Những ngày văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội
04:14 10/04/2013 Lượt xem: 312 In bài viếtNhân kỷ niệm 67 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9, từ ngày 28/8 đến 2/9, Những ngày văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội lần thứ II năm 2012 đã được tổ chức tại Trung tâm triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Sau 10 năm trở lại kể từ lần tổ chức đầu tiên năm 2002, chương trình lần này có quy mô lớn, nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, khẳng định sức sống mãnh liệt, trường tồn của văn hóa Tây Nguyên trong nền văn hóa các dân tộc Việt Nam, đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc Tây Nguyên với nhân dân thủ đô, nhân dân cả nước trong sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước.
Triển lãm “Tây Nguyên: Truyền thống và Phát triển” là một điểm nhấn của Những ngày văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội. Khu vực triển lãm gồm nhiều không gian như: Tây Nguyên - bản sắc văn hóa truyền thống (được thể hiện bằng hình ảnh, trang phục truyền thống, cồng chiêng, công cụ lao động sản xuất, nhạc cụ…); Tranh, tượng về Tây Nguyên (trưng bày các tác phẩm mỹ thuật chủ đề về Tây Nguyên của họa sĩ Xu Man, Hà Xuân Phong, Hồ Uông…); Sử thi Tây Nguyên (với hơn 100 tác phẩm trong kho tàng sử thi các dân tộc Ba Na, Ê Đê, Mơ Nông, Ra Glai, Xê Đăng…). Đặc biệt, triển lãm Cổ vật Tây Nguyên trưng bày 150 hiện vật cổ do Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và bảo tồn cổ vật Việt Nam cung cấp gồm các loại nhạc cụ, đồ trang sức, trang phục… của người Tây Nguyên. Ban Tổ chức cũng dành một khu vực riêng để trưng bày nét đẹp của Tây Nguyên, trong đó, tỉnh Gia Lai trưng bày với 2 nội dung “Gia Lai đất và người”, “Gia Lai - thành tựu và triển vọng”. Tỉnh Đắk Lắk trưng bày với chủ đề “Đắk Lắk truyền thống và phát triển” giới thiệu những nét văn hóa cổ truyền, thể hiện qua các lĩnh vực nông nghiệp, nghề thủ công, săn bắt và thuần dưỡng voi, y phục, trang sức, âm nhạc, nghi lễ…Tỉnh Kon Tum với chủ đề trưng bày “Ấn tượng văn hóa Bắc Tây Nguyên” giới thiệu bức tranh văn hóa đa dạng, đặc sắc của các dân tộc bản địa Kon Tum thông qua hình ảnh, sưu tập hiện vật… Tỉnh Lâm Đồng giới thiệu đặc trưng văn hóa các dân tộc bản địa thông qua hình ảnh, hiện vật về kiến trúc nhà ở, trang phục truyền thống của dân tộc Mạ, Cơho, Churu… Tỉnh Đắk Nông giới thiệu không gian văn hóa M’nông với khu chế tác nhạc cụ, đan gùi, dệt thổ cẩm, cây nêu, rượu và các vật dụng sinh hoạt…
Tại các không gian trưng bày, đồng bào các dân tộc còn mô phỏng lễ hội đâm trâu mừng lúa mới; kể sử thi hát khan; trình diễn cồng chiêng…
Hội chợ giới thiệu văn hóa, ẩm thực và sản vật như thổ cẩm, cà phê, trà, hồ tiêu, rượu cần…; các chương trình văn hóa nghệ thuật, lễ hội, giao lưu tọa đàm, đặc biệt là cuộc giao lưu của các cựu chiến binh tham gia trận đánh Buôn Mê Thuột, mở đầu cho chiến dịch giải phóng Tây Nguyên và tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam-thống nhất đất nước năm 1975 là những hoạt động giàu tính bản sắc, nghệ thuật, nhân văn trong khuôn khổ chương trình đã giúp công chúng thủ đô và du khách có cái nhìn toàn cảnh về đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, được tận mắt ngắm nhìn trang phục truyền thống, trống da voi, cồng chiêng, công cụ lao động sản xuất, các loại nhạc cụ, các hiện vật liên quan đến nghi lễ đời người của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong không gian trưng bày.
Cùng với các không gian trưng bày, trong khuôn khổ Những ngày văn hóa Tây Nguyên còn diễn ra cuộc gặp gỡ của các nhà nghiên cứu, quản lý, nghệ nhân, nghệ sĩ đến từ Tây Nguyên về phát triển không gian văn hóa cồng chiêng - kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại và bảo tồn sử thi Tây Nguyên... và cuộc giao lưu nghệ thuật mang chủ đề: Âm vang Tây Nguyên (có sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng có sáng tác và biểu diễn về đề tài Tây Nguyên như: NSƯT Rơ Chăm Pheng, nhạc sỹ Nguyễn Cường, nghệ sỹ Linh Nga Niêk Đam…).
Những ngày văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội là một hoạt động văn hóa lớn nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc Tây Nguyên, giúp công chúng thủ đô cảm nhận sâu sắc sức sống mãnh liệt, sự trường tồn của các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, góp phần khai thác và phát triển kinh tế, du lịch trên nền tảng văn hóa truyền thống.
Quang Hải