Nhạc cụ độc đáo của đồng bào Pa Cô
04:01 10/04/2013 Lượt xem: 537 In bài viếtĐồng bào Pa Cô ở phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế hiện đang còn sử dụng những loại nhạc cụ vào loại hàng hiếm, mang bản sắc riêng của một cộng đồng có nhiều ưu điểm về văn hóa truyền thống, nhất là trong lĩnh vực chế tác và thưởng thức các khí cụ âm nhạc.
Par Ngoong và Car Dốc - âm vang đại ngàn: Một loại nhạc khí tương tự như chiếc tù và. Đây là phương tiện mà ngày xưa đồng bào dùng để báo hiệu tin tức, tụ họp dân làng mỗi khi có việc cần. Đồng bào ra hai loại là: Par Ngoong và Car Dốc căn cứ vào chất liệu làm ra chúng. Par Ngoong là loại tù và làm bằng sừng trâu, còn Car Dốc thì được làm bằng sừng dê. Par Ngoong và Car Dốc thường có dạng cong, được nắn cẩn thận từ vật liệu sừng qua nước sôi hoặc lửa, dài từ 50cm-70cm. Thường thì những nhạc cụ này muốn thổi được hay thì phải lấy từ động vật sống ở núi rừng như trâu rừng và dê núi, nhưng săn được chúng là điều không phải dễ. Hiện ở A Lưới còn già làng Cu Xân ở thôn A Diên, A Ngo làm được nhạc cụ này mà ông cho là khó nhất. Mỗi cái Pâr Ngoong hoặc Câr Dốc phải làm trong vòng 15 ngày, có giá ít nhất là 1 triệu đồng. Các nhạc cụ này được dùng nhiều trong các lễ hội như đâm trâu, A da…
Tiếng gọi tình yêu từ Con Quẩy: Ngày xưa trai gái Pa Cô yêu nhau thì không thể thiếu con Quẩy, một nhạc cụ để liên lạc cho các đôi uyên ương. Mỗi khi tiếng rù rù rất nhỏ vang lên trong đêm như tiếng vỗ cánh của côn trùng, cô gái sẽ bước ra khỏi nhà trong niềm vui rạng rỡ. Đó chính là sức hút hấp dẫn của con Quẩy. Con Quẩy là một nhạc cụ bằng đồng, nhỏ bằng ba ngón tay. Nhạc cụ này được cấu thành từ ba miếng đồng, nhìn như một chiếc lá. Nó phát ra tiếng kêu được là nhờ miếng đồng ở giữa mềm mại, có thể rung được. Phía cuối của miếng đồng đó có nhô lên một cục được gọi là Tran Pết, được vón lại bởi sáp ong. Chính độ rung của Tran Pết đã làm nên âm thanh đặc biệt đó. Khi thổi, con Quẩy được áp sát vào môi, người thổi sẽ bấm nhẹ vào Tran Pết để điều chỉnh âm thanh trầm bổng. Nhạc cụ này rất khó thổi, vì thế hiện nay không mấy ai thổi được và dường như nó cũng không còn cần thiết lắm với các đôi lứa yêu nhau. Một già làng còn giữ một con Quẩy cho biết giá của nó cũng khá cao đến 300 nghìn đồng dù nó nặng chưa tới 200g.
T’Ren và những khúc nhạc yêu đời: Có thể viết cách khác là T’riêng hay Tiren. Nhạc cụ này là một ống tre hoặc nứa, có hình dạng như một cây tiêu nhưng chỉ có 3 lỗ. T’ren chỉ dài độ 15-20cm, một đầu được thiết kế để làm miệng thổi, tương tự như một cây tiêu. Khi thổi, người cầm T’ren phải không ngừng điều hòa nhịp thở để phát ra những âm thanh líu lo như tiếng chim. Công dụng chính của T’ren là cầu nối hò hẹn của các đôi trai gái. Nhạc cụ này cũng thể hiện cuộc sống hiền hòa, êm ả nơi núi rừng. Sau một ngày làm việc nương rẫy, tiếng T’ren cất lên xua tan mọi việc âu lo, nhường chỗ cho những lời hò hẹn. Tại thôn Ta Ay, xã Hồng Thái, có bà A Cả là người thởi T’ren có tiếng, thường đi thi các cuộc thi do Phòng Văn hóa-Thể thao-Du lịch A Lưới tổ chức. Bà thường thổi hai điệu chính là Pé Su (đi xin), Pốc Lon (đi chơi). Dù có cấu tạo đơn giản, dễ thổi nhưng để thổi hay thì phải học thật nhiều để có thể thổi sành T’ren.
Các nhạc cụ như T’ren, Pâr Ngoong và Câr Dốc, Con Quẩy hiện ít được sử dụng và ngày càng mai một đi, ít người biết chơi các loại nhạc cụ kể trên nhất là bộ phận thanh niên có vẻ như đang xa rời các giá trị truyền thống văn hóa. Người làm được các nhạc cụ kể trên nay không còn nhiều, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong đó tiêu biểu nhất là cụ Cu Xân nay đã 89 tuổi, cụ Quỳnh Hoàng cũng đã trên 90 tuổi.
Bảo tồn và gìn giữ các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc hiện nay là một vấn đề cấp thiết. Đây là nhiệm vụ khó khăn chính quyền các cấp ở A Lưới cũng như đồng bào Pa Cô phải đảm đương để phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào mình.
Lê Vũ Trường Giang