Biến đổi giá trị xã hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Tum. Thực trạng và giải pháp
02:16 22/04/2013 Lượt xem: 896 In bài viếtTỉnh Kon Tum hiện có bảy thành phần dân tộc chính, gồm: Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ Triêng, Gia rai, Brâu, Rơ Măm. Ngoài ra còn có dân tộc Kinh cùng một số số dân tộc khác như: Mường, Tày, Nùng, Thái, Sán Dìu, Sán Chay, Kor, Kơ Ho, Khmer, Chăm, Ê Đê, Cơ Tu, Dao... di cư vào.
Xã hội và văn hóa loài người đều biến đổi qua thời gian, dù tốc độ của chúng có thể khác nhau. Đó là một quá trình tự nhiên, đơn cử, trong xã hội truyền thống, thước đo sự giàu có, uy quyền của người bản địa là số lượng trâu bò, chiêng ché, các loại ghè cổ hay số lần hiến trâu của gia đình thì ngày nay, nhà nào giầu phải có nhiều ruộng lúa nước, nhiều rẫy cao su, bời lời...
Một đặc trưng lớn nhất, cơ bản nhất, từ đó quy định những sắc thái văn hóa của vùng Tây Nguyên nói chung, Kon Tum nói riêng là nếp sống nương rẫy - nếp sống chủ đạo và bao trùm lên toàn bộ các tộc người, từ tín ngưỡng, lễ hội, phong tục tập quán, nghi lễ, đời sống tình cảm của con người đều gắn với “văn hóa rừng”. Thay đổi nếp sống nương rẫy là thay đổi tận gốc đời sống con người. Các dân tộc tại chỗ Kon Tum luôn quan niệm vạn vật hữu linh. Họ thực hành nghi thức với niềm tin điều đó sẽ khiến thần linh hài lòng và cho con người cuộc sống bình yên, mưa thuận gió hoà. Trong quá trình cộng cư với người Kinh, tín ngưỡng này có phần phai nhạt, hoặc do tôn giáo mới xuất hiện, thay thế cho tín ngưỡng đa thần hoặc có những biểu hiện mới của tín ngưỡng mà đồng bào chấp nhận. Người Cà Dong (làng Đăk Văng, xã Xa Loong, huyện Ngọc Hồi) thờ Bác Hồ. Trong làng hiện có 86 hộ với trên 700 khẩu, nhà nào cũng lập bàn thờ Bác…
Trong xã hội truyền thống Tây Nguyên nói chung, Kon Tum nói riêng, buôn làng là đơn vị duy nhất, có tính độc lập tương đối. Buôn làng có chức năng “kép”: vừa là đơn vị dân cư, vừa là đơn vị quản lý theo phương thức tự quản. Từ năm 1975 đến nay, đã hình thành hệ thống chính quyền ba cấp (tỉnh, huyện, xã) đồng bộ, cùng đội ngũ cán bộ, công chức thực thi vai trò, chức năng quản lý Nhà nước. Như vậy, buôn làng từ chỗ tự quản nay trở thành “cánh tay nối dài” của chính quyền cơ sở trong thực thi các nhiệm vụ quản lý tại cộng đồng dân cư. Chủ làng, già làng, hội đồng già làng từ chỗ là thiết chế duy nhất đóng vai trò tự tổ chức, tự quản lý theo ý chí của “buôn dân” thì ngày nay, chức năng quản lý gắn liền với vai trò của cán bộ, công chức thực hiện theo chính sách, luật pháp nhà nước thống nhất. Già làng chỉ còn đóng vai trò là những người có uy tín phối hợp cùng trưởng buôn làng. Mặt khác việc xét xử các hành vi sai phạm hay xử lý các mối quan hệ trong làng đã và đang có xu hướng không hoàn toàn theo luật tục của cộng đồng nữa mà còn có sự vận dụng pháp luật của Nhà nước. Điều này khiến các giá trị xã hội truyền thống của người dân tại chỗ trên địa bàn tỉnh thay đổi khá nhiều.
