Nhân lên sức mạnh nội sinh từ các phong trào thi đua yêu nước trong ngành công tác dân tộc
02:52 11/04/2013 Lượt xem: 310 In bài viếtSau chiến thắng Việt Bắc, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/3/1948, Ban chấp hành Trung ương Đảng ra chỉ thị phát động phong trào thi đua yêu nước, động viên toàn dân kháng chiến, kiến quốc.
Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra LỜI KÊU GỌI THI ĐUA ÁI QUỐC, trực tiếp
phát động phong trào. Từ đó, phong trào thi đua yêu nước trở thành nguồn động
lực khơi dậy tinh thần yêu nước của toàn dân, tạo nên sức mạnh tinh thần và vật
chất vô cùng to lớn, đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi
khác hết sức vẻ vang.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước là sự vận dụng sáng tạo quy luật tiến
hoá của xã hội loài người và tâm lý cầu tiến bộ của con người vào thực tiễn Việt
Nam. Dân tộc ta trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước đã hun đúc nên
những truyền thống quý báu: Truyền thống yêu nước, anh hùng, bất khuất không
chịu cúi đầu trước giặc ngoại xâm; truyền thống cần cù, năng động, sáng tạo
trong lao động; truyền thống đoàn kết, nhân ái, thủy chung với đồng chí, bạn bè…
Những truyền thống tốt đẹp, tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam đã được khơi
dậy qua các phong trào thi đua yêu nước phù hợp với nhiệm vụ chính trị của từng
thời kỳ cách mạng.
Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua yêu nước là mỗi người hãy làm
tốt những việc làm cụ thể hàng ngày trên cương vị công tác của mình. “Bổn phận
của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì,
đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều… Cách làm là:
dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân”.
Trong thơ chúc Tết năm Kỷ Sửu (1949), Người viết: “Người người thi đua, ngành
ngành thi đua, ngày ngày thi đua”. Người coi việc thi đua yêu nước là công việc
của toàn dân, cần có sự liên kết mọi lực lượng của dân tộc ở mọi lĩnh vực của
đời sống xã hội và “Thi đua không phải là một việc làm nhất thời mà là công việc
lâu dài và rộng khắp”.
Người lưu ý, để đảm bảo phong trào thi đua thắng lợi vẻ vang, cần có hai điều:
Một là cán bộ và công nhân phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, ý thức trách nhiệm
và tinh thần làm chủ tập thể; hai là kế hoạch 10 phần thì biện pháp 20 phần và
quyết tâm 30 phần. Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mang tính thời sự,
đúng trong mọi hoàn cảnh và dẫn đường cho cách thức phát động, tổ chức thực hiện
các phong trào thi đua yêu nước.
Để phát huy vai trò, tác dụng của thi đua yêu nước đối với sự nghiệp đổi mới và
hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, động viên các tầng lớp
nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn
thành tốt nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ, ngày 04/03/2008, Thủ tướng
Chính phủ đã ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg về việc lấy ngày 11 tháng 6 hàng
năm làm Ngày truyền thống Thi đua yêu nước.
Đối với ngành công tác dân tộc, xuất phát từ đặc thù gắn bó với vùng miền núi,
dân tộc, vùng sâu, vùng xa, biên giới, đặc biệt khó khăn, nơi đời sống nhân dân
còn nhiều khó khăn, những năm qua, Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo Ủy ban luôn quan
tâm phát động và tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, coi đây là giải pháp
quan trọng quyết định hiệu quả công tác của ngành. Hàng năm, Ban Cán sự Đảng,
Lãnh đạo Ủy ban đã tập trung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành
thông qua phát động các phong trào thi đua lập thành tích kỷ niệm các ngày lễ
lớn của đất nước, của dân tộc và ngày truyền thống thành lập ngành cơ quan quản
lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc (3/5/1946). Huân chương Sao vàng-danh
hiệu thi đua cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng cho Ủy ban Dân tộc
tại Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ nhất (năm
2010) là sự ghi nhận, đánh giá của Đảng, Nhà nước đối với những đóng góp to lớn
của các thế hệ cán bộ làm công tác dân tộc qua các thời kỳ.
