Bảo tồn nghệ thuật hát Then, đàn Tính

09:58 25/03/2013 Lượt xem: 552 In bài viết
<xmp style="DISPLAY: inline" id="9669" tabindex="-1" contenteditable="false">

Liên hoan Hát Then, đàn Tính toàn quốc lần thứ IV với sự tham gia của 10 tỉnh có các dân tộc Tày, Nùng, Thái hiện nay vẫn lưu giữ loại hình nghệ thuật này gồm: Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Giang, Quảng Ninh, Lào Cai, Điện Biên và Đắk Nông. Hơn 800 nghệ nhân, nghệ sĩ của các tỉnh đã tham dự Liên hoan. Đây là dịp để các nghệ nhân, nghệ sĩ, ca sĩ gặp gỡ giao lưu, giới thiệu loại hình nghệ thuật quí báu của cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Thái. Điều đáng mừng của liên hoan hát Then, đàn Tính lần thứ IV so với những liên hoan trước là số đoàn, số người, độ tuổi tham gia phong phú, có em chỉ 8-10 tuổi, có nghệ nhân đã 70-80 tuổi, chứng tỏ nghệ thuật dân gian này đã và đang được các thế hệ tiếp nối.

Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính toàn quốc lần thứ 4 năm 2012 gồm chuỗi các hoạt động văn hoá, nghệ thuật tôn vinh Di sản hát Then, đàn Tính của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái. Hát Then đi liền với đàn Tính là nghệ thuật diễn xướng mang yếu tố tâm linh. Then có thể hiểu là thiên (trời), vì thế người hát, múa Then trong những dịp lễ, tết là những người đại diện cho cộng đồng giao tiếp với thần linh. Hát Then có nhiều loại: Then cầu phúc, cầu tài, lộc; Then kỳ yên giải hạn; Then buồn, vui… nhưng tất cả đều chất chứa tâm sự về cuộc sống của con người…

Với các chủ đề “Nguồn cội câu Then”, “Muôn phương hội tụ”, “Xứ Lạng gọi mời”… qua các làn điệu hát Then cổ, Then cải biên rộn rã, những nét văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái đã được tái hiện qua các màn biểu diễn nghệ thuật độc đáo, đưa người xem đắm chìm trong một không gian văn hoá đậm đà bản sắc vùng cao. Liên hoan là dịp để người dân Xứ Lạng cũng như người dân cả nước tìm hiểu về sự giống và khác nhau của làn điệu Then giữa các dân tộc. Nếu như Then Lạng Sơn, Quảng Ninh dìu dặt, da diết, Then Bắc Kạn thầm thì như kể chuyện thì Then Tuyên Quang lại như thúc giục người ra trận, Then Hà Giang nhấn nhá từng tiếng một.

Trong khuôn khổ Liên hoan hát Then, đàn Tính lần thứ IV, nhằm mang đến cho du khách và người dân địa phương những thông tin đầy đủ và sâu sắc về Di sản hát Then, đàn Tính, nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật, triển lãm đã được tổ chức như: Triển lãm với chủ đề “Di sản văn hóa Then” trưng bày các hiện vật, sản phẩm, hình ảnh giới thiệu nghệ thuật Hát Then; hình ảnh những nghệ nhân tiêu biểu, các loại nhạc cụ, trang phục dùng cho Hát Then của các địa phương; Hội thảo “Bảo tồn, phát huy Hát Then trong giai đoạn hiện nay”

Ngoài ra, hội thảo Bảo tồn, hát huy Hát Then trong giai đoạn hiện nay và chương trình biểu diễn nghệ thuật Hát Then, đàn Tính của 9 tỉnh, một lần nữa góp phần đánh giá lại thực trạng, giá trị nghệ thuật của loại hình văn hóa dân gian giàu cảm xúc này.

