Luật tục với việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở Kon Tum
10:49 25/03/2013 Lượt xem: 484 In bài viếtKon Tum là một trong 5 tỉnh Tây Nguyên, có diện tích 9.690,5 km2, với số dân trên 430 ngàn người, trong đó các dân tộc thiểu số chiếm 51% bao gồm các dân tộc thiểu số bản địa như: Xơ đăng 25%, Ba Na 12%, Giẻ-triêng 8,1%, Gia Rai 5,05% và các dân tộc thiểu số khác 3,5%. Cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên là chủ thể của một vùng văn hoá đa dạng, đậm bản sắc dân tộc với Không gian văn hoá cồng chiêng và các lễ hội đặc sắc. Ba Na là nhóm sắc tộc đầu tiên sau người Kinh có chữ viết phiên âm dựa theo bộ ký tự La tinh do các giáo sư Pháp soạn năm 1861.
Trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn nhấn mạnh vấn đề dân chủ, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, việc xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở được xem như là bước đi ban đầu để xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Tuy vậy, với việc tồn tại song song hai thể chế là Nhà nước và cộng đồng buôn làng thì khi xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở cần biết kế thừa những mặt tích cực và khắc phục những hạn chế, lạc hậu của luật tục.
Luật tục đã có lâu đời là "bộ luật" bất thành văn, tồn tại dưới hình thức văn vần truyền miệng, chi phối toàn bộ đời sống tinh thần của mọi cộng đồng, do những người hiểu biết sâu rộng nắm giữ để điều hành hoạt động của buôn làng, trong đó có mối quan hệ giữa con người với con người trong sản xuất, sinh hoạt giữa con người với môi trường xung quanh, với tài nguyên, sản vật. Luật tục là sự biểu hiện sâu sắc văn hoá tộc người. Nếu bỏ qua những yếu tố lạc hậu, những điều dị đoan thiếu cơ sở khoa học nào đó, chúng ta thấy nó có giá trị nhất định và những quy định của luật tục vẫn còn phù hợp với điều kiện sống, phong tục tập quán của mỗi vùng, mỗi tộc người.
Luật tục về tài nguyên, đất đai duy trì quyền lãnh thổ của làng, lấy các vật chuẩn tự nhiên như dòng thác, ngọn núi, con đường mòn làm ranh giới. Trong một số trường hợp, sở hữu cá nhân cũng có thể được lấy để đánh dấu chủ quyền, đó là cây nêu làm dấu ở các góc hoặc xếp đá chung quanh mảnh đất. Nếu ai xâm phạm không được buôn, làng hoặc cá nhân chấp thuận sẽ xử theo luật tục. Khi có tranh chấp, các bên tự giải quyết, nếu giải quyết không được thì già làng hoà giải. Luật tục còn quy định không được bán đất, bán rừng, bán rẫy, vì như thế "con cháu sẽ trở thành nghèo khổ, cây cối không còn để dùng, không có cây che nắng”, khai thác phải biết bảo dưỡng rừng: Đốn cây đừng cho ngã ngược, Chặt cây đừng cho dập cành. Đối với các sản vật luật tục quy định cụ thể: Bắt con ếch phải chừa con mẹ/ Chặt cây tre phải chừa cây con/ Đốt tổ ong phải chừa ong chúa. Không được gây hoả hoạn, dịch bệnh cho người và gia súc, nuôi heo phải làm chuồng, nuôi voi phải có cọc, nuôi trâu bò không được thả rông. Chăn nuôi không được làm ảnh hưởng đến trồng trọt: Ăn một bụi lúa phải cúng gà, ăn một vạt phải đền một gùi, lúa không chết cũng phải đền.
Về hôn nhân gia đình, luật tục quy định: Nếu vợ chồng li hôn thì phạt rất nặng cả hai, nếu người chồng li hôn thì sau 6 năm mới được lấy vợ khác; hoặc khi vợ hoặc chồng chết thì sau 3 năm người còn sống mới được kết hôn, nếu vi phạm sẽ bị phạt (dân tộc Xê Đăng). Luật tục của người Giẻ Triêng cấm người trong dòng họ lấy nhau, dân tộc Gia Rai quy định phải sau 4 đời, hoặc 3 đời với người Xê Đăng; cũng có trường hợp người vợ mất thì người chồng có thể lấy em làm vợ theo tục nối dây.
