Hình tượng trong nghệ thuật tín ngưỡng của tộc người Gia Rai
10:18 25/03/2013 Lượt xem: 420 In bài viếtTín ngưỡng thể hiện khách quan về nghệ thuật là một phương tiện trung gian có hiệu quả cao trong việc thể hiện hình tượng. Việc tô điểm mang tính nghệ thuật các tín ngưỡng để chúng trở thành một hình thức cụ thể khiến tín ngưỡng trở nên thật hơn và được tin tưởng nhiều hơn. Sự hiện diện của Yang trong những buổi lễ cầu mưa được mọi người trong cộng đồng tộc người Gia Rai cảm nhận một cách trực tiếp hơn khi Yang hiện diện trong hình dạng của một chiếc gươm - “gươm thần cầu mưa” gắn liền với truyền thuyết Pơtau Apui.
Hình tượng là phương tiện truyền đạt phổ biến trong các tín ngưỡng của tộc người Gia Rai. Đậm đặc và hoành tráng nhất có lẽ là sự biểu hiện trong lễ hội Pơ thi (bỏ mả) gắn liền với sự sáng tạo tượng nhà mồ của các nghệ nhân. Pơ thi không chỉ đơn thuần là việc chấm dứt sự sống của một con người cụ thể, mà đó là biểu hiện sự ân nghĩa thấm đậm chất văn hóa, là cách người sống tri ân người quá cố, gửi gắm tâm tình vào người quá cố, biểu hiện tình người thủy chung, níu kéo kỷ niệm, thời gian... trong hành vi ứng xử tốt đẹp của con người.
Người chết nhưng chưa phải chết nên người sống phải chia của cho người chết rất công bằng. Vì thế, hàng ngày, người sống vẫn mang cơm ra bón cho người chết qua một lỗ thông hơi mà khi chôn, người ta đã cố tình để lại. Cứ thế vài ba năm thì mới Pơ thi. Đây là một lễ hội rất lớn, quan trọng, ý nghĩa và công phu bởi vẫn còn phía sau đấy những nỗi niềm, những điều quyến luyến, những ân nghĩa không thể rạch ròi... Bởi thế mà có tượng mồ. Nghệ thuật chế tác tượng nhà mồ tạo nên trường cảm xúc đặc biệt đối với các nghệ sĩ hiện đại. Hầu hết các tượng nhà mồ là thể hiện những người đã chết - chúng được tạo ra để linh hồn người chết có chỗ nương tựa. Mỗi bức tượng khi được linh hồn người chết nhập vào cư ngụ thì trở thành linh vật. Do vậy, tượng nhà mồ không phải là tác phẩm nghệ thuật để trưng bày trong bảo tàng, càng không phải là đối tượng để ngắm nghía. Đó là những nhân vật còn sống, cùng với năng lực sống động của nhân cách mà chúng đại diện-những năng lực siêu nhiên và đầy sức mạnh bởi vì nhân vật mà nó tượng trưng không chỉ đơn thuần là con người mà đã trở thành thần thánh.
Khối lượng, sự chắc chắn và vẻ bình dị trên bề mặt là những đặc điểm gây ấn tượng trong nghệ thuật điêu khắc tượng nhà mồ của tộc người Gia Rai. Những đặc tính ấy rất được ưa thích một phần do bản chất của vật liệu mà người nghệ nhân sử dụng, phần khác do phong cách không thể mô phỏng được của họ. Vật liệu là gỗ gõ hay lim-loại vật liệu quý và cứng, rất khó chế ngự. Chẳng một tay thợ đẽo gọt tầm thường nào có thể làm nổi công việc tạo hình của một nhà điêu khắc trên thứ vật liệu như vậy. Tượng mồ sẽ thay người sống đi với người chết vào thế giới của A Tâu. Thế nên nó mang toàn bộ tâm tư, tình cảm, nỗi nhớ thương, khắc khoải đau buồn, những gì mà lúc sống, người sống và người chết chưa nói được với nhau... Bởi thế, không phải ai cũng đẽo được tượng mồ, dẫu đấy là người thân nhất của người quá cố. Người ta đồn rằng, người đẽo tượng nhà mồ phải do Yang chọn, được Yang nhập trao sứ mệnh và cũng không phải lúc nào cũng có thể đẽo được. Thường thì công việc được bắt đầu từ trước đấy chừng nửa năm. Những chàng trai khỏe mạnh được cử vào rừng sâu chọn gỗ đưa về. Nghệ nhân đẽo tượng mồ đợi lúc thăng hoa, xuất thần nhất mới khai rìu. Có thể nói, mọi trạng huống cảm xúc đều được biểu đạt ra nên pho tượng sống động đến kỳ lạ. Ban đầu chỉ là những người đàn bà ôm mặt khóc, những người đàn ông đánh chiêng, trống, cảnh giao hoan... sau này, có thêm những con chim, con khỉ... tất cả được phô diễn trong các tư thế hồn nhiên nhất. Và bao giờ tượng mồ đứng đủ bốn mặt nhà mồ thì lễ Pơ thi bắt đầu.
Vì hình tượng đầy chất biểu trưng đó mà xung quanh tượng nhà mồ luôn xuất hiện những truyền thuyết rất sinh động. Người ta bắt gặp việc dựng nhà mồ, tượng mồ được nói đến trong các truyền thuyết và các sử thi đều liên quan tới những gia đình tù trưởng. Phải chăng với sự ra đời chế độ tù trưởng ở Tây Nguyên đã bắt đầu một giai đoạn hay một phong cách tiếp theo của tượng mồ, đó là tượng mồ thể hiện những người và vật đi theo hầu hạ phục vụ người chết? Ở một số vùng của tộc người Gia Rai gọi những cột tượng người quanh nhà mồ là những người hầu (hlun).
Trước đây, lễ hội Pơ thi hoành tráng, có khi kéo dài hàng tháng, gắn liền với khung cảnh hàng ngàn ghè rượu, ăn và uống, múa và chiêng, say và nghỉ, tình tứ và thiêng liêng, khuôn phép và xao động... Pơthi là lễ hội của cả vùng chứ không chỉ của một nhà, một làng. Đây cũng là dịp để các làng, nhất là thanh niên giao lưu. Tiết mục đọ chiêng xuất phát từ đây, hấp dẫn, lôi cuốn hàng trăm người vào cuộc trong xúc cảm đam mê, tình tứ và hồi hộp. Những nghệ nhân chiêng tài hoa có thể nói chuyện bằng chiêng giữa sự uyển chuyển, tình tứ, lãng mạn và thăng hoa của hàng chục vòng chiêng-xoang tạo thành những vòng tròn trên bãi cỏ như những cánh hoa. Sau mỗi mùa Pơ thi, đất đai như tươi tốt hơn, cây trái như xum xuê hơn, vạn vật xanh tươi nẩy chồi và cộng đồng tộc người trở nên gắn bó với nhau hơn...
Hình tượng nghệ thuật đó chính là hơi thở, là tiếng thì thầm, là sợi dây liên kết tạo nên sức mạnh của cộng đồng tộc người. Kế thừa và phát huy chúng trong môi trường văn hóa đương đại có ý nghĩa sống còn hơn bao giờ hết. Trách nhiệm bảo tồn và phát huy chúng không của riêng ai mà của các cơ quan chức năng và cả cộng đồng.
TS. Lê Văn Liêm