Công tác tuyên truyền vận động quần chúng phòng ngừa tội phạm ở vùng dân tộc, miền núi
04:35 01/07/2013 Lượt xem: 3346 In bài viếtChủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định quần chúng nhân dân là lực lượng quyết định sự phát triển của lịch sử vì đó là lực lượng cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội. Cách mạng là ngày hội của quần chúng, là sự nghiệp của quần chúng. Cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân lao động là động lực phát triển của xã hội, đồng thời quần chúng nhân dân là người đóng góp vai trò to lớn trong sự phát triển văn hóa, nghệ thuật và khoa học.
Do đó, quần chúng nhân dân là một phạm trù lịch sử, vận động biến đổi theo sự phát triển của lịch sử xã hội.
Căn cứ vào điều kiện lịch sử xã hội và những nhiệm vụ đặt ra của mỗi thời đại mà quần chúng nhân dân bao hàm những thành phần, tầng lớp xã hội và giai cấp khác nhau. Để thực hiện cho các mục tiêu kinh tế, chính trị, xã hội thì cần phải làm tốt công tác vận động quần chúng (VĐQC) thực hiện mục tiêu đó. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn, tập hợp, tổ chức của Đảng đối với quần chúng, nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động tối đa lực lượng toàn dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng. Khi nghiên cứu về vấn đề này, chúng ta đã tìm hiểu những quan điểm của Mác, Lênin. Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn về công tác quần chúng, Người cho rằng: "Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi người dân không để sót người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc chính phủ và đoàn thể giao cho".
Tuyên truyền, vận động quần chúng các dân tộc thiểu số trong bảo vệ an ninh trật tự và phòng ngừa tội phạm:
Nước ta có 53 dân tộc thiểu số, chiếm khoảng 14,27% dân số và cư trú trên 3/4 diện tích cả nước. Ngoài dân tộc Hoa tập trung ở các thành phố, thị xã, dân tộc Khmer ở đồng bằng Nam bộ, dân tộc Chăm ở duyên hải miền Trung, phần lớn các dân tộc thiểu số (hơn 70%) cư trú ở vùng miền núi, biên giới, hải đảo là những địa bàn trọng yếu về an ninh quốc phòng.
Dựa theo địa bàn cư trú kết hợp với một số nét đặc trưng mang tính đặc thù của từng vùng về chính trị-kinh tế-văn hóa-xã hội của từng tộc người, có thể phân vùng cư trú của các dân tộc thiểu sổ (DTTS) thành 4 vùng chính: Vùng DTTS trung du miền núi phía Bắc, Tây Bắc và Quảng Trị trở ra gồm 30 dân tộc với hơn 5 triệu người. Trong đó có những dân tộc đông dân là: Tày, Nùng, Thái, Dao;... Vùng DTTS Trường Sơn - Tây Nguyên gồm 20 dân tộc với 1,2 triệu người. Trong đó các dân tộc tại chỗ chiếm tỷ lệ cao là: Ba Na, Xê Đăng, Cơ Ho, Chu Ru;... Vùng dân tộc Khmer (khoảng 1 triệu người) chủ yếu ở 7 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và rải rác ở một số tỉnh thành khác như thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Định; Vùng dân tộc Chăm (khoảng 10 vạn người) chủ yếu cư trú ở ven biển Nam Trung bộ và rải rác ở một số tỉnh ven biển miền Trung, An Giang. Có thể thấy rằng, các vùng DTTS số có vị trí chiến lược và tầm quan trọng lớn về chính trị, kinh tế và an ninh quốc phòng, có tiềm năng lớn về đất đai và rừng (khoảng 20 triệu ha đất, gần 19 triệu ha rừng và đất rừng), tài nguyên khoáng sản, nguồn thủy năng... có điều kiện để phát triển một nền kinh tế bền vững theo cơ cấu nông nghiệp kết hợp lâm nghiệp và công nghiệp. Đây thường là những khu vực, địa bàn, đi lại khó khăn, hệ thống hạ tầng cơ sở kém phát triển. Địa bàn tập trung DTTS là nơi cư trú của nhiều DTTS theo hình thức cư trú xen kẽ nhau hoặc phân tán.
