiết yếu quan trọng không thể thiếu được trong đời sống. Người Mảng rất coi trọng nơi ở, vì là nơi cư ngụ suốt đời của mình và con cháu. Đồng thời, nhà cũng là nơi tổ tiên, ông bà, bố mẹ chết đi nhưng có nơi để về sống cùng con cháu. Với quan niệm như vậy, từ xa xưa cho đến nay khi làm nhà từ khâu chuẩn bị nguyên vật liệu, chọn đất và dựng nhà, kê bếp hay sửa nhà… người Mảng rất coi trọng, kiêng kị, chọn ngày và tháng tốt.
* Ngày tốt (Nỉ dứa): Người Mảng quan niệm ngày tốt,
xấu để làm nhà dựa trên các con giáp trong một tháng. Người ta kiêng đi rừng lấy
vật liệu, dựng nhà, phạt mộc, lên nhà mới vào những ngày con hổ (nỉ nhựa), ngày
con trâu (nỉ giá), ngày con ngựa (sạng hả). Vì con ngựa hay đá lung tung, con
trâu hay húc người, con hổ thì hay vồ người, nên nếu đi rừng lấy cây thì sẽ bị
cây ngã đè người, trượt chân ngã xuống vực mà chết… Nếu làm nhà vào những ngày
ấy thì nhà sẽ không được vững chắc và lâu dài, gia đình làm ăn không yên ổn. Các
ngày còn lại là tốt và bình thường để đi rừng lấy gỗ và dựng nhà. Tuy nhiên,
kiêng kị của người Mảng là không được làm việc gì từ việc đi lấy gỗ, dựng nhà,
lên nhà mới, hay đi gieo hạt, gặt lúa, đập lúa và mọi việc khác nữa thì không
được làm vào ngày mà trong gia đình mình có người chết. Nếu làm thì tổ tiên, con
ma nhà sẽ trách phạt. Làm nhà thì nhà đổ, người trong gia đình ốm đau thường
xuyên, trồng lúa thì lúa không có hạt… dù làm nhưng không có cái ăn.
* Tháng tốt (mể dứa): Người Mảng tính theo năm Âm lịch. Họ quan niệm rằng, trong
năm chỉ có tháng 3, tháng 6, tháng 11 là tháng tốt để dựng nhà và tổ chức đám
cưới.
- Tháng 3 (Mể bể): Vì tháng này là tháng thời tiết mát mẻ, ấm áp.
- Tháng 6 (Mể dâm): Là tháng nổi bật, sum họp đông vui, quây quần bên nhau.
- Tháng 11 (Mể di): Là tháng sau khi gặt xong, có kinh tế để dựng nhà, và dựng
nhà để có nhà mới đón tết.
Vì vậy, người Mảng nếu không làm nhà vào tháng 3 thì họ phải để đến tháng 6,
không thì phải để đến tháng 11. Thường thì hiện nay người Mảng làm nhà vào tháng
11, vì khi ấy mùa gặt xong có thời gian nông nhàn, có lương thực ăn để làm nhà,
và có nhà mới để đón một cái tết vui vẻ. Ngoài ra, các tháng khác thì người Mảng
không tổ chức hiếu hỉ và dựng nhà.
* Những kiêng kị trong ngôi nhà
Theo quan niệm của người Mảng từ xưa đến nay đều kiêng kị đưa lá xanh và thịt
tươi vào nhà. Nếu đưa vào thì phải đưa cửa phụ, nhà một cửa thì phải che giấu
kín mới đem vào được. Vì theo lý của dân tộc Mảng, nếu đưa lá xanh vào nhà mà để
tổ tiên biết thì sẽ trách phạt mọi thành viên trong gia đình như bị ốm đau, bệnh
tật, đi đường bị tai nạn…
Trong gia đình có người chết, khi đưa đi chôn thì phải đưa ra cửa phụ, nếu nhà
một cửa thì phải dỡ bỏ một lối đi đối diện với cửa chính để mang người chết ra.
Người Mảng quan niệm, đầu của người ngủ luôn hướng dọc ra cửa chính, chân thì
hướng ra cửa phụ, nên khi chết cũng đưa ra theo chiều của chân.
Khi xuống suối lấy 3 hòn đá về kê bếp nấu, tuyệt đối khi nấu không được làm hòn
đá đổ. Theo lý của người Mảng nếu hòn đá bị đổ thì mọi người trong gia đình sẽ
bị ốm đau.
Quan niệm của dân tộc Mảng cũng không cho con dâu vào phòng của bố mẹ chồng. Anh
trai chồng cũng không được vào phòng em dâu. Ngược lại, bố chồng cũng không được
vào phòng của con dâu, em dâu không được vào phòng của anh chồng. Nếu bố chồng,
con dâu và anh chồng vào phòng nhau thì thường là xấu hổ, vì đó là nơi sinh hoạt
kín đáo, riêng tư của mỗi cặp vợ chồng. Mặt khác, nếu xảy ra trường hợp như vậy,
thì tổ tiên và con ma nhà sẽ bắt phạt người trong gia đình ốm đau. Điều này cũng
phản ánh rõ tục lệ của người Mảng là em trai có thể lấy được chị dâu nếu anh
trai chết. Còn anh trai tuyệt đối không được lấy em dâu khi em trai chết.
Đồng thời, không được để con gái đã lấy chồng rồi, hay chửa hoang ở trong nhà đẻ.
Phải làm lán tạm ra ngoài để đẻ, sau 3 ngày thì mới được mang vào nhà. Vì đứa
trẻ ấy không thuộc dòng họ và con cháu nhà mình.
Theo lý của người Mảng thì cấm giết và cho con hoẵng vào nhà. Truyền thuyết của
dân tộc Mảng kể lại: “Ngày xưa, không có dụng cụ để chọc lỗ trỉa hạt giống. Một
hôm, dậy sớm lên nương thì thấy dấu chân của con hoẵng để lại trên đất, nên họ
tra hạt vào đấy mà nảy mầm xanh tốt, cho năng suất cao. Hàng năm cũng theo dấu
chân con hoẵng để gieo hạt. Vì vậy mà cấm kị không được ăn và cho con hoẵng vào
nhà. Nếu ăn thịt thì không có con hoẵng đi trên đất nương và không có dấu chân
để trỉa hạt. Nếu cho con hoẵng vào nhà thì con hoẵng không chịu lên nương để có
vết chân cho mọi người trỉa hạt, mùa màng sẽ thất thu”. Ngày nay, cộng đồng dân
tộc Mảng vẫn giữ được tục lệ kiêng kị này.
Trong quá trình ở rể, nếu vợ, chồng, hoặc con cái chết ở trong nhà bố mẹ vợ thì
phải dựng lán tạm ở cạnh nhà để ra ở và làm ma cho người chết, tuyệt đối không
được để trong nhà. Vì người chết không phải con cháu, và con ma của gia đình.
Những kiêng kị trong ngôi nhà ở của người Mảng có phần mang yếu tố tâm linh.
Cũng như các tộc người khác, văn hoá tâm linh luôn là một phần không thể thiếu
được trong đời sống hàng ngày của người Mảng. Văn hoá tâm linh có mặt, hiện diện
ở mọi nơi, mọi lúc và mọi chỗ. Thông qua văn hoá tâm linh, con người nói chung
và người Mảng nói riêng yên tâm hơn, hiệu quả hơn trong công việc và trong cuộc
sống.
Việt Hoàng