Một số đặc điểm trong xã hội truyền thống vùng đồng bảo dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi

02:44 11/04/2013 Lượt xem: 2445 In bài viết

Vài nét khái quát về vùng dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi

Quảng Ngãi là một tỉnh duyên hải miền Trung có địa hình đa dạng (đồng bằng, trung du, vùng cao), với nhiều tộc người khác nhau sinh sống. Vùng dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi có 75 xã, trong đó 67 xã, thị trấn thuộc 6 huyện vùng cao (Trà Bồng, Tây Trà, Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long và Ba Tơ); 8 xã miền núi thuộc 5 huyện đồng bằng. Dân số toàn vùng có khoảng 236.729 người, chiếm 18,3% dân số của tỉnh, trong đó: dân tộc thiểu số 158.292 người, chiếm 66,87% dân số toàn vùng, sống tập trung chủ yếu ở 6 huyện miền núi, bao gồm: 113.385 người Hrê, 26.908 người Cor, 18.889 người Ca Dong. Ngài ra, có khoảng 1.100 người dân tộc thiểu số khác cùng sinh sống như: dân tộc Thái có 6 người; dân tộc Nùng có 14 người; dân tộc Tày có 99 người; dân tộc Hoa có 230 người; dân tộc Mường có 67 người; dân tộc Dao có 11 người; dân tộc Ngái có 21 người; dân tộc Gia Rai có 6 người; dân tộc Ê Đê có 23 người; dân tộc Ba Na có 10 người; dân tộc Chăm có 22 người; Raglay có 4 người; dân tộc Tà Ôi có 4 người; dân tộc SiLa có 4 người; dân tộc Chứt có 5 người và các dân tộc khác. Mật độ dân số khoảng 61,8 người/km2.

Đây là vùng có điều kiện tự nhiên khá phức tạp, nhiều đồi núi cao hiểm trở, nghiêng theo hướng Tây - Đông, có nhiều tài nguyên khoáng sản như: đá xây dựng, nước khoáng Thạch Bích, vàng sa khoáng, quặng mica - arsen với khối lượng lớn. Khu vực miền núi có nhiều địa danh có thể khái thác du lịch như: núi Cà Đam, hồ chứa nước Nước Trong, khu căn cứ địa cách mạng Ba Tơ và Di tích quốc gia Trường Lũy... Cùng với diện tích đất đai rộng lớn, khí hậu nhiệt đới gió mùa, một năm chia hai mùa (mùa khô - mùa mưa) rõ rệt thì đây là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Chính những điều kiện tự nhiên này đã ảnh hưởng và quyết định đến cấu trúc xã hội và văn hóa làng xã trong xã hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi.

Một số đặc điểm trong xã hội truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi

Về cấu trúc và tổ chức xã hội: Các dân tộc thiểu số chủ yếu như người Hrê, Cor và Ca Dong sinh sống gần gũi và đen xen nhau. Họ tổ chức ra thành từng “Làng” (còn gọi là plây) làm đơn vị cư trú. Nhìn chung, Làng của người dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi bao gồm phần thổ của làng và tất cả các loại đất đai sản xuất hay không sản xuất, rừng núi, sông suối trong một phạm vi được xác định. Ranh giới của làng được truyền khẩu qua nhiều thế hệ, có khi là dòng sông suối hay gốc cây, tảng đá, đỉnh núi, con đường mòn… Vòng rào làng trước đây được bao quanh vốn ken dày, dựng cao lên nhằm canh phòng kẻ gian và thú dữ, nay đã biến thành bờ giậu của từng nhà, hoặc vẫn rào quanh làng, nhưng chỉ để ngăn gia súc. Địa bàn của các làng thường nằm kề sát khu vực đất đai canh tác và gần nguồn nước. Đồng bào chỉ di chuyển làng khi có dịch bệnh hay sự tàn phá của tự nhiên. Mỗi làng đều có chung một máng nước (bể nước), chung một nghĩa địa rừng ma (ha năng) và được coi là khu rừng thiêng. Đặc biệt, mỗi làng đều có chung một vùng ruộng rẫy canh tác, một vùng rừng chăn nuôi và săn bắn, một đoạn sông, suối chảy qua đất làng.


Ngôi nhà truyền thống của đồng bào dân tộc

Nhìn chung, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi mang tính cộng đồng cao, đoàn kết gắn bó giữa các thành viên. Điều này thể hiện ở các hình thức vần đổi công, tương trợ, tục chia sẻ trong ăn uống lễ tết, sự quan tâm giúp đỡ lẫn nhau. Sự liên kết giữa các gia đình cũng như sự gắn bó của mỗi thành viên với làng dựa trên quan hệ thân tộc hoặc quan hệ làng giềng.

Về chủ làng và vai trò chủ làng: Mỗi làng đều có chủ làng (Krăh plây), do cộng đồng làng lựa chọn và bầu lên. Thường là người lớn tuổi (già làng), có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, hiểu biết về luật tục và cúng tế; có uy tín và gia đình thuộc loại giàu có trong làng. Vai trò và nhiệm vụ của chủ làng rất lớn, thể hiện qua những việc sau: Một là, chủ làng là người quyết định việc di dời làng; chọn đất lập làng mới, chọn nguồn nước, chọn vùng rẫy canh tác. Hai là, hướng dẫn, đôn đốc và trông coi việc sản xuất, canh tác của mọi thành viên trong làng; bắc máng nước, làm đường, rào làng; phân chia hoa vụ cho từng gia đình, thành viên trong cộng đồng làng sau mỗi vụ thu hoạch. Ba là, chủ làng cùng với thầy cúng (Pơ dâu) tổ chức cúng tế cho làng khi đến các ngày lễ tết hoặc tang ma trong làng. Bốn là, chủ làng cũng là người đứng ra hòa giải, xử lý các vụ việc tranh chấp giữa các thành viên trong làng hoặc tranh chấp đất đai, vùng kiểm soát giữa các làng với nhau, giữa các tộc người này với tộc người khác. Năm là, khi dân làng thiếu ăn hay đau ốm, chủ làng phải giúp gạo lúa và tiền bạc cho người bị nạn mà không bắt buộc thời hạn trả cũng như trả lãi. Cuối cùng, chủ làng là người đại diện cho làng để giải quyết các công việc đối ngoại, nhất là với các đoàn buôn hay thương lái đến hoạt động trên địa bàn của làng. Để làm những việc đó, chủ làng bàn bạc với các thành viên trong hội đồng già làng trước khi quyết định.

