Sử thi Achât của dân tộc Ta-Ôi lần đầu tiên được phát hiện và công bố

04:11 26/06/2013 Lượt xem: 1231 In bài viết

Khi nói đến sử thi, người nghe nghĩ ngay đến các dân tộc Ê Đê, Giarai, Ba Na, Mơnông, Xơ Đăng, Raglai, Khmer, Chăm, Mường, Thái,…ở vùng Tây Nguyên, Nam bộ và phía Bắc của đất nước Việt Nam, với những tác phẩm nổi tiếng như Đam Xăn, Đăm Di (Êđê), Chi Lơ Kôk (Giarai), Xing Chi Ôn (Bana), Mùa rẫy bon Tiăng (Mơnông), Tam Tinh (Xơđăng), Akha jukar (Raglai), Riêm Kiên (Khmer), Đêva Mưnô (Chăm), Đẻ đất đẻ nước (Mường), Ẳm ệt luông (Thái),... Và, không khỏi ngạc nhiên khi nghe rằng, dân tộc Ta-ôi ở khu vực miền Trung có sử thi với tác phẩm Achât!

1. Những yếu tố tạo nên sử thi trong Achât

Những yếu tố tạo nên sử thi trong Achât thể hiện ở các điểm:

Achât, khi được nhắc đến, hầu như người Ta-ôi nào cũng biết và háo hức muốn kể hoặc muốn được nghe kể lại, hát lại. Achât được kể, hát không chỉ vào dịp lễ hội của làng, của dòng họ mà còn được kể vào mùa mưa, khi màn đêm buông xuống, bên ngọn lửa bập bùng trong ngôi nhà dài (achoar) của chi họ, dòng họ và ngôi nhà Rông (Roong) của làng. Người này nghe xong lại kể, hát cho người kia, cho đám đông người khác. Cứ như thế, Achât và câu chuyện của nhân vật cùng tên lan xa, thấm sâu vào tâm khảm của người Ta-ôi mà mỗi lần nhắc đến thì lòng mến yêu, ngưỡng mộ và tự hào lại tràn về trong họ.

Achât là một tác phẩm tự sự nhằm thuật lại (bằng lời kể hoặc hát hoặc vừa hát vừa kể) sự ra đời của 10 anh em Achât, sự hình thành của làng Ta-ôi, sự ra đời của các loại giống cây trồng, các đơn vị thời gian ứng với mùa vụ; miêu tả sự nghiệp, cuộc đời của nhân vật Achât.

Achât là một tác phẩm lịch sử của người Ta-ôi. Nó phản ánh quá trình hình thành và phát triển của người Ta-ôi, dân tộc Ta-ôi với chuỗi các sự kiện lớn. Đó là những cuộc chiến tranh giữa các thủ lĩnh của các làng người trần, giữa các thủ lĩnh của thế giới người trần với thế giới thần linh và ma quỷ nhằm khuất phục và xác lập quan hệ phụ thuộc để mở rộng bờ cõi, tập hợp dân cư và tích lũy của cải. Đó là những cuộc vượt qua thử thách của những chàng trai tài giỏi của chi họ, dòng họ, của làng, bộ tộc để khẳng định sức mạnh, tài năng của mình trước khi chọn cử làm thủ lĩnh của làng, của bộ tộc. Đó là những mối quan hệ xã hội Ta-ôi như xã hội phụ hệ, phong tục tập quán cổ truyền (tiêu biểu là chu kỳ đời người: sinh nở, hôn nhân, trưởng thành, ma chay và các luật tục liên quan), quan hệ ngoại giao với nước láng giềng, Lào…

Tính kỳ vĩ hiện lên rõ nét trong tác phẩm Achât. Mối quan hệ giữa thế giới người trần trên mặt đất và thế giới của các thần linh ở trên trời, dưới lòng đất xuyên suốt tác phẩm. Ở thế giới vũ trụ ba tầng này, con người và thần linh, ma quỷ tuy khác biệt nhưng lại hợp nhất cùng một ngôn ngữ là ngôn ngữ con người; thần linh, ma quỷ thường xuyên tham gia vào các công việc của con người, sinh hoạt tựa như con người. Ngược lại, con người được sinh ra từ sức mạnh của các hiện tượng tự nhiên. 10 anh em Achât được sinh ra từ cây đa Kăh Trakooq (tam giác). Trong đó, Achât có cái đường bệ về hình dáng, có sức mạnh siêu phàm của thần linh, khiến cho bao người đẹp của cả ba tầng thế giới siêu lòng, nguyện đi theo hầu hạ. Thực chất của tính kỳ vĩ là sức mạnh của con người (người đại diện cho tập thể hoặc bộ tộc) được nâng lên ngang tầm vũ trụ, thần thánh nhằm chinh phục, chi phối, nhào nặn sức mạnh tự nhiên trong trí tưởng tượng và bằng trí tưởng tượng.

Từ việc chỉ ra những yếu tố trong tác phẩm Achât nêu trên, khiến người biên soạn nghĩ ngay đến một thuật ngữ văn học trong “Từ điển thuật ngữ văn học” do Lê Bá Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi (chủ biên) , đó là sử thi. Sử thi là “(…) thể loại tác phẩm tự sự dài (thường là thơ) xuất hiện rất sớm trong lịch sử văn học của các dân tộc nhằm ca ngợi những sự nghiệp anh hùng có tính toàn dân và có ý nghĩa trọng đại đối với dân tộc trong buổi bình minh của lịch sử. Và kết cấu sử thi là một câu chuyện được kể lại có đầu có đuôi với quy mô lớn vì, theo Hêghen “Nội dung và hình thức của nó thực sự là toàn bộ các quan niệm, toàn bộ thế giới và cuộc sống của một dân tộc được trình bày dưới hình thức khách quan của một biến cố thực tại”. Các nhân vật chính của sử thi là những anh hùng - tráng sĩ tiêu biểu cho sức mạnh thể chất và tinh thần, cho ý chí và trí thông minh, lòng dũng cảm của cộng đồng được miêu tả khá tỉ mỉ, đầy đủ từ cách ăn mặc, trang bị , đi đứng đến những trận giao chiến với kẻ thù, những chiến công lẫy lừng và đôi khi cả những nét trong sinh hoạt đời thường của họ nữa, điều đáng chú ý là tất cả những cái này đều được miêu tả trong vẻ đẹp kỳ diệu khác thường. Sở dĩ như vậy là vì sử thi ra đời vào thời điểm nối tiếp thần thoại tức là từ thế giới của các vị thần bắt đầu chuyển sang thế giới của con người, do đó cái nhìn đậm màu sắc thần kỳ nói trên đối với các nhân vật trong sử thi là không tránh khỏi. Các - Mác từng nhấn mạnh ‘‘vẻ đẹp đặc thù của sử thi thể hiện trong tính hài hòa đặc biệt của nó vốn có liên quan đến các mối quan hệ xã hội chưa chín muồi lắm’’. Ông gắn sử thi với thời đại khởi thủy của sự sản xuất nghệ thuật đích thực đồng thời còn cho rằng sử thi trong hình thức cổ điển của nó đã tạo nên một thời đại trong lịch sử văn hóa. Trong sử thi chủ yếu mô tả hành động của nhân vật hơn là những rung động tâm hồn. Nhưng trong những câu chuyện kể, cốt truyện thường được bổ sung thêm những mô tả có tính chất tĩnh tại và những cuộc đối thoại trang trọng có tính nghi thức”.

2. Đặc điểm tác phẩm Achât

Kết cấu cơ bản của Achât gồm: Sự ra đời thần kỳ, thời niên thiếu oanh liệt của nhân vật anh hùng (Achât và chín người anh được sinh ra từ cây đa Kăh Trakooq, kết quả làm theo lời báo mộng của Kantưi. Cây đa, theo quan niệm dân gian nói chung, người Ta-ôi nói riêng, đó là loại cây thiêng chỉ dành cho các vị thần linh ngự trị. Chỉ sau một đêm, cả 10 anh em đã biết gọi cha inh ỏi và tự bò xuống mặt đất để theo Kantưi về nhà. Riêng Achât, khi chàng sinh ra đời bỗng Màu da của ông mặt trời khác lạ, nước da mịn màng, mặt không chói chang, Mà là dịu dàng nhìn ngắm trần gian, duy trì sự sống tươi hồng, Mà là chậm rãi, điềm đạm làm bạn với mặt đất…); Những thử thách khắc nghiệt đối với nhân vật anh hùng (Để trở thành người anh hùng của cộng đồng, Achât đã phải vượt qua khá nhiều trở lực từ lực lượng siêu nhiên và từ chính con người cùng tầng thế giới với mình gây ra. Không còn đất để làm rẫy, 10 anh Achât đã rủ nhau vào phát rừng thiêng mặc dù dân làng lên tiếng can ngăn, phản đối. Vì vậy, anh em họ đã lần lượt giao tranh với lực lượng của yêu tinh quỷ quái ở trong lòng đất và cuối cùng chỉ có Achât mới có thể địch nổi chúa tể yêu ma - Nghang Nương rồi trở thành đôi bạn tri âm. Không những thế, muốn chủ của hai ngôi làng lân cận ngừng giao đấu tránh gây đổ máu cho người dân vô tội chỉ vì tranh quyền sở hữu một con sông chảy qua cả hai làng, Achât đã phải lặn bắt đầy 10 tilék cá dưới đáy sông sâu chỉ trong một ống tẩu thuốc và đánh bại 10 người đàn ông khỏe mạnh nhất của hai làng chỉ trong nửa ống tẩu thuốc. Còn nữa, Achât phải vượt qua sự hiềm khích của chín người anh ruột thịt bằng chính sức mạnh, tài nằng và sự vị tha, độ lượng của chính mình...); Các công trạng hiển hách của nhân vật anh hùng (được thể hiện qua ba phương diện chính của cuộc sống sinh tồn: lấy vợ, lao động và chiến đấu). Kết thúc cuộc chiến đấu của nhân vật anh hùng, đối phương thua trận hoặc trở thành người bạn thâm giao hoặc bị giết. Người anh hùng thu phục giang sơn, dân làng, tôi tớ, trở nên giàu mạnh, uy danh lừng lẫy, cuộc sống, bình yên, no ấm. Kết thúc cuộc tranh đấu là bức tranh lễ hội ăn mừng chiến thắng, mừng cuộc sống đổi thay và thanh bình.

Qua kết cấu, có thể khẳng định rằng Achât là sử thi anh hùng. Achât thực chất là một tác phẩm truyền tải chuỗi câu chuyện của các nhân vật anh hùng. Nhưng Achât là nhân vật chính số một nên đề tài sẽ tập trung khai thác vẻ đẹp, suy nghĩ, hành động của nhân vật này.

Đề tài chiến đấu là đề tài bao trùm của tác phẩm và là nhiệm vụ lớn nhất của anh hùng Achât. (Để làm chủ đất rẫy trong khu rừng thiêng, Achât đã phải đánh nhau với Nghang Nương; Để giải quyết mâu thuẫn giữa hai làng lân cận vì tranh quyền sở hữu một con sông chảy qua hai làng, Achât như con chim Chideéh Aleang lao từ rẫy trong rừng sâu đến nơi đang có trận xíc mích, hiên ngang đứng trên mái nhà Rông khuyên can và chặn lùi những đao, giáo bằng cây rựa cụt của mình; Để bảo vệ cộng đồng, Achât đã phải tranh đấu với Atrês - chúa tể của làng rừng sâu núi thẳm; Để lấy vợ, Achât đã phải trải qua nhiều cuộc giao tranh tàn khốc).


Đề tài lấy vợ được thể hiện trên ba phương thức: Cướp người đẹp về làm vợ (muốn lấy được Kalang Niêt Ka, nhất định Achât phải giết được cha mẹ nàng - một loại chim độc ác, giết hại con người nếu bắt gặp và không muốn các cô con gái lấy chồng trần gian); Giành lại người vợ bị cướp (nhân lúc 9 anh em Achât đi Lào trao đổi của cải để rước voi, trâu, bò về quê, Acho Tilóng đã cướp Adúq Ntrun. Achât đi tìm vợ lên đến tận đỉnh Katíng - mũi trời mới trông thấy Adúq Ntrun đang bị tên sói trời trói ép làm đám cưới. Achât đã giết chết Acho Tilóng và hạ thủ lực lượng hung ác của Acho Tilóng để biến họ thành người hầu kẻ hạ của mình); Vượt qua hoặc tiêu hủy vật thử thách để có vợ (Để lấy được nàng Kabíh – cô gái xinh đẹp nết na nhất của làng bên kia sông Ntrool – Achât đã vượt qua lời phủ định của bà mối Atam và lời từ chối đón tiếp của mẹ nàng Kabíh khi Achât đến thăm hỏi, đặt vấn đề. Để lấy được nàng Kammoor Mimăng, Achât đã bắn gà trống thần bay qua làng mình khi chỉ nhìn thấy to bằng con ong vò vẽ trên không trung xa thẳm. Đối với cả nàng Adúq Ntrun, Achât cũng thực hiện một số việc tương tự...).

Đề tài lao động trong Achât thường là hoạt động tập thể, trong đó người anh hùng là những người lao động xuất sắc nhất, hiệu quả cao nhất với sức mạnh phi thường. Hoạt động này thể hiện qua các phần việc sau: Săn bắt, hái lượm (Ngay ở tuổi thiếu thời Achât và anh em Achât đã ý thức về lao động, mà trước hết là săn bắt. Chất lượng vật săn bắt tỷ lệ thuận với thời gian trải nghiệm công việc đó. 10 anh em Achât đều là những anh hùng, có tầm vóc phi thường nhưng thành quả của Achât bao giờ cũng hơn thành quả của chín người anh cộng lại); Trồng trỉa (Cả làng, không ai mạnh khỏe, chịu khó và gan dạ như 10 anh em Achât. Họ luôn chọn những vùng đất xa xôi, cách trở, dân làng không làm được để phát nương làm rẫy. Thậm chí, họ cả gan phát rừng thiêng để trỉa trồng lúa ngô, khoai sắn. Họ phát rừng thiêng, nơi ngự trị của chúa tể yêu tinh Nghang Nương khiến Nghang Nương nổi giận mà giao chiến với Achât. Họ đi làm rẫy trong rừng sâu núi thẳm khiến cho nàng Adúq Ntrun siêu lòng với chàng Achât cường tráng, tinh thông. Vượt qua trận đại hồng thủy bằng con thuyền tự tay đẽo khắc, Achât và chín người anh đã dẫn dân làng đi làm rẫy nương, đi săn bắt, hái lượm dậy vang núi rừng);


Những yếu tố nghệ thuật tạo nên giá trị độc đáo “không thể nào bắt chước được” của sử thi Achât là yếu tố ngôn ngữ và phong cách kỳ vĩ hóa. Yếu tố ngôn ngữ trong Achât giàu hình ảnh, giàu nhạc điệu và mang tính kịch (Cách nói ví von, giàu hình ảnh gây ấn tượng sâu sắc, đặc biệt kỳ thú đối với người nghe qua việc khắc họa các nhân vật. Cách nói có vần điệu, tạo nên âm hưởng hài hòa và có sự liên kết chặt chẽ với nhau giữa các vế trong một câu hoặc cặp câu. Hơn nữa, sự hài hòa trong ngôn ngữ sử thi Achât còn thể hiện ở kết cấu đối xứng (thường cặp đôi về hành động, số lượng, cảnh vật và ngay cả tên nhân vật) tạo nên sự hài hòa nhịp nhàng trong hình tượng. Trong Achât, tính kịch thể hiện đậm nét ở chỗ: Các câu truyện ở mỗi chương, phần của tác phẩm đều được trình bày dưới hình thức ngôn ngữ đối thoại giữa các nhân vật; Nhiều màn tương phản gây nên tình huống kịch khá sinh động, làm nổi lên những tính cách khác nhau của các nhân vật; Ngôn ngữ kịch được thể hiện qua nhiều biện pháp sinh động, chủ yếu thông qua biện pháp đối lập trong ngôn ngữ đối thoại, hoặc trong mô tả ngoại hình nhân vật hoặc cách dựng lên tình thế tương phản). Phong cách kỳ vĩ hóa trong Achât được tạo nên bởi sự kết hợp tương thông, hữu cơ bằng biện pháp ngoa dụ (phóng đại, cường điệu), ẩn dụ, so sánh, điệp ngữ... của những yếu tố ngôn ngữ sinh động về hình tượng, hài hòa về nhạc điệu, âm thanh, đối lập về kịch tính nhờ bàn tay, khối óc của nghệ nhân sử thi Ta-ôi. Đó là phong cách làm cho hình tượng nghệ thuật (nhân vật anh hùng, cảnh vật thiên nhiên, không gian lễ hội,...) chứa chan sức mạnh hoành tráng, cao cả và truyền tải vẻ đẹp tuyệt vời của cả cộng đồng ở tầm dân tộc, tầm vũ trụ.

Vẻ đẹp của nhân vật anh hùng Achât trên mọi phương diện hoạt động là sự hội tụ đầy đủ của phong cách kỳ vĩ hóa tác phẩm Achât.

Và nhiều không gian sinh hoạt khác trong Achât cũng được lý tưởng hóa, thẩm mỹ hóa, kỳ vĩ hóa. Qua phong cách ngôn ngữ độc đáo của nghệ nhân sử thi, vẻ đẹp kỳ lạ trong sáng tạo nghệ thuật ở Achât hiện lên một cách sâu sắc “Cái đẹp được nhận thức là sự kết hợp nhiều chất liệu khác nhau, kể cả những âm thanh, màu sắc, từ ngữ, nhờ đó mà con người, nhà thiện nghệ chế tạo nên một hình thái tác động vào cảm xúc và lí trí như một sức mạnh khiến cho mọi người đều ngạc nhiên, tự hào và vui sướng với khả năng sáng tạo của mình” (M.Gorki).

Tuy chỉ là số ít và có thể chưa phải là một tác phẩm hoàn chỉnh nhưng Sử thi Achât của dân tộc Ta-ôi đã mang đến sự phát hiện mới về tình tiết nội dung, nghệ thuật, sự cống hiến mới về cách thức biên soạn xây dựng tác phẩm và hy vọng sẽ tạo ra sự khám phá thú vị trong người yêu văn học dân gian Việt Nam.

TS. Nguyễn Thị Sửu

Trưởng ban dân tộc tỉnh Thừa Thiên- Huế

[TT: PLN]