Chợ Pà Cò ngày xuân
10:57 11/04/2013 Lượt xem: 352 In bài viếtChúng tôi đến chợ phiên Pà Cò ngày cuối năm giáp tết Quý Tỵ, trong màn sương mờ ảo của núi rừng, trong cái giá rét căm căm của vùng cao, những dòng người trong những bộ trang phục rực rỡ sắc màu của dân tộc Mông ở hai xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu-Hòa Bình) xuống chợ phiên ngày chủ nhật đem theo những sản vật của núi rừng.
Ngày giáp tết, chợ thật đông vui, sôi động, sáng sớm đã nhộn nhịp người bán,
người mua. Chúng tôi được chứng kiến cảnh “tắc đường” ở một phiên chợ vùng cao,
đặc biệt đến kỳ lạ. Tiếng người trả giá pha lẫn trong tiếng cười nói xua tan sự
rét buốt của đất trời. Cuộc sống nơi vùng cao còn mang tính tự cung tự cấp nên
chợ phiên là dịp để bà con sắm sửa nhiều nhất. Len lỏi giữa dòng người đông
nghịt chúng tôi ngắm các mặt hàng rực rỡ về màu sắc và phong phú về chủng loại
như hàng nông sản, vật nuôi, nông cụ, đồ gia dụng, điện tử, đĩa nhạc, mỹ phẩm…
nhiều mặt hàng do người dân tự sản xuất rồi đem ra chợ bán hoặc trao đổi. Chợ
phiên vùng cao khác chợ xuôi. Bà con đến chợ có khi chỉ đem bán một con lợn, một
con bò hay thậm chí một con gà. Nhiều nhất là những sạp hàng bán đồ thổ cẩm với
những xấp vải dệt hoa văn sắc màu tím, xanh, đỏ lung linh, cùng những đường thêu
tinh túy, nổi bật. Các bà mế, các cô gái chen nhau vây kín mua chỉ, sợi, khăn
quàng, váy áo mới để diện tết. Ngồi bán những mặt hàng thổ cẩm, chị Mùa Thị Tứ
khoe: “Vừa mới mở hàng mà mình đã bán gần hết. Những chiếc túi, khăn, áo, váy
thổ cẩm của gia đình dệt đấy. Chợ ngày tết, ngoài những mặt hàng lương thực như
gạo nếp, khoai sọ, thịt, cá... thì đồ thổ cẩm cũng bán rất chạy. Phụ nữ Mông
xuống chợ chủ yếu mua sắm váy, áo, vải, chỉ thêu. Họ thích là mua, không kỳ kèo
vì không quan tâm đến giá đắt hay rẻ, người mua hàng ít khi nâng lên, đặt xuống.
Một tấm vải thêu mình bán 200.000 đồng, lãi 50.000 đồng. Một phiên chợ bình quân
bán được 20 đến 30 tấm, chợ ngày tết có phiên bán được 50 tấm vải. Người dân nơi
đây rất thật thà nên không bao giờ mình sợ mất hàng. Bán hết số hàng này, mình
sẽ mua một số thực phẩm cho tết”.
Bên cạnh những gian hàng thổ cẩm, các cô gái trẻ bị hút hồn bởi những chiếc cặp
tóc trang trí hạt đá lung linh hay thử son môi đo đỏ trong quầy hàng. Rời khỏi
khu trung tâm là những góc nhỏ cho các gian hàng bán dao, kéo, cày cuốc, đồ nhựa,
đồ nhôm cho đến các loại nông sản tự trồng được như gạo, ngô, khoai, mía, rau
xanh… và các đồ dùng phục vụ sản xuất. Phần lớn người đi chợ mang theo hàng hóa
xuống chợ bán và mua lại những thứ mình cần. Có người đến chợ chơi và ngắm đồ.
Nhộn nhịp một góc chợ là gian hàng bán đồ điện tử, mọi người đang ngắm những
chiếc ti vi, cùng đủ loại băng cassette, đĩa tiếng Mông, rồi cả những chiếc điện
thoại di động. Các cô gái, các chàng trai Mông chụm đầu trao đổi những bản nhạc,
hình ảnh đẹp trên chiếc điện thoại di động vừa mua được sau vụ thu hoạch ngô,
khoai. Dù chúng tôi không hiểu tiếng Mông nhưng giữa không gian chợ được nghe
tiếng khèn Mông vang lên đã hoàn chỉnh bức tranh văn hóa đặc sắc riêng có của
chợ phiên Pà Cò. Ngồi bán hàng điện tử, ông Mùa A Lử tươi cười bảo: “Bây giờ
người Mông đã biết cách làm kinh tế để giàu lên và họ đã sắm được xe máy, điện
thoại di động. Các chàng trai Mông giờ không còn phải dắt ngựa như ngày xưa mà
họ đi xe máy chỉ vài chục phút là xuống chợ rồi”. Cũng như bao người Mông khác,
anh Sùng A Cha ở xã Pà Cò đến chợ tết để mua sắm. Anh vui mừng nói: “Năm nay nhà
mình đã có của ăn của để, mình đến chợ để mua quần áo mới, mứt kẹo và một chiếc
ti vi về cho cả nhà đón tết. Bây giờ khác xưa rồi, ngày tết nhà nào cũng xuống
chợ chuẩn bị lương thực, thực phẩm trong 3 ngày tết. Nhiều nhà còn sắm được cả
ti vi, tủ lạnh phục vụ nhu cầu sinh hoạt”.
Phiên chợ còn là dịp để mọi người gặp gỡ trò chuyện, kết bạn và là nơi hẹn hò
của lứa đôi. Những cô gái, chàng trai đi chợ không chỉ để mua bán mà còn đi để
vui chơi, tìm bạn tình. Họ xuống chợ để gặp người bạn tâm giao rồi sau đó lưu
luyến chia tay, hẹn đến phiên chợ sau, vì thế ai cũng háo hức và làm đẹp như đi
hội. Đến chợ để khoe váy áo, để con trai, con gái được gặp nhau lúng liếng con
mắt, để đàn ông gặp bạn nhấp chén rượu cay cay đậm đà hương vị núi rừng. Chúng
tôi gặp anh Sùng A Chẩn, khoác một chiếc túi thổ cẩm, đứng gần một cô gái. Anh
bảo đó là người cùng xã anh đang muốn làm quen. Gặp vợ chồng Sùng A Vảng, anh
khoe: “Mỗi phiên chợ mình đều đi và đã lấy được vợ đấy, đến chợ gặp nhiều bạn
vui lắm”. Đến chợ phiên không chỉ mua bán mà còn là thói quen, là niềm vui giản
dị của những con người chân chất sống nơi vùng cao mây mù. Cuộc sống của người
dân nơi đây vẫn giữ được nét đặc thù và sự hồn nhiên, vô tư nên chợ phiên cũng
vì thế mà trở nên đặc biệt. Cũng chính vì lẽ đó, chợ phiên không chỉ là một
không gian mua sắm mà ở đó còn chứa đựng một không gian văn hóa độc đáo của
người dân vùng cao.
Chợ tan. Những chiếc xe máy chở các mặt hàng: vải thổ cẩm, quần áo, thịt lợn, lá
dong, bánh kẹo, mứt tết... nối đuôi nhau về các ngả đường vào bản. Phiên chợ chủ
nhật Pà Cò mang nét đặc sắc về phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Mông như
“Bảo tàng sống” về sinh hoạt văn hóa cộng đồng độc đáo giữa núi rừng đại ngàn.
Kim Nhung