Những vấn đề đặt ra từ nạn tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số
02:55 11/04/2013 Lượt xem: 871 In bài viếtĐồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi thường cho con cái tảo hôn - kết hôn sớm trước tuổi trưởng thành. Điều này không những vi phạm pháp luật mà còn để lại những hệ luỵ khó lường đối với cuộc sống của các cặp vợ chồng trẻ. Chính vì vậy, đây là một tập tục lạc hậu cần phải loại bỏ trong đời sống xã hội hiện nay.
Vàng Thị Hoa, dân tộc Mông, đang học lớp 9 trường
DTNT huyện ở tỉnh Hà Giang thì bố mẹ gọi về. Vội vàng xin phép cô giáo, Hoa bắt
xe khách về nhà thì bố mẹ cho biết đã gả cho A Sum cùng bản. Sum hơn Hoa 2 tuổi,
không đi học nhưng biết làm nương giỏi, biết nấu thắng cố. “Nó biết làm nương,
trồng ngô, biết thịt con dê, con ngựa, mày lấy nó là không phải bị đói, còn khóc
gì”, bố Hoa trấn an con. Vậy là đám cưới được tổ chức, trong đám cưới của Hoa có
nhiều thầy cô giáo tới dự, họ không khỏi tiếc nuối cho em, một học sinh giỏi của
trường.
Sùng Thị Mỷ, ở bản Dốc Giữa, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) bị bắt vợ ngay trong
ngày khai giảng năm học vừa qua. Mới lên lớp 9 nhưng Mỷ đã đã ra dáng một thiếu
nữ nên có nhiều chàng trai trong xã để ý. Một trong số đó nhờ người đến nhà Mỷ
dạm hỏi nhưng nhà em không đồng ý. Thế là cùng mấy người bạn, cậu trai nọ đã tổ
chức bắt vợ ngay trên đường Mỷ đi học. Khi cha mẹ Mỷ biết tin đến đòi con thì
nhà trai đã làm đám cưới linh đình. Lễ hỏi nhà trai đã cho người đi đường tắt,
mang sang nhà gái lúc gia đình không có nhà. Vậy là đành chịu.
Cũng có nhiều trường hợp các em bị ép cưới sớm, nhưng được chính quyền, nhà
trường can thiệp kịp thời nên những đám cưới trẻ con đã không diễn ra. Như
trường hợp của em Lô Thị Vân, ở bản Cốc Lát (huyện Bảo Hà, Cao Bằng), Vân đang
học lớp 9 trường Dân tộc nội trú thì bố mẹ gọi về. Biết là về cưới, Vân vừa khóc
vừa chạy đi tìm cô chủ nhiệm nhờ cô về nói với cha mẹ. Nhà trường cử hẳn một tổ
cán bộ về xã, xã lại cử một tổ cán bộ đến tận nhà bố mẹ Vân, đến cả “nhà trai”
để thuyết phục. Cuối cùng, hai bên đồng ý trả lễ hỏi, huỷ đám cưới. Tuy nhiên,
những trường hợp như của Vân không nhiều.
Nạn tảo hôn không chỉ xảy ra trong cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở
miền núi phía Bắc mà nó tồn tại, ăn sâu vào đời sống của cả người dân vùng Tây
Nguyên, Tây Nam bộ. Nguyên nhân là do đời sống kinh tế khó khăn, trình độ dân
trí và nhận thức pháp luật hạn chế, hủ tục lạc hậu trói buộc. Rất nhiều phụ nữ
bị lừa gạt sa vào tệ nạn xã hội hoặc tự bỏ đi nơi khác, những yếu tố này tác
động đến tâm lý của các phụ huynh nên tình trạng cha mẹ cho con em mình kết hôn
sớm ngày càng phổ biến.
Tảo hôn - kết hôn sớm là việc làm trái pháp luật của Nước Cộng hoà Xã hội Chủ
nghĩa Việt Nam. Luật hôn nhân và gia đình quy định rõ: Nam, nữ thanh niên đủ 18
tuổi mới được phép kết hôn. Luật cũng cho phép nếu trường hợp nào kết hôn trước
tuổi theo Luật quy định sẽ bị chính quyền địa phương phạt hành chính. Tuy nhiên,
điều đó chưa đủ để ngăn chặn nạn tảo hôn còn đang diễn ra khá phổ biến trong
đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào sinh sống ở các khu vực miền núi,
vùng cao, vùng sâu. Những nơi mà sự hiểu biết về pháp luật còn thấp và luật tục
(kể cả luật tục, tập quán lạc hậu) còn tồn tại và có ảnh hưởng nhất định đối với
đời sống của đồng bào.
Những hệ luỵ do tảo hôn ở vùng miền núi đã và đang gióng lên hồi chuông cảnh
tỉnh đối với chất lượng cuộc sống của chính những gia đình “trẻ con”, rộng hơn
là của cộng đồng dân cư khu vực đó.
Trước hết, việc kết hôn sớm ảnh hưởng đến thể chất của các em, nhất là các em
gái. Khi chưa đủ tuổi trưởng thành, cơ thể chưa phát triển hết, việc quan hệ
tình dục sớm, mang bầu, rồi nuôi con khiến sự phát triển đầy đủ của người phụ nữ
bị chậm lại, thoái hoá, nhiều trường hợp để lại di chứng nặng nề, thậm chí có
nhiều trường hợp tử vong. Việc phải nuôi con khi chưa đủ sức khoẻ, thiếu hiểu
biết cũng như ý thức trách nhiệm khiến đứa trẻ bị suy dinh dưỡng, còi cọc, dễ
mắc bệnh. Trên thực tế nhiều trường hợp trẻ sơ sinh do các bà mẹ chưa trưởng
thành sinh ra đã tử vong do không chăm sóc đúng cách, nhẹ hơn thì làm cho đứa
trẻ bị ảnh hưởng xấu đến thể chất và tư duy. Làm khó khăn cho cuộc sống của đứa
trẻ sau này.
