Những đặc trưng văn hóa của người Vân Kiều Quảng Trị
02:53 11/04/2013 Lượt xem: 333 In bài viếtQuảng Trị có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống với khoảng 6,9 vạn người, chiếm hơn 13% dân số, trong đó đông nhất là dân tộc Vân Kiều khoảng 55.079 người, cư trú tập trung vùng miền núi phía Tây với diện tích chiếm 68% diện tích tự nhiên của toàn tỉnh. Cộng đồng dân tộc Vân Kiều ở Quảng Trị có truyền thống đoàn kết xây dựng quê hương, một lòng một dạ đi theo Đảng và Bác Hồ, đồng bào dân tộc tự hào lấy họ Hồ làm họ của mình.
Người Bru - Vân Kiều vốn là cư dân nông nghiệp có trình độ tương đối phát triển. Xưa họ từng sinh tụ ở Trung Lào do những biến động diễn ra hàng thế kỷ, họ lần lượt di cư đến các nơi khác nhau. Một số người đi theo hướng Tây Bắc sang Thái Lan, một bộ phận mang tên Tri đi về hướng đông tụ cư ở miền Tây Quảng Trị. Họ dựng làng ở khu vực xung quanh hòn núi Vân kiều (còn gọi là Viên Kiều) về sau người ta lấy tên hòn núi đặt tên cho một tổng của họ và do đó đồng bào thường gọi tên dân tộc mình là Vân Kiều. Hiện nay ở Hướng Hiệp – Hướng Hóa có cái khe nhỏ gọi tên là khe Kiều, đó cũng là tên làng thuộc tổng Vân Kiều. Có ý kiến cho rằng tên gọi Vân Kiều có thể từ tên gọi một địa phương (tổng Vân Kiều) sau đó trở thành tên gọi dân tộc. Loại ý kiến thứ 3 cho rằng tên gọi Vân Kiều là từ tên người chuyển thành. Trước đây ở vùng Hướng Hóa có tên cai tổng Ăm pừ (hay gọi Kiều) khá giàu và độc ác. Có thể gọi người Vân Kiều gọi là làng. Ariay Vil..Ariay Vel…là người đứng đầu làng. Val Kiều có nghĩa là làng ông Kiều, lâu dần từ Val Kiều được đọc và phiên âm thành Vân Kiều. Một thực tế là tên gọi Vân Kiều đã có từ lâu trong lịch sử, ở thế kỷ XVI, Dương Văn An trong tác phẩm Ô châu cận lục đã viết “Người Vân Kiều ở địa phận huyện Hải Lăng chỗ gần đầu nguồn có trang sách của Châu Thuận Bình ở”. Sau này các tác giả của Quốc sử quán triều Nguyễn và Lê Quý Đôn đều dùng tên này. Ngày nay tên gọi Vân Kiều đã trở thành tên gọi phổ biến trong đồng bào, đã đi vào đời sống tâm tư tình cảm, gắn liền với những chiến công trong chiến đấu, lao động, sản xuất. Nó trở thành niềm tự hào đáng trân trọng của đồng bào và Bác Hồ kính yêu cũng gọi đồng bào bằng cái tên Vân Kiều trừu mến. Về góc độ nhân chủng học, người Bru-Vân Kiều thuộc loại hình Indonesien của Tiểu chủng Mônggôlôit phương Nam với những đặc điểm thể hiện trên thân thể như chiều cao trung bình 1,55m-1,57m, màu da ngăm đen, tóc đen và thẳng, khe mắt rộng trung bình, nếp mí mắt trên không phát triển.
Trước khi làm quen với cư dân người Việt và Lào, người Bru-Vân Kiều đã tiếp xúc với nền văn hóa của người Chàm; trong ngôn ngữ còn mang nhiều yếu tố của ngôn ngữ Ma lay ô-Pôlinêdiêng, đặc biệt là những từ ngữ thuộc về chăn nuôi, thương mại như: cây trồng, đổi chác, mua bán. Trong một thời gian dài họ sống gần gũi, có nơi đã xen kẽ với các nhóm người như Pa Koh, Cơ Tu và về sau với người Việt và người Lào. Vì thế trong thành phần dân tộc người có ít nhiều pha trộn và có sự tiếp biến. Tiếng nói của người Bru-Vân Kiều rất gần gũi với người Tà Ôi, Cơ Tu, hợp thành một ngôn ngữ độc lập nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer Bắc Trường Sơn. Nó có vị trí đặc biệt rất quan trọng là cái gạch nối giữa hai nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer miền Bắc và Nam. Dân tộc Bru-Vân Kiều lấy kinh tế nương rẫy làm nguồn sống chủ yếu, nhất là sản xuất lúa khô mỗi năm một vụ, hiện nay có sản xuất lúa nước song diện tích không đáng kể. Trải qua quá trình sản xuất nương rẫy lâu dài với người Vân Kiều đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm sản xuất quý báu từ việc chọn đất, phát, đốt, trỉa, gieo hạt, chăm bón và thu hoạch. Kỹ thuật canh tác của đồng bào rất lạc hậu rất khó khăn và mặt bằng dân trí còn thấp. Trước đây hiện tượng du canh, du cư kéo dài đói với đồng bào nhưng hiện nay đã ổn định. Chăn nuôi chủ yếu là lợn, gà, dê bằng hình thức thả rông. Các ngành nghề như đan lát thì hầu như người nào cũng biết, nhất là những dụng cụ phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày như gùi, chiếu lá, mâm. Họ đã biết trao đổi hàng hóa sản xuất ra và sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi với các dân tộc khác, với miền xuôi.