Công tác VĐQC các DTTS trong phòng ngừa tội phạm (PNTP) có ý nghĩa rất quan trọng vì cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội (TTATXH) là một nhiệm vụ quan trọng của cách mạng nên cũng là sự nghiệp của quần chúng. Sự nghiệp đó phải được tiến hành bằng chính phong trào cách mạng sâu rộng, sáng tạo của quần chúng thông qua các hình thức, biện pháp tổ chức, vận động. Đảng, Nhà nước ta đã thường xuyên chú ý quan tâm tổ chức tuyên truyền, vận động, lãnh đạo quần chúng tích cực, chủ động phòng ngừa, đấu tranh chống phản cách mạng và bọn tội phạm khác góp phần quan trọng vào việc bảo vệ an ninh quốc gia (ANQG) và giữ gìn TTATXH.
Trong mỗi giai đoạn của cách mạng, với những điều kiện hoàn cảnh cụ thể khác nhau của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, Đảng, Nhà nước ta đã sử dụng nhiều hình thức, biện pháp để tổ chức, VĐQC tại các vùng đồng bào DTTS như: Cuộc VĐQC thực hiện phong trào "Ba không"; phong trào "Bảo mật phòng gian"; "Bảo vệ trị an"; "Bảo vệ an ninh Tổ quốc" và đặc biệt là cuộc vận động toàn dân tham gia "Xây dựng phường, xã, cơ quan xí nghiệp, trường học an toàn về ANTT"... Những hình thức tổ chức tuyên truyền, VĐQC bảo vệ ANTT sâu rộng, thường xuyên liên tục có hiệu quả trong nhiều năm qua đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững và ổn định tình hình ANTT đặc biệt là ở các vùng đồng bào DTTS.
Vai trò của công tác vận động quần chúng các dân tộc thiểu số trong phòng ngừa tội phạm:
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Công an ở những nơi đồng bào DTTS phải chú ý đến phong tục tập quán của đồng bào, luôn giáo dục, giúp đỡ đồng bào thì đồng bào sẽ hết sức giúp đỡ, có khi hy sinh cả cho ta". Từ những ngày Cách mạng Tháng 8 (1945) thành công, Bác đã nói: "Công an của ta là công an nhân dân (CAND), vì dân mà phục vụ, và dựa vào nhân dân mà làm việc, nhân dân ta có hàng chục triệu người, có hàng chục triệu tai, mắt, tay, chân, nếu biết dựa vào nhân dân thì việc gì cũng xong". Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ, lực lượng CAND đã phát triển phong trào VĐQC bảo vệ ANTT từ đơn lẻ đến rộng khắp và đã khái quát thành phương châm, nguyên tắc, biện pháp công tác cơ bản của ngành Công an trong sự nghiệp bảo vệ ANTT. Do nhận thức đúng đắn, sâu sắc được ý nghĩa, vị trí tác dụng của công tác VĐQC bảo vệ ANTT, nhiều năm qua Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an đã có nhiều văn bản xác định biện pháp quần chúng là cơ bản, chiến lược, hàng đầu của ngành Công an.
Để phát huy kết quả to lớn phong trào bảo vệ ANTQ trong thời kỳ mới, Điều 11 Luật CAND quy định lấy ngày 19-8 hàng năm là ngày hội "Toàn dân bảo vệ ANTQ". Thấm nhuần quan điểm chỉ đạo của Đảng, tư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhận thức sâu sắc vai trò, nền tảng của nhân dân trong cuộc đấu tranh bảo vệ ANTT, trong những năm qua lực lượng CAND luôn gắn bó với nhân dân, biết dựa vào dân để tạo thành sức mạnh, để chiến thắng mọi kẻ thù, bảo vệ thành quả của cách mạng và đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.