Năm 2012, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, song thông qua các
phong trào thi đua, nhiều nhiệm vụ của ngành được hoàn thành với tiến độ nhanh
hơn năm trước. Các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của
Thủ tướng Chính phủ, các chương trình, chính sách đối với vùng miền núi, dân tộc
được triển khai kịp thời. Các chính sách dân tộc tiếp tục được sửa đổi, bổ sung,
xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả. Công tác cải cách hành chính có
bước chuyển biến cơ bản, chất lượng, hiệu quả công tác được nâng lên. Bộ máy cơ
quan công tác dân tộc tiếp tục được kiện toàn phù hợp. Đời sống của đồng bào dân
tộc thiểu số, nhất là ở vùng đặc biệt khó khăn, biên giới cơ bản ổn định, an
ninh chính trị-xã hội được giữ vững.
Đất nước đã vào xuân 2013. Trong không khí hân hoan mừng xuân, mừng đất nước đổi
mới, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phấn khởi kỷ niệm 83 năm ngày thành lập
Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh (3/2/1930-3/2/2013) và 65 năm ngày Bác Hồ ra
Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2013).
Mùa xuân nhớ Bác - Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta; trong bối cảnh thời cơ,
thách thức đan xen nhau như hiện nay, càng cần tiếp tục vận dụng sáng tạo tư
tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, coi đó là giải pháp nhằm
thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Ngay trong những ngày đầu năm
mới 2013, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị các Bộ, ngành, địa phương tổ chức phát
động các phong trào thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày Chủ
tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc-Ngày truyền thống thi đua yêu
nước (11/6/1948-11/6/2013). Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương phát động các phong trào thi đua bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách
của ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, địa phương ngay từ đầu năm 2013, gắn với
tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ năm 2012. Các hoạt động kỷ niệm 65 năm ngày Bác
Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc được tổ chức bằng các hình thức thích hợp,
tiết kiệm, kết hợp với việc gặp mặt, biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên
tiến, các nhân tố mới trong phong trào thi đua yêu nước và trong “Học tập và làm
theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của cơ quan, đơn vị, địa phương nhân kỷ niệm
ngày sinh của Bác (19/5/2013) và Ngày truyền thống Thi đua yêu nước (11/6/2013).
Thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các Bộ, ngành, địa phương chủ động
phát hiện, khen thưởng hoặc trình cấp có thẩm quyền khen thưởng kịp thời các tập
thể, cá nhân có nhiều thành tích; chú trọng khen thưởng xứng đáng cho các cá
nhân trực tiếp công tác, chiến đấu, lao động, học tập; khen thưởng tập thể nhỏ
có nhiều thành tích; phát hiện nhân tố mới xuất hiện từ các phong trào thi đua
để khen thưởng.
Mùa xuân nhớ lời Bác dạy, thấm nhuần tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ
Chí Minh, toàn ngành công tác dân tộc quyết tâm thực hiện thắng lợi những nhiệm
vụ trọng tâm của năm 2013 mà trọng tâm là tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội
XI của Đảng, các Nghị quyết, kết luận Hội nghị Trung ương Đảng (khóa XI); tổ
chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
khóa IX về Công tác Dân tộc và Kết luận 57-KL/TW của Bộ Chính trị ngày
03/11/2009; Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết của Chính phủ
chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013 nhằm
đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số,
nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó
khăn.
Mùa xuân, sức bật mới căng tràn. Mỗi người hãy cùng nhân lên sức mạnh nội sinh
của đất nước, của dân tộc bằng những việc làm thiết thực hưởng ứng các phong
trào thi đua yêu nước.
TẠP CHÍ DÂN TỘC