Tổ chức xã hội truyền thống của dân tộc Vân Kiều chặt chẽ thông qua Bản (làng) gồm: khu cư trú, các nguồn nước, khu canh tác, khu săn bắt, khu chăn nuôi, khu rừng cấm (rừng ma)…Bản (làng) bố trí hình tứ giác hoạc đa giác, chữ quạt, các nóc nhà theo hình ngang từ sườn đồi thấp lên cao. Nhà ở trong các bản là nhà sàn, kỹ thuật đơn giản, vật liệu từ rừng. Nhà của người Vân Kiều có quy mô nhỏ, là nơi sinh hoạt cho từng gia đình, nhà trường làm theo kiểu hai mái tròn hoặc mái vuông hai đầu. Chiều dài của một ngôi nhà dài hoặc ngắn tùy thuộc vào lượng người sống trong gia đình, có khi phụ thuộc vào kinh tế gia đình, nhà có hai cửa chính, một cửa dành cho nữ, một cửa dành cho nam và khách nam. Hai bên đầu hồi (bên trên của hai đầu cây đòn nóc) có những hình trang trí (pàm lôm hay pa co) bằng gỗ theo kiểu sừng trâu hay đôi chim vừa để khỏi tốc lá vừa mang tính thẩm mỹ. Cách bố trí trong nhà tuân theo một trật tự nhất định. Kể từ phải sang trái buồng đầu tiên là chỗ tiếp khách, góc trong có một cột thờ ma (T’nông chen), tiếp đến là các buồng ở, thứ tự người già, vợ chồng, con cái và cuối cùng là gian để đồ đạc…Mỗi buồng cách nhau tấm liếp, mỗi buồng có cửa ra vào nhưng không có cánh cửa. Trong nhà thường xuyên có bếp lửa để nấu nướng, mùa đông có bếp phụ ở gian phòng khách để nam giới và khách nam sưởi ấm.
Đàn ông cũng như đàn bà Vân Kiều xưa kia đều búi tóc, con gái chưa chồng búi tóc bên trái. Về sau phụ nữ thường đội khăn vuông trắng. Người Vân Kiều không biết trồng bông dệt vải, họ thường lấy vỏ cây sui đập ra, còn lại lớp sợi trắng đem nhuộm làm khố áo. Trang phục người Vân Kiều rất đa dạng, đàn ông mặc áo chù hoe rộng (có khung bằng gỗ trước mặt) gần vai có viền hai sợi chỉ màu đỏ, vàng hoặc xám có đeo từ hai đến bốn hàng tiền “bạc trắng” ở hai bên hông. Váy áo có nhiều hoa văn đen sẫm hoặc có pha màu đen, đỏ. Vil, Vel, Val là tổ chức xã hội có từ lâu đời của người Vân Kiều, đó là cộng đồng của người có quan hệ huyết thống cùng sinh sống. Những người cùng huyết thống vừa là thành viên trong một dòng họ vừa là thành viên của bản làng. Về sau trong một cộng đồng bản làng bên cạnh quan hệ huyết thống đã xuất hiện nhiều quan hệ láng giềng. Các dòng họ người Vân Kiều bao gồm một số đại gia đình hay nhiều tiểu gia đình. Đứng đầu bản là những Aray Vill hay Xuất vil (chủ làng), họ là người của dòng họ với tính chất cha truyền con nối qua nhiều thế hệ đồng thời là người có uy tín, năng lực, đức độ và am hiểu phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng của làng. Chủ làng là người có tài về ngoại giao, quân sự, sản xuất, về quản lý đất đai, chủ chốt trong các buổi cúng bái, lễ tế, trong hòa giải xích mích, được dân làng kính trọng và thay mặt Giàng (trời) cai quản dân làng. Giúp việc cho chủ làng là thầy cúng, thầy mo và những người già làng gọi là “hội đồng già làng”, cũng nói thêm rằng thầy cúng, thầy mo giữ vai trò quan trọng trong bản làng, họ vừa làm nhiệm vụ tôn giáo vừa chữa bệnh cho dân làng. Hội đồng già làng là những người cao tuổi trong làng những người này có uy tín, hiểu biết tập tục, lễ nghi, là một tổ chức không thể thiếu trong bộ máy tự quản của người Vân Kiều.
Xã hội Vân Kiều chưa phân hóa giai cấp nhưng sự phân hóa giàu nghèo thể hiện khá rõ. Tổ chức gia đình mang tính phụ quyền, người đàn ông già nhất là người chủ nhà, người chủ nhà chết quyền hành, của cải thuộc về người con cả, các con gái không được chia tài sản. Nhận thức về thế giới quan người Vân Kiều cho rằng vạn vật hữu linh. Những thần lúa, thần sông, thần núi, thần cây, thần mặt trời…được sắp xếp thứ tự để thờ trong nhà và ngoài rừng với mục đích cầu cho mưa gió thuận hòa, mùa màng tươi tốt. Đặc biệt là thần lúa được nâng lên cao nhất và được sùng bái với nhiều lễ thức quan trọng. Người Vân Kiều khi thu hoạch phải được sự đồng ý của “ Kăn Tro” (mẹ lúa). Bởi thế trước và sau thu hoạch đồng bào bao giờ cũng cúng mẹ lúa, cơm mới. Người Vân Kiều rất cởi mở, chân thật và quý trọng khách. Họ quan niệm gia đình nào có khách ngủ lại, gia đình đó trong năm gặp nhiều may mắn, làm ăn thịnh đạt, nên mỗi khi có khách đến nhà, cả làng, cả bản tỏ ra thân thiện có khi cùng chung nhau tiếp khách. Tập tục ăn uống của người Vân Kiều chủ yếu là sản phẩm từ tự nhiên như lúa nếp sắn khoai, các loại rau. Cách chế biến đơn giản, tươi sống, tổng hợp, các nguồn thức ăn dự trữ thì làm mắm, hơ bếp lửa hoặc xông khói. Ốm đau chỉ biết mời thầy mo, thầy cúng làm phép thuật chữa trị. Hàng năm đồng bào thường tổ chức uống rượu cần, mở hội múa hát vào các dịp cúng mùa, lúa mới, lễ bỏ mạ, lễ phong trần.
Hôn nhân của người Vân Kiều theo hình thức một vợ một chồng, phụ nữ cư trú bên nhà chồng. Trong hôn nhân nguyên tắc ngoại hôn và hôn nhân một chiều được đảm bảo. Việc tổ chức hôn lễ có phần nặng nề và tốn kém thường trải qua các bước: tìm hiểu (Langơp) bỏ của (Cho’q van) cưới bước một (ta beng) và cưới bước 2 (Tapkôl). Để lấy được vợ, nhà trai phải mang đến một số lễ vật tốn kém như: trâu, bò, gà, lợn, nồi đồng, mâm đồng, gươm, vòng bạc, hạt đá quý và bạc trắng. Ngược lại nhà gái phải trao lại nhà trai: váy, ta mục, tapăp, sân mi, ayơ pahieng – pakhân. Tuy nhiên nếu không đủ lễ vật thị khất nợ. Trai gái yêu nhau có thể sống với nhau như vợ chồng, khi có điều kiện thì tổ chức lễ cưới. Hôn nhân của người Vân Kiều còn mang tính mua bán, sau khi lấy chồng người con gái là ma của nhà chồng, phải chịu địa vị thấp kém. Việc hôn nhân anh em chồng, chị em vợ, hôn nhân con cô con cậu vẫn là tập tục lạc hậu, làm thoái hóa giống nòi của bộ phận đồng bào Vân Kiều. Tang ma của người Vân Kiều biểu hiện sinh động qua rừng ma. Tang lễ của người chết bình thường được tổ chức linh đình, đầy đủ nghi thức, nghi lễ, người chết được chia của đầy đủ như người sống và chôn cất ở rừng ma. Người chết không bình thường đồng bào hết sức kiêng cữ, khách lạ, người ngoài bản không được vào. Người Vân Kiều có tục lệ bỏ ma, tục chia của với quan niệm chết là hết, người sống không bao giờ đau khổ, lui tới viếng thăm. Kho tàng văn nghệ của người Vân Kiều đa dạng và phong phú với nhiều làn điệu dân ca, sử thi, hò vè, truyện cổ tích, phản ánh nguồn gốc các vị thần và cuộc đấu tranh xã hội, ca ngợi tình yêu lứa đôi, tình yêu bản làng. Các nhạc cụ thì có kèn, trống, cồng chiêng, tù và, đàn môi, sáo tre, đàn ưâm – puwal, đàn talư. Cồng, trống, chiêng, tù và thường dùng trong lễ hội cúng bái. Các điệu dân ca prodoac, xànớt…Trong những ngày hội mùa, đám cưới các điệu múa cùng nhạc cụ hòa trộn âm thanh vang dậy núi rừng. Ngày nay cộng đồng người Vân Kiều có nhiều đổi mới ở nhiều phương diện tuy nhiên những đặc trưng văn hóa tiêu biểu được các thế hệ kế thừa và bảo tồn, gìn giữ.
Trần Văn Tuấn
[TT: TBC]