Công tác VĐQC bảo vệ ANTT đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của nhân dân và vai trò này cũng được khẳng định đối với đối tượng vận động là đồng bào DTTS. Do đó, công tác VĐQC bảo vệ ANTT ở địa bàn tập trung DTTS là cơ sở, nền tảng để xây dựng thế chủ động phòng ngừa, chủ động đấu tranh chống tội phạm ở địa bàn xung yếu, chiến lược. Thực tiễn công tác VĐQC bảo vệ ANTT ở địa bàn tập trung DTTS có vai trò đặc biệt quan trọng đảm bảo sự ổn định về ANTT tại các vùng miền núi, biên giới, địa bàn trọng điểm. Vấn đề này càng có ý nghĩa trong tình hình hiện nay, khi vấn đề dân tộc, tôn giáo đang là những lĩnh vực hết sức nhạy cảm. Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, phần lớn đồng bào DTTS đều tập trung ở vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nơi có các vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, ANQP. Vì thế, công tác VĐQC bảo vệ ANTT ở địa bàn tập trung đồng bào DTTS có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ ANTT của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
Trong những năm qua, thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình" các thế lực bên ngoài cấu kết với bọn phản động trong nước đã ra sức lợi dụng vấn đề dân tộc nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của nước ta. Chúng lợi dụng tình hình khó khăn về kinh tế, xã hội, sự thiếu hiểu biết về chính sách, pháp luật của bộ phận đồng bào DTTS; lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong việc thực hiện các chính sách đối với miền núi, dân tộc của Đảng, Nhà nước để kích động, tung tin bịa đặt, tuyên truyền phát triển các đạo giáo trái pháp luật, khống chế lôi kéo quần chúng chống chính quyền... Chính vì vậy, công tác VĐQC bảo vệ ANTT ở địa bàn DTTS càng có vai trò đặc biệt quan trọng, vừa có tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược. Tổ chức VĐQC bảo vệ ANTT ở địa bàn tập trung DTTS giúp xây dựng thế trận an ninh nhân dân, tạo cơ sở, điều kiện quan trọng lực lượng CAND ở các địa bàn DTTS kịp thời ngăn chặn, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm, nâng cao ý thức tự giác phòng, chống tội phạm của đồng bào các dân tộc, ý thức chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, luôn cảnh giác trước mọi âm mưu và thủ đoạn của kẻ thù, giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi các chính sách, các chương trình phát triển kinh tế, xã hội tại các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, từng bước xóa bỏ những hủ tục, tập quán lạc hậu, ổn định đời sống xã hội, tăng trưởng kinh tế, rút ngắn dần khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền.
Một số quan điểm cơ bản về VĐQC là người DTTS trong bảo vệ ANTT:
Một là, quán triệt quan điểm "Lấy dân làm gốc" trong công tác VĐQC các DTTS trong PNTP. Lực lượng CAND cần tin vào sức mạnh và khả năng, sự sáng tạo của đồng bào DTTS, không những dựa vào họ trong quá trình tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ở các vùng tập trung đồng bào DTTS sinh sống mà ngay trong tư duy nghiên cứu, chuẩn bị xây dựng chủ trương chính sách, đến quá trình thực hiện, kiểm tra giám sát, uốn nắn, sửa đổi chính sách, sách lược đấu tranh cũng phải dựa vào quần chúng đồng bào.
Hai là, đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân, kết
hợp hài hòa các lợi ích, thống nhất quyền lợi và nghĩa vụ của công dân vừa là
mục tiêu, vừa là động lực của công tác VĐQC đồng bào DTTS trong PNTP.
Ba là, VĐQC đồng bào DTTS trong PNTP phải gắn liền và phục vụ nhiệm vụ xây dựng
và phát triển kinh tế, xã hội. Đây là điều kiện quan trọng để thu hẹp những cơ
sở nảy sinh tội phạm; kinh tế - xã hội phát triển, đời sống mọi mặt được nâng
cao sẽ làm cho đồng bào phấn khởi tin tưởng, tự giác tham gia công tác xã hội
nói chung, trong đó có công tác bảo vệ ANTT nói riêng.
Bốn là, VĐQC phải gắn liền với tấn công tội phạm. Thực tiễn trong vùng đồng bào DTTS cho thấy, khi khí thế tham gia phòng chống tội phạm đã lên cao, tạo thành dư luận xã hội lên án cái xấu, cái ác, tạo thành phong trào toàn dân tố giác tội phạm thì sẽ làm cho bọn tội phạm không dám manh động, thu hẹp dần diện phạm tội, thúc đẩy tội phạm ra đầu thú, tạo nhiều thuận lợi cho công tác trấn áp.
Năm là, VĐQC đồng bào DTTS bảo vệ ANTT phải gắn liền với tổ chức xây dựng lực lượng CAND trong sạch vững mạnh.
ThS. Xa Trung Hưng- Vụ Dân tộc thiểu số-UBDT
[TT: PLN]