Nhạc cụ của người Triêng ở Quảng Nam

02:53 11/04/2013 Lượt xem: 528 In bài viết

 Ngày nay ở huyện Nam Giang, người Triêng sinh sống tập trung ở hai xã La Dêê và Đắk Tôi (Đắk Tôi tách ra từ xã La Dêê cũ vào tháng 3 năm 2011), đường sá đi lại khó khăn, kinh tế tự túc, tự cấp là chủ yếu. Chính môi trường và những điều kiện đó đã giúp người Triêng từ bao đời nay vẫn giữ được những nét văn hoá hết sức độc đáo trong đó có âm nhạc truyền thống là vốn liếng rất phong phú, đa dạng và độc đáo tạo nên nét văn hóa riêng cho người Triêng ở Quảng Nam.

Cồng chiêng: Đến nay, người ta biết đến người Triêng vùng núi Quảng Nam có hai loại chiêng: chiêng Nỉ và chiêng Ngô. Mỗi loại có 3 chiếc(từ nhỏ đến lớn). Đây là cồng chiêng cổ truyền và chúng được người Triêng gọi tên khác nhau: 

Chiêng Nỉ (Ko-Tray-Ko-Xao), Ko: Ông, Tray: Cha, Ko: con Trai, Xao: con Rể. Theo cách gọi người Triêng có nghĩa là: Ông Cha con Trai con Rể. 

Chiêng Ngô (Pạp-Nê-Kon-Lốt), Pap: Cha, Nê, Mẹ, Kon: Con, Lốt: con Út. Theo cách gọi người Triêng có nghĩa là Cha Mẹ Con con Út. Với người Triêng thì bao giờ họ cũng quí bộ chiêng Nỉ hơn so với bộ chiêng Ngô. Theo họ, quan hệ trong bộ chiêng Nỉ rộng hơn và đặc sắc hơn. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong 21 loại cồng chiêng trên đều được người Triêng sử dụng hầu hết trong nghi lễ truyền thống, từ lễ thổi tai của trẻ em sơ sinh đến lễ bỏ mả; từ mừng nhà Rông mới đến lễ hội Choóc đăil... Bất cứ lễ hội nào cũng không thể thiếu cồng chiêng. Theo truyền thống, ứng với mỗi hoàn cảnh là một bài chiêng khác nhau và ngay trong lễ hội, các bài chiêng cũng đánh theo tiết tấu, nhịp điệu khác nhau, tùy theo không khí chung của lễ hội. Đi kèm với những bài chiêng bao giờ cũng có những bài sáo đinh tút như: Za zá, pê lách, túk chiêng hoong, troong zục, trơn lăil, pê lách, tusk chiêng loong, troong zục, trơn lawil, zức zăih... tạo nên một dòng chảy âm thanh không dứt và điệu múa xoang mềm mại của phụ nữ Triêng.

Khèn(Gor): Nó được chế tác từ một ống trúc rất nhỏ, đường kính khoảng 1 cm nhưng dài tới 1m, có màng rung bằng lưỡi gà, âm sắc rất đặc biệt. Khèn gồm 7 cặp ống gắn kết với bầu cộng hưởng bằng sáp ong, có thể hòa âm, giữ nhịp. Đây là loại nhạc khí rất độc đáo có nguồn gốc khèn bè từ bên Lào và người Triêng vùng núi Quảng Nam xa xưa đã từng cư trú bên Lào nên sự có mặt của khèn là điều dễ hiểu. Với người Triêng, việc thổi khèn không được tuỳ tiện mà phải theo một quy định đặc biệt, người thổi khèn phải là người đứng đắn, được bà con hàng xóm yêu mến. Và nó chỉ được sử dụng trong vui chơi hội họp, hát giao duyên, không sử dụng trong nghi lễ cúng tế thần linh. 

Tù và: Người Triêng thường chế tác nhạc cụ Tù và từ sừng của con Sơn dương và người Triêng gọi là Kayol. Kayol có độ dài từ 12-15cm. Đầu vuốt đuôi sừng được được cắt vát tạo lỗ hở đường kính khoảng 0,5cm. Đầu lớn được bịt lại bằng sáp ong. Kích thước âm ở lòng (phía trong đường cong). Thổi nhẹ, tiếng trong và có thể thực hiện được nhiều bồi âm từ lực của hơi. Kayol được sử dụng như tiếng kẻng kêu gọi buôn làng, mang ý nghĩa thông tin, phát lệnh tập hợp khi có bão lũ, thú rừng lớn về làng phá phách hoặc có sự đột nhập từ bên ngoài...

