Sắc xuân trên vùng cao Bản Xèo
03:31 11/04/2013 Lượt xem: 674 In bài viếtCứ mỗi độ xuân về, khi những cành hoa đào, hoa mận khoe sắc trên khắp các triền núi, đồng bào dân tộc vùng cao lại nô nức chuẩn bị đón Tết cổ truyền lớn nhất của năm.
Về xã Bản Xèo, huyện Bát Xát (Lào Cai) vào những ngày giáp tết Quý Tỵ 2013, cảm
nhận đầu tiên của chúng tôi: Xuân ở đây đến sớm, sức xuân tràn ngập trên mọi nẻo
đường của xã vùng cao. Đây đó những cây đào trong các vườn nhà đã nở hoa. Đường
đi được bà con dọn vệ sinh sạch sẽ, quang đãng. Đến mỗi thôn, chúng tôi được
chứng kiến cuộc sống của bà con xã Bản Xèo đang khởi sắc, nhiều nhà chuẩn bị cho
tết là con lợn béo trong chuồng, đàn gà, gạo nếp để gói bánh chưng, đồ xôi, nấu
rượu… Thu nhập ổn định nên không khí đón tết của đồng bào dân tộc thiểu số ở Bản
Xèo thật vui vẻ. Khắp bản làng rộn rã tiếng cười nói; những bước chân vội vã,
người chuẩn bị lá dong để gói bánh, người xay thóc, tẽ ngô, sửa sang, quét dọn
nhà cửa, lau các vật dụng trong gia đình… Khói từ những căn nhà sàn tỏa ra, khói
từ những đụn rơm được đốt ngoài sàn, hương rượu nồng nàn lan tỏa, hòa quyện vào
nhau trong không khí ngày xuân ấm áp rộn ràng.
Gia đình ông Lò Láo Chính đang chuẩn bị một cái tết khá tươm tất. Cây đào trước
nhà nở hoa rực rỡ, trên bàn thờ tổ tiên có nải chuối xanh, trái bưởi, quả cam
vườn nhà, chai rượu, hộp mứt, ông Chính hồ hởi nói: “Nhiều năm rồi bà con thôn
mình được Đảng, Nhà nước quan tâm cho tiền để ăn tết, mình cảm ơn Đảng và Nhà
nước lắm nhưng nghĩ cũng thấy buồn, thấy tủi vì thôn mình nghèo quá. Năm nay bà
con trong thôn biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào gieo trồng sản xuất nên sản
lượng ngô, lúa đạt khá, không còn nhiều hộ thiếu đói như những năm trước nữa nên
Tết này ở thôn mình nhiều nhà đón tết to lắm, các gia đình trong thôn chắc chắn
sẽ rất vui. Tết này gia đình mình sẽ thịt một con lợn khoảng 80kg, đây là năm
đầu tiên nhà mình có lợn to như vậy để thịt đón tết”. Ông Chính cho biết thêm:
Tết đến tùy theo hoàn cảnh mỗi gia đình làm mâm cỗ phù hợp với điều kiện của gia
đình mình. Nhà nuôi được lợn thì mổ lợn, nhà nuôi được gà thì mổ gà để cúng tổ
tiên ông bà, bày tỏ lòng thành kính trong dịp tết đến xuân về và cầu xin sức
khỏe, may mắn cho mọi người, cầu xin mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu… sau đó
mời họ hàng, làng xóm đến ăn uống, trò chuyện, kể cho nhau về những việc đã làm
được trong năm qua và những dự định trong năm mới.