Đối với việc tang ma, bên cạnh "địa táng" vẫn còn một số ít chôn cất theo kiểu "thiên táng chôn chung. Phong tục này nay đã được khắc phục nhưng đây đó vẫn còn hiện tượng hằng ngày gia đình mang cơm, thức ăn, nước uống ra mộ cho người chết cho đến khi làm lễ bỏ mã.
Ở một số lễ hội, tuy không có quy định rõ ràng nhưng có nhiều khía cạnh như tính dân chủ - tập trung sơ khai, tính tự nguyện, tính bình đẳng. Tất cả quyền sở hữu mang tính tập thể và chủ thể của nó là cộng đồng dân cư, trong đó "Hội đồng Già làng" hoặc "Già làng" là người đại diện quản lý. Ai vi phạm thì xử như nhau, không thiên vị.
Như vậy, những quy định của luật tục có những điểm tích cực rất cần kế thừa để xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở và cũng có những yếu tố lạc hậu, tiêu cực cần phải loại bỏ. Nguyên nhân của những hạn chế, khiếm khuyết và những mặt tích cực chưa được phát huy chủ yếu là do người dân tộc thiểu số chưa nhận thức được những điểm hợp lý, tích cực của luật tục trong việc xây dựng quy chế dân chủ cơ sở nên thờ ơ, hoặc chưa biết vận dụng như thế nào là đúng với luật pháp. Mặt khác, do trình độ tư duy mới dừng lại ở trực quan cảm tính, kinh nghiệm, coi trọng tư duy văn hóa nghệ thuật hơn tư duy chính trị - hành chính, tư duy khoa học nên chưa lý giải được những nguyên nhân của thiên tai, dịch bệnh; cộng vào đó là âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, kích động những luật tục lạc hậu, những phong tục tập quán tiêu cực dưới các chiêu bài dân tộc, tôn giáo, nhân quyền…
Một trong những giải pháp mang tính đột phá để xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở cho các cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung là cần phải phát triển văn hóa, giáo dục nhằm phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của luật tục như đã nêu trên.
Quan điểm phát triển văn hóa, giáo dục trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng là đổi mới toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa và xã hội hóa, nhằm thực hiện mục tiêu: Nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài. Ở Kon Tum, trước mắt phải thực hiện nhiệm vụ nâng cao dân trí và phát triển nguồn nhân lực, trong đó chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao. Những năm qua, cấp uỷ, chính quyền tỉnh Kon tum đã chú trọng phát triển văn hóa, giáo dục, bởi xét đến cùng thì con người là trung tâm, là động lực và là mục tiêu của sự phát triển. Đến nay, Kon Tum đã phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi cho thành phố Kontum và 8 huyện: Đăk Hà, Đăk Tô, Đăk Glei, Sa Thầy, Ngọc Hồi, Kon Plông, Kon Rẫy, Tu Mơ Rông với 82 xã, phường, thị trấn và cơ bản đã hoàn thành phổ cập Trung học cơ sở. Hiện nay, tỉnh có 138 trường học, với 128 lớp, 112,4 nghìn học sinh. Mỗi huyện có một trường dân tộc nội trú và trong vài năm trở lại đây đã cử tuyển gần 300 em người dân tộc thiểu số vào học các trường cao đẳng, đại học. Phân viện Kinh tế của Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng hằng năm đào tạo hàng trăm sinh viên. Bên cạnh phát triển giáo dục phổ thông, cấp ủy các cấp còn mở gần 200 lớp bồi dưỡng chính trị - hành chính cho hơn 26.000 lượt cán bộ Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân, Công đoàn để nâng cao kỹ năng về các mặt công tác, sự hiểu biết pháp luật.