Việc tổ chức lễ cưới và tổ chức tang ma của các dân tộc tại chỗ cũng có nhiều thay đổi so với tập quán truyền thống là một biểu hiện khác của việc tiếp nhận giá trị văn hóa của người Kinh. Chỉ một tỉ lệ thấp (chủ yếu là người cao tuổi) còn mặc trang phục truyền thống. Phần lớn người dân cho rằng quần áo người Kinh tiện lợi, thoải mái, giá thành rẻ hơn so với một bộ quần áo được dệt theo kiểu truyền thống và điều quan trọng là cảm thấy tự tin, dễ giao tiếp, dễ tìm thấy sự đồng nhất của người Kinh hơn
Nhà ở cũng thay đổi rõ nét. Chẳng những nhà ở của
các thôn buôn nằm trên trục giao thông lớn bị biến dạng, “lạ hóa” mà nhà ở vùng
sâu, vùng xa cũng đã và đang mất dần những yếu tố truyền thống.
Trước thực tế này, câu hỏi đặt ra là phải bảo tồn và phát huy các giá trị văn
hóa, xã hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon
Tum như thế nào. Có lẽ, điều quan trọng cần được quan tâm chính là làm sao công
việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa xã hội của cộng đồng người dân bản địa
nơi đây phải đi đôi với việc đảm bảo được tương lai xã hội của các tộc người này.
Nhà nước cần có những chính sách mạnh và đột phá trong việc đào tạo nhanh nguồn
lực lao động có tri thức và chất lượng cao nhằm xây dựng nền kinh tế dựa trên
phát triển khoa học và công nghệ thay thế cho nền kinh tế nặng về thủ công và
dựa trên khai thác tài nguyên như hiện nay. Đây là giải pháp then chốt nhằm khắc
phục và hóa giải mâu thuẫn kinh tế. Đồng thời tái cấu trúc nền kinh tế và xác
định mô hình tăng trưởng kinh tế phù hợp, phát huy thế mạnh lâm nghiệp và nông
nghiệp hàng hóa, trong đó chú ý điều chỉnh về chính sách để đảm bảo phát triển
hợp lý và hài hòa diện tích các loại cây công nghiệp theo kế hoạch và quy hoạch
của Nhà nước. Theo chúng tôi cần thực hiện một số giải pháp sau:
Nhóm giải pháp về xã hội:
Tiếp tục giải quyết thỏa đáng vấn đề về đất đai, mà rộng ra ở đây chính là đất và rừng, bảo đảm để người dân các dân tộc tại chỗ có đủ đất sản xuất. Nơi nào không thể giải quyết nhu cầu đất sản xuất thì bảo đảm để người dân có đủ việc làm.
Xây dựng mô hình buôn làng phù hợp với nhu cầu phát triển bền vững, trong đó các yếu tố truyền thống và hiện đại dung hòa các yếu tố truyền thống của dân tộc tại chỗ và dân tộc mới đến, bao gồm mô hình buôn làng thuần dân tộc thiểu số và mô hình buôn làng gồm các dân tộc xen cư với nhau.
Khắc phục những mâu thuẫn trong công tác tái định cư thủy điện. Dự án nào thực sự cần thiết cho địa phương theo nguyên tắc phát triển kinh tế không ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển xã hội, văn hóa và môi trường thì mới cấp giấy phép xây dựng, tránh tình trạng xây dựng các nhà máy thủy điện nhỏ nhưng làm mất đi hàng trăm ha rừng và người dân tái định cư mất sinh kế, lâm vào cảnh đói nghèo.
Tăng cường quản lý công tác tôn giáo để một mặt đảm bảo giáo dân sống tốt đời đẹp đạo, mặt khác kiên quyết loại bỏ ảnh hưởng của tổ chức Tin Lành Đề Gar do các thế lực phản động gây dựng và thao túng. Giải quyết tốt vấn đề tôn giáo sẽ góp phần đáng kể vào việc ổn định an ninh chính trị ở Tây Nguyên, trong đó có Kon Tum.
Đổi mới và đột phá chương trình phát triển giáo dục đào tạo cán bộ và phát triển đảng trong các dân tộc thiểu số tại chỗ để xây dựng con người mới, đội ngũ cán bộ và hệ thống chính trị các cấp vững mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh chính trị cho các tỉnh Tây Nguyên.
Nhóm giải pháp về văn hóa, tôn giáo:
Cần phải nghiên cứu để đặt nền tảng khoa học cho
chính sách bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Trên cơ sở những tài liệu
sưu tầm, ghi chép cụ thể, chi tiết; những công trình khoa học nghiên cứu về giá
trị văn hóa tộc người, cần xã hội hoá chúng bằng cách tiến hành xuất bản lần
lượt những bộ sách nghiên cứu về văn hóa tộc người cần được bảo tồn (truyền
thống - biến đổi) và đó là một nhiệm vụ cấp bách.
Ưu tiên đào tạo những nhà nghiên cứu văn hóa người dân tộc thiểu số vì chỉ có họ
mới được đồng bào tin cậy và như thế họ sẽ quan tâm tìm hiểu, cũng như cùng cộng
đồng mình đưa ra các giải pháp để bảo vệ văn hoá truyền thống của mình.
Không phủ nhận vai trò rất quan trọng của các Viện
nghiên cứu. Tuy nhiên, các Viện nghiên cứu không nên trở thành những nơi khép
kín nhằm duy trì đặc quyền về mặt học thuật. Nếu tình trạng này trở nên phổ biến
thì công tác bảo tồn những giá trị văn hóa của người thiểu số sẽ bất cập. Nói
cách khác, người thiểu số cần được tham gia nghiên cứu và quyết định về văn hóa
của chính họ, hoặc ngay từ đầu, hoặc ngay khi họ đủ trình độ chuyên môn, thông
qua đào tạo để làm các công việc nói trên, trên cơ sở bình đẳng với các nhân
viên thuộc dân tộc đa số.
Các chính sách của Chính phủ nên nhận ra và tôn trọng những giá trị văn hóa tín
ngưỡng truyền thống của tộc người, từ đó kết hợp với tiến bộ hiện đại một cách
phù hợp và hài hòa. Vấn đề tôn giáo ở Tây Nguyên nói chung, Kon Tum nói riêng
phức tạp hơn các vùng khác trong cả nước. Vì vậy, Giải quyết tốt và hài hòa vấn
đề tôn giáo có ý nghĩa lớn đối với ổn định an ninh chính trị Tây Nguyên.
Nhóm giải pháp về môi trường:
Ở các buôn làng còn rừng và gần rừng thì nên gắn người dân thiểu số với rừng và thực hiện xã hội hóa nghề rừng theo hướng lâm nghiệp xã hội. Ngành lâm nghiệp cùng Ban quản lý rừng chỉ làm nhiệm vụ giao rừng và quản lý rừng, chia sẻ nhiệm vụ bảo vệ rừng cho người dân và cộng đồng. Thực hiện giao rừng cho các cộng đồng dân cư bằng các chính sách, cơ chế trách nhiệm và quyền lợi thỏa đáng phù hợp với văn hóa, phong tục từng đối tượng cư dân.
Công tác quy hoạch đất đai cho các thôn làng dân tộc thiểu số, thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và đất sản xuất cho hộ gia đình nhằm tới hai mục tiêu: Một là khôi phục lại một phần không gian sinh tồn truyền thống của người dân; Hai là quản lý chặt chẽ và đúng pháp luật tài nguyên đất, rừng ở các dân tộc thiểu số.
Ths. Nguyễn Thị Thu Thủy
Học viện Chính trị- Hành chính KV III