Tết Mường cổ truyền

09:35 11/04/2013 Lượt xem: 431 In bài viết

 Người Mường cũng ăn tết như vậy, nhưng do cách tính lịch (ngày lui tháng tới), người Mường gọi ngày ba mươi là ngày “chỉn tún” và ngày mồng một là ngày ba mươi “pa mươl” cho nên lễ chính trong tết Nguyên đán của người Mường là ngày ba mươi.

Trong cổ truyền, người Mường thường ăn tết tới bảy ngày. Tết thường bắt đầu ở nhà Lang cun vào ngày chỉn tún, những nhà Lang đạo làm tết kế tiếp ngay sau đó rồi đến các nhà nóc. Cuối cùng tết thường kết thúc vào ngày “páy”, tức ngày tám tháng giêng sau khi ăn xong “thệt láng” (tết làng). Đó là những ngày ăn tết chung, ngày hoà hợp giữa Nhà lang và Nhà dân. Tổ tiên Nhà Lang được coi là tổ tiên chung của cả mường, việc thờ cúng các vị thần khác cũng được làm chung với việc thờ cúng tổ tiên. Trong khi đó ở Nhà Lang, việc thờ cúng tổ tiên và việc thờ cúng các vị thần khác có thể được làm riêng, tuỳ mức độ quan trong của các vị thần được thờ cúng. 

Tết cổ truyền của người Mường Hoà Bình thường hướng về Nhà Lang và hướng về “Thêệt láng” (tết làng), còn ở mỗi nhà chỉ là tăng cường thêm của cái tết chung.

Còn tết cổ truyền của người Kinh thì có những khác biệt rất rõ nét. Lễ tết cổ truyền của người Kinh thường nặng về nghi lễ trong nhà. Người Kinh coi chuyện xông nhà là một việc lớn trong dịp tết, nó quyết định mọi may rủi trong năm tới. Người Mường, đặc biệt là Nhà Lang, trong tết cổ truyền, không đặt việc xông nhà thành việc lớn. Chuyện thăm hỏi ai trước, ăn cỗ tết hôm ấy ở nhà nào hầu như đã được định trước. Đấy là về cổ truyền, còn sau này, tết của người Mường càng giống tết của người Kinh, giống đến mức mà cách đây chừng bốn thập niên, tết của người Mường chưa biết đến hoa đào, nhưng bây giờ hoa đào không thể thiếu trong tết mỗi nhà. Vài ngày trước tết (khoảng hai mươi tám Âm lịch), người ta cắm cây nêu, thường bằng cây trúc, cây lành hanh, cây hóp đá ở ngoài công công “lang chang” và moọc chán (bể nước rửa chân). Về cây nêu, tương truyền là để xác định đất đai ấy đã có chủ, ma quỷ không được vào, chỉ có tổ tiên mới được mời, đồng thời cây nêu cũng để chỉ đường cho tổ tiên biết con cháu đang chờ đón ở nơi đó.

Cỗ cúng vào dịp tết Nguyên đán thường có những lễ vật quan trọng nhất mà người Mường có thể có được: thú săn trên rừng, cá đánh dưới suối, gà, lợn nuôi dưới sàn.
Nhà Lang thì phải cúng bằng bảy loại bánh chủ yếu. Còn ở nhà nóc thì chỉ cần cúng bằng những loại bánh thông thường như: “Peẹng cọi” (tức bánh chưng), “Peẹng ọôc” (bánh gói lá chít), “Peẹng cai” (bánh gai)… trong ngày tết, bất cứ người khách nào bước lên sàn cũng đều được mời ăn cỗ hoặc là ăn bánh và uống rượu cần (Oỏng ráo toỏng).

Việc chuẩn bị tết được làm nhộn nhịp từ đầu tháng Chạp. Những người đàn ông vào rừng chặt cây tươi cho kịp khô làm củi vào dịp tết. Lá dong rừng cũng được lấy trước hàng tháng đem về ngâm đầu cuống xuống nước suối, cho nên lá dong vẫn tươi đến tận ngày gói bánh. Rằm tháng Chạp đã có những đám giã gạo tết ( giã hai lượt cho gạo trắng). Trong đám giã gạo giữa hội nọ với hội kia, trai gái thường hát đúm, hát ví… Sau một mùa giã gạo tết, rất nhiều trai gái đã tìm được bạn đời.

Ngày chỉn tủn bắt đầu là lễ dâlchiêng (thức chiêng) ở Nhà lang, sau đó là tiếng trống đại (cái trống vẫn dùng để gọi dân mường khi có việc), rồi đến bắn ba phát súng giữa đồng. Đó là dấu hiệu tiễn năm cũ. Ở mường Bờ thì ba phát súng được bắn ở miếu thờ thần hoàng làng vào khoảng canh một. Tiếp theo, người ta rước khẩu súng về Nhà lang, ở đó, họ lại bắn ba phát súng nữa. Sau đó cả mường dọn mâm cỗ cúng tổ tiên nhà mình.

Sau tiếng trống, tiếng chiêng báo hiệu năm cũ đã hết, nhịp độ ngày tết trở nên nhộn nhịp hẳn lên. Trong nhà thờ của Nhà lang, các đồ vật tế lễ được bày la liệt trên bàn thờ tổ tiên, người ta lại bắn ba phát súng lớn và “Pộ clướng” (Thầy cúng chuyên nghiệp) bắt đầu bài khấn mời tổ tiên về ăn tết. Trong suốt lễ cúng, người ta gõ chiêng, đánh trống gõ nhịp một cách đều đặn trong khuôn viên Nhà lang.

