Gia Lai bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc

03:54 10/04/2013 Lượt xem: 1315 In bài viết


Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn có những chính sách ưu tiên để phát triển kinh tế-xã hội cho vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có Gia Lai như: Chương trình 135, 134,168… Những chương trình này đã làm cho đời sống đồng bào các dân tộc trong tỉnh được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được về kinh tế-xã hội, thì vẫn còn những mặt hạn chế, tác động không nhỏ đến việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, đặc biệt là các dân tộc bản địa. Đã có những ý kiến lo ngại về sự mai một, thậm chí có cả những nguy cơ biến mất của nhiều đặc trưng văn hóa như lễ hội, văn hóa cồng chiêng, trang phục, không gian sống, sử thi dân gian…

Trước hết, nói về lễ hội của các dân tộc bản địa Bahnar, Jrai… cư trú trên địa bàn Gia Lai. Các dân tộc này hiện nay còn duy trì thường xuyên khoảng trên 10 nghi lễ theo vòng đời người, vòng cây trồng và những nghi lễ khác của cộng đồng (như lễ mừng nhà rông mới, lễ cúng bến nước…). Trong xu hướng phát triển, khi điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi nhanh chóng, thì các lễ hội - nhất là những lễ hội trong chu kỳ canh tác nương rẫy cũng phai dần - nhiều vùng đã mất hẳn. Nhiều lễ hội chỉ còn tồn tại nhờ việc nghiên cứu, phục dựng và tổ chức tại cộng đồng nhờ sự quan tâm của ngành văn hoá. Tiêu biểu như tỉnh đã phục dựng lễ hội Sơmah Kơ Chăm của người Bahnar ở huyện Kông Chro; tổ chức phục dựng và làm phim tư liệu về thần vua Lửa ở huyện Phú Thiện… Điều đáng nói, những hoạt động này có sức lan tỏa rất lớn trong cộng đồng. Ở vùng người Jrai huyện Phú Thiện tỉnh Gia Lai, nhiều năm gần đây, bà con đã không còn làm lễ cầu mưa, nhưng sau khi lễ cầu mưa được phục dựng thì nhiều làng khác trong vùng đã khôi phục lại lễ hội này.

Để làm cơ sở cho việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc trên địa bàn, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều công trình nghiên cứu về tiếng nói, chữ viết của các dân tộc tại chỗ. Đây là cơ sở khoa học cho việc biên soạn và giảng dạy song ngữ (Việt - Jrai và Việt - Bahnar) ở địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh cũng thường xuyên mở các lớp dạy tiếng Bahnar và Jrai cho cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại địa phương.

Bên cạnh việc bảo lưu vốn văn hóa cổ truyền của các tộc người, việc bảo tồn các làng truyền thống cũng dành được sự quan tâm đặc biệt. Những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đời sống vật chất - tinh thần của cư dân bản địa Gia Lai đã từng bước chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Bên cạnh những chuyển biến tích cực, một số tiêu chí của làng truyền thống cũng biến chuyển phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại như: vấn đề sở hữu đất rừng; sự suy giảm vai trò của hội đồng tự quản; cách bố trí nhà cửa trong làng; kiến trúc nhà ở, nhà rông bên cạnh việc có thêm nhiều yếu tố mới thì cũng mất đi nhiều yếu tố văn hóa truyền thống… Trong việc bảo tồn môi trường làng truyền thống của các dân tộc Bahnar, Jrai, tỉnh Gia Lai rất quan tâm đến việc tạo điều kiện để bảo tồn và phát huy tác dụng của kiến trúc nhà rông - bởi ý nghĩa của kiến trúc này trong sinh hoạt cộng đồng và bảo lưu các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của từng cộng đồng. Nhờ đó số nhà rông hiện có ở Gia Lai là 576 nhà, đã có tác động tích cực đối với đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào.

Không gian văn hoá cồng chiêng đã được UNESCO công nhận là văn hoá phi vật thể của nhân loại nên việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vô giá này ngày càng được các ngành chức năng trong tỉnh quan tâm, đầu tư hơn. Nhiều năm gần đây, liên tiếp tổ chức các cuộc liên hoan văn hóa dân gian và liên hoan cồng chiêng được tổ chức theo chu kỳ hàng năm ở cấp xã và 2 năm 1 lần ở cấp huyện, 4 - 5 năm 1 lần ở cấp tỉnh. Đặc biệt trong năm 2009, Gia Lai đã tổ chức thành công Festival cồng chiêng Quốc tế, để lại ấn tượng đẹp trong lòng từng người dân, bạn bè trong nước và quốc tế. Từ sau Festival này, ý thức của người dân về việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng đã được nâng lên, cồng chiêng như được hồi sinh tại các buôn làng. Hiện toàn tỉnh còn lưu giữ được 5.655 bộ cồng chiêng (tăng 417 bộ so với năm 2005).

