Vấn đề bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc của người Cơ Tu

09:06 11/04/2013 Lượt xem: 607 In bài viết

Lễ hội ăn mừng lúa mới của người Cơ Tu là lễ hội truyền thống lâu đời nhất của đồng bào. Vào mùa Xuân, hầu khắp bản làng của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống dưới tán rừng Trung Trường Sơn thuộc các huyện núi cao Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang, Phước Sơn tỉnh Quảng Nam đều tổ chức lễ hội này. Cũng tương tự như ngày tết cổ truyền của người miền xuôi, đối với đồng bào miền núi tính thời gian theo mùa rẫy, mỗi năm là một mùa rẫy, khi vừa thu hoạch xong, làng mở lễ hội ăn mừng, đồng thời cầu mong điều may mắn trong mùa lúa mới (năm mới). Lễ hội mừng lúa mới là dịp để mọi người trong làng giao lưu, gặp gỡ với nhau, không khí trong làng vì thế luôn rộn ràng, náo nức.

Đầu tiên là công tác chuẩn bị cho lễ hội. Các nghệ nhân thử lại cồng, chiêng cùng các loại nhạc cụ để đảm bảo đúng âm, đúng điệu. Người có uy tín trong làng được cử đi mời khách tham dự lễ hội của làng mình. Nam thanh niên lo quét dọn nhà cửa, đắp sửa lại đường đi, sân làng, sắp xếp, trang trí nhà Gươl thật khang trang để đón khách quý. Nhà Gươl (nhà làng truyền thống) của Người Cơ Tu được xem là nơi tôn nghiêm, là linh hồn của cả làng, có vai trò rất lớn trong đời sống của đồng bào. Chuẩn bị lễ hội, người Cơ Tu sắp xếp, chỉnh lại các hoa văn họa tiết và các con vật trang trí trong nhà Gươl. Bên các vách nhà Gươl hay những lối đối diện đều được trang trí những tấm dồ, tấm tút đẹp nhất như báo với thần linh, ông bà, tổ tiên biết tấm lòng thành của mình cầu mong cho buôn làng Cơ Tu luôn trường tồn... Những dụng cụ sản xuất được đưa vào Gươl để “báo cáo” với thần linh, giàng về kết quả công việc sản xuất suốt vụ mùa vừa qua. Các mẹ, các chị chuẩn bị trang phục truyền thống, các loại gùi…để sớm mai lên rẫy tuốt những gùi lúa chín vàng về cho làng. Mọi người trong làng ai ai cũng hăng hái góp sức để có được một lễ mừng lúa mới thành công. Lễ vật hiến tế quan trọng nhất của lễ hội là một con trâu to béo được dắt đến, buộc vào cột nêu bằng sợi dây mây đan kết bền chắc. Cột nêu X'nur dùng để cột con trâu đã được trang trí hoa văn với 3 màu chủ đạo là đen, trắng, đỏ thể hiện tính thẩm mỹ và nghệ thuật điêu khắc truyền thống người Cơ Tu.

Vào lễ, mở đầu là lễ cầu an. Bài cầu an có đoạn: “Lạy trời cao, lạy đất rộng. Lạy núi rừng, lạy suối sông. Lạy linh hồn ông, lạy linh hồn bà. Hôm nay đây từ trẻ đến già, xin dâng lễ thần linh. Cầu xin cho dân làng ấm no sung sướng…”. Khi tiếng cồng chiêng vang lên rộn rã cũng là lúc dân làng nhịp nhàng tham gia điệu múa Tung tung - Ya yá, đây là một hình thức kết hợp múa giữa nam và nữ. Dẫn đầu đoàn múa là các già làng, người thổi tù và, một số người đánh cồng chiêng, đánh trống; đàn ông hùng dũng trong điệu múa Tung tung với vũ khí trên tay như gươm, giáo và khiên mây, mô phỏng các động tác chiến đấu và đi săn, thể hiện tinh thần thượng võ của họ; phụ nữ nhẹ nhàng trong điệu Ya yá với đôi tay đưa ngang vai, cẳng tay gập vuông góc lên phía trên, bàn tay xòe rộng như chống đỡ bầu trời, thể hiện sự lao động bền bỉ và đấu tranh sinh tồn trước thiên nhiên. Vũ điệu càng lúc càng dồn dập hơn cùng với những tiếng hú dài hùng tráng. Đó là lúc những già làng và trai làng tay cầm dụ (giáo) vừa nhảy múa vừa đâm vào con trâu trong tiếng hò reo của dân làng. Sau khi trâu chết, già làng cắt một miếng đuôi trâu ném lên chiếc phễu trên cột nêu, xin Giàng và thần linh tiếp nhận lễ vật của làng. Sọ trâu được mang vào treo trên cột chính của ngôi nhà chung. Thịt trâu được xẻ ra, phần dành cho già làng tiếp khách quý ngay tại ngôi nhà chung, còn lại chia đều cho cả làng. Rượu cần, xôi nếp, thịt lợn gà, trái cây... được mang ra, mọi người quây quần ăn uống, tâm tình, múa hát… cả làng vào hội.

