Đâm Trâu. Lễ hội truyền thống đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên

04:01 26/06/2013 Lượt xem: 1318 In bài viết

Lễ hội đâm trâu hiến tế cho thần linh được tổ chức trong 3 ngày, trước sân nhà Rông - nơi hội họp của làng. Ngày đầu tiên của lễ hội, tiếng cồng chiêng, thường là chiêng arap nổi lên để mời gọi và đón tiếp thần linh và những người tham dự tạo không khí tưng bừng, náo nhiệt. Cây nêu là những cây tre dài khoảng 15m, được trang hoàng rực rỡ với những hoa văn truyền thống, cùng hình tượng chim thú đặc trưng là biểu tượng chính của lễ hội được trai làng dựng lên trong tiếng vỗ tay reo hò của dân làng. Từ sáng sớm ngày hôm sau, mọi người đều có mặt và tụ tập xung quanh cây nêu. Già làng đọc vài câu thần chú rồi cho dẫn ra một con trâu đực và cột chặt vào cây nêu. Tiếng cồng chiêng lúc này ngừng lại để nhường cho lời phát biểu của vị già làng, chủ tế buổi lễ. Sau đó, cồng chiêng lại tiếp tục nổi lên với một nhịp độ nhanh hơn và thúc giục hơn để các chàng trai cô gái cùng vào nhảy múa theo điệu nhạc. Tiếp đó người ta chọc tiết một con lợn ngay bên miệng lỗ mới đào, lễ vật này để cúng tạ thần “Ma huýt” - người cai quản nương rẫy và giữ hạt giống cây trồng. Dân làng đứng thành một vòng tròn chắp tay cầu khấn theo nhịp lục lạc leng keng trên tay thầy cúng. Các thiếu nữ trong trang phục truyền thống, cổ đeo hạt cườm, đầu đội những quả bông xanh đỏ, tay đeo vòng đồng lấp lánh, gùi trên lưng những ống lồ ô đựng nước thiêng lấy ở thác nước đầu nguồn về. Trong tiếng chiêng trống rộn rã những chàng trai múa bài “Kđáo” vòng quanh gốc cây nêu. Sau đó té nước thiêng lên mình trâu và cây cột lễ. Lúc này chú trâu hiến sinh đã nằm trong lọng dây buộc vào gốc nêu. Trâu lễ phải là trâu mộng dáng đẹp, thân dài, mông nở, cặp sừng nhọn và cân đối, được tắm rửa sạch sẽ và cho ăn “lá đoóc”- một loại cỏ thơm trước khi hành lễ. Trong suốt ngày và đêm thứ 2, mọi người nhảy múa theo tiếng chiêng. Ngoài ra còn có các cuộc thi tài như đấu vật, đánh roi… để tranh giành bùa do già làng tặng. Đặc biệt nhất là màn nhảy múa tái hiện cảnh đánh nhau và chiến thắng của các chiến binh. Người già ngồi ngâm nga những làm điệu dân ca hoặc kể Khan thâu đêm trong ánh lửa bập bùng, trong lời cúng trang trọng, vừa u trầm trong vẻ mặt nhuộm hồng ánh lửa.


Niềm vui ngày hội Ariêu ping

Chiều ngày thứ ba, mọi người tề tựu đông đủ quanh góc cây nêu và con trâu hiến tế. Trong đội hình nghi thức người chủ lễ đi đầu, tiếp đến là đội chiêng trống, những xạ thủ phóng lao và phụ nữ tất cả đi vòng quanh cây cột ngược chiều kim đồng hồ 9 vòng rồi dừng lại. Thầy cúng lắc lục lạc bằng đồng mời gọi thần linh về chứng giám. Hương trầm từ chiếc mũng đựng tro thơm nghi ngút. Không gian trầm lặng, linh thiêng. Chủ lễ tiến lại con trâu nói: “Trâu ơi, hãy ngoan ngoãn về với thần linh thì mày được hoá giải luôn kiếp khác” rồi cầm con dao cúng “đâm làm phép” vào mông phải con trâu. Bị đau, con vật lồng lộn chạy quanh gốc cây cột lễ. Những trai làng đóng khố, mình khoác tấm choàng, đầu chít khăn đỏ cầm những cây giáo dài thể hiện bài võ rất dũng mãnh. Dân làng cử ra một chàng trai khỏe mạnh để đâm trâu, già làng trao cho anh một cây lao đầu bịt sắt nhọn, người thanh niên đóng khố cởi trần, nhảy múa quanh con trâu trong tiếng reo hò phấn khích của dân làng, trong tiếng cồng chiêng thúc giục rồi dùng lao đâm thẳng vào tim con trâu. Đây là những giây phút thiêng liêng khi con trâu bị đâm gục ngã chính là giây phút thông thiêng, là chiếc cầu nối giữa trần gian và các đấng siêu nhiên. Tiếp đó hai thanh niên khác chặt vào khuỷu chân con trâu lấy máu bôi vào cây nêu và kèn Glet và mọi người cũng lấy máu trâu bôi trên trán như một sự cầu phúc, giật những sợi lông trâu rắc lên đầu nhau, để cầu phước lành của thần linh ban xuống,... Sau đó là lễ cúng hồn lúa, cúng Giàng, già làng hát bài khóc trâu thật thống thiết. Một sợi dây chỉ tượng trưng cho đường đi được buộc từ kho lúa đền đầu con trâu, già làng lấy máu trâu hòa vào chén rượu rồi đổ vào các bình nước sau đó lấy nước này tưới lên kho lúa để tắm mát cho hồn lúa. Buổi lễ diễn ra long trọng trong tiếng cồng chiêng sôi động, tiếng kèn, tiếng hò reo làm cho không khí vừa huyền bí vừa náo nức.


Lễ hội đâm trâu là sự tổng hợp bởi nhiều yếu tố, và gắn liền với những hoạt động văn hóa truyền thống, mang ý nghĩa tâm linh và nhân sinh sâu sắc. Nếu đỉnh cao lễ hội là lúc mũi lao cắm vào tim con trâu, thì những âm thanh, những điệu vũ, lời ca, sự hiện diện cao vút lên không trung của cột đâm trâu chính là linh hồn của lễ hội. Trong những ngày diễn ra lễ hội, công việc cầu kỳ chiếm nhiều công sức nhất là tuyển lựa và trang trí cột đâm trâu, biểu trưng cho sức mạnh, sự sống và niềm ước vọng của buôn làng trong vụ mùa tới.

Nghi lễ hoàn tất mọi người cùng hát múa, ăn mừng uống rượu cần thâu đêm trong tiếng kèn, nhạc và men rượu cần bên đống lửa. Người ta làm thịt trâu chia cho từng gia đình, tổ chức ăn uống theo từng nhà, tùy theo khả năng mỗi nhà có thể mổ thêm heo gà để cho bữa tiệc thêm phần thịnh soạn. Các thành viên ở trong buôn sẽ đến từng gia đình để chung vui, trước hết là những bà con thân thích, sau đó đến những người láng giềng thân cận. Sau cuộc tế lễ này, lúa mới được đưa ra sử dụng và bắt đầu những.

Nguyễn Phan

[TT: PLN]