Thơ ca dân gian Cao Lan - Nguồn di sản văn học dân gian độc đáo cần được quan tâm sưu tầm và nghiên cứu
03:33 11/04/2013 Lượt xem: 3267 In bài viếtViệt Nam là một quốc gia gồm 54 dân tộc cùng sinh sống trên khắp mọi miền Tổ quốc. Hầu hết các dân tộc thiểu số đều cư trú ở các tỉnh miền núi với địa bàn chiếm 3/4 diện tích cả nước. Tuy hoàn cảnh và môi trường sống khác nhau song mỗi dân tộc đều đã sáng tạo ra một di sản nghệ thuật độc đáo cho riêng mình. Truyền thống văn hoá của các dân tộc thiểu số đã kết tinh thành những tinh hoa nghệ thuật đặc sắc, tạo nên vẻ đẹp muôn màu của dân tộc. Đây là kho tàng vô cùng quí giá của văn hoá Việt Nam.
Dân tộc Cao Lan sống tập trung ở vùng Đông bắc Tổ
quốc chủ yếu ở các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên,
Bắc Giang... có truyền thống văn hoá phong phú và đặc sắc từ lâu đời. Trong đó,
phải kể đến nền văn học dân gian, đặc biệt là mảng thơ ca. Thơ ca dân gian Cao
Lan phong phú về thể loại như tục ngữ, ca dao, câu đố, xình ca, đồng dao, hát ru...
được hình thành và phát triển trong môi trường diễn xướng, lao động và văn hoá
xã hội của đồng bào, nên có những đặc điểm hết sức độc đáo so với các dân tộc
thiểu số khác.
Nói đến thơ ca dân gian Cao Lan, trước hết phải nói đến những bài hát ru. Hát ru
của người Cao Lan giàu cảm xúc, ca ngợi tình cảm giữa con người với con người,
với quê hương đất nước, sớm bồi đắp cho trẻ những tình cảm đẹp. Khác với người
Kinh, hát ru của người Cao Lan không phải là những bài ca, câu ca ngắn mà là
những bài hát dài, có kết cấu của một bài dân ca. Lời thơ, nhịp thơ tự do với
làn điệu đằm thắm du dương, ru em bé vào giấc ngủ say nồng. Mở đầu thường là cụm
từ “Ú núng nờn...” tương tự như “À ơi em ngủ cho ngoan” trong hát ru của dân tộc
Kinh.
Hát ru của người Cao Lan không có nhiều bài nhưng giàu giá trị nhân văn và đậm
chất trữ tình. Dân tộc Cao Lan còn có một vốn ca dao khá phong phú. Xưa, người
Cao Lan thường tránh lấy vợ, lấy chồng ở tuổi 17 nên đã có câu ca rằng:
Nhịt tàu sết cháo mò tò háo/ Ông phấy dì nà pò cháu xà/ Sập sất hấy cà, sập pát
sấy/ Mấy sấy pún sản, sấy dĩ nà.
Dịch nghĩa:
(Mặt trời mọc sớm cũng chẳng hay/ Tiếc công cha mẹ sắm rượu chè/ Mười bảy lấy
chồng, mười tám chết/ Chẳng chết bản thân, chết mẹ cha).
Cuộc sống khốn khó của người dân Cao Lan thời phong kiến xưa, được hiện lên rất
chân thực trong các lời:
ốc phôn xốm xốm, cạy lì lốm/ Hờn hó, hờn cồng pây cọ công/ Bay hò hòn lầy, tầy
hám háy/ Bắt cám cằm sầng, sinh mấy lồm.
Dịch nghĩa :
(Mưa lác đác, con gà bới cối/ Người khó, người nghèo đi làm thuê/ Cái cum lúa
chắc, họ không cho/ Bắt lấy cum lép, nhớ suốt đời).
Cũng như các dân tộc khác, người Cao Lan yêu cuộc sống, yêu quê hương bản làng,
yêu núi rừng, yêu ruộng nương… Họ biết lao động để làm cho cuộc sống của mình
ngày càng ấm no, biết động viên con cháu chăm lo học tập, hăng say lao động sản
xuất để xây dựng quê hương ngày một đẹp giàu. Đó là những nét đẹp văn hoá mà
người Cao Lan rất tự hào. Nét đẹp văn hóa ấy được thể hiện rất đầy đủ và rõ nét
trong các làn điệu Xình ca dân gian.
Xình ca là một thể loại dân ca trữ tình - một nét sinh hoạt văn hoá truyền thống
phong phú và hấp dẫn có từ lâu đời của người Cao Lan. Đó là lối hát đối đáp giao
duyên nam nữ trong các dịp lễ tết, hội xuân, trong lao động sản xuất, những lúc
nông nhàn, những đêm trăng sáng…gần giống như hát ví, hát trống quân, hát quan
họ của người Kinh, hát Sli, Lượn của đồng bào Tày, hát Gầu plềnh của đồng bào
Mông… Đồng bào từ già đến trẻ ai cũng say mê hát, bởi nó không chỉ bao gồm những
bài hát giao duyên nam nữ mà còn là những bài hát ca ngợi sản xuất, thiên nhiên,
phụng thổ công, thần nông...
Ngày xuân, các chàng trai cô gái Cao Lan rủ nhau đi chơi tết từ bản này sang bản
khác, để rồi từng nhóm, từng đôi cất lên những tiếng hát trầm bổng, mềm mại,
thiết tha lan toả khắp núi rừng, vấn vít theo chân người bay vào từng mái nhà
tạo nên những âm thanh độc đáo, đậm đà chất trữ tình… Tiếng hát giao duyên thánh
thót, da diết, mượt mà, tình cảm được thổ lộ chân thật, mộc mạc.