Khi gieo quẻ, nếu thuận, “pộ clướng” sẽ báo hiệu cho mọi người là “Pộ tạ” (tổ tiên) đã về tới và bảo mọi người quỳ lạy. Cứ theo vai vế mà tuần tự lạy cho tới người cuối cùng. Người ta dừng đánh chiêng và “Pộ clướng” mời tổ tiên ăn tết bằng những bài cúng riêng. Rồi con cháu cùng ngồi vào mâm cỗ để đón năm mới.

Từ sáng sớm đã có những cuộc chúc mừng năm mới tại Nhà lang. Tất cả người nhà và khách khứa theo sự hướng dẫn của Nhà lang đến trước nhà thờ (nhà lang có nhà thờ riêng để thờ cúng tổ tiên và các vị thần, trong khi đó ở nhà nóc chỉ có một bàn thờ dùng chung cho các việc này). Mọi người xếp hàng theo thứ bậc và tuổi tác, đàn bà đứng một bên, đàn ông đứng một bên để chào mừng tổ tiên nhà lang-cũng là tổ tiên chung bằng cách quỳ lạy đối với đàn ông và vái lạy đối với đàn bà.

“Pộ clướng” khấn xong trước bàn thờ tổ tiên thì buổi lễ kết thúc. Từ đó đến hết bảy ngày tổ tiên sẽ ở lại ăn tết với con cháu. Sau bảy ngày, có một buổi cúng lễ tiễn biệt cũng tương tự như lễ đón nhưng ngắn hơn, ít người tham dự hơn và bài cúng là bài tiễn. Sau đó để báo hiệu giờ tổ tiên lên đường, Nhà lang lại cho bắn ba phát súng. 
Từ lúc đón tổ tiên về nhà ăn tết, mọi lễ cúng các vị thần khác là tùy nghi vào thời gian và cách tổ chức tết của gia chủ. Thường thì ở nhà lang, những nhà có dòng dõi nhà lang, những nhà nóc có máu mặt thì trong các buổi cúng trong dịp tết phải có “Pộ clướng” làm lễ. Thứ tự cúng bái có thể thể khác nhau nhưng người ta cúng không bỏ sót một vị thần nào. 

Trong các nhà nóc, trước hết là làm lễ cúng tổ tiên của họ nội, trong lễ này cũng có kết hợp các lễ cúng dòng họ đằng mẹ, đằng vợ của gia chủ, cúng vong hồn các thành viên trong gia đình chết không có con cái. Thứ tự này là tính theo thứ tự các bài khấn của “Pộ clướng”, trong khi mâm lễ vật thì đã được bày sẵn. Nếu người vợ gia chủ đã chết thì người ta có thể lập một mâm cúng riêng.

Người Mường cũng có lệ cúng cho trâu, bò ăn tết. Người ta trải một chiếc chiếu trước cửa chuồng trâu, bò hoặc ở ngoài đồng, đồ cúng là một chiếc nồi đất nấu cơm gạo thường để một ít muối, một miếng đường tảng, một nén hương. Mỗi con trâu, bò được một cái bánh chưng. Nếu con trâu cái chửa, người ta cho thêm một cái bánh chưng nhỏ hơn. Người ta thắp hương và lạy ba lạy vị thần trâu, cầu thần bảo hộ cho súc vật nuôi, xua đuổi bệnh tật. Sau đó, người ta nhét vào mồm mỗi con trâu một miếng đồ cúng, phần còn lại cho trẻ chăn trâu.

Trong lễ cúng ở đình (nếu mường không có đình thì cúng ở Nhà lang), mỗi nhà nóc phải mang đến một mâm cúng (trừ nhà đang có tang). Có nơi, việc làm mâm cúng này được coi như một cuộc thi. Người ta chọn ra mâm cúng nào những món ngon, lạ, vừa bày biện đúng nghi thức cúng bái, vừa đẹp mắt để thưởng tiền (giải nhất được thưởng ba mươi xu-một trăm xu bằng một đồng bạc trắng-ba đồng bạc trắng mua được một con bò.

Trong bữa tết mường, dưới sự chủ tọa linh thiêng của Thần hoàng làng, mọi người dân mường được nói lên ý kiến của mình về việc mường (kể cả những ý kiến chỉ trích Nhà lang); người ta nói về những khúc mắc trong năm cũ và cởi bỏ đi trước khi vào năm mới. Người ta cũng nói về những việc phải làm, những lời hứa suông của Nhà lang chưa được thực hiện… Thậm chí có vài Nhà lang kém làm gương trong cuộc sống cũng bị mọi người nói ra.

Trong tết Mường, người dân có quyền ép rượu Nhà lang mà không bị coi là phạm thượng. Đó là sự thể hiện một ý thức bình đẳng sâu kín vẫn tồn tại đâu đó trong một xã hội cổ truyền có tính đẳng cấp nghiêm ngặt. Nhà lang lắng nghe mọi điều và để chứng tỏ một sự cai trị anh minh, Nhà lang hoan nghênh mọi lời nói phải.

Tết Mường là ngày đã thuộc về năm mới. Người ta sống, làm ăn, ứng xử với nhau có đầy đủ các điều kiện để duy trì mường xóm và thúc đẩy đất Mường phát triển.

Bùi Minh Chức