Tiếng lành đồn xa
Đến với Buôn Ma Thuột, du khách thường nghĩ đến bản Đôn với huyền thoại săn voi
Ama Kong hoặc hồ Lăk với dinh thự của nhà họ Ngô... Nhưng còn một điểm du lịch
thú vị nữa nằm cách trung tâm thành phố gần 2km về phía Đông Bắc đó là buôn Ko
Dhong. Có thể nói đây là buôn làng duy nhất giữa một thành phố hiện đại, còn giữ
được những căn nhà dài truyền thống. Cho dù, nhiều nhà trong số đó đã có sự
chỉnh sửa hoặc thậm chí các chủ hộ đã xây thêm cả nhà hiện đại ở phía sau cho
phù hợp hơn với cuộc sống, nhưng Ko Dhong vẫn mang lại một cảm giác vô cùng
thanh bình, ấm áp, đậm chất văn hoá bản địa và đặc biệt nhất là không bị quấy
rầy, khó chịu bởi những dịch vụ du lịch - một trong những nhược điểm của thời
buổi phát triển du lịch nóng như hiện nay. Thả bộ trên con đường trải nhựa sạch
sẽ, du khách có thể cảm nhận mùi hương từ những khóm hoa, cỏ, cây hai bên đường;
có thể rẽ vào sân bất cứ một ngôi nhà nào (nếu đang mở cửa) để chiêm ngưỡng
những ngôi nhà dài bằng gỗ của người Ê Đê với những họa tiết trang trí đậm chất
Tây Nguyên... Người dân nơi đây luôn mở rộng cửa đón khách, như đón người nhà đi
xa trở về. Bà Inclima Eanuelle, một du khách Pháp đã trầm trồ khen ngợi: “Thật
là tuyệt diệu, thật là thanh bình, nơi này sẽ trở thành một di sản văn hoá đích
thực”.
Già Ama H’Ring cho biết, trung bình mỗi tháng có khoảng 200 đoàn khách tới thăm
buôn. Sức hút không do quảng bá rùm beng, mà chỉ bởi những người đến trước chỉ
dẫn cho người đến sau... Ko Dhong bỗng dưng được mệnh danh là “Làng văn hoá, du
lịch” - cái danh thường có sự đầu tư của cơ quan, tổ chức nào đó. Nhưng những gì
làm nên một Ko Dhong vừa phát triển, vừa vẫn giữ được văn hoá truyền thống như
ngày hôm nay hoàn toàn là do ý thức người dân nơi đây tạo nên, mà người đứng đầu
là già Ama H’Ring.
Khá vọng giữ hồn văn hóa
Năm nay đã 83 tuổi, nhưng già Ama H’Ring vẫn còn khá nhanh nhẹn. Với các du
khách Pháp, ông vẫn có thể trao đổi những câu chuyện chào hỏi xã giao thông
thường. Ngôi nhà dài của ông luôn mở rộng cửa đón du khách ghé thăm, thưởng thức
những ché rượu cần do chính tay ông trưng cất bằng men lá truyền thống. Một
trong những đồ vật thu hút được sự chú ý nhất của du khách là chiếc ghế cho
những người đánh chiêng. Ghế dài 17m, rộng 80cm, được làm từ một cây gỗ rừng -
một kỷ vật quý giá về văn hoá truyền thống, không dễ gì tìm kiếm được ngày nay.
Ông Trương Bi - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắc Lắc cho
biết: Nhà dài là một trong những biểu tượng của văn hoá truyền thống người Ê Đê,
nhưng vài chục năm gần đây, cuộc sống khá lên, nhiều người muốn phá đi để xây
những căn nhà hiện đại hơn, tiện nghi hơn. Già Ama H’Ring đã bỏ rất nhiều công
sức để thuyết phục bà con giữ nét văn hoá truyền thống ấy và ông làm gương trước,
thấy hợp lý và bà con theo. Bởi vậy, dù Ko Dhong là một buôn khá giàu vì thu
nhập chính của đồng bào ở đây là từ cây càphê và caosu, nhưng nhà nào cũng chỉ
có một ngôi nhà xây xinh xắn, nằm khiêm nhường đằng sau những ngôi nhà dài cũ kỹ,
họ như muốn trưng với du khách những gì quý nhất của riêng mình.
Không chỉ có nhà dài, bến nước và nhà mồ cũng là những nét văn hoá đặc sắc của
người Tây Nguyên. Cách buôn hơn cây số, già Ama H’Ring cũng đang cho xây một bến
nước. Đương nhiên, bến nước này không chỉ làm đúng chức năng của nó như ngày xưa
là phục vụ sinh hoạt hằng ngày, mà còn là nơi giải trí, thư dãn của nhân dân
trong vùng với những cây cầu gỗ bắc qua suối, nhà sàn, nhà dài, khuôn viên, vườn
hoa rất đẹp mắt. Hiện nay, các hạng mục của khu này chưa được hoàn tất, nhưng
cũng đã có khá nhiều đôi trai gái chọn nơi này để chụp ảnh cưới.
Chia tay với chúng tôi, già Ama H’Ring nói: “Không còn lâu nữa đâu, những nét
văn hoá truyền thống này sẽ biến mất, già muốn làm cái gì đó để cho con cháu sau
này biết tổ tiên chúng đã sống ra sao. Già biết, văn hoá của Tây Nguyên rất đặc
sắc, bởi không phải tự nhiên mà có nhiều du khách nước ngoài tìm đến với buôn
của già như vậy”.
Trương Hoàng