Những ca từ nồng nàn truyền nhau qua các thế hệ truyền sức sống cho vạn vật, tạo
nên dòng dân ca với giọng điệu độc đáo, thấm đẫm chất trữ tình sâu lắng… song
hành cùng với thời gian.
Có hai loại hình hát xình ca, loại hình hát tự do tùy theo mức độ tình cảm mà
nhớ lại những bài hát có sẵn hoặc tự ứng tác trong hoàn cảnh môi trường diễn
xướng.
Loại hình thơ ca dân gian hát tự do này, người Cao Lan gọi là “Ca ý” - xình ca
tình yêu. Số lượng xình ca về tình yêu rất phong phú và có giá trị nghệ thuật
cao. Nó tiềm ẩn trong tư duy của các trai làng gái bản ở tuổi yêu đương. Khác
với hát quan họ của người Kinh, người Cao Lan đã có vợ (chồng) rồi mà hát xình
ca tình yêu thì sẽ bị chê cười là không chung thủy.
Loại hình hát xình ca theo chương trình quy định là những bài hát có tính chất
lễ nghi trong đám cưới, đám tang, cúng lễ gọi là “Ca bậc” nghĩa là: hát lớn.
Người Cao Lan có tới 13 đêm hát xình ca. Mỗi đêm có một nội dung riêng được chép
trong một tập sách. Dù ở hình thức nào người hát đều theo một giai điệu và thuộc
lòng lời ca trong sách hoặc tự ứng tác đặt lời trên cơ sở giai điệu và lời ca
gốc. Họ mượn cảnh quê hương đất nước, cảnh sinh hoạt hằng ngày để nói lên tình
yêu của mình và ước vọng xây dựng một cuộc đời vui tươi hạnh phúc…
Ngoài ra, dân tộc Cao Lan còn có vốn câu đố, thành ngữ, tục ngữ, những bài hát
đồng dao... khá phong phú.
Có thể nói, thơ ca dân gian Cao Lan rất phong phú về nội dung thể loại cũng như
các hình thức thể hiện. Bên cạnh những đặc điểm chung của truyền thống thơ ca
dân gian, thơ ca dân gian Cao Lan có những nét riêng độc đáo. Sự phong phú và
độc đáo của nó không thua kém bất cứ nền thơ ca dân gian của dân tộc nào. Nảy
sinh và tồn tại trong môi trường diễn xướng nên thơ ca dân gian Cao Lan gắn liền
với đời sống của đồng bào. Và với họ, thơ ca dân gian đã trở thành một món ăn
tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Trong ý thức của
người Cao Lan, nghệ thuật không chỉ góp phần làm tăng niềm vui, thắt chặt tình
hữu ái giữa con người với con người, mà còn gắn liền với khát vọng chinh phục
thế giới thiên nhiên, làm đẹp cuộc đời.
Tuy nhiên trong nhiều thập niên qua, các di sản thơ ca dân gian Cao Lan còn chìm
khuất ở các bản làng, chưa được sưu tầm khai thác và giới thiệu một cách kịp
thời nên không tránh khỏi sự mai một. Từ trước đến nay, chúng ta đã có một số
công trình nghiên cứu về văn hoá văn học Cao Lan, song chưa tương xứng với sự
tồn tại thực tế của nguồn di sản quí báu này. Thực tế, kho tàng tục ngữ, câu đố,
ca dao, đồng dao, đặc biệt là dân ca (xình ca - một hình thức sinh hoạt văn nghệ
độc đáo và hấp dẫn của người Cao Lan) rất phong phú, đa dạng và còn tiềm tàng
trong dân gian, chưa được phổ biến rộng rãi cũng như chưa được nghiên cứu và
giới thiệu trong các công trình nghiên cứu khoa học qui mô.
Với việc sưu tầm, nghiên cứu các giá trị văn hóa truyền thống Cao Lan nói chung
và thơ ca dân gian Cao Lan nói riêng, các nhà nghiên cứu, những người có tâm
huyết sẽ giới thiệu với các dân tộc anh em trong cả nước cùng biết đến vẻ đẹp
của thơ ca dân gian Cao Lan trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Từ đó, góp
thêm tiếng nói vào nguồn tư liệu về di sản của đồng bào, giúp cho việc học tập
và giảng dạy tác phẩm văn học dân gian các dân tộc thiểu số trong nhà trường có
hiệu quả hơn, đặc biệt là trong hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú.
Thơ ca dân gian Cao Lan được giới thiệu với các thế hệ học sinh các dân tộc, sẽ
giúp các em có dịp hiểu rõ hơn về di sản văn học độc đáo cũng như đời sống tâm
hồn phong phú của đồng bào. Từ đó, bồi đắp cho các em tình yêu quê hương đất
nước, lòng tự hào dân tộc và ý thức bảo tồn di sản của cha ông.
Hơn thế nữa, kết quả nghiên cứu về thơ ca dân gian Cao Lan còn đáp ứng nhu cầu
tổ chức các lễ hội, biểu diễn nghệ thuật, tham quan du lịch của các địa phương
có cộng đồng người Cao Lan sinh sống và có nhiều tiềm năng cần khai thác.
Thơ ca dân gian Cao Lan là một nguồn di sản tinh thần có từ lâu đời trong truyền
thống văn hóa của đồng bào. Nó phong phú về nội dung cũng như hình thức biểu
hiện. Việc sưu tầm, dịch thuật, đi sâu vào tìm hiểu và nghiên cứu các giá trị
nội dung, nghệ thuật của văn học dân gian Cao Lan nói chung và thơ ca dân gian
Cao Lan nói riêng là một vấn đề cần được các nhà nghiên cứu và những người có
tâm huyết quan tâm.
ThS. Đặng Thị Hường