Đến với lễ hội mừng lúa mới của người Cơ Tu, mọi người sẽ được nhìn thấy những bộ trang phục khá đặc sắc được người Cơ tu tự dệt nên và mặc trong suốt lễ hội. Màu chủ đạo của trang phục người Cơ Tu là màu chàm đen, đây cũng là màu nền của trang phục, những hoa văn trên nền vải như: hoa văn bằng cườm hình hoa Ablơm (hoa tình yêu), hoa văn bằng cườm hình lá Atút (hình chiếc chong chóng), hoa văn bằng cườm hình đàn ông, thiếu nữ Cơ Tu múa Tung tung Ya yá, lá trầu, dây buộc nhà Gươl, hoa văn bằng cườm hình hoa rừng, trang sức…rất đa dạng. Trang phục lễ hội của người Cơ Tu nói chung đơn giản, không cầu kỳ về màu sắc. Dùng trong lễ hội không bao giờ thiếu các món ăn truyền thống đặc sản của người Cơ Tu như rượu Ta vak (lấy nước từ buồng cây đoác cho lên men với một loại vỏ cây); bánh cuốt, (Người Cơ Tu gọi bánh này là Avị cuốt, bánh đót hoặc bánh sừng trâu... Gọi bánh đót bởi nó được gói bằng lá đót rừng, còn bánh sừng vì nhìn xa, hình dạng của bánh cuốt giống cái sừng của con trâu). Đồng bào Cơ Tu thường mời khách ăn bánh cuốt kèm với cơm lam.

Lễ hội mừng lúa mới vào dịp mùa xuân là lễ hội mang tính cộng đồng rất cao và là lễ hội quan trọng mang đậm yếu tố tâm linh của đồng bào Cơ Tu. Đây là dịp để họ ăn mừng những hạt lúa mới đầu tiên trong vụ thu hoạch, tạ ơn thần linh về một vụ mùa trong năm no đủ đồng thời cầu an cho linh hồn ông bà, tổ tiên người Cơ Tu bao đời. Tuy nhiên, lễ mừng lúa mới hiện nay của người Cơ Tu không phải được tổ chức thường xuyên hàng năm thành lễ hội của làng. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình mà lễ ăn mừng lúa mới lớn hay nhỏ. Thường gia đình nghèo thì có những con heo, gà, vịt... giàu thì đôi khi có cả trâu, heo, gà... Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi làng mà lễ ăn mừng lúa mới được họ tổ chức quy mô thành lễ hội của làng và có đâm trâu. Một thời gian khá dài do nhiều yếu tố, lễ hội này chỉ được tổ chức như một lễ nhỏ trong một số nhà. Gần đây, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, lễ hội được phục dựng ở một số làng bản người Cơ Tu ở Quảng Nam. Cuối tháng 10 năm 2011, lễ hội này còn được phục dựng ngay tại khuôn viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Quảng Nam, tạo nên không khí vui vẻ náo nức của con em người Cơ Tu. Tuy nhiên, vấn đề cơ bản và lâu dài chính là tạo mọi điều kiện cả vật chất và tinh thần để làng Cơ tu tự tổ chức thường xuyên lễ hội này. Nó phải được xuất phát từ chính tâm linh và niềm tin của họ, nếu không, lễ hội sẽ ngày càng chỉ còn là hình thức, mai một, không còn giữ được nét bản sắc riêng, bị pha trộn, thậm chí bị thay thế bằng các giá trị không cùng nguồn gốc và dần biến mất dần trong đời sống cộng đồng.

Tương tự như lễ hội, các giá trị văn hóa khác của dân tộc Cơ Tu cũng là những giá trị cần giữ gìn trong cuộc sống đương đại. Trước sự tác động của các yếu tố xã hội, sự ra đời, du nhập các giá trị văn hóa mới cùng với xu thế hội nhập và phát triển đã đưa tới nhiều biến động trong đời sống văn hóa của các dân tộc thiểu số nói chung và văn hóa Cơ Tu nói riêng. Hơn lúc nào hết, văn hóa các dân tộc thiểu số cần được quan tâm nếu muốn lưu giữ bản sắc đa dạng trong nền văn hóa Việt Nam thống nhất. Tháng 8/2011, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Ðề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020 và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã công bố việc triển khai đề án này với số kinh phí là 1.512 tỷ đồng. Theo đó, Ngày 24/11/2011, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Đắk Nông, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội thảo triển khai Đề án "Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2011-2020 khu vực miền Trung-Tây Nguyên", xác định trọng tâm, trọng điểm những nền văn hóa các dân tộc thiểu số để bảo tồn, phát triển có hiệu quả.

