Tuyên Quang bảo tồn và phát huy hát Then
09:45 23/04/2013 Lượt xem: 855 In bài viếtTỉnh Tuyên Quang có nền văn hoá dân tộc phong phú, đa dạng, đậm bản sắc của cộng đồng 23 dân tộc cùng sinh sống; là một trong những "cái nôi" nghệ thuật hát Then đặc sắc của đồng bào Tày, Nùng, Thái.
ĐỔI NÉT VỀ NGHỆ THUẬT HÁT THEN
Hát Then là loại hình diễn xướng dân gian tổng hợp
gồm: ca, nhạc, múa và diễn trò. Hát Then không chỉ đơn thuần là một loại hình âm
nhạc hay diễn xướng dân gian mà có sự gắn kết chặt chẽ với tín ngưỡng. Then được
hát trong hầu hết các lễ, hội của đồng bào Tày, Nùng Tuyên Quang. Theo các nhà
nghiên cứu văn hoá, nghệ thuật Then có nhiều đường then như: Pang Khoăn, Thống
Đẳm, Cấp Sắc hay Cầu Hoa… Hát Then lại có nhiều điệu khác nhau như: Điệu khẩu tu
(vào cửa trời); Pây mạ (đi ngựa); đông mèng đông quảng (vào rừng ve); gọi vía…
dùng trong các buổi Then chữa bệnh, hát hái hoa, nối số, tiêu hao tàn (dành cho
người chết), Then kỳ yên giải hạn… Với dạng hát vui như: Then vào nhà mới, Then
chúc thơ, Then tảo mộ, Then trong đám cưới (được đệm bằng hồ hoặc đàn tính).
Trong Then đại lễ, người ta thường thấy có hát múa, hát điệu bốn, múa chầu, cùng
với một số trò vui như Pắt phu (Bắt chồng), Pắt slao báo (Bắt trai gái)… Hát
Then không thể thiếu cây đàn Tính với nhiều khúc đàn, bản nhạc được soạn riêng
cho cây đàn này như: Tính pây tàng, khúc tính tàng nặm, tàng bốc, khúc tính chầu,
khúc hoà tấu đàn tính và tam thập lục, khúc hoà tấu đàn tính và hồ trung, khúc
tính giã bạn. Các khúc Then được tạo nên một cách có hệ thống, bài bản theo
trình tự nội dung trình diễn. Không gian biểu diễn, hát Then thường nhỏ hẹp như
trong nhà (trước bàn thờ), đôi khi trong không gian rộng như ngoài cánh đồng,
phổ biến ở Lễ hội Lồng tồng vào dịp tháng Giêng, hai...
Hát Then Tuyên Quang được chia thành hai nhóm: Then kỳ yên, hiện có khoảng 60 bài Then cổ được hát trong các nghi lễ. Nhóm Then lễ hội là những khúc hát mới được sáng tác ca ngợi cuộc sống, lao động sản xuất, cũng như ước muốn cuộc sống no ấm, đầy đủ hơn. Ngôn ngữ - lời then mộc mạc, giàu hình ảnh, gần gũi với cuộc sống đời thường, sử dụng ngôn từ tượng hình, tượng thanh phong phú, lối so sánh, ví von. "Then là loại hình nghệ thuật dân gian đa dạng, vừa phản ánh, vừa mô tả, vừa gửi gắm nhắn nhủ những ngọt bùi, đắng cay của cuộc sống... Then là một kho tàng quý báu tàng trữ những giá trị văn học nghệ thuật ngàn đời” - GS. Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhận xét.
NHỮNG NGUY CƠ MAI MỘT NGHỆ THUẬT HÁT THEN
Xu hướng hát Then đang dần bị mai một do ngày càng ít người trẻ thông thạo và có năng khiếu đối với loại hình âm nhạc này. Hơn nữa, lời Then hiện nay chủ yếu được đặt lại cũng khiến lời Then cổ mai một dần. Theo thống kê của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh, chỉ có 21 nghệ nhân hát Then trong tỉnh biết hát lời cổ, lại người cao tuổi. Trong khi đó, có 72 người ở lứa tuổi trẻ hơn có thể hát được lời Then mới.
Ông Ma Văn Đức, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang - Chủ nhiệm đề tài “Then Tày Tuyên Quang”, người gắn bó với hát Then, đàn tính từ rất nhiều năm nay cho rằng: Hát Then gắn bó chặt chẽ với người Tày, Nùng trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, những năm gần đây, sự du nhập của những yếu tố văn hoá khác đã khiến hát Then bị "co" lại. Nhiều thanh niên người Tày, Nùng không biết, không muốn hát Then, nhất là những người sống ở khu vực thành thị. Nguyên nhân một phần là do hát Then không có không gian để phát huy. Chính vì vậy, để bảo tồn hát Then, phải đặt loại hình nghệ thuật này trong "bầu sữa", tức là không gian sống trong cộng đồng, bản làng, đồng thời tăng cường những hoạt động quảng bá, biểu diễn mang tính sân khấu để đưa hát Then đến với công chúng, với cộng đồng.
Ông Hà Thuấn, xã Tân An, huyện Chiêm Hóa - người dân tộc Tày đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang được phong danh hiệu nghệ nhân văn hóa dân gian, bày tỏ: Then Tuyên Quang có đặc trưng là giai điệu mượt mà, đằm thắm và mở đầu câu hát bao giờ cũng có từ "ới la", thể hiện khát vọng giao đãi của con người với trời đất, thiên nhiên, vạn vật. Cấu trúc âm nhạc của Then Tuyên Quang là các quãng âm nhạc gần nhau hơn tạo âm hưởng đầm ấm của con người xứ Tuyên. Nét đặc sắc này ở nơi khác không có. Vậy mà một số làn điệu viết lời mới hiện nay không tuân theo truyền thống đồng nghĩa với không giữ được bản sắc, đó cũng là sự mai một đối với hát Then Tuyên Quang...
VÀ NHỮNG NỖ LỰC BẢO TỒN PHÁT HUY GIÁ TRỊ HÁT THEN TUYÊN QUANG
Trước thực trạng trên, Tuyên Quang đã thực hiện một số giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị hát Then như: Nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn, xuất bản các cuốn sách, đĩa nhạc về hát Then; hàng năm tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn hát Then cho hạt nhân văn nghệ cơ sở, mời nghệ nhân đến truyền dạy các làn điệu Then cổ; phối hợp với huyện, xã có phong trào hát Then, có nghệ nhân tâm huyết với các làn điệu Then cổ tổ chức mở lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, một số chính sách, cơ chế khuyến khích, ưu đãi, tôn vinh nghệ nhân, người có công, tâm huyết lưu giữ, truyền dạy nghệ thuật văn hóa dân tộc thiểu số được thực hiện; dàn dựng một số chương trình, tiết mục cho đoàn nghệ thuật biểu diễn. Ngành Văn hóa của tỉnh cũng quy định trong chương trình của Đội văn nghệ quần chúng cấp xã, nhất thiết phải có ít nhất 2 tiết mục dân ca, dân vũ truyền thống; đang triển khai kế hoạch phối hợp với ngành Giáo dục đưa nghệ thuật hát Then, đàn tính vào giảng dạy trong trường học, đặc biệt là các vùng có đông đồng bào Tày, Nùng cư trú.
Ông Nguyễn Vũ Phan, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang cho biết: Những làn điệu hát Then là món ăn tinh thần của người Tày, Nùng. Sau khi hát Then được nhận danh hiệu Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia và chuẩn bị lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thì công tác bảo tồn càng được quan tâm. Ngành Văn hoá đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cũng như chú trọng đặc biệt đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật hát Then với cộng đồng các dân tộc trong tỉnh. Ngoài ra, khi hát Then được đặt trong không gian rộng lớn là cộng đồng dân tộc Tày, Nùng đang cư trú ở hầu khắp các tỉnh phía Bắc, sẽ không có chuyện loại hình nghệ thuật này mai một, chắc chắn là thế-ông Nguyễn Vũ Phan tin tưởng.
Nghiêm Huệ