Giữ gìn, phát huy những phong tục ngày tết của đồng bào dân tộc thiểu số

11:07 11/04/2013 Lượt xem: 1990 In bài viết

  Tết Nguyên đán của Việt Nam là dịp duy nhất trong năm có sự sum họp đầy đủ các thành viên trong gia đình để cùng tri ân công đức của gia tiên và gia thần. Con cháu dù đi làm ăn ở đâu ngày tết cũng cố gắng về đoàn tụ với gia đình; hương hồn ông bà tổ tiên các thế hệ cũng cùng về; các vị thần phù hộ cho gia đình đều được thờ cúng . Có thể nói, một trong những đặc trưng điển hình của Tết Nguyên đán là nếp sống cộng đồng. Các phong tục tập quán ngày tết cũng xuất phát chính từ những đặc trưng này.

Phong tục làm cho sắc thái văn hoá trở nên đa dạng, phong phú giúp cho ta phân biệt được cộng đồng này, dân tộc này với cộng đồng khác, dân tộc khác. Sống đúng với phong tục, là sống với truyền thống. Một khi xa lạ với những phong tục của cộng đồng, thì sẽ không được cộng đồng chấp nhận, sẽ bị xem là trái với văn hoá truyền thống của cộng đồng.

Qua các cuộc khảo sát, nghiên cứu về phong tục trong ngày tết của các dân tộc ở Việt Nam, có thể rút ra một số ý nghĩa chung nhưng rất sâu sắc, thiết thực được thể hiện trong cuộc sống hằng ngày và mang tính tâm linh, đồng thời thể hiện quan niệm, bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Thứ nhất, dịp tết là những ngày gặp gỡ, sum họp, đoàn kết các thành viên trong gia đình để chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, cổ vũ, động viên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Thứ hai, thờ cúng tổ tiên, tưởng nhớ, công ơn những người đã khuất phù hộ cho mọi người sức khỏe, hạnh phúc, phồn vinh. Thứ ba, thờ cúng trời, đất, các vị thần linh, thổ địa xua đuổi tà ma, cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối xanh tươi, được mùa, tai qua, nạn khỏi. Thứ tư, là dịp để cộng đồng thôn bản, nhất là thanh niên, nam nữ, gặp gỡ, vui chơi, giao lưu, tìm hiểu, học hỏi những giá trị văn hóa tốt đẹp, những truyền thống, kinh nghiệm trong sản xuất, đời sống, bảo vệ an ninh của cộng đồng, dân tộc, chống lại các thế lực phá hoại, phản động. 

Hãy thử tưởng tượng đến một ngày nào đó, trái đất nóng lên, không còn cái lạnh vào mùa Đông ở miền Bắc, rừng bị tàn phá, không còn những bộ trang phục truyền thống, độc đáo, riêng có của đồng bào các dân tộc thiểu số, ngày tết, ngày hội lại không còn những phong tục thờ cúng, kiêng kỵ, không còn những đặc sản vùng miền, không còn những phiên chợ tết vùng cao, thiếu đi những điệu nhảy, những tiếng khèn, tiếng chiêng, tiếng sáo, tiếng đồng bào nói chuyện, gọi nhau í ới qua các ngôn ngữ của các dân tộc, con trẻ lại nói toàn tiếng phổ thông thì không biết cuộc vui ngày tết sẽ tẻ nhạt, đơn điệu đến mức nào. Người ta khẳng định một câu đại ý rằng, sau mọi thứ trên đời mất đi hết, cái còn lại duy nhất đó là văn hóa. Như chúng ta đã biết dân tộc này khác biệt với dân tộc kia chính là văn hóa. Những phong tục, tập quán trong ngày tết của các dân tộc thiểu số ở nước ta chính là một phần làm nên bản sắc văn hóa dân tộc.

Thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, văn hóa các dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở; bài trừ tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu, đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh trong vùng dân tộc và miền núi, những năm qua nhiều địa phương đã khảo sát, điều tra, lưu giữ được một số lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, trong thực tế những lễ hội, trong đó có phong tục ngày tết đang chịu tác động của nhiều yếu tố khách quan, làm biến dạng, mai một bản sắc dân tộc. Đây cũng là điều đáng lo ngại và đặt ra trách nhiệm đối với các cơ quan chuyên môn, các nhà quản lý về văn hoá để có những giải pháp thích hợp trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc.

Vậy nhiệm việc bảo tồn những giá trị văn hoá, các phong tục tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trong bối cảnh hiện nay là gì? Ngoài trách nhiệm của ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch cần có sự quan tâm của các cấp uỷ, chính quyền địa phương trong việc nâng cao nhận thức cho đồng bào. Khôi phục các lễ hội văn hóa truyền thống, củng cố tinh thần, giáo dục tính nhân văn, truyền thống đạo đức của dân tộc là việc cần làm ngay và làm thường xuyên. Các lễ hội dân gian truyền thống của các dân tộc thiểu số chỉ thực sự được giữ gìn, phát huy khi có sự quan tâm thiết thực của các ngành, các cấp, đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực của người dân tại chỗ. Phải xác định, người dân chính là chủ thể của các hoạt động trên và cũng là chủ thể trong việc giữ gìn các giá trị văn hoá truyền thống. Theo đó, một số giải pháp cơ bản cần được triển khai một cách đồng bộ, bài bản, thường xuyên là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, đặc biệt là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Chú trọng đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, phát triển và nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng, ấp, khu phố văn hóa. Phát huy tinh thần sáng tạo của nhân dân, tìm tòi, áp dụng những mô hình thích hợp cho hoạt động văn hóa từng vùng, miền, từng dân tộc. Quan tâm bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa, bản sắc và truyền thống dân tộc: cách bài trí, các trang phục, món ăn, trò chơi, phong tục tập quán trong ngày tết của đồng bào các dân tộc thiểu số. Coi trọng sưu tầm, khai thác các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Tiếp tục tổ chức ngày hội văn hóa của một số dân tộc thiểu số nhằm nâng cao ý thức giữ gìn và tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. 

Ngoài ra mở rộng hợp tác giao lưu văn hóa quốc tế, giới thiệu rộng rãi những tinh hoa, bản sắc văn hóa của từng dân tộc ra cộng đồng quốc tế. Vận động những tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư kinh phí, cử những chuyên gia có kinh nghiệm để đào tạo người nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, phổ biến những giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam, trong đó đặc biệt quan tâm đến các phong tục ngày tết. Từ đó đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ cho ngành văn hóa, nhất là đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số thông thạo tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán của đồng bào, trong đó có những già làng, trưởng bản, nghệ nhân có kinh nghiệm, nắm giữ, am hiểu về văn hóa, phong tục tập quán các dân tộc thiểu số Việt Nam. Đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở cần phải được tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng mạnh hơn nữa mới đủ khả năng đáp ứng yêu cầu giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ mới.

Vũ Ngọc Lân