Nâng cao nhận thức hướng tới xóa bỏ hôn nhân cận huyết thống của người Chứt ở Hà Tĩnh

10:43 02/07/2013 Lượt xem: 1011 In bài viết

Theo Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2009 ở Hương Khê - Hà Tĩnh, người Chứt có 156 người. Người Chứt từng được biết đến là tộc người sống trong rừng sâu, ban đầu không biết mặc quần áo, chỉ đóng khố bằng vỏ cây sui, cuộc sống du canh, du cư, săn bắt hái lượm, đặc biệt hơn là họ không biết chữ, biết nói tiếng Kinh (Việt). Những hủ tục lạc hậu, đói nghèo, bệnh tật cứ thế dồn ép người Chứt, có lúc tưởng như đã đứng trên bờ vực của sự diệt vong.

Từ khi rời bỏ hang đá trong rừng sâu về nơi ở mới - bản Rào Tre, xã Hương Liên (Hương Khê - Hà Tĩnh), người Chứt đã có cuộc sống mới ấm no, được học cái chữ. Vì thế, cuộc sống xã hội và con người của dân tộc Chứt trong hơn nửa thế kỷ qua cũng có nhiều chuyển biến sâu sắc. Nhờ sự nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương, sự tận tình chỉ bảo sát sao của những người lính biên phòng và được hưởng lợi từ các Chương trình 134, 135 và những dự án có cùng mục tiêu trên địa bàn nên đến nay phần lớn người dân bản Rào Tre đều có nhà ở lợp ngói, được sử dụng điện, nước sinh hoạt hợp vệ sinh phục vụ đời sống và sản xuất, đường làng được nhựa hóa, trạm y tế quân dân được đầu tư nâng cấp, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh. Người dân đã biết khai hoang, mở đất trồng thêm lúa, ngô, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đến nay gần 3 ha ruộng, đất màu đều được bà con người Chứt gieo cấy bằng những giống lúa, giống hoa màu có năng suất, chất lượng cao. Không những thế, toàn bản cũng đã chăn nuôi được vài chục con trâu bò, hàng trăm con gà, vịt, trồng mới nhiều diện tích keo lai, dó, trầm và cây ăn quả khác. Trưởng bản Hồ Kính chia sẻ "Cuộc sống của dân bản ta giờ ấm no hơn trước rồi, không còn cảnh sống trong hang núi nữa, nhờ ơn Đảng, Nhà nước, nhờ ơn bộ đội biên phòng cả đấy”.

Bên cạnh việc đổi mới, ổn định nơi ăn chốn ở và phát triển kinh tế, vẫn còn những tục lệ đáng buồn đang tồn tại dai dẳng bao đời nay. Một trong số những tục lệ lạc hậu phải kể đến là tình trạng hôn nhân cận huyết thống (HNCHT), hôn nhân giữa những người có cùng dòng máu trực hệ, những người cùng huyết thống trong phạm vi ba đời. Tình trạng hôn nhân trên khiến những đứa trẻ sinh ra bị còi cọc, suy giảm sức khỏe, thiểu năng trí tuệ, tỷ lệ bệnh tật cao, gây suy thoái chất lượng giống nòi... Người Chứt hiểu rõ hệ hụy của HNCHT, bởi chính họ, là người đang phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng do chính mình gây ra. Nhưng những người trong cuộc vẫn lý giải rằng: Chỉ họ hàng, cùng dòng máu lấy nhau thì mới thương yêu nhau, mới giữ được của cải vật chất trong nhà. Tổ tiên của họ truyền lại rằng, lấy nhau trong họ tộc để không mang của cải sang họ khác, vợ chồng cũng không bỏ nhau. Đó là một phần trong đời sống văn hóa lâu đời của họ, nên rất khó để xóa bỏ.

Thực tế, cán bộ tư pháp địa phương nắm rất rõ tình hình, nhưng "phép vua thua lệ làng" nên vẫn không thể giải quyết được. Dù đã sử dụng các biện pháp khuyến khích, vận động, giảng giải cho người dân hiểu được những vấn đề mà con cháu họ sẽ gặp phải nếu kết hôn cùng huyết thống. Các cán bộ địa phương cũng chỉ xử lý ở góc độ tình cảm, thói quen chứ không thể xét đến khía cạnh luật pháp, chưa kể tới vấn đề do dân trí thấp.


Tuyên truyền kiến thức dân số- kế hoạch hóa gia đình cho đồng bào(Ảnh CTV)


Bản Rào Tre giờ đây có xe đưa đón học sinh tận nơi, nhưng chỉ hết cấp II là các em bỏ học. Giải thích về vấn đề này, Trạm trưởng Trạm công tác đặc biệt bản Rào Tre thuộc Đồn Biên phòng 575, Dương Thanh Tịnh cho biết: " Xuống dưới xuôi học không có tiền trọ, tiền ăn. Cái bụng đói là lũ trẻ lại bỏ học về bản. Hơn nữa do ít tiếp xúc, đầu óc chậm hiểu, đối với bọn trẻ việc đánh vật với các con chữ còn khó khăn gấp ngàn lần việc phát rẫy làm nương. Chúng chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học chữ, nên dù chúng tôi có nỗ lực vận động đến đâu cũng không có kết quả". HNCHT đã vi phạm thuần phong mỹ tục của người Việt Nam, vi phạm pháp luật và trái với đường lối của Đảng, Nhà nước, cản trở việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Giải quyết vấn đề này, TS. Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục DS - KHHGĐ (Bộ Y tế) nêu giải pháp: "Cần kết hợp các nhóm giải pháp tuyên truyền, vận động tư vấn cho người dân, những người có uy tín ở cộng đồng; đưa kỹ thuật và dịch vụ đến cộng đồng; có sự cam kết, quyết tâm của chính quyền địa phương; đầu tư kinh phí và đào tạo cán bộ...". Quan trọng là Nhà nước cần có những biện pháp hỗ trợ người dân tộc Chứt nâng cao dân trí và mở mang tầm nhìn để họ có thể tiếp cận với thế giới bên ngoài nhiều hơn, hạn chế kiểu sống tự ti, cô lập.

Vũ Thúy Hạnh
[TT: PLN]