Nhờ phát triển văn hóa, giáo dục nâng cao trình độ dân trí, trình độ hiểu biết về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước mà cấp ủy, chính quyền xã, thôn đã kế thừa được điểm hợp lý của luật tục để xây dựng quy chế dân chủ cơ sở. Trong hơn 300 quy chế dân chủ cơ sở ở 53 xã khu vực II và khu vực III, nhất là gần 200 quy chế dân chủ cơ sở ở 40 xã khu vực II thì yếu tố luật tục được vận dụng khá linh hoạt. Tuy vậy, tại các thôn của 26 xã khu vực III, quy chế dân chủ ở cơ sở vận dụng còn khiên cưỡng, cứng nhắc, chưa phát huy tốt yếu tố tích cực và loại bỏ những yếu tố lạc hậu, lỗi thời. Ở các xã này, tỷ lệ người không biết chữ còn trên 30%, (tỷ lệ chung toàn tỉnh là 15%); các điều kiện phát triển giáo dục chưa đảm bảo: trường lớp chưa đạt chuẩn, 18/82 xã chưa có điện, 28/82 xã chưa có điện thoại, 4 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã, phát thanh, truyền hình còn 20% số xã chưa phủ sóng…
Để phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của luật tục trong việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại Kon tum, thiết nghĩ cần thực hiện đồng bộ các biện pháp sau đây:
Nâng cao dân trí cho đồng bào các dân tộc cả về trình độ học vấn, trình độ am hiểu pháp luật, luật tục cùng các hiểu biết khác về sử thi, lễ hội, phong tục tập quán tốt đẹp. Muốn vậy, phải chú trong giáo dục những kiến thức khoa học, kỹ thuật, chứng minh những điều mắt thấy, tai nghe về hậu quả của mê tín dị đoan, tin vào đất trời không có cơ sở khoa học của các luật tục lạc hậu. Đẩy mạnh tuyên truyền quy định của pháp luật và những yếu tố hợp lý, tích cực phù hợp với điều kiện sống của đồng bào có liên quan đến quy chế dân chủ ở cơ sở như: tinh thần đoàn kết cộng đồng; quyền sở hữu toàn dân, tập thể, cá nhân theo pháp luật; hôn nhân - gia đình theo hướng tiến bộ; tang ma theo đời sống mới; bảo vệ tài nguyên nhất là bảo vệ rừng, nguồn nước; ý thức chính trị, pháp quyền xã hội chủ nghiã; những giá trị văn học nghệ thuật mang đậm tính dân chủ, công bằng, thể hiện ý chí vươn lên khẳng định bản thân, những nét đẹp của luật tục, tập quán về tình thương yêu cộng đồng: "một cây thức cả rừng không ngủ', "một người mất là nỗi đau của làng"; một người trưởng thành là niềm tự hào của buôn, sóc; đức tính khiêm tốn, cần cù chất phác, thật thà cũng như ý thức trách nhiệm công dân trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc; ý thức cảnh giác trước những âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, lợi dụng vấn đề dân chủ, dân tộc, tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ lương - giáo, Kinh - Thượng. Thực hiện biện pháp này là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, đội ngũ giáo viên, cộng tác viên, kể cả "Hội đồng Già làng", Già làng được quần chúng tín nhiệm, tôn vinh; cán bộ Tư pháp tỉnh, huyện, thành phố, phường, xã. Những người làm công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở phải am hiểu luật tục và pháp luật của Nhà nước, phải chỉ ra được một cách cụ thể việc làm sai trái với những luật tục hợp lý, những việc làm trái pháp luật và gương mẫu thực hiện, nói phải đi đôi với làm để bà con tin và làm theo.
Xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở phải đúng quy định của pháp luật. Những quy định tích cực của luật tục, được sự đồng tình của đại đa số quần chúng nhân dân và phù hợp với điều kiện sinh sống của từng buôn, làng, khu vực và tộc người phải được tôn trọng, kế thừa, tránh vận dụng máy móc hoặc xem thường quy định của luật tục. Muốn thực hiện được vấn đề này, phải lựa chọn người am hiểu tiếng các dân tộc thiểu số, am hiểu phong tục tập quán quy định luật tục, hiểu biết về sử thi, lễ hội, am tường pháp luật để soạn thảo quy chế dân chủ ở cơ sở phù hợp với từng dân tộc, từng vùng và đưa ra nhân dân thảo luận, biểu quyết. Luật tục và pháp luật tuy là hai cấp độ phản ảnh nhưng có mối quan hệ không tách rời trong ứng xử, hoạt động. Quy chế dân chủ phải thể hiện cho được lợi ích vì cộng đồng, duy trì trật tự cộng đồng (luật tục) với lợi ích của quốc gia, duy trì trật tự chung (luật pháp); giữa tính phổ biến, tổng quát, phổ cập với đặc thù của địa phương cụ thể (luật tục); giữa tính dân chủ cộng đồng (luật tục) với dân chủ xã hội chủ nghĩa (pháp luật); giữa sự bình đẳng, công bằng, mộc mạc (luật tục) với bình đẳng, công bằng theo hướng tiến bộ; giữa các nguyên tắc cố định (luật pháp) với sự uyển chuyển, mềm dẻo của luật tục; giữa các văn bản pháp quy (luật pháp) với các văn bản truyền miệng bất thành văn (luật tục); giữa Già làng với trưởng bản, trưởng thôn. Quy chế dân chủ cơ sở khi hội đủ những quy định hợp lý, tốt đẹp của cả luật tục và pháp luật cần được biên soạn dưới dạng dễ hiểu, ngắn gọn hoặc theo hình thức thơ dễ nhớ và đưa vào giảng dạy ở các trường phổ thông, các Trung tâm bồi dưỡng Chính trị huyện, trường Chính trị - Hành chính tỉnh.
Xây dựng thiết chế văn hóa giáo dục toàn diện theo hướng hiện đại, tập trung vào phát triển hệ thống các trường học từ mầm non đến đại học, trường dân tộc nội trú, trường dạy nghề, trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, thành phố; hệ thống phát thanh truyền hình, truyền thanh; trung tâm văn hóa cộng đồng; bảo tàng, phòng truyền thống; bưu điện văn hóa và các kết cấu hạ tầng giao thông, kỹ thuật phục vụ cho sự phát triển văn hóa, giáo dục. Có thể nói đây là biện pháp chủ yếu mang tính đột phá ở tỉnh Kon Tum hiện nay. Xây dựng thiết chế văn hóa giáo dục là điều kiện cần thiết nhưng phát huy hiệu quả của thiết chế ấy mới là điều quan trọng. Nhà trường phải biên soạn và đưa vào giảng dạy luật tục trong các trường phổ thông, trường dân tộc nội trú... Hệ thống phát thanh, truyền hình, báo chí phải đẩy mạnh tuyên truyền những yếu tố hợp lý, tích cực của luật tục, những mặt hạn chế, tiêu cực khi thực hiện luật tục trong quy chế dân chủ cơ sở, phổ biến rộng khắp đến mọi đối tượng, nêu lên những gương người tốt, việc tốt trong việc thực hiện nghiêm túc luật tục và luật pháp được thể chế hóa thành quy định trong quy chế dân chủ cơ sở. Đối với quy định của luật tục được truyền miệng bất thành văn phải được biên tập, in thành văn bản và phổ biến rộng rãi, chọn những quy định ngắn gọn, hấp dẫn để quảng cáo, biến thành khẩu hiệu tuyên truyền cổ động dọc theo các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ nhất là đường về xã, buôn, làng, những nơi đông dân cư, trung tâm giáo dục cộng đồng, thậm chí chuyển thể thành những tác phẩm nghệ thuật hấp dẫn vừa để tuyên truyền cổ động thực hiện, vừa giữ gìn được giá trị của luật tục.
Luật tục là những nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử của cộng đồng các dân tộc thiểu số, được xem như là di sản văn hóa của tộc người, cần được kế thừa và đổi mới để xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở. Quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là tại vùng dân tộc không thể thiếu những yếu tố của luật tục. Những điều quy định trong quy chế dân chủ như vận động bảo vệ môi trường tự nhiên, xã hội, hôn nhân gia đình, phát huy truyền thống gia đình, cộng đồng, xây dựng buôn văn hóa thực ra là những điều đồng bào đã tự dặn nhau từ hàng trăm năm nay. Tuy có những quy định không phù hợp đương thời, có những khía cạnh còn mang tính dị đoan nhưng nếu loại bỏ được những tiêu cực, lạc hậu thì luật tục sẽ phát huy được giá trị trong đời sống đương đại. Phát triển văn hóa, giáo dục với những định hướng và giải pháp nêu trên trở thành vấn đề tất yếu ở Kon Tum nói riêng và cộng đồng các dân tộc thiểu số của cả nước nói chung.
PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn