Bảo tồn và phát triển nghệ thuật ca múa nhạc của người Chăm ở Ninh Thuận

03:01 02/08/2013 Lượt xem: 1869 In bài viết

Nghệ thuật ca múa nhạc của người Chăm ở Việt Nam nói chung, Ninh Thuận nói riêng rất phong phú, đa dạng và độc đáo. Các điệu múa của người Chăm rất đẹp, nổi tiếng, giống như các vũ điệu của người Ấn Độ. Ngày nay, các bài múa còn lại của người Chăm như: Múa quạt, múa đội nước, múa vũ nữ Apsara… do các nghệ sĩ sưu tầm, nghiên cứu từ các điệu múa trên các pho tượng, các bức phù điêu, đài thờ trang trí trên các Tháp và trưng bày trong các bảo tàng để nâng lên ở tầm nghệ thuật. Nhạc cụ sử dụng cho các điệu múa này là trống Ginăng và kèn Saranai,… nghe rộn rã nhưng trữ tình, sâu lắng, thể hiện sức sống mãnh liệt của người Chăm. Ngoài ra, người Chăm còn có các điệu múa được thể hiện trong các nghi lễ như: Ông Ka-ing múa trong lễ hội Rija Nagar, Muk Rija múa trong các lễ múa như Rija Harei, Rija Dayap, Rija Praong…


Giữ gìn nghề truyền thống

Những năm qua, công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, phát huy và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm, trong đó có nghệ thuật ca múa nhạc được các cấp, các ngành quan tâm. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, hiệu quả còn hạn chế, bất cập, thể hiện rõ tại Đoàn nghệ thuật của người Chăm Ninh Thuận.

Sau ngày chia tách tỉnh (tháng 4/1992), Ninh Thuận thành lập Đội văn nghệ bán chuyên nghiệp của người Chăm, sau này đổi tên thành Đoàn Nghệ thuận Dân gian của người Chăm trực thuộc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Cán bộ và diễn viên trong Đoàn hầu hết là người Chăm - những người đam mê ca múa nhạc, có năng khiếu, là diễn viên nghiệp dư trong các đội văn nghệ ở các làng quê. Tuy nhiên hầu như không có người được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp tại các trường lớp về ca múa nhạc.

Từ khi thành lập đến nay, Đoàn thường đi lưu diễn ở khắp nơi trong nước nhân các ngày lễ lớn của đất nước, của dân tộc, ngày kỷ niệm của tỉnh, biểu diễn phục vụ các đoàn công tác của Trung ương, các tỉnh bạn và du khách. Đoàn thường biểu diễn những bài hát, điệu múa dân ca Chăm truyền thống và một số bài hát do các nghệ sỹ sáng tác dựa trên những làn điệu dân ca của người Chăm như: Bhum adei (Quê em của cố nghệ sỹ Đàng Năng Quạ), Kak tian ka anak nao bac (Một lòng nuôi con đi học của cố nghệ sỹ Tan Tu- Quảng Đại Tựu), Xuân về trên Tháp cổ, Làng Chăm ơn Bác, Bến nước tình yêu, Sợi chỉ đủ màu, Tình làng gốm, Vũ nữ Ápsara, ...(của nhạc sỹ Amư Nhân)... Các điệu múa quạt, múa đội nước, múa vũ nữ Apsara, múa Shiva và các điệu múa trong các nghi lễ của người Chăm do các nghệ sĩ Đặng Hùng, Thọ Thái và một số nghệ sĩ người Chăm Đàng Quang Dũng, Dương Tấn Đức... biên đạo.

Ngoài ra, ở các làng Chăm, trong dịp diễn ra lễ hội như: Lễ hội Rija Nưgar, lễ hội Katê, lễ hội Ramawan, lễ hội Suk Yeng ..., một số người Chăm đam mê ca múa nhạc cũng đã biên đạo cho các nghệ sỹ nghiệp dư biểu diễn trong các ngày diễn ra nghi lễ. Mặc dù không bài bản và điêu luyện như các đoàn nghệ thuật lớn, nhưng nhiều người thể hiện rõ năng khiếu với những lời ca, điệu múa rất có hồn, làm xúc động nhiều người xem.

Điều đáng suy nghĩ là từ ngày thành lập đến nay chưa có một diễn viên nào được quy hoạch, đào tạo qua các trường lớp chuyên nghiệp bài bản, mặc dù họ rất mong muốn được tập huấn ngắn hạn về các chuyên đề ca múa nhạc. Vì vậy, nhiều năm qua chưa có bài hát, điệu múa nào xuất hiện ở tầm nghệ thuật cao hơn dựa trên những bài ca, điệu múa Chăm truyền thống nên sự nghèo nàn các tiết mục múa và hát là khó tránh khỏi....

Về nghệ thuật múa, ngoài một số tiết mục như múa quạt, múa đội nước, múa Rija Praong (mà nhiều người nhầm lẫn, thường viết và đọc là múa Chàm rông), múa Shiva, ... do các nghệ sỹ múa biên đạo trên cơ sở các điệu múa truyền thống của dân tộc được biểu diễn nhiều lần thì đến nay, vẫn chưa có tiết mục múa nào được sáng tác mang tính hiện đại nhưng thể hiện rõ bản sắc của người Chăm... Như vậy, do thiếu vắng đội ngũ nghệ sỹ chuyên nghiệp, có tâm, có trình độ học vấn, có năng khiếu, có niềm đam mê và được đào tạo bài bản qua các trường lớp nên công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát triển ca múa nhạc của người Chăm còn nhiều hạn chế, chưa được nâng lên tầm nghệ thuật cao hơn, thậm chí nghèo đi, khô khan và thiếu lôi cuốn.

Để bảo tồn, phát huy và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Chăm nói chung, ở Ninh Thuận nói riêng, nhất là bảo tồn và phát triển lĩnh vực ca múa nhạc, cần phải quan tâm hơn nữa đến công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí và sử dụng hợp lý những người đang hoạt động lĩnh vực này. Nên chọn những người trẻ, có trình độ học vấn, có năng khiếu, đam mê và am hiểu lĩnh vực ca múa nhạc từ các làng quê, trong các đội văn nghệ nghiệp dư của các làng, trong đoàn nghệ thuật của người Chăm để đào tạo tại các nhạc viện; quan tâm hỗ trợ học phí; bố trí, sử dụng phù hợp sau khi được đào tạo. Với năng khiếu và lòng đam mê, nếu được sử dụng hợp lý, họ sẽ cống hiến hết mình cho nghệ thuật.


Thiếu nữa Chăm bên khung dệt

Bảo tồn để phát triển, phát triển nhằm bảo tồn có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại và bổ sung cho nhau. Có như thế, văn hoá truyền thống của dân tộc Chăm, trong đó có nghệ thuật ca múa nhạc sẽ không bị mai một mà được bảo tồn và phát triển liên tục từ quá khứ, hiện tại đến tương lai, góp phần làm phong phú nền văn hóa Việt Nam và thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khoá IX) về công tác dân tộc: “Làm tốt công tác nghiên cứu, sưu tầm, giữ gìn và phát huy các giá trị, truyền thống tốt đẹp trong văn hoá các dân tộc”.

ThS. Đổng Văn Dinh

[TT: PLN]