Đến thăm gia đình ông Lý Văn Dinh, trong căn nhà mới rộn ràng tiếng trò chuyện,
ông Dinh bộc bạch: “Nhờ ơn Đảng, Nhà nước cho tiền xây nhà, tết này nhà mình có
nhà mới để thờ cúng tổ tiên, ông bà. Năm nay cả gia đình được đón tết trong căn
nhà mới mọi người vui lắm”. Vợ ông chỉ cho chúng tôi xem thịt lợn được hong trên
gác bếp và những bao tải gạo nếp, gạo tẻ. Bà bảo: Năm nay gia đình mình đủ ăn
rồi, mình đã chuẩn bị những hạt nếp nương tốt nhất để gói bánh chưng.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bản Xèo ông Vương Mạnh Tuấn
cởi mở: “Mình đã đến thăm nhiều nhà trong xã. Năm nay làm ăn tốt nên các gia
đình chuẩn bị cho tết cũng khá. Số tiền hỗ trợ cho các gia đình chính sách, gia
đình khó khăn, xã chuyển đầy đủ cho các gia đình để bà con được vui năm mới, đón
tết cổ truyền, không bỏ sót gia đình nào không có tết”.
Bản Xèo là xã vùng cao, đặc biệt khó khăn, có diện tích tự nhiên hơn 2.600 ha,
diện tích nông lâm nghiệp chiếm trên 50%, còn lại là đất phi nông nghiệp và đất
chưa sử dụng. Trước đây, bà con xã Bản Xèo trồng giống lúa, ngô địa phương, năng
suất thấp, không có phân bón, nước tưới, vì vậy năng suất bấp bênh, vào những
mùa giáp hạt nhiều gia đình không đủ ăn. Trong vài năm trở lại đây, được sự quan
tâm của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình, dự án như 135, 134, 661, 168,
trợ cước, trợ giá…cùng sự nỗ lực của chính quyền địa phương và của bà con dân
tộc, đời sống của đồng bào dân tộc ở xã vùng cao Bản Xèo đã có nhiều khởi sắc.
Đường đi thuận tiện, điện lưới quốc gia, nước sạch tới từng gia đình.
Đảng bộ xã Bản Xèo đã tập trung nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với phát
triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đồng
thời, Đảng bộ xã đã chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng
khai thác lợi thế chăn nuôi đại gia súc và sản xuất rượu San Lùng; đẩy mạnh thâm
canh, tăng vụ, sử dụng giống mới nhằm tăng nhanh thu nhập trên một đơn vị diện
tích cach tác và xen canh một số cây trồng trên chân ruộng một vụ như: lạc,
khoai tây, đậu tương... Đến nay, trên 80% diện tích đất trồng giống lúa mới năng
suất cao, trong đó có lúa Séng Cù được người tiêu dùng ưa chuộng. Những hộ gia
đình thiếu đất sản xuất thì chăn nuôi trâu bò vỗ béo, chăn nuôi lợn, gà theo
hướng hàng hoá, qua đó nhiều gia đình đã từng bước thoát khỏi đói nghèo, vươn
lên làm giàu bằng các mô hình kinh tế trang trại như các gia đình: Tao Văn Nháu,
bản Bản Xèo 2, Vàng Văn Vủi, bản Bản Xèo 1, Cồ Thị Nụ, bản Thành Sơn hàng năm
thu nhập 40-50 triệu đồng từ sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, xã đã phát động phong trào thi đua hộ nghèo tự vươn lên thoát nghèo,
các hộ khá giàu giúp đỡ các hộ nghèo thoát nghèo, qua đó đã phát huy được tinh
thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong đồng bào dân tộc như cho vay vốn
không lấy lãi để phát triển sản xuất, giúp đỡ nhau cây giống, con giống. Hiện số
hộ nghèo đã giảm hơn một nửa so với 5 năm trước, 100% số hộ có nhà lợp ngói, đa
số hộ có phương tiện nghe nhìn; hơn 80% hộ số có xe máy... Phong trào hiếu học,
xã hội hoá giáo dục được quan tâm. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể làm tốt công
tác tuyên truyền, vận động, nên hàng năm 100% trẻ em trong độ tuổi được đến
trường. 100% hộ nghèo được cấp thẻ và khám chữa bệnh miễn phí.
Ở bản San Lùng nhiều gia đình phát triển kinh tế theo hướng dịch vụ, thương mại,
sản xuất loại rượu ngon nổi tiếng. Trước kia, San Lùng là bản khó khăn nhất của
xã, đời sống của người dân rất khó khăn do địa bàn rộng, dân cư thưa, giao thông
hạn chế, cơ sở hạ tầng thiếu... San Lùng nay là bản có nhiều hộ giàu, thu nhập
tới 50 triệu đồng/năm từ bán rượu San Lùng và thảo quả như các gia đình: Lò Láo
Tả, Lò Thái Phúng, Lò Sài Lù, Lò Sài Phin, Chảo Quỳ Chìu. Bản San Lùng luôn đi
đầu trong việc huy động sự đóng góp của người dân xây dựng các công trình dân
sinh. Người dân ở đây sớm tiếp cận với sản xuất hàng hóa, nên họ ý thức được
phát triển giao thông sẽ thuận lợi cho trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế. Vì
vậy, khi Công ty Cổ phần Dầu khí Sa Pa hỗ trợ làm đường đến bản San Lùng, nhiều
gia đình đã hiến đất và đóng góp công sức như hộ gia đình các ông: Chảo Củi Nhàn,
Lò Kim Sài… đã hiến cả nghìn m2 đất nương, đất ruộng để mở đường. Có con đường
đã tạo điều kiện cho bà con đi lại giao thương buôn bán thuận lợi. Con đường đã
đem lại niềm vui, niềm mơ ước của đồng bào trong bản. Đó thực sự là con đường
xóa đói, giảm nghèo, mở rộng giao thương đặc sản rượu San Lùng và thảo quả sang
các vùng khác. Ngoài ra, Công ty Cổ phần Dầu khí Sa Pa đã nhận hỗ trợ bao tiêu
sản phẩm, đem lại nguồn thu ổn định cho người dân bản San Lùng. Đến nay, 46 hộ
đồng bào dân tộc có nhà cửa khang trang, có công trình nước sạch để sinh hoạt.
Đa số các hộ gia đình có phương tiện nghe nhìn. 90% gia đình đạt gia đình văn
hoá, 3 năm liền bản đạt tiêu chuẩn bản văn hóa.
Vượt qua những sóng gió về kinh tế, sức ép giá cả leo thang, dịch bệnh rình rập,
nền kinh tế nông nghiệp Bản Xèo đang bước vào thời kỳ năng động để tự chủ bằng
nội lực. Gian khó là thế nhưng lại là một năm không ít những thành công mà chỉ
có sự đồng tâm, hiệp lực, sự đoàn kết cộng đồng trách nhiệm của toàn Đảng bộ và
toàn dân trong xã mới đạt được những thắng lợi khá toàn diện. Hành trang vào năm
Quý Tỵ, Bản Xèo có những con số đáng tự hào: giá trị nông - lâm tăng tăng cao,
công nghiệp - xây dựng cơ bản tăng so với kế hoạch giao, năng suất lúa cả hai vụ
cao nhất từ trước đến nay đạt 57tạ/ha, bình quân đầu người trên 780kg/người/năm.
Bức tranh kinh tế Bản Xèo năm Quý Tỵ tươi sáng bởi sắc màu của mùa xuân non tươi
và mạnh mẽ. Mùa xuân này cái khó khăn, nghèo đói đã dần được thay bằng cuộc sống
mới no đủ hơn. Bà con nơi đây đang hào hứng trong không khí đón xuân với những
ước mơ và niềm tin về một tương lai tươi sáng hơn đang đợi một năm mới với nhiều
thắng lợi mới về phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Tạm biệt vùng cao, niềm vui theo tôi suốt chặng đường về. Bên những con đường
mới thoáng đẹp và thẳng tắp là những đường dây điện nối dài trong không trung,
những bông hoa đào, hoa mận rực rỡ khắp bản làng. Một mùa xuân mới đang đến với
đất trời, đến với bà con các dân tộc vùng cao trên quê hương Bát Xát.
ThS. Nguyễn Quang Hải