Các giá trị văn hóa hát Then, đàn Tính đã tái hiện đầy đủ và lan tỏa sâu rộng trong không gian văn hóa của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái, với những hình ảnh về nghi thức tế lễ trong lễ cấp sắc của các thầy Tào; bộ sưu tập đàn tính dân tộc Tày ở xã Đức Thông, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng; những mẫu nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Cạn; dụng cụ Khèn Bè của dân tộc Thái ở Bản Cại, xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái; Bộ sách chữ nôm Tày của thầy Tào. Đây thực sự đã trở thành “một bức tranh thu nhỏ”, phản ánh một kho tàng di sản văn hóa đặc sắc đã được giới thiệu đến công chúng.

Vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay là bảo tồn hát Then như thế nào để không mất đi bản sắc mà vẫn phù hợp xã hội hiện đại. Hiện nay, hát Then đang tồn tại ở hai dạng chính: Then cổ (Then tâm linh phục vụ việc hành nghề tín ngưỡng) và Then mới (Then văn nghệ có cải biên, sáng tác dựa trên âm hưởng Then cổ). Theo quan điểm của ông Hoàng Đức Hậu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, không thể bảo tồn nếu bỏ qua Then cổ. Quan trọng là phải bảo tồn và phát huy được không gian diễn xướng Then. Việc đổi mới và cách tân hát Then hiện nay không có nghĩa là loại bỏ yếu tố nghi lễ vì chính yếu tố này làm cho con người gắn bó và say mê loại hình nghệ thuật hát Then. Vì thế, trong Liên hoan Nghệ thuật hát Then, đàn Tính lần thứ IV, chỉ có khoảng 30-40% tiết mục biểu diễn là Then mới, còn lại các nghệ nhân và cả diễn viên trẻ diễn xướng trong không gian của Then cổ.

Mới đây, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã trình Chính phủ Dự án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa hát Then - đàn Tính, từng bước chuẩn bị cho việc lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận nghệ thuật hát Then - đàn Tính là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tiến sĩ Lê Văn Toàn, Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia, Viện trưởng Viện Âm nhạc cho biết, xét về làn điệu âm nhạc, tính đặc trưng và sức lan tỏa thì hát Then xứng đáng được vinh danh. Trong năm qua và thời gian tới, cán bộ nghiên cứu, nhà sưu tầm của Viện đã kết hợp với các tỉnh, thành phố có làn điệu hát Then lên kế hoạch kiểm kê, đánh giá di sản hát Then, xem thực chất hát Then đang được lưu giữ và bảo tồn thế nào. Rồi từ đó mới tiến hành xây dựng hồ sơ di sản để trình UNESCO.

Cùng với những động thái của cơ quan có thẩm quyền, việc giữ gìn truyền thống quê hương, bảo tồn làn điệu đẹp của dân tộc Tày, Nùng, Thái vẫn đang được các địa phương phát huy. Dù chưa có các chính sách cụ thể, thì những người như nghệ nhân Hà Văn Thuấn (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) đang liên tục mở các lớp truyền dạy hát Then, múa Then mà trong thế hệ trẻ có tới 4 cô cháu gái ruột vẫn ngày đêm theo ông học hát, học múa; nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền ở Chợ Mới (Bắc Kạn) đã là đời thứ 9 của dòng họ mình diễn xướng và truyền dạy hát Then vùng này. Ở các cuộc hát Then của Lạng Sơn, người ta vẫn thấy bà Nông Thị Sấm (75 tuổi) có diễn viên "đồng hành" là cháu trai Chu Văn Minh... Các tỉnh, thành phố có hát Then cũng đã tổ chức các lớp truyền dạy, thành lập các Câu lạc bộ. Đặc biệt ở các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng đã phát huy nghệ thuật hát Then, đàn Tính với làm du lịch, vừa góp phần nâng cao đời sống tinh thần, giúp đồng bào có công ăn việc làm, vừa quảng bá nghệ thuật đặc sắc thu hút du khách đến với những quê hương cách mạng. Những việc làm đó đã góp phần tạo môi trường để hát Then-đàn Tính được gìn giữ, lan tỏa trong đời sống cộng đồng.

BBT