Ngược lại, mọi thành viên trong làng dành cho chủ làng sự kính trọng và giúp đỡ chủ làng khi bận rộn như ngày mùa, ngày lễ… Sự kính trọng đó còn được thể hiện qua cư xử hàng ngày, qua việc mời ăn uống, việc tín nhiệm khi bàn bạc công việc chung hay riêng. Họ dành cho chủ làng một vị trí trung tâm, trang trọng trong không gian nhà dài (nhà xlúp), vừa để tiện điều hành sinh hoạt, vừa thể hiện sự kính trọng và ưu ái của dân làng đối với người chủ làng của mình.

Về sinh hoạt kinh tế: Hoạt động kinh tế chủ yếu của các vùng dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi là nông nghiệp, trong đó chủ yếu là trồng trọt lúa nước và chăn nuôi gia súc. Lúa được trồng trên các cánh đồng nằm men theo triền đồi thấp và trên nương rẫy, tạo thành những vùng ruộng bậc thang. Bên cạnh đó, thu nhập từ rẫy chiếm vị trí thứ hai sau thu nhập hoa lợi ruộng nước và cũng đóng vai trò rất quan trọng. Rẫy canh tác theo lối luân canh, luân khoảnh, mỗi đám rẫy chỉ canh tác một vụ rồi trồng thứ khác hoặc bỏ hoang từ 3-5 năm, đợi rừng tái sinh mới canh tác tiếp, rồi lại bỏ hoang hóa. Ngoài lúa thì bắp và mì cũng được trồng trên rẫy. Bắp thường tỉa hạt vào tháng 4 và tháng 12, giống bắp hạt đỏ, hai tháng rưỡi đến ba tháng thì thu hoạch, là nguồn lương thực cứu đói trong thời kỳ giáp hạt. Công cụ làm ruộng, rẫy có cuốc, cày, bừa, thuổng, dao… Một số nghề thủ công như đan lát, dệt vải, làm đồ gốm… cũng xuất hiện và phát triển trong đời sống sinh hoạt của đồng bào. Trong đó, nghề đan lát rất được chú trọng, nó vừa đem lại lợi ích kinh tế, vừa là tiêu chí quan trọng của người đàn ông trước khi lập gia đình. Cho nên, cha mẹ luôn có ý thức truyền nghề cho con từ nhỏ đến lúc tưởng thành. Tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú, đồng bào nơi đây còn biết khai thác lâm, thổ, thủy sản và nó đóng vai trò quan trọng, góp phần thỏa mãn nhu cầu lương thực và thực phẩm hàng ngày của đồng bào. Sự giao thương buôn bán cũng xuất hiện rất sớm. Đồng bào trao đổi với nhau các công cụ lao động như dao, rựa, những sản vật từ săn bắt, hái lượm được hoặc những đặc sản như quế, trầu, cau, chè… Mối quan hệ giao lưu kinh tế đó diễn ra không chỉ trong nội bộ tộc người mà còn diễn ra giữa các tộc người cận cư, đặc biệt là với người Kinh để trao đổi, mua bán các sản phẩm nông, lâm nghiệp và các nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống hàng ngày của đồng bào.

Về sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng: Các hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi rất đa dạng, phong phú. Các hình thức tín ngưỡng bản địa như: lễ hiến trâu của đồng bào Cor, nhằm cầu mong sức khỏe, an lành cho gia đình và dân làng; lễ hội Ca - Xơ - Re của người Ca Dong (như tết của người Kinh), diễn ra vào dịp cuối năm cũ, đầu năm mới, để tạ ơn thần linh sau một năm bình an, làm ăn được mùa và cầu mong mùa rẫy mới sẽ thuận lợi, bội thu. Bên cạnh các hình thức tín ngưỡng thì tôn giáo cũng chiếm một vị trí lớn trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó Phật giáo, Công giáo, Tin lành và Cao đài là những tôn giáo có số lượng tín đồ và chức sắc nhiều nhất. Nhìn chung, các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng của các đồng bào đều tuân theo sự quản lý của Nhà nước và chính quyền địa phương, sống “tốt đời đẹp đạo”, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của đồng bào. Các mối quan hệ giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong vùng, ngày càng được củng cố và phát triển về mọi mặt, phù hợp với xu thế thời đại và phù hợp với nguyện vọng chính đáng của bà con các dân tộc thiểu số miền núi trên con đường hội nhập đi lên xây dựng cuộc sống mới.


Ngôi nhà truyền thống của đồng bào dân tộc

Có thể nói, việc tìm hiểu và nghiên cứu những đặc điểm trong xã hội truyền thống vùng dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung là quan trọng và rất cần thiết. Nó làm cơ sở cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc. Có như vậy, công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự và bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc mới được bảo đảm và bền vững. Góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

ThS Nguyễn Minh Khoa

Phạm Văn Hòa

Học viện Chính trị- Hành chính KV III