Như vậy, vấn đề bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số đang đặt ra hết sức cấp bách hiện nay. Nền văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc thiểu số Cơ Tu với nhiều giá trị đặc sắc cũng cần bảo lưu, giữ gìn và phát triển trong bối cảnh mới. Thiết nghĩ, một số vấn đề cần thực hiện trước mắt như sau:

- Nâng cao nhận thức của chính người dân Cơ Tu về vấn đề bảo tồn và phát triển văn hóa của mình. Một thực trạng hiện nay là vai trò yếu tố cộng đồng trong đời sống của mỗi cá nhân cũng như trong cộng đồng người Cơ Tu đang giảm dần, nhu cầu về sự cố kết để chống chọi với những thách thức trong cuộc sống không còn trở nên thiết yếu. Vấn đề bản sắc đối với chính người Cơ Tu cũng đang mờ nhạt dần đi. Lớp già làng mất đi, để lại một lỗ hổng lớn trong việc truyền bá các yếu tố truyền thống từ bao đời để lại. Thanh niên Cơ Tu không còn mấy người biết những bài cúng trong các lễ hội, biết nói lý, hát lý, điêu khắc gỗ… Cần giáo dục cho đồng bào hiểu được tầm quan trọng của các giá trị văn hoá, nhất là với lớp người trẻ, bởi đây sẽ là lực lượng kế cận có vai trò quyết định trong vấn đề bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc mình. Trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa Cơ Tu cần xác định người dân Cơ Tu là chủ thể văn hóa trung tâm, phát huy tối đa năng lực của những người có uy tín như già làng, trưởng bản, các nghệ nhân người Cơ Tu. Vấn đề nhận thức được chính giá trị văn hóa của dân tộc mình sẽ là yếu tố đầu tiên, cơ bản trong bài toán giữ gìn bản sắc. Nếu không, mọi giải pháp khác sẽ trở nên cưỡng ép, bất đắc dĩ.

- Khôi phục nhà Gươl nhưng tuyệt đối không được hiện đại hóa nhà Gươl. Theo quan niệm của người Cơ Tu, nhà Gươl là chốn linh thiêng, là nơi cư ngụ của thần linh, ông bà, tổ tiên. Nhà Gươl phải được lập nên bằng công sức của mọi người trong làng. Gươl “ linh hồn làng”- một biểu tượng văn hoá cao nhất của cộng đồng. Từ nhiều năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhà Gươl của người Cơ Tu từng bước được khôi phục. Hiện nay trong 197 buôn, làng thuộc các huyện: Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang (nơi có số đông đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống), thì tại huyện Tây Giang có hơn 60 buôn, làng, huyện Nam Giang và Đông Giang có hơn 70 buôn, làng đã có Gươl. Nhưng hầu hết các nhà Gươl này đã không còn giữ được nguyên vẹn kiến trúc truyền thống, pha trộn với kiểu kiến trúc mới có tính hiện đại, nhiều địa phương có khi tự ai nấy làm, dần dần nhà Gươl trở thành hội trường. Nhà Gươl là nơi bảo tồn bản sắc văn hóa Cơ Tu hiệu quả nhất nên cần xem lại cách làm của chúng ta. Phải có sự tham gia chủ yếu của người Cơ Tu, trong việc khôi phục nhà Gươl hiện nay.

- Ưu tiên đào tạo cán bộ dân tộc người Cơ Tu tại chỗ làm việc ở các thiết chế văn hóa cơ sở. Hỗ trợ truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống: các nghề dệt thổ cẩm, đan lát, làm gốm, rèn; nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ trong nhà sàn, nhà mồ; nghệ thuật diễn xướng dân gian, làn điệu dân ca ba booch, bhơ nooch; nghệ thuật sử dụng các nhạc cụ như chiêng, trống, tù và, thanh la, sáo, khèn, đàn abel, đàn tơ brêch alui, đàn tưl, đàn gơrơnưna, ahen, aluốt, bham, múa tung tung ya yá... Đầu tư kinh phí để bảo tồn và phát huy văn hóa vật thể truyền thống tiêu biểu của đồng bào (như Gươl, nhà sàn, nhà mồ, các nhạc cụ dân tộc, di tích lịch sử, văn hóa...); khôi phục và tổ chức thường xuyên đúng chu kỳ các lễ hội quan trọng của người Cơ Tu. Lễ hội biến mất thì các giá trị văn hóa khác cũng biến mất theo. Bởi các lễ hội của người Cơ Tu có thể xem như bảo tàng sống dung chứa khá đầy đủ các giá trị văn hóa dân tộc Cơ Tu. Nhà nước cần ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho ngành văn hóa cơ sở ở các huyện có đông đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống. Có chính sách thỏa đáng với các nghệ nhân là những người giữ hồn dân tộc. Phát động rộng rãi phong trào người Cơ Tu mặc trang phục, học và nói tiếng Cơ Tu…

Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” tập trung bảo tồn khẩn cấp, nâng cao năng lực tự bảo vệ trước nguy cơ mai một văn hoá của các dân tộc thiểu số rất ít người, tạo điều kiện phát huy văn hoá các dân tộc thiểu số có số dân đông. Theo đó, vấn đề bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc Cơ Tu chắc chắn sắp tới sẽ được đầu tư, quan tâm đúng mức, góp thêm tiếng nói cùng tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số Việt Nam.

ThS. Nguyễn Thị Triều