Sau những đám cưới tảo hôn nhiều khi cũng khiến bố mẹ và các gia đình “trẻ con”
phải còng lưng trả nợ. Nhiều gia đình phải vay mượn, cầm cố nhà cửa, ruộng nương
để làm đám cưới. Xong việc chưa kịp vui mừng đã phải mang trâu, mang thóc đi trả
nợ. Có nhà phải bán ruộng rồi kéo nhau đi làm thuê, làm mướn. Đáng buồn hơn có
gia đình phải bán cả nhà để trả nợ rồi dắt díu nhau ra bìa rừng dựng lều ở tạm.
Hầu hết cuộc sống của những gia đình trẻ này lâm vào cảnh khó khăn do chưa có
kiến thức và hiểu biết để tự lo cho cuộc sống gia đình. Nhiều trường hợp mâu
thuẫn, cãi vã, thậm chí đánh đập nhau rồi ai đi đường lấy, ôm quần áo về nhà bố
mẹ đẻ. Có trường hợp cưới xong vẫn đi học lại quen tiếp bạn mới về nhà ruồng rẫy
vợ (hoặc chồng). Những gia đình này thường là chênh lệch về tuổi tác, trình độ
nên dù có tiếp tục chung sống cũng khó hoà thuận. Đau lòng hơn còn có những cặp
vợ chồng lấy nhau quá sớm nên sự hiểu biết, suy nghĩ chưa chín chắn, chỉ vì
những chuyện riêng giữa hai vợ chồng như hiểu lầm nhau hay vợ chồng ăn nói thiếu
tôn trọng là dẫn đến vợ hoặc chồng ăn lá ngón để kết liễu cuộc đời, bỏ lại những
đứa con bơ vơ không cha, không mẹ.
Một vấn đề nữa là ở những vùng dân tộc, miền núi, đi kèm với nạn tảo hôn là tình
trạng đẻ nhiều, đẻ dày. Không hiếm những gia đình bố mẹ mới chỉ ngoài 20 tuổi mà
lít nhít 3,4 đứa con. Điều dễ nhận thấy là hầu hết những gia đình như vậy, cuộc
sống của họ vô cùng vất vả, thiếu ăn, thiếu học và cứ tình trạng này kéo dài thì
những đứa trẻ đó khi lớn lên cũng sẽ lại trở thành những ông bố, bà mẹ trẻ con.
Từ vấn nạn này thì chuyện thiếu ăn, thiếu mặc, trẻ con không được đi học, không
được chăm sóc đầy đủ về dinh dưỡng, y tế, văn hoá tinh thần là chuyện tật yếu.
Cùng với những chính sách, chương trình nhằm mục tiêu nâng cao đời sống vật chất
cho đồng bào, Đảng và Nhà nước ta hết sức chú trọng hoạt động nâng cao đời sống
tinh thần ở những khu vực khó khăn. Đặc biệt phải quan tâm hơn nữa đến công tác
tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân, trọng tâm là pháp
luật về hôn nhân và gia đình. Tuyên truyền linh hoạt bằng nhiều hình thức đa
dạng, phong phú, phù hợp với thực tế địa phương để người dân, nhất là những
người ở độ tuổi vị thành niên, hiểu rõ các quy định của pháp luật về dân số, hôn
nhân và gia đình, những tác hại của việc tảo hôn. Ngoài ra mỗi xã, thôn, bản nên
tổ chức hội, đoàn thể, các hình thức vui chơi, sinh hoạt văn hóa lành mạnh để
thu hút các bạn trẻ cùng tham. Phát động phong trào xây dựng nếp sống văn minh,
gia đình văn hóa. Thành lập điểm tư vấn về hôn nhân gia đình, chăm sóc sức khỏe
sinh sản tại địa phương để từng bước nâng cao dân trí, dần loại bỏ những ảnh
hưởng tiêu cực của các tập tục lạc hậu, trong đó có tảo hôn; chú trọng giải
quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo... cho người vị thành niên nghỉ học sớm. Cũng
cần sớm xây dựng và triển khai mô hình can thiệp nhằm loại bỏ hoặc thay đổi tập
quán lạc hậu về tảo hôn tại một số cộng đồng dân tộc ít người là hết sức cần
thiết, góp phần quan trọng và trực tiếp cải thiện chất lượng giống nòi và nâng
cao chất lượng dân số tại các địa bàn. Và một điều quan trọng nữa là sự quan
tâm, phối hợp của chính quyền, đoàn thể phải chặt chẽ khi trong xã, thôn, bản
mình có trường hợp tảo hôn, phải vận động kịp thời, hoặc phải xử lý hành chính
theo quy định của pháp Luật.
Vấn nạn tảo hôn đang là một thực trạng nhức nhối không chỉ ở riêng địa phương
nào mà là phổ biến trong cả nước. Ngăn chặn và hướng đến loại bỏ tảo hôn cần sự
kiên quyết và đồng bộ của các cấp, các ngành và nhất là trong ý thức mỗi người
dân.
Nghiêm Huệ