Đàn Oang eng: Được chế tác giống như Kayol nhưng sơ khai rất nhiều, cần kéo của nó chỉ là một cật nứa nhỏ dẻo… cọ vào dây mà phát ra âm thanh. Âm thanh phát ra đàn Oang eng rất nhỏ, vo ve như tiếng muỗi. 

Đàn M’bin pui: Theo tiếng Triêng thì Pui là vỏ trái bầu khô. Vì thế M’bin có nghĩa là đàn. Đàn M’bin pui do người Triêng sáng tạo gồm nữa quả bầu khô và một cần đàn chỉ có hai dây cấu tạo thành. Đàn M’bin pui được người Triêng sử dụng rộng rãi vui chơi là chính trong mọi lúc mọi nơi với hát Giư chau(hát ru), hát Nghiê (hát Giao duyên nam nữ). 

Trống: gồm có rống nhỏ(Ptain) và trống lớn(Hagơr). Và hai loại trống này thường tham gia với cồng chiêng và sinh hoạt âm nhạc khác. Trống lớn(Hagơr) chế tác cầu kỳ từ gỗ cây trắc, được coi như tài sản quí của cộng đồng. Thông thường có 2 chiếc, một treo cố định tại nhà Rông, còn lại chỉ trình diễn khi có lễ hội.

Sáo đinh tút: Ðinh tút được làm từ cây trúc, loại này mọc rất nhiều ở vùng của người Triêng sinh sống.. Ðinh tút của người Triêng gồm có sáu ống dài ngắn và lớn nhỏ khác nhau theo thứ tự từ lớn đến nhỏ và từ dài đến ngắn nhất: Piđu, piđy, chel, chắk, rơn 1, rơn 2. Bộ đinh tút của họ hiện nay so với đinh tút truyền thống thì ống nhỏ và ngắn hơn, vì vậy có nhiều người biết thổi. Ðinh tút là loại nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hằng ngày và đặc biệt nó luôn có mặt trong lễ hội Choóc đăil truyền thống thường gọi là ngày hội đinh tút của người Triêng. 

Dân ca: Người Triêng có lối hát Giư chau (hát ru), hát Nghiê (hát Giao duyên nam nữ), hát Niêng (lối diễn xướng)… Dân ca luôn được lưu giữ và truyền dạy rất kỹ lưỡng nên hầu như có mặt ở tất cả các sinh hoạt văn nghệ dân gian từ gia đình đến cộng đồng, thuộc mọi lứa tuổi. Người Triêng ưa thích sáng tạo và tự hào về tài sản âm nhạc dân gian của mình, đó là thích ca hát và diễn xướng ở mọi lúc mọi nơi thông qua tiếng sáo đinh tút, khèn, tiếng đàn M’bin pui…để trải rộng với thiên nhiên tạo nên sự hòa âm phong phú quyện hòa trong tiết tấu nên những âm thanh nghe như giai điệu của rừng đại ngàn, của suối reo, thác chảy; lấp lánh sắc màu của nắng, của gió, của đất; là tâm hồn mộc mạc, chân thành, khoáng đạt của đồng bào Triêng mơ ước về một cuộc sống thanh bình, no đủ và hạnh phúc.

Từ bao đời nay, vùng núi Quảng Nam luôn ghi dấu ấn truyền thống văn hóa rất đặc sắc của nhiều dân tộc thiểu số, trong đó có người Triêng. Và với người Triêng, vốn âm nhạc truyền thống luôn là biểu tượng không gian văn hóa sinh động, là linh hồn của họ, nó luôn được người Triêng nơi đây bảo tồn nguyên gốc. 

Nếu có dịp đến các vùng của đồng bào Triêng sinh sống thuộc huyện Nam Giang (Quảng Nam) vào mùa lễ hội, dịp Tết đến xuân về chúng ta vẫn còn nghe âm nhạc mọi lúc mọi nơi cứ bay bổng ngân nga ăn sâu vào tiềm thức và là thông điệp gửi gắm những điều tốt lành cho cộng đồng người Triêng nơi đây mà nó còn góp phần không nhỏ vào kho tàng văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Văn Sơn