Năm 2010 và 2011 tỉnh tổ chức tổ chức 4 lớp truyền dạy chỉnh chiêng và tạc tượng gỗ dân gian, đây là một trong số ít các biện pháp hữu hiệu nhằm duy trì thường xuyên việc dạy và học cồng chiêng, nhất là chỉnh chiêng và tạc tượng gỗ dân gian tại cộng đồng để bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Ngoài ra, việc truyền dạy cồng chiêng ở các trường dân tộc nội trú cũng đã được ngành Giáo dục quan tâm đưa vào chương trình. Trường Trung cấp VHNT tỉnh đã được giao triển khai 2 đề tài khoa học về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của người Bahnar, Jrai và Nghiên cứu Bảo tồn, phát huy trang phục của người Jrai và Bahnar.

Tỉnh đã tổ chức được nhiều cuộc liên hoan cồng chiêng ở cấp huyện; đặc biệt là tổ chức 2 cuộc liên hoan cồng chiêng có quy mô lớn là: Liên hoan cồng chiêng các huyện phía Đông của tỉnh tại làng Stơr, xã Tơtung, huyện Kbang với sự tham gia của 10 đội cồng chiêng, hơn 400 nghệ nhân; Liên hoan cồng chiêng thanh thiếu nhi toàn tỉnh lần thứ nhất, với sự tham gia của gần 500 diễn viên trẻ, thuộc 15 đội cồng chiêng đến từ các huyện; ngoài ra tỉnh còn tổ chức nhiều đoàn nghệ nhân đi thăm quan, biểu diễn cồng chiêng trong và ngoài tỉnh, giới thiệu cho bạn bè khắp nơi nét đẹp của sản phẩm văn hoá phi vật thể đặc trưng của đồng bào các dân tộc Gia Lai.

Cộng đồng người Bahnar và Jrai ở tỉnh Gia Lai cũng là bộ phận dân cư có vốn văn học dân gian phong phú, đặc sắc. Cùng với việc triển khai chương trình nghiên cứu, sưu tầm “Sử thi Tây Nguyên” trên địa bàn, tỉnh đã quan tâm đến việc nghiên cứu, sưu tầm và xuất bản nhiều ấn phẩm về luật tục, câu đố, dân ca… của các dân tộc nhằm bảo tồn và lưu giữ vốn văn hoá tốt đẹp này.

Trong những năm qua, Gia Lai đã triển khai nhiều hoạt động đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tại cộng đồng. Một trong những hoạt động đó là bảo tồn làng truyền thống để giữ gìn không gian sinh tồn của văn hóa tộc người. Không gian đó bao gồm môi trường, cảnh quan; khôi phục nhà rông truyền thống, kiến trúc nhà ở và nhà mồ và đồ dùng gia đình truyền thống của các dân tộc bản địa. Bên cạnh đó, những giá trị văn hóa phi vật thể tại cộng đồng cũng được quan tâm. Tỉnh đã tạo điều kiện để các cộng đồng duy trì và phát triển các lọai hình văn hóa dân tộc độc đáo như: hát kể sử thi, dân ca, dân nhạc, tổ chức lễ hội và các phong tục tập quán có nội dung và hình thức phù hợp; duy trì và phát triển những nghề truyền thống đặc sắc. Bên cạnh đó cũng cần nâng cao trình độ dân trí nhằm giúp cho người dân nhận thức được những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc mình, tự hào về nó và có ý thức bảo tồn, phát huy, ngăn ngừa sự xâm nhập của những yếu tố văn hóa ngoại lai.

Để làm được điều này, các ngành, các cấp trong tỉnh đã đưa ra những giải pháp đúng, những lộ trình phù hợp là một trong những nguyên nhân mang lại kết quả trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong những năm qua. Tuy nhiên, văn hóa dân tộc là một lĩnh vực rộng lớn, chịu sự tác động của nhiều yếu tố, vì vậy, Gia Lai cần phải có một kế hoạch lâu dài, có sự phối, kết hợp giữa các ban, bộ, ngành Trung ương, các đơn vị trong tỉnh cũng như sự tham gia tích cực của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương.

Nghiêm Huệ