Văn hóa đọc và vấn đề phát triển du lịch trong mối trường văn hóa tộc người
04:01 26/06/2013 Lượt xem: 411 In bài viếtHành trình du lịch đến với môi trường văn hóa các tộc người là tiền đề quan trọng để mỗi khách du lịch nắm bắt được sắc thái văn hóa ở những vùng, miền khác nhau. Tính đa dạng của các sắc thái văn hóa của tộc người sẽ gợi mở cho chúng ta những trải nghiệm về giá trị cuộc sống, mối quan hệ giữa chủ thể văn hóa và sản phẩm văn hóa của các tộc người, sự tương tác giữa con người với môi trường sinh thái, con người và vấn đề về tư tưởng, văn hóa, tinh thần cũng như tình cảm, thẩm mỹ với những vùng đất mà mình đã đặt chân tới. Để từ đó chính những chuyến thực tế dã ngoại đó sẽ góp phần nuôi dưỡng, tâm hồn, củng cố nhận thức và tri thức cho con người về giá trị chân - thiện - mỹ trong dòng chảy của môi trường văn hóa đương đại. Sự trải nghiệm đó được chi phối thông qua nhiều phương diện, song theo chúng tôi để có thể mở “cánh cửa” đó ra thì chìa khóa đầu tiên chính là văn hóa đọc.
Là một thành tố của văn hóa, khái niệm văn hóa đọc cũng cho thấy tính đa dạng và phong phú. Theo GS-TS Hoàng Nam: “Văn hóa đọc được hình thành từ lâu trong lịch sử, là một bước tiến quan trọng trong lịch sử văn minh nhân loại. Điều kiện tiên quyết cho văn hóa đọc là phải biết chữ và biết tiếng mà chữ đó thể hiện”
Văn hoá đọc là một phạm trù văn hoá tinh thần nhằm thoả mãn nhu cầu hiểu biết tri thức, nắm bắt quy luật sống, quy luật vận động của tự nhiên, con người và xã hội. Từ những chuyến du lịch, mỗi người sẽ tìm hiểu, cảm thụ cảnh đẹp, những điều thú vị của vùng đất đó bằng cách mắt thấy, tai nghe, tay sờ… Song nếu được hiểu biết tường tận hơn sự vật, hiện tượng nào đó mà bản thân trải nghiệm trong quá trình du lịch bằng việc được đọc-hiểu, nghe giới thiệu đầy đủ, nhất là thông qua sách báo, văn hoá đọc thì sẽ thú vị hơn rất nhiều. Việt Nam, có rất nhiều khu du lịch, khu di tích lịch sử-văn hoá-cách mạng nổi tiếng như: Điện Biên Phủ (Điện Biên), Pắc Bó (Cao Bằng), Nhà tù Sơn La (Sơn La), Hồ Ba Bể (Bắc Kạn), An toàn khu (Tuyên Quang, Thái Nguyên), Buôn Đôn - Hồ Lắc (Đắk Lắk), Đà Lạt (Lâm Đồng), Biển Hồ (Gia Lai),… đều gắn liền với môi trường văn hóa tộc người đã trở thành tâm điểm cho những chuyến đi dài ngày của nhiều đoàn khách du lịch hay nhóm gia đình, bạn bè,… Vấn đề đặt ra là phải làm gì để văn hoá đọc góp phần phát triển du lịch cộng đồng ở môi trường văn hóa tộc người?
Để du khách hòa mình một cách trọn vẹn vào các địa điểm du lịch đó và tạo nguồn cảm hứng cho những lần đến tiếp theo cần phát triển văn hóa đọc trong chính những môi trường văn hóa ấy. Nhiều địa phương đã có những cố gắng để phục vụ du khách. Có thể dẫn ra một vài mô hình tiêu biểu như tỉnh Tuyên Quang, Lào Cai…
Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang luôn quan tâm đến việc xây dựng những tủ sách xã điểm, trang bị mỗi tủ sách hơn 200 bản sách các loại. Bên cạnh đó, Thư viện tỉnh duy trì luân chuyển hàng nghìn bản sách đến các tủ sách cơ sở, phục vụ nhiệt tình, thường xuyên nhu cầu đọc, với số lượng sách phong phú về chủng loại và nội dung, bao gồm: Thuần phong mỹ tục của Việt Nam, y học dân tộc cổ truyền, tìm hiểu pháp luật, kỹ thuật trồng trọt… Đây là những đầu sách rất thiết thực đối với người dân, đặc biệt là các tộc người ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Thư viện tỉnh vẫn luôn luân chuyển sách đến các thư viện huyện, chất lượng kho sách được cập nhật liên tục, nội dung sách cũng phù hợp với từng địa phương. Với 115 tủ sách điểm Bưu điện văn hóa xã đã tạo nên mạng lưới thư viện, tủ sách rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở. Các tủ sách cơ sở đã góp phần đưa văn hóa đọc đến với đông đảo người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Công tác luân chuyển sách như một dây chuyền xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở. Hoặc khi nhận thấy người dân không có nhiều điều kiện và cơ hội được tiếp cận với kho tàng tri thức quý báu của nhân loại nên ở tỉnh Lào Cai, câu lạc bộ Ý Chí Việt tổ chức thực hiện Dự án “Xây dựng thư viện sách Sa Pa” với thông điệp “Góp một cuốn sách - Thắp triệu tương lai”. Đối với người dân vùng sâu, vùng xa đây là việc làm rất có ý nghĩa trong việc nâng cao mức hưởng thụ văn hóa đọc, giúp đồng bào nắm vững các quy trình khi tham gia khai thác giá trị du lịch để phát triển du lịch tại môi trường văn hóa của chính mình.
Tuy nhiên, trong thực tế vẫn diễn ra thực trạng là ở nhiều khu du lịch, khu di tích lịch sử-văn hóa thiếu vắng những sách báo có liên quan đến địa điểm mà khách đang thưởng ngoạn. Điều này làm cho du khách bối rối và không ít người rơi vào trạng thái mơ hồ về khung cảnh, sự kiện; sản phẩm mang tính tư liệu… Những điều đó làm giảm đi tính hấp dẫn đối với du khách. Chúng ta có thể cắt nghĩa hạn chế này theo các cách tiếp cận sau:
1. Hầu hết quanh địa bàn khu du lịch, khu di tích hoặc danh lam thắng cảnh hầu như đều có thư viện phục vụ văn hoá đọc cho nhân dân trên địa bàn. Song, sự gắn kết, phối hợp hoạt động thư viện, phục vụ văn hoá đọc cho người dân và du khách tham quan còn chưa được quan tâm đúng mức. Vậy nên, tồn tại một nghịch lý là sách (nhất là sách có liên quan đến môi trường văn hóa của tộc người như: di tích văn hóa-lịch sử-cách mạng, thắng cảnh, khu du lịch tại địa phương) có trong thư viện nhưng chưa được phục vụ rộng rãi cho du khách. Ở nhiều khu du lịch nổi tiếng vẫn xảy ra tình trạng thiếu sách báo, ấn phẩm, thông tin để phục vụ cho du khách tìm hiểu hay đơn thuần để thư giãn, giải trí… diễn ra khá phổ biến trong nhiều năm qua.
2. Ở một số địa phương trong phương thức tổ chức tại nơi có khu du lịch, di tích… đã quá chú trọng đến việc quảng bá, kinh doanh ẩm thực, trang phục, tranh ảnh, quà lưu niệm…. nhưng lại bỏ sót yếu tố văn hóa đọc -một nhân tố mang lại lợi nhuận cao nhất trong các lợi nhuận nếu biết khai thác để mang lại sự hiểu biết và tri thức cho du khách. Giá trị văn hóa luôn tiềm ẩn và sẽ bùng phát khi đến độ chín của nó. Chúng ta có thể tham khảo khả năng làm du lịch của nhiều nước như Thái Lan, Hàn Quốc…về việc “tạo điểm nhấn” tại từng điểm du lịch để thu hút du khách.
Nét duyên thiếu nữ dân tộc Thái
Để tháo gỡ những khó khăn trên, thiết nghĩ cần quan tâm 2 vấn đề cơ bản sau:
1.Việc đầu tư, xây dựng các điểm đọc, thư viện ở các khu du lịch trong các môi trường tộc người cần nghiên cứu thật kỹ về tính đặc thù vùng, miền (về địa lý tự nhiên, lịch sử, sắc thái văn hóa) cũng như điều kiện kinh tế. Đây chính là cơ sở quan trọng để duy trì các hoạt động văn hoá đọc phục vụ du lịch cộng đồng đảm bảo tính lâu dài, thiết thực, hạn chế thấp nhất tính hình thức hay chỉ làm đại khái như ở một số địa phương đã vấp phải. Bên cạnh đó cũng cần có sự quan tâm đặc biệt đến số lượng, chất lượng và chế độ đãi ngộ cho công tác cán bộ thư viện; đổi mới phương pháp tuyên truyền về văn hóa đọc cho du khách. Trên phương diện khác, Vụ Thư viện cần tham mưu cho Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhằm duy trì, phát triển một cách có hệ thống mạng lưới thư viện để đưa được các tủ sách đặc thù về với môi trường văn hóa tộc người. Để thực hiện có hiệu quả nội dung này cần phải tạo được mối quan hệ mật thiết giữa hoạt động văn hoá, du lịch, di sản, thư viện nói chung, hoạt động du lịch, bảo tàng, thư viện nói riêng với phát triển du lịch cộng đồng của môi trường văn hóa tộc người trong bối cảnh hiện nay. Do vậy, việc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức cuộc hội thảo với chủ đề "Định hướng và giải pháp phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam" ( 26/10/2010) và trước đó là cuộc hội thảo với tiêu đề “Thực trạng và giải pháp phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam”(16/9/2010) được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh nhằm lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện "Chiến lược quốc gia về phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng" đang được Bộ VHTT&DL xây dựng mang ý nghĩa quan trọng. Nó không chỉ đơn thuần đưa ra những chính sách đồng bộ mà còn vạch ra những định hướng và giải pháp phát triển văn hóa đọc trong tương lai.
Đọc sách, báo tại điểm Bưu điện văn hóa xã
2. Hiện nay, người dân tộc thiểu số còn gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống nên văn hóa đọc lại càng khó khăn hơn. Người dân vốn sinh sống trong những địa bàn hiểm trở, lại nghèo, dân trí thấp, ít cả thời gian nên phát triển thư viện và văn hoá đọc ở những khu du lịch, khu di tích này là rất quan trọng không chỉ với du khách mà còn với cả người dân tộc thiểu số. Lãnh đạo chính quyền địa phương có khu du lịch, khu di tích cần quan tâm, đầu tư xây dựng và phát triển mạng lưới thư viện, tủ sách cơ sở đến các điểm tham quan, du lịch (đặc biệt quan tâm việc luân chuyển sách báo, bố trí người phục vụ ở các khu du lịch ấy). Cần gắn công tác quảng bá các thương hiệu du lịch, sản phẩm du lịch với tuyên truyền văn hoá đọc và thư viện ở những khu du lịch, di tích, danh lam thắng cảnh, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiếu số. Đây cũng là cách để đưa văn hoá đọc đến với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, góp phần nâng cao dân trí, xoá đói giảm nghèo, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã nhấn mạnh: “Nâng cao chất lượng hệ thống thông tin, báo chí, Internet, xuất bản. Bảo đảm quyền được thông tin và cơ hội tiếp cận thông tin của nhân dân, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc”.
TS. Lê Văn Liêm
Học viện Chính trị- Hành chính